Cẩn trọng trước các chiêu "câu khách" hấp dẫn của Temu
VOV.VN - Temu tung nhiều chiêu thức hấp dẫn để câu khách và đẩy mạnh tiếp thị liên kết (affiliate) với mức chiết khấu, hoa hồng cao ngất ngưởng để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam.
- Thứ trưởng Bộ Công Thương: "Tôi cũng giật mình vì giá hàng hóa trên Temu"
- Tải Temu về dùng thử ở Việt Nam: Mẫu mã nhiều, giảm giá mạnh, không ít đánh giá 1 sao, chưa bằng sàn lớn khác ở 2 điểm này
- Ứng dụng mua sắm Temu vừa vào Việt Nam là gì: Vì sao một quốc gia Đông Nam Á phải ban lệnh cấm?
- Ứng dụng thương mại điện tử Temu vào Việt Nam: Những mối lo mới cho thị trường
- Lễ hội mua sắm trực tuyến lớn nhất thế giới chứng kiến sự khốc liệt chưa từng có: Các sàn TMĐT truyền thống lao đao trong cuộc chiến 160 tỷ USD với TikTok, Temu
Tung nhiều chiêu “câu khách”
Vừa hiện diện tại Việt Nam chưa bao lâu, “gã khổng lồ” mua sắm trực tuyến mang tên Temu (có nguồn gốc từ Trung Quốc) đã “khuynh đảo” trên thị trường mua sắm và “gây bão” mạng xã hội. Temu đã tung hàng loạt chiêu thức hấp dẫn để câu khách và đẩy mạnh tiếp thị liên kết (affiliate) với mức chiết khấu, hoa hồng cao ngất ngưởng để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường đầy tiềm năng này.
Theo giới thiệu của Temu, việc đăng ký thành đối tác kiếm tiền trên sàn thương mại điện tử này khá đơn giản, ai cũng có thể tham gia. Tải ứng dụng mua hàng Temu được hưởng nhiều ưu đãi, trả thưởng cao cho những người giới thiệu khách mới tải app, tham gia chương trình tiếp thị liên kết...
Dù mới ra mắt nhưng Temu rất hào phóng "tri ân" cho người tham gia giới thiệu sàn đến người khác. Với mỗi người giới thiệu thành công và mua hàng, số tiền có thể nhận được lên tới 150.000 đồng/người kèm hoa hồng từ đơn hàng. Bằng việc phát triển các "chân rết" nhanh và mạnh, Temu chẳng mấy chốc đã "nổi như cồn" tại Việt Nam sau chưa đầy 1 tháng xuất hiện.
Trước khi thâm nhập thị trường Việt Nam, Temu đã "làm mưa làm gió" trên nhiều thị trường quốc tế, trong đó có Mỹ với khẩu hiệu "Mua sắm như tỷ phú", thu hút lượng lớn người mua sắm săn hàng giá rẻ, bởi một trong những chiến lược kinh doanh chủ yếu của Temu là bán hàng giá rẻ "sập sàn". Có những sản phẩm rao bán trên Temu được giảm giá tới 90%, miễn phí giao hàng, giá rẻ gần như cho không.
Trên các trang mạng xã hội có nhiều phản hồi trái ngược nhau về lợi ích cũng như mặt tiêu cực của sàn thương mại điện tử Temu trên thị trường Việt Nam. Có khách hàng đánh giá, hàng hóa trên Temu là các mặt hàng trung cấp có mức khá thấp khi so với các trang bán hàng quốc tế khác. Mua sắm trên Temu lúc này đang rất có lợi vì được hưởng nhiều ưu đãi, quà tặng...
Nhưng cũng có khách hàng lo lắng về chất lượng hàng hóa và phương thức thanh toán khi mua hàng trên Temu hiện nay. Nền tảng này hiện vẫn chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng (không phải ví điện tử địa phương) và chưa cho phép người dùng Việt Nam thanh toán khi nhận hàng. Cũng mới chỉ có hai đơn vị cung cấp dịch vụ hậu cần (Ninja Van và Best Express) được kết nối.
Khách hàng cũng lên tiếng về sự cần thiết phải đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, phải kiểm soát chất lượng hàng hóa. Cần cấm hàng hóa độc hại và chứa chất có hại cho sức khỏe, không thể "thả nổi" cho hàng hóa kém chất lượng tung hoành trên các shop online.
Một số người cũng bày tỏ lo lắng về sự ảnh hưởng của sàn Temu đến sản xuất nội địa của Việt Nam, cũng như khả năng bán phá giá các mặt hàng tại thị trường trong nước.
Chia sẻ trên trang zqdropshipping.com, ông Sam Xia – chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử cho hay, một trong những lý do chính khiến Temu có thể đưa ra mức giá cực kỳ thấp là trợ cấp chi phí vận chuyển. Không giống như nhiều nền tảng thương mại điện tử khác, Temu chịu chi phí vận chuyển cho khách hàng, đặc biệt là giao hàng quốc tế. Điều này cho phép người mua được hưởng mức giá thấp mà không có phí ẩn, khiến nó trở nên hấp dẫn hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Thêm vào đó, Temu loại bỏ các khâu trung gian truyền thống như nhà nhập khẩu và nhà phân phối, tìm nguồn cung ứng trực tiếp từ các nhà sản xuất Trung Quốc. Mô hình Nhà sản xuất đến Người tiêu dùng (M2C) này giúp giảm đáng kể chi phí sản phẩm, tránh chênh lệch giá bán lẻ và chi phí trung gian.
Có phải "của rẻ là của ôi"?
Do lượng người bán và sản phẩm trên Temu rất lớn nên sàn thương mại điện tử này được cho là không kiểm soát được chất lượng của các sản phẩm bán ra. Một khảo sát của tổ chức chuyên đánh giá về uy tín của các doanh nghiệp trên toàn cầu TrustPilot cho thấy khoảng 15% người dùng Temu phàn nàn về chất lượng sản phẩm mà họ đã đặt mua.
Quan điểm về chất lượng sản phẩm trên Temu thường phụ thuộc vào trải nghiệm của người mua. Một số khách hàng đã kêu ca về việc sản phẩm không giống như hình ảnh trên mạng. Nhưng với mức giá thấp như vậy, điều này cũng không quá ngạc nhiên.
Giống như nhiều nhà bán lẻ giá rẻ khác, Temu cũng vấp phải những câu hỏi về tác động môi trường khi bán những sản phẩm giá thấp với số lượng lớn.
Mới đây, trang Channelnewsasia đưa tin dép bán trên Temu được phát hiện có chứa chì ở đế, với mức cao hơn 11 lần so với giới hạn cho phép. Phát hiện này có thể khiến nhiều người mua sắm trực tuyến phải suy nghĩ lại về việc thêm sản phẩm vào giỏ hàng của mình.
Trước đó, vào giữa tháng 8 vừa qua, tờ Le Monde cũng lên tiếng cảnh báo sản phẩm của Temu bị phát hiện chứa hàm lượng hóa chất độc hại cao.
Chia sẻ trên báo Lao Động, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết: Sàn thương mại điện tử Temu mới xuất hiện tại Việt Nam, chưa công bố chính thức vào Việt Nam, nên hiện chưa có đánh giá cụ thể.
Về việc giá hàng hóa, sản phẩm quá rẻ có ảnh hưởng đến hàng hóa sản xuất trong nước hay không, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho hay, vẫn đang ở giai đoạn "theo dõi, giám sát" để có thông tin tổng hợp.
Trên thực tế, có thể thấy rủi ro đối với khách mua hàng trên Temu đã hiện hữu. Temu chưa cho phép người dùng Việt Nam sử dụng hình thức thanh toán khi nhận hàng. Nghĩa là người dùng phải thanh toán ngay khi đặt hàng bằng thẻ tín dụng hoặc Apple/Google Pay, sau đó mới nhận hàng. Mua hàng kiểu này khiến người tiêu dùng bất an, khó đổi, trả hoặc nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Temu đã thông tin về quy trình trả hàng, song sàn thương mại điện tử xuyên biên giới này cũng khó có khả năng đáp ứng nhu cầu đổi, trả sản phẩm và hoàn tiền cho khách bởi lượng khách lớn và các món hàng đôi khi giá trị cũng rất thấp. Do đó, người tiêu dùng Việt vẫn cần phải "thông thái" để lựa chọn địa chỉ mua hàng tin cậy và mua sắm online một cách thông minh sau khi tìm hiểu kỹ, đánh giá ưu - nhược điểm của từng sàn giao dịch.
Temu là sàn bán lẻ thương mại điện tử xuyên biên giới được điều hành bởi công ty thương mại điện tử Trung Quốc PDD Holdings (công ty mẹ của Pinduoduo, một trong những nền tảng mua sắm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc. Nền tảng thương mại điện tử chuyên bán hàng giá rẻ này ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9/2022 và nhanh chóng mở rộng nhanh đến Canada, Australia, New Zealand và nhiều quốc gia ở châu Âu và Đông Nam Á. Từ tháng 9 năm ngoái, Temu có mặt tại Philippines và đến tháng 10 năm nay, sàn thương mại điện tử này đã vào Việt Nam.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng