Canon AE-1: sự lựa chọn hợp lý khi mới nhập môn nhiếp ảnh Analog

    Thi Kris,  

    Mặc dù đã ngừng sản xuất từ năm 1984, Canon AE-1 vẫn rất phổ biến và được nhiều nhiếp ảnh gia Analog ưa chuộng.

    Với nhiều người chơi máy ảnh Film, việc lựa chọn "vợ hai" không phải là một điều dễ dàng, nhất là khi những máy ảnh SLR (single-lens reflex) hầu hết đều có tuổi đời khá lâu và khả năng hoạt động không còn hoàn hảo. Vì lẽ đó, những chiếc máy ảnh Analog "nồi đồng cối đá" như Praktica MTL 5B, Canon FTb, Canon AE-1, các dòng Nikon F, hay Pentax K đều được nhiều người chơi săn lùng.

    Trong khuôn khổ bài viết này, AE-1 sẽ là ứng viên được chọn nhằm giúp người chơi có cái nhìn khái quát nhất về dòng máy phổ thông một thời của Canon.

    Lịch sử và thông số

    Canon AE-1 là dòng máy SLR khổ 35mm, được sản xuất bởi Canon Camera K. K. vào giai đoạn 1976 đến 1984 với 2 phiên bản màu đen và đen - bạc. Máy sử dụng pin 4LR44/4SR44 6V, hệ thống ngàm FD đi kèm với khả năng lấy nét theo đường cắt, tốc độ màn trập từ 2 giây đến 1/1000 giây và cũng không thiếu đi chế độ Bulb để người dùng có thể phơi sáng.

    Canon AE-1 khi so sánh với thiết kế hoài cố trên máy Fujifilm X-T10.
    Canon AE-1 khi so sánh với thiết kế hoài cố trên máy Fujifilm X-T10.
    Canon AE-1 so sánh với Fujifilm X-T10
    Canon AE-1 so sánh với Fujifilm X-T10

    Điểm mạnh

    1. Tính đại trà của Canon AE-1 và hệ thống lens ngàm FD

    Canon AE-1 rất phổ biến nên không khó để tìm một chiếc tại Việt Nam, một phần vì giá thành khá dễ chịu, phần khác bởi hệ thống lens ngầm FD rất phong phú. Vì vậy nhiều cửa hàng có xu hướng đặt mua chiếc máy này nhằm phục vụ nhu cầu "nhập môn" cho những tín đồ yêu thích nhiếp ảnh hoài cổ.

    Ngoài ra, chính nhờ tính đại trà và phổ biến mà khá nhiều người chơi chiếc máy này, đó cũng là một lợi thế cho việc tìm bạn cùng chơi, chia sẻ kinh nghiệm và hơn hết việc tìm phụ kiện thay thế và sửa chữa ở Việt Nam là điều không khó.

    Hashtag #canonae1 trên cả Instagram và Facebook đều rất thịnh hành.
    Hashtag #canonae1 trên cả Instagram và Facebook đều rất thịnh hành.
     Hệ thống lens ngàm FD rất đa dạng và khá dễ săn lùng.

    Hệ thống lens ngàm FD rất đa dạng và khá dễ săn lùng.

    2. Độ bền và dễ sử dụng

    Nói về dòng máy ảnh của Canon, không ai có thể phủ nhận tính thân thiện của chúng, và dòng máy Film cũng vậy, người chơi có thể mày mò và biết cách sử dụng trong vài phút. Ví dụ như việc các nút tinh chỉnh thông số khẩu, tốc khá trực quan, kể cả hệ thống hẹn giờ và khoá nút chụp trên thân máy.

    Thông tin cơ bản trên Canon AE-1.
    Thông tin cơ bản trên Canon AE-1.

    Độ bền cũng là một điều mà nhiều người dùng đánh giá cao ở Canon AE-1, mặc dù đã ngừng sản xuất từ năm 1984, nhưng nhiều máy cho đến nay vẫn hoạt động khá trơn tru cũng như tốc độ màn trập vẫn còn tốt, điểm trừ là đối với một số máy hiện nay phần hệ thống đo sáng có thể không còn hoàn hảo hoặc thậm chí "chết đo sáng".

    Một điểm dễ sử dụng khác mà tôi muốn đề cập đến chính là hệ thống lấy nét theo đường cắt. Theo đó, bên trong kính ngắm sẽ có vòng tròn ở ngay tâm được cắt đôi, khi người dùng vặn vòng lấy nét trên ống kính đến đúng nét thì cả 2 nửa vòng tròn này sẽ khớp lại với nhau, tạo thành một hình đồng nhất.

     Hệ thống lấy nét cắt khi nhìn vào viewfinder.

    Hệ thống lấy nét cắt khi nhìn vào viewfinder.

    Điểm yếu

    Vì phải hoạt động dựa hoàn toàn vào Pin 4LR44/4SR44 6V, vốn hiện tại đã ngưng sản xuất, nên người dùng phải chế lại bằng pin khác nếu muốn sử dụng AE-1, điều này gây ra một chút phiền toái với người mới nhập môn. Tốt nhất để đỡ bỡ ngỡ trong vấn đề pin của máy, bạn hãy chủ động hỏi cửa hàng cách làm trước khi quyết định mua hoặc có thể đem ra một số cửa hàng sửa chữa máy phim uy tín để được tư vấn rõ hơn.

    Cuối cùng là vấn đề đo sáng: Canon AE-1 nói riêng hoặc các máy ảnh phim nói chung với tuổi đời nhiều năm thường rất dễ gặp vấn đề hư bộ đo sáng. Đối với người mới chơi thì đây có lẽ là điều khá khó khăn vì họ chưa nắm rõ quy tắc nhẩm đo sáng. Tuy nhiên, điều này có thể dễ dàng khắc phục bằng một số phần mềm đo sáng trên smartphone như Pocket Light Meter hay FOTOMETER PRO. Với sự hỗ trợ đắc lực từ công cụ đo sáng này, người chụp sẽ tự tin hơn khi sử dụng chiếc máy phim mà không phải thấp thỏm lo sợ ảnh bị cháy hoặc thiếu sáng.

    Kết

    Tuy điểm trừ về pin và khả năng đo sáng có thể khiến nhiều người lăn tăn, thế nhưng với giá thành mềm, độ phổ biến ở Việt Nam cũng như dễ sử dụng, Canon AE-1 sẽ là một sự lựa chọn hợp lí cho người mới nhập môn nghệ thuật Analog.

    Một số hình ảnh máy ảnh Canon AE-1, 2 lens cơ bản 50 F1.8 S.C, 28 F2.8 và một số cuộn film đang sử dụng.

     
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày