Bạn sẽ phải ăn hàng triệu chiếc bánh nếu muốn có thể chạy nhanh như siêu anh hùng nói trên.
Barry Allen được biết đến một siêu anh hùng giấu mặt, ngôi sao của series phim “The Flash”, nổi tiếng cùng khả năng di chuyển với tốc độ không tưởng, giúp anh đánh bại những ác nhân cũng như cứu giúp người dân vô tội.
Nhưng năng lực có 1 không 2 này đi kèm với việc tiêu tốn một khoản năng lượng khổng lồ, làm dấy lên câu hỏi tưởng chừng xa vời nhưng lại rất thực tế: Lượng thức ăn Flash cần là bao nhiêu để có thể hỗ trợ mình trong mỗi nhiệm vụ?
Để giải đáp thắc mắc này, Tech Insider đã có cuộc trò chuyện với nhà vật lý học James Kakalios tại Đại học Minesota (Mỹ), đồng thời là tác giả cuốn sách “The Physics of Superheroes”.
Cuộc bàn luận có liên hệ tới một vài bài viết trước đây, với nội dung về việc Allen (nam diễn viên Grant Austin thủ vai) cần những gì để có thể duy trì khả năng của mình. Nhưng trong một cái nhìn toàn cảnh và sâu sắc hơn về cuộc sống của một siêu anh hùng, chúng ta cần tập trung vào khía cạnh tưởng như nhỏ bé mà lại rất quan trọng, mật thiết đối với siêu tốc độ: Chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Mức độ calories, theo như tính toán là cần thiết cho Flash, quả thực là một con số gây sốc. Dù vậy, để hiểu rõ hơn về việc làm cách nào để khám phá ra con số ấy, trước tiên, chúng ta cần tự suy xét lại xem: Số lượng thức ăn thế nào là đủ cho một người bình thường cần để có thể sinh hoạt, chạy nhảy, vui chơi thường ngày.
Calories – Bài toán rắc rối
Dù cho thời đại ngày nay có biết bao loại máy với chức năng đo lượng calories tiêu tốn, dự tính được năng lượng được đốt cháy hằng ngày chưa bao giờ là đơn giản. Theo cách tính cổ truyền, 100 calories tương ứng với việc chạy/đi 1 dặm, không kể tốc độ. Lời giải thích cho quy luật này nằm ở chỗ, nếu bạn chạy thay vì đi bộ, bạn sẽ đốt cháy năng lượng nhanh hơn, nhưng cũng đồng nghĩa với việc tốn ít thời gian, vốn là nhân tố cân bằng, bảo toàn tỉ lệ trên.
Nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng thật ra nhận định trên có vẻ chưa hoàn toàn chính xác. Di chuyển ở những tốc độ khác nhau cũng đi kèm với nhiều mức độ sải chân và loại hình cơ học, từ đó bắt buộc cơ thể sử dụng nhiều năng lượng hơn để sản sinh ra lực cần thiết.
Bên cạnh đó, vận động viên chạy đường dài thế giới, người đã giành giải vô địch cuộc thi Marathon tại Boston năm 1968, Amby Burfoot, đã vạch trần sự thật về quy luật “100 calories 1 dặm” vào năm 2005, trích dẫn một nghiên cứu liên quan về việc tốc độ và cách chúng ta di chuyển thật sự có mối liên hệ mật thiết đến lượng calories mất đi:
“Khác hẳn với những gì chúng ta thường nghĩ, chạy và đi bộ không tương quan lẫn nhau. Khi một người đi bộ, anh ấy thường giữ thẳng chân, và trọng tâm chủ yếu dàn đều lên phía trên bắp chân của mình. Nhưng khi chạy, thật ra chúng ta đang “nhảy” liên tục từ bước chân này đến bước chân kia. Mỗi bước nhảy khiến trọng tâm cơ thể nâng cao lên khi ở trong không trung, và lại hạ thấp khi tiếp đất, như hệ quả là việc ta thường chùng gối cong xuống để giảm lực va chạm. Sự thay đổi trọng tâm liên tục luân phiên như vậy vốn là chuỗi ví dụ minh họa cho định luật vật lý Newton, cần đến một năng lượng đáng kể để chiến thắng trọng lực, cả khi nhảy lên và tiếp đất.”
Những bước giậm, sải chân nhanh đòi hỏi nhiều công sức hơn, song song với việc khoảng thời gian trong không trung càng lâu, chân bạn càng phải được cung cấp năng lượng tương ứng để hấp thu phản lực từ việc chạm đất. Không chỉ có vậy, lực cản của không khí cũng là một yếu tố tác động không nhỏ.
Một điều cần phải biết nữa, đó là chạy nhanh hay nước rút khiến cơ thể rơi vào trạng thái cần một lượng oxy dồi dào, liên tục, đồng thời chuyển sang đốt năng lượng dự trữ dưới dạng glycogen trong cơ bắp. Sự mất mát này có thể mất đến vài ngày để hồi phục, vì vậy một khi trải qua, chúng ta khó có thể duy trì nhịp độ ấy về lâu dài.
Hơn nữa, hệ trao đổi chất ngay ở người thường đã là cả một quy trình xử lý tinh vi, phức tạp. Do đó, câu trả lời cho bài toán calories với một siêu anh hùng trong tưởng tượng lại càng nan giải, có lẽ là không có cơ sở cho lời giải đáp. Chẳng hạn, đâu là con số biểu hiện cụ thể cho năng lượng mà The Flash cần để thắng được lực cản không khí khi di chuyển với tốc độ siêu âm?
Mức độ nào mới là đủ cho The Flash?
Lời giải thích được coi là chuẩn xác nhất cho siêu tốc độ của Allen, có thể hiểu nôm na, là “tốc lực” – một nguồn năng lượng thần bí, tồn tại ở chiều không gian riêng biệt, có mối quan hệ mật thiết với The Flash cũng như các siêu anh hùng có sức mạnh điều khiển tốc độ phi thường khác. Nhưng tạm thời hãy tạm dừng bàn luận về những kịch bản truyện hấp dẫn đó mà tập trung vào vấn đề thực tế: Vậy năng lượng The Flash cần, từ góc độ dinh dưỡng, là bao nhiêu?
Chắc chắn việc lai rai, ăn vặt liên tục trong ngày không thể là giải pháp đúng đắn. Thậm chí ngay cả thanh năng lượng đặc biệt được phát minh bởi người bạn Cisco Ramon, dù có chứa những yếu tố góp phần hỗ trợ Allen thiết lập kết nối “hố giun” (wormhole), cũng chỉ đóng một vai trò nhỏ.
Đáp lại những câu hỏi, thắc mắc trên, Kakalios đã cung cấp những số liệu ban đầu về lượng thức ăn tương ứng với năng lượng mà Barry Allen cần. Và nó thật sự là một con số vượt quá sức tưởng tượng: “200 triệu chiếc burger pho mát cho một lần sử dụng năng lực siêu tốc độ!”
200 triệu chiếc burger pho mát tương đương bao nhiêu calories? Tất nhiên điều đó phụ thuộc ở từng thành phần và tỷ lệ trong mỗi chiếc bánh khác nhau, nhưng hãy cùng chọn một ví dụ phổ biến, tiêu biểu nhất: chiếc McDonald’s Cheeseburger.
Một sản phẩm này của hãng McDonald chứa khoảng 300 calories, vậy 200 triệu chiếc như vậy cung cấp lượng calories lên đến 60 tỷ. Và giả sử mỗi chiếc bánh nặng 4 ounces, tổng khối lượng sẽ xấp xỉ 7.5 triệu tấn. Những con số trên có thể sánh ngang 15 tòa Burj Khalifas – tòa nhà cao nhất thế giới – được làm hoàn toàn từ cheeseburger.
Chưa kể đến những vấn đề liên quan về đường ruột và tiêu hóa, tiêu thụ một lượng calories như vậy, nếu là sự thật, cũng sẽ dẫn đến một nguy cơ tiềm ẩn khác về sự thiếu hụt, cạn kiệt nguồn thức ăn toàn cầu. “Sự tận diệt.” – một cách đơn giản mà rõ ràng, Kakalios phát biểu.
Tham khảo TechInsider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng