Cậu bé 15 tuổi phát hiện di tích nền văn minh Maya: "Các nhà khoa học ghen tị với cháu"
Sau khi nhận được phản hồi có phần không được như ý từ các nhà khoa học và nghiên cứu khảo cổ, cậu bé chỉ mới 15 tuổi này đã đứng lên dõng dạc bảo vệ quan điểm của mình bằng những kế hoạch khá chi tiết, tỉ mỉ nhằm chứng minh sự thật.
Tháng trước đánh dấu thành tích vô cùng bất ngờ của cậu bé tuổi teen William Gadoury, đến từ Canada, khi khẳng định mình đã phát hiện ra dấu vết của một thành phố tàn tích cổ đại Maya chỉ nhờ vào bản đồ chiếu sao. Tuy nhiên, các chuyên gia, sau một thời gian kiểm định và phân tích, lại cho rằng đó là điều hết sức nhảm nhí và phủ nhận hầu hết những khám phá của Gadoury. Gần đây, trong một cuộc nói chuyện với thời báo khoa học National Geographic, Gadoury dù nhỏ tuổi nhưng đã bộc lộ rõ chí khí và lập trường sắc sảo của mình, quyết tâm chứng minh quan điểm bằng những chứng cứ xác thực nhất.
Cụ thể, vài tuần trở về trước, Gadoury – 15 tuổi – đưa ra một công bố giật gân rằng mình đã tìm thấy một thành phố Maya cổ, gọi tên là K’aak Chi (Cổng Lửa), chỉ đơn giản bằng phương pháp đối chiếu, so sánh những địa điểm, di tích lịch sử liên quan đã biết trước đó đối với vị trí của các chòm sao. Tất nhiên, cậu bé đã may mắn nhận được sự trợ giúp đắc lực từ Cơ quan Vũ trụ Canada khi họ cung cấp một số những ảnh chụp từ phía vệ tinh, đồng thời còn có một chuyên gia tích cực ủng hộ quan điểm của Gadoury đến từ Đại học New Brunswick.
William Gadoury - chủ nhân của khám phá bất ngờ trên
Dù vậy, các nhà nghiên cứu lại cho rằng Gadoury đang bị “ảo tưởng hão huyền” khi khẳng định những đường nét, đặc điểm kì lạ từ ảnh chụp vệ tinh đơn thuần chỉ là một cánh đồng ngô bị bỏ hoang hoặc vài mùa vụ trồng cây cần sa còn dang dở. Hơn nữa, họ có đồng ý về ý kiến rằng người Maya thời trước quả thực là những nhà chiêm tinh học đại tài, thể hiện qua những phát minh vượt xa thời đại, nhưng về luận điểm nói dân cư Maya lựa chọn địa điểm định cư dựa theo hướng các chòm sao thì lại không được ủng hộ nhiều lắm.
Về phần Gadoury, cậu bé mới đây đã đặt chân tới Washington DC, nơi phóng viên của National Geographic, Kristin Romey, đã sắp xếp một cuộc phỏng vấn trực tiếp với tài năng trẻ này. Qua buổi nói chuyện, có thể thấy rõ được quyết định không chịu dừng bước của Gadoury. Mặc cho mọi lời gièm pha và phủ nhận, cậu bé thực sự tin tưởng rằng mình đang bước đi trên con đường đúng đắn của bản thân.
“Cháu biết hiện nay có rất nhiều lời chỉ trích, các luồng ý kiến trái chiều về phát hiện của mình. Nhưng điều đó chỉ càng thôi thúc cháu tiếp tục tìm tòi, khám phá và nghiên cứu nhiều hơn mà thôi,” Gadoury chia sẻ trong buổi gặp mặt.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tình cờ được biết cậu bé có một niềm đam mê cháy bỏng đối với lĩnh vực thiên văn và khảo cổ học, đồng thời luôn mong muốn sẽ phổ biến rộng rãi, đem lại cho các nhà khoa học trên thế giới nói chung và giới khảo cổ nói riêng nhiều phát kiến đột phá hơn nữa. Gadoury cũng đã và đang liên hệ với một tờ báo để hiện thực hóa dự định đó của mình trong tương lai không xa.
Về vấn đề khám phá của mình bị từ chối thẳng thừng, Gadoury cũng đưa ra một lời phát biểu khảng khái, đáp lại mọi nghi ngờ:
“Cháu nghĩ họ chỉ đang ghen tị mà thôi,” Gadoury phần nào quả quyết. “Đôi khi ở vị thế cao lâu quá nên họ hình thành tư tưởng lo sợ những ý tưởng mới sẽ dần dần nở rộ, thay thế và chiếm lĩnh mất những gì họ đã gây dựng nên”. Rõ ràng, Gadoury muốn giới khoa học có một cái nhìn cởi mở, phóng khoáng hơn trong việc tiếp nhận những sáng kiến mới lạ so với phạm vi cố hữu đã biết.
Ngoài ra, Gadoury cũng bày tỏ yêu cầu được đến thăm di tích gần Yucatan Peninsula, nơi cậu phát hiện ra thành phố cổ, để chứng minh cho thế giới thấy công trình nghiên cứu của mình không phải là trò trẻ con nhảm nhí. Dù vậy, việc này cũng không hề đơn giản chút nào khi tổng chi phí tài trợ chuyến đi có thể lên tới 100.000 USD. May mắn thay, cậu bé sau đó đã nhận được lời đề nghị của nhà khảo cổ học Francisco Estrada-Belli đến tham gia vào đoàn thám hiểm tàn tích của người Maya. “Thật tuyệt vời! Chắc chắn rồi, tất nhiên là cháu đồng ý,” Gadoury sung sướng tột độ, reo hò mừng rỡ.
Trước mắt, chúng ta hãy cùng chia vui với Gadoury khi ước mơ của mình đã phần nào trở thành sự thật. Nhưng người xưa đã từng đúc kết: “Kỳ vọng càng lớn, thất vọng càng cao”. Trong thời buổi hiện nay, không chỉ Gadoury mà ngay cả chúng ta, những thế hệ trẻ nối tiếp công cuộc khám phá thế giới nói chung cũng nên tiếp thu bài học về đức tính khiêm tốn, nhún nhường. Làm khoa học đã khó, nhưng đương đầu với những sai lầm, hậu quả tai hại mà nó gây ra còn khó hơn gấp nhiều lần…
Tham khảo: Gizmodo
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng