Cầm trên tay cả ngày, bạn có biết điện thoại của mình thực sự bẩn cỡ nào?
Điện thoại của bạn cực kỳ bẩn. Không phải chỉ bẩn theo nghĩa bám mồ hôi và dấu vân tay, mà nó còn chứa cả các mầm bệnh vô hình dưới mắt người nhưng vô cùng nguy hiểm.
- Vi khuẩn Trái Đất đang tàn phá mẫu vật ngoài hành tinh được Nhật Bản mang về từ nơi cách xa 300 triệu km
- Điện thoại màn hình gập và AI thất bại trong việc 'kích cầu': Thị trường smartphone 2024 đang phục hồi nhờ đâu?
- 5 điện thoại pin khủng trên 10.000mAh, cấu hình bình thường nhưng thiết kế "phi thường" cho người thích nồi đồng cối đá
- Khi bạn ốm, mẹ bạn bảo đó là do bạn chơi điện thoại quá nhiều: Liệu điều đó có đúng?
Đây là câu hỏi số 14 của chương trình Ai là triệu phú: Cái gì mà chúng ta thường mang đi khắp nơi, từ khi thức dậy cho tới khi đi làm, từ buổi chiều cho tới buổi tối, từ nhà vệ sinh ra tới bàn ăn, rồi lên giường ngủ? Hơn 90% mọi người cứ rời nó khỏi tay là cảm thấy bồn chồn, bứt rứt.
Nếu đáp án của bạn là điện thoại di động, thì xin chúc mừng, bạn đã trả lời chính xác! Mời bạn đến với câu hỏi số 15, cũng là câu hỏi cuối cùng: Điện thoại di động bẩn cỡ nào?
Theo một nghiên cứu của Đại học Arizona, Hoa Kỳ vào năm 2022, một chiếc điện thoại di động có thể chứa tới hơn 17.000 loại vi khuẩn. Ở mức độ này, nó bẩn hơn gấp 10 lần so với hầu hết các bồn cầu trong nhà vệ sinh.
Con số 10 cũng được chỉ ra trong một nghiên cứu của Đại học Surrey, Anh Quốc vào năm 2014. Theo đó, một số sinh viên theo học chuyên ngành vi sinh tại đây đã làm một thí nghiệm nhỏ. Họ thu thập các mẫu ốp điện thoại của sinh viên khác trong trường rồi nhúng chúng vào môi trường thạch tăng trưởng.
Thạch sẽ cung cấp cho vi khuẩn trên ốp điện thoại môi trường để phát triển thành khuẩn lạc. Chỉ 3 ngày sau, những chủng vi khuẩn tồn tại trên ốp điện thoại đã lộ diện và có thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Số lượng của chúng gấp 10 lần so với thí nghiệm tương tự với nắp bồn cầu.
Năm 2018, một nghiên cứu tương tự được thực hiện bởi công ty bảo hiểm Insurance2go, Anh Quốc cũng khẳng định điện thoại di động bẩn gấp 10 lần bồn cầu. Họ đã so sánh số lượng vi khuẩn trên màn hình điện thoại iPhone, Samsung Galaxy và Google Pixel để kiểm tra xem mẫu điện thoại nào dễ bám bẩn nhất.
Kết quả cho thấy điện thoại Samsung chứa tới 100 CFU (đơn vị hình thành khuẩn lạc – dùng để đánh giá số lượng tế bào vi khuẩn hoặc nấm) trên mỗi cm 2 màn hình. Theo sau đó là iPhone, 40 CFU/cm 2 và màn hình Google Pixel sạch nhất cũng chứa 12 CFU/cm 2 vi khuẩn và nấm.
Các khu vực khác của điện thoại cũng bẩn không kém, bao gồm mặt sau, phím khóa màn hình và nút home. Trong so sánh, bàn phím và chuột ở văn phòng có khoảng 5 CFU/cm 2 nấm và vi khuẩn. Con số ở bệ ngồi bồn cầu 10 CFU/cm 2 :
Gary Beeston tác giả nghiên cứu chia sẻ về ý tưởng khiến anh thực hiện thí nghiệm này. " Điện thoại là một vật bất ly thân, chúng ta mang điện thoại bên mình đi khắp mọi nơi. Vì vậy, không thể tránh khỏi việc chúng sẽ bị nhiễm vi khuẩn trên đường đi ".
" Trong thử nghiệm, chúng tôi đã thu thập vi khuẩn thường ẩn nấp trên điện thoại, chúng vô hình với chúng ta. Nhưng khi đặt trong điều kiện phát triển lý tưởng, mọi người sẽ nhìn thấy các vi khuẩn ẩn nấp ".
Tại sao điện thoại lại bẩn đến vậy?
Một cuộc khảo sát năm 2019 cho thấy cứ 3 người thì có 2 người thừa nhận họ có thói quen sử dụng điện thoại trong nhà vệ sinh. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các nghiên cứu phát hiện ra rằng điện thoại di động của chúng ta còn bẩn hơn cả bồn cầu.
"Ít ra thì bồn cầu còn được cọ rửa thường xuyên trong khi điện thoại và nhiều vật dụng cầm tay khác như máy nghe nhạc, điều khiển từ xa lại không thường xuyên được lau chùi bởi chúng là những thiết bị điện tử", Charles Gerba, một nhà vi sinh vật học tại Đại học Arizona cho biết.
Và không chỉ mang vào nhà vệ sinh, chúng ta còn thường đặt điện thoại lên mọi bề mặt xung quanh mình, từ bàn bếp để mở Youtube khi nấu nướng, nơi trước đó từng có đồ ăn sống, cho đến mặt bàn làm việc ở công ty, nơi chỉ được bạn thực sự lau chùi và dọn dẹp một năm một lần.
Chúng ta cũng thường đưa điện thoại của mình cho trẻ em chơi (những đứa trẻ không thực sự biết vệ sinh sạch sẽ cho lắm). Và rồi chúng ta cũng vừa ăn vừa sử dụng điện thoại, vừa cầm gà rán đầy mỡ đã vuốt lên màn hình điện thoại, vừa bóc tôm xong đã nhắn tin với bạn bè…
Ước tính mỗi ngày bạn đều chạm vào điện thoại của mình từ hàng trăm nếu không muốn nói là hàng nghìn lần. Và trong khi chúng ta đều rửa tay với xà phòng sau khi chạm vào bồn cầu trong nhà vệ sinh, chẳng mấy ai để ý đến việc phải rửa tay sau khi dùng điện thoại.
Đó chính là một lỗ hổng trong quy trình dịch tễ của thế kỷ 21, cho phép các mầm bệnh lẻn qua để xâm nhập và gây bệnh cho bạn.
Trong khi những lo ngại về sức khỏe liên quan đến việc sử dụng điện thoại ngày nay thường chỉ đề cập đến việc nó làm chúng ta mất tập trung khi lái xe, làm rối loạn nhịp sinh học vì ánh sáng xanh phát ra từ màn hình và các vấn đề sức khỏe tâm thần liên quan đến nghiện điện thoại hoặc nghiện mạng xã hội.
Nguy cơ nhiễm khuẩn từ điện thoại di động ít được đề cập tới – nhưng nó là một nguy cơ hoàn toàn có thật.
Điện thoại bẩn có thể khiến bạn bị bệnh nặng vì vi khuẩn kháng kháng sinh
Shirin Lakhani, một bác sĩ người Anh với 25 năm kinh nghiệm trong ngành da liễu và thẩm mỹ cho biết vi khuẩn từ điện thoại sẽ bắt đầu gây ra vấn đề khi chúng vượt được qua hàng rào bảo vệ đầu tiên của cơ thể, làn da.
" Điện thoại thông minh hiện nay là một nguồn lây nhiễm bệnh da liễu hàng đầu, cụ thể như mụn trứng cá ", cô nói. "Khi bạn áp điện thoại lên má, nó có thể lây nhiễm vi khuẩn sang da mặt, cộng với dầu, sức nóng từ điện thoại và đôi khi cả phấn trang điểm ở phụ nữ làm tăng khả năng gây tắc nghẽn lỗ chân lông, gây viêm và mụn".
Từ trước đến nay, các chuyên gia da liễu đã khuyến cáo mọi người không chạm tay lên mặt vì điều đó có thể gây ra mụn. Nhưng trong thời đại của điện thoại di động, những cái chạm từ từ màn hình điện thoại rồi lên mặt thậm chí còn nguy hại gấp trăm lần.
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra nhiều chủng vi khuẩn kháng kháng sinh mạnh xuất hiện trên điện thoại di động, ví dụ như Actinobacteria, Citrobacter, Enterococcus, Klebsiella, Micrococcus, Proteus, Pseudomonas và Streptococcus.
Sau khi nhiễm vào da, chúng có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng mạn tính. Những vi khuẩn này có thể tìm kiếm các cơ hội để lây nhiễm vào đường tiết niệu, đường hô hấp, hệ tiêu hóa thậm chí cả não bộ con người.
Vi khuẩn cũng có thể gây ra nhiễm trùng máu trong các đợt nhiễm bệnh cơ hội, như khi hệ miễn dịch của người bệnh bị suy giảm vì điều trị ung thư, sử dụng thuốc chống thải ghép sau khi cấy ghép nội tạng, nhiễm HIV...
Bởi các chủng vi khuẩn này kháng kháng sinh, nhiễm trùng máu hoặc màng não có thể đồng nghĩa với nguy cơ tử vong.
Ngoài ra, điện thoại còn chứa các mầm bệnh thông thường khác như E. coli gây tiêu chảy (nhân tiện, nó đến từ phân người). Trên đó cũng có thể chứa virus gây cảm lạnh, được các thí nghiệm khoa học chứng minh là có thể sống tới 7 ngày trên bề mặt điện thoại.
Các loại virus khác như COVID-19, vi-rút rota (một loại virus dạ dày có khả năng lây nhiễm cao thường ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ), virus cúm và norovirus - có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp và đường ruột nghiêm trọng cũng xuất hiện trên điện thoại và có thể sống vài ngày.
Cách để khử khuẩn điện thoại an toàn
Vì vậy, không còn gì phải nghi ngờ, điện thoại của bạn cực kỳ bẩn. Không phải chỉ bẩn theo nghĩa nó bám mồ hôi và dấu vân tay, mà còn chứa cả các mầm bệnh nguy hiểm. Cả ba chuyên gia của chúng ta, Charles Gerba, Gary Beeston và Shirin Lakhani đều khuyến cáo bạn nên vệ sinh khử khuẩn điện thoại di động của mình thường xuyên.
Nhưng bằng cách nào?
Hóa ra, bạn có thể sử dụng công thức của những anh chàng dán màn hình dạo trên vỉa hè: Lấy một chiếc khăn vải hoặc khăn giấy, thấm cồn 70 độ và lau một lượt trên màn hình cảm ứng, vỏ và cả ốp điện thoại.
Lưu ý, không xịt cồn trực tiếp vào điện thoại và giữ chất lỏng cách xa các điểm kết nối hoặc các lỗ hở khác của điện thoại. Tuyệt đối tránh sử dụng thuốc tẩy hoặc chất tẩy rửa có tình mài mòn vì chúng có thể làm hỏng màn hình cảm ứng của bạn.
Đừng quên rửa tay thật sạch sau khi lau xong.
Trong khi một số loại điện thoại có tính năng chống nước có thể được rửa xà phòng như cách bạn rửa tay, điều này không được các chuyên gia khuyến cáo. Nếu bạn thực sự muốn tiêu diệt vi khuẩn trên điện thoại của mình một cách triệt để hơn, bạn có thể lau cồn nhiều lần trong ngày hoặc sử dụng thiết bị khử trùng điện thoại chuyên dụng.
Các thiết bị này phát ra tia UVC, một loại bức xạ cũng thường được sử dụng để khử khuẩn ở bệnh viện vào ban đêm, có tác dụng diệt khuẩn mạnh. Tuy nhiên, hãy cẩn thận với loại bức xạ này, đừng để chúng tiếp xúc với mắt và da, vì UVC có năng lượng cao cũng có thể gây hại cho bạn.
Cuối cùng, hãy suy nghĩ về cách dùng điện thoại của mình sẽ giúp bạn ngăn vi trùng xâm nhập vào điện thoại ngay từ ban đầu. Khi không ở nhà, hãy để điện thoại trong túi hoặc túi xách và sử dụng danh sách các việc cần làm bằng giấy dùng một lần, thay vì liên tục tra cứu điện thoại.
Chạm vào điện thoại của bạn bằng tay sạch – rửa bằng xà phòng và nước hoặc khử trùng bằng nước rửa tay khô chứa cồn.
Có những điều khác bạn có thể làm để tránh điện thoại của mình trở thành ổ vi khuẩn. Ví dụ như không dùng chung điện thoại với người ốm. Không sử dụng điện thoại trong nhà vệ sinh. Nếu bạn cho trẻ em nghịch điện thoại của bạn, hãy nhớ vệ sinh nó càng sớm càng tốt sau đó.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng
Bên cạnh những nâng cấp về phần cứng, Galaxy S25 Ultra được Samsung chú trọng vào các tính năng Galaxy AI mới.
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra