Với cân nặng ước tính khoảng 605 tấn, sinh vật này đánh bại mọi loài vật trên Trái đất để trở thành loài có kích cỡ cơ thể lớn nhất.
Nếu được hỏi, sinh vật lớn nhất trên Trái đất là gì - bạn sẽ trả lời sao? Hẳn không ít bạn sẽ nhanh nhảu nói rằng, sinh vật này đích thị là cá voi hay cá nhà táng bởi sự đồ sộ đến choáng váng của chúng.
Tuy nhiên, tên tuổi về loài sinh vật lớn nhất hành tinh mới được công bố gần đây khiến không ít người phải ngã ngửa bởi - danh hiệu này thuộc về một loài… nấm có tên Armillaria.
Thật đáng ngạc nhiên phải không? Giờ chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cận cảnh về loài sinh vật này, và tại sao nó lại được mệnh danh là “sinh vật lớn nhất quả đất" nhé.
Nấm Armillaria - nấm sát thủ với các cây đại thụ
Sống chủ yếu ở châu Mỹ, trải dài khắp châu lục từ Canada tới Brazil, nấm Armillaria là một loài nấm sống ký sinh trên các thân cây, từ những bụi cây nhỏ tới những cây gỗ lớn.
Bên cạnh tên khoa học là Armillaria, loài nấm này còn được gọi là “Nấm mật ong” hoặc “Humongous Fungus”.
Nấm Armillaria.
Đây là một loài nấm có hại đối với thực vật. Chúng được xác định là tác nhân gây bệnh thối trắng rễ cây trong rừng và có thể xâm chiếm toàn bộ rừng già.
Chưa dừng lại ở đó, loài nấm này không chỉ “ăn nhờ ở đậu” như những loài ký sinh khác mà chúng “ăn bám” dai dẳng tới mức có thể giết chết thân cây vật chủ. Chúng còn chứa một số enzym đặc biệt giúp chúng có khả năng tự phát sáng trong bóng tối.
Các thân cây bị "bám càng" như thế này thường sẽ phải chết..
Vì sao nấm Armillaria là sinh vật có cơ thể lớn nhất?
Thực chất, mỗi cá thể nấm Armillaria có kích thước khá nhỏ, không có gì quá lạ lẫm. Thế nhưng, loài nấm này có một bộ rễ vô cùng đặc biệt, giúp mỗi cá thể có khả năng liên kết với cá thể nấm Armillaria khác.
Rễ của nấm mật ong liên kết với nhau thành một cơ thể đồng nhất.
Loài nấm này sinh sôi nảy nở rất đơn giản. Chúng có thể phát triển ngay sau khi trời mưa hoặc khi gặp thời tiết ẩm. Chúng thường cư ngụ để hút chất dinh dưỡng trên những thân cây còn sống hay cố nốt những gì còn sót lại ở thân cây đã chết.
Khi một cây nấm Armillaria được đặt cạnh một người họ hàng khác, rễ cây của chúng sẽ ngay lập tức bắt sóng nhau và kết nối, “dung hợp” để tạo thành một thể thống nhất.
Nhờ việc này, những cá thể nấm Armillaria mọc ký sinh trên những thân cây sống sẽ có đủ dinh dưỡng để nuôi những cá thể mọc trên cây "chết". Và một khi đã... “về cùng một nhà”, chỉ cần một cây nấm đi kiếm dinh dưỡng cũng có thể nuôi sống cả một mạng lưới quần thể.
Điểm đặc biệt là ở chỗ khi những chiếc rễ được kết nối, những cây nấm sẽ ngay lập tức mang một bộ gene giống nhau. Chính nhờ khả năng này, một quần thể nấm Armillaria, dù có cấu tạo từ rất nhiều cây nấm, nhưng vẫn được công nhận là một cơ thể duy nhất - đúng hơn là "đại cơ thể" Armillaria.
Trên Trái đất có rất nhiều “đại cơ thể” như vậy, một trong số đó có "cá thể nấm" được tìm thấy ở rừng quốc gia Malheur, bang Oregon (Mỹ) được xem là lớn nhất hành tinh. "Đại cơ thể" này rộng tới 10km vuông - tương đương với 0,14% diện tích khu rừng.
Các cụm nấm này đều liên kết với nhau.
Không chỉ sở hữu phần cơ thể khổng lồ, cân nặng của nấm Armillaria cũng khiến nhiều người khiếp sợ.
Theo ước tính, “đại cơ thể” gồm cả triệu cây nấm Armillaria này nặng tới 605 tấn - một con số mà không một sinh vật nào có thể “đỡ” nổi.
Nhưng không chỉ vậy, để có được một đại cơ thể "lớn nhất hành tinh", quần thể nấm còn có số tuổi khủng - khoảng 2.400 đến 8.650 năm.
Với việc liên tục kết nạp thêm thành viên mới vào hội, "đại cơ thể" nấm Armillaria có tuổi đời khổng lồ cũng là điều tất yếu.
Theo Kênh14/Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng