Cảnh sát Hong Kong đã bắt giữ 21 tài xế Uber vào hôm thứ Ba vừa qua vì tội thuê xe bất hợp pháp. Đây là một phần trong nỗ lực mới nhất của giới cảnh sát nhằm hạn chế hoạt động của Uber tại Hong Kong.
Theo Fortune, cảnh sát Hong Kong cho biết là họ đã bắt đầu hoạt động điều tra bí mật từ đầu tháng 5 bằng cách cử người giả trang thành khách hàng của Uber. Kết quả là vào hôm thứ Ba vừa qua, tức 23/5, họ đã có đủ bằng chứng để bắt giữ 21 tài xế Uber, bao gồm 20 đàn ông và 1 phụ nữ có độ tuổi từ 21 đến 59 vì các tội danh thuê xe trái phép và lái xe khi không có bảo hiểm.
"Tôi muốn nhấn mạnh là những hành động thực thi pháp luật của chúng tôi vẫn đang được tiếp tục tiến hành và chúng tôi không loại trừ khả năng sẽ có thêm các vụ bắt giữ khác", Lau Tai-fai, một thanh tra cảnh sát cho biết.
"Chúng tôi muốn nói với các nhà điều hành của ứng dụng di động như Uber, nếu là một tổ chức có trách nhiệm, các bạn cần phải đảm bảo được là những chiếc xe được thuê phải có đầy đủ giấy phép theo quy định của Hong Kong", ông Lau cho biết thêm, "Đó là trách nhiệm cơ bản đối với hành khách và thể hiện sự tôn trọng đối với pháp luật của Hong Kong".
Ngoài ra, ông Lau cũng khẳng định là những ai có hành vi hỗ trợ hoặc xúi giục tài xế vi phạm pháp luật cũng sẽ bị cảnh sát truy cứu trách nhiệm.
Trả lời khi được hỏi về vụ việc, một phát ngôn viên của Uber cho biết là công ty đã "cực kì thất vọng" trước hành động này của cảnh sát Hong Kong.
"Chúng tôi đứng về phía 21 tài xế bị bắt giữ và gia đình của họ. Uber sẽ tiếp tục hỗ trợ họ, bao gồm cả những hỗ trợ pháp lý trong thời điểm khó khăn này", đại diện của Uber cho biết.
Bên cạnh đó, Uber còn cho biết là hãng đang áp dụng một chính sách bảo hiểm đi chung xe có giá trị lên tới 10.000 USD Hong Kong (khoảng 24 triệu đồng) mỗi chuyến cho các tài xế và bên thứ 3. Theo Uber, điều này hoàn toàn phù hợp với các quy định về bảo hiểm của Hong Kong.
"Dịch vụ đi chung xe không phải là một điều phạm pháp. Hong Kong là một thành phố được biết tới nhờ vào việc dẫn đầu những xu hướng kinh tế và công nghệ trên toàn cầu. Tuy nhiên, những quy định hiện nay về dịch vụ vận tải của Hong Kong đã thất bại trong việc bắt kịp đà phát triển", Uber cho biết.
Uber còn khẳng định là sẽ làm việc với các quan chức Hong Kong, đặc biệt là với các quan chức sắp được bổ nhiệm để giải quyết những vấn đề hiện nay.
Đây không là vụ bắt giữ tài xế Uber đầu tiên được cảnh sát Hong Kong tiến hành. Trước đó, vào hồi tháng 3, một tòa án tại Hong Kong đã tuyên bố 5 tài xế Uber phạm tội và phải chịu mức phạt 10.000 USD Hong Kong mỗi người. Những tài xế này còn bị thu hồi bằng lái xe trong vòng 1 năm nhưng hình phạt này đã bị hủy bỏ sau khi đơn kháng án của họ được xem xét.
Sau vụ việc kể trên, Uber đã tiến hành nhiều hoạt động quảng cáo rầm rộ tại Hong Kong như thuê các trang báo lớn để quảng cáo cũng như tặng vé máy bay và áo thi đấu của câu lạc bộ Manchester United cho một số hành khách sử dụng dịch vụ của hãng.
Không chỉ Hong Kong, Uber cũng đang gặp khó tại một thị trường Châu Á khác là Đài Loan. Vào đầu năm nay, Uber đã phải rút mọi hoạt động ra khỏi Đài Loan sau một lệnh cấm của chính quyền nơi đây. Tuy nhiên, sau vài tháng gián đoạn, Uber đã xin được giấy phép để bắt đầu quay trở lại kinh doanh tại Đài Loan vào tháng trước.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng