Câu chuyện bi thảm về hàng trăm phi công "chuột lang" trong thế chiến II và vị bác sĩ đã giúp họ tìm lại hình hài con người
Một người phi công trẻ trung, thể chất khỏe mạnh nếu bị bỏng sẽ phải sống suốt đời với những vết sẹo đỏ thẫm xấu xí; môi, mũi và mí mắt bị cắt mất.
Chiến tranh luôn gây ra những nỗi đau và thương tích cho con người. Trong thế chiến II, nhóm đối tượng thường phải chịu những tổn thương đặc biệt nghiêm trọng phi công và lính xe tăng. Họ chỉ có vài giây để thoát khỏi những chiếc xe tăng hoặc máy bay bốc cháy ngùn ngụt trong khi mặt và tay không hề được bảo vệ.
Một người lính trẻ trung, thể chất khỏe mạnh nếu bị bỏng sẽ phải sống suốt đời với những vết sẹo đỏ thẫm xấu xí; môi, mũi và mí mắt bị cắt mất. Vì vậy không có gì lạ khi những người lính xe tăng hoặc phi công bị thương nặng lại thường có ý định tự vẫn.
Độc giả 6x, 7x của Việt Nam hẳn vẫn còn nhớ câu chuyện về anh lính xe tăng Grigory Gvozdev đã phải chịu khổ đau như thế nào khi ở bệnh viện trong "Chuyện một con người chân chính" (tiếng Nga: Повесть о настоящем человеке). Đây là cuốn tiểu thuyết khai thác đề tài số phận con người trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhà văn Boris Polevoy, ra mắt lần đầu năm 1946 và đã lấy đi không ít nước mắt của những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Là một cựu binh từng tham gia các trận không chiến ở Ba Lan và Pháp, phi công Ba Lan, thiếu tá Zdzislav "King" Krasnodębski (Zdzisław "Król" Krasnodębski, 1904-1980) đã đến nước Anh và chỉ huy phi đội 303 nổi tiếng của Không quân Hoàng gia.
Viên thiếu tá Zdzislav "King" Krasnodębski bị bắn rơi trong trận không chiến "Hurricane" vào ngày 6 tháng 9 năm 1940 và bị bỏng nặng ở cả mặt lẫn tay. Sau khi được đưa vào chữa trị tại bệnh viện Nữ hoàng Victoria, Zdzislav đã trở thành một trong những bệnh nhân nổi tiếng nhất với biệt danh "chuột lang". Sở dĩ người ta gọi anh như vậy là vì các bác sĩ đã lấy một vạt da rộng từ chính đùi của Zdzislav để cấy ghép lên trán và má của anh. Sau khi bình phục, "King" trở lại phục vụ trong quân đội nhưng người ta không bao giờ cho phép anh bay nữa.
Ngay từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, vấn đề phẫu thuật thẩm mỹ khuôn mặt y trong học đã được các bác sĩ hết sức chú trọng, nhờ vậy mà các phi công Anh đã đặc biệt may mắn trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Người ta đã thành lập hẳn một trung tâm y tế chuyên về bỏng và phẫu thuật tạo hình hàm-mặt là Bệnh viện Nữ hoàng Victoria ở thị trấn East Grinstead (Tây Sussex).
Bức tranh vẽ cảnh bác sĩ Archibald McIndoe đang tiến hành một ca phẫu thuật tại Trung tâm Chấn thương Hàm và Tạo hình nhân danh Nữ hoàng Victoria ở phía Đông Grinstead, Sussex.
Chính tại nơi đây, bác sĩ lừng danh người New Zealand - Sir Archibald McIndoe (1900-1960) - đã khôi phục lại khuôn mặt cho hàng trăm phi công từ các nước thuộc Khối thịnh vượng chung Anh cùng đồng minh Ba Lan, Tiệp Khắc, Pháp và Hoa Kỳ.
Với tài năng đã được công nhận từ trước chiến tranh, vào năm 1938, bác sĩ McIndoe nhận lời mời làm việc ở một bệnh viện bỏng được tổ chức đặc biệt thuộc Không quân Hoàng gia. Tại đây, ông không chỉ phát triển các phương pháp điều trị mới mà còn rất chú trọng đến việc phục hồi chức năng và giúp các bệnh nhân trở lại cuộc sống bình thường.
Bác sĩ McIndoe nhận ra rằng nhiều người sẽ phải trải qua hàng chục cuộc phẫu thuật và tương ứng là phải nằm trong phòng bệnh hàng tháng, thậm chí hàng năm trời. Vì vậy, bác sĩ McIndoe đã cho phép các phi công - mà ông vẫn hay gọi thân thương là "các cậu trai của tôi" – được mặc quân phục của họ thay vì phải dùng bộ đồ ngủ (pijama) truyền thống của bệnh viện.
Ông đã vận động những người dân địa phương tham gia vào việc giúp đỡ các phi công hồi phục sức khỏe. Họ mời các phi công bị bỏng đến nhà chơi cũng như cùng tham dự các sự kiện, ngày lễ của thành phố. Điều này khiến các phi công thấy rằng họ vẫn là thành viên của xã hội, được mọi người đón nhận và cuộc sống vẫn tiếp diễn. Bác sĩ McIndoe yêu cầu người dân thị trấn không nhìn chằm chằm vào khuôn mặt biến dạng của các bệnh nhân ở bệnh viện một cách không cần thiết để tránh làm tổn thương họ về tinh thần.
Những chàng trai "chuột lang" phô diễn bí quyết của bác sĩ McIndoe - ghép da trên cơ quan sống. Mũi và cằm mới, được tạo hình từ da vai hoặc cẳng tay, sẽ tồn tại dính liền cho đến khi phục hồi hoàn toàn, mặc dù bệnh nhân phải đi lại hàng tháng trời với tư thế cúi mặt xuống và một tay giữ lấy tay còn lại.
Vào mùa hè năm 1941, các bệnh nhân của bác sĩ McIndoe bỗng muốn thành lập một nhóm nhỏ tự phát những người mê uống rượu. Trái với thường tình (là các bác sĩ sẽ ngăn cản việc bệnh nhân uống rượu), ý tưởng về "câu lạc bộ chè chén" này đã nhận được sự ủng hộ của bác sĩ McIndoe.
Để vinh danh một trong những loài động vật phổ biến nhất trong phòng thí nghiệm, các thành viên của hội anh em chè chén này tự gọi mình là "Câu lạc bộ chuột lang" và chủ tịch đầu tiên của câu lạc bộ dĩ nhiên là bác sĩ Archibald Macindo. Hoạt động của hội nhanh chóng mở rộng ra ngoài phạm vi quán bar, và danh sách những "chú chuột lang" đã lên tới khoảng 650 người vào cuối chiến tranh.
Bữa tiệc hậu chiến của những chú "chuột lang". Bác sĩ Archibald McIndoe đứng thứ tư từ phải sang, đeo kính và cầm điếu thuốc
"Những chú chuột lang" thậm chí còn xuất bản tạp chí của riêng họ với những bài viết, hồi ký về những cuộc hành trình khốn khó của các hội viên. Trong những năm sau chiến tranh, rất nhiều đầu sách và phim ảnh đã được làm để vinh danh câu lạc bộ này.
Sau khi chiến tranh kết thúc và bác sĩ McIndoe nghỉ việc tại không quân hoàng gia vào năm 1948, câu lạc bộ vẫn được duy trì. "Những chú chuột lang" đã tiếp tục gặp gỡ thường xuyên trong hơn 60 năm và luôn luôn giúp đỡ những người đồng chí, đồng đội về cả tinh thần và vật chất.
Kỷ niệm Câu lạc bộ Guinea Pig | Quỹ từ thiện RAF
Năm 1960, Sir Archibald McIndoe qua đời vì một cơn đau tim. Để vinh danh sự phục vụ tận tụy và những cống hiến của ông, đám tang đã được tổ chức một cách trọng thể. Vị bác sĩ được chôn cất trong ngôi đền chính của không quân hoàng gia - Nhà thờ thánh Clement tại Westminster. Đây là một vinh dự chưa từng có đối với một thường dân.
Chủ tịch danh dự của "hội chuột lang" là Hoàng tử Philipp, Công tước xứ Edinburgh, người vào thời điểm đó là Thống chế của Lực lượng Không quân Hoàng gia.
Câu lạc bộ "những chú chuột lang" đã tạo ra mẫu huy hiệu của riêng mình với một con chuột lang ở trên đôi cánh (giống huy hiệu phi công của Lực lượng Không quân Hoàng gia). Huy hiệu được làm bằng bạc hoặc đồng thau tráng bạc, và có kích thước khoảng 15 × 53 mm.
Năm 2001, tại một buổi họp mặt kỷ niệm 60 năm ngày thành lập câu lạc bộ, người ta đã quyết định sẽ tiếp tục tổ chức gặp gỡ cho đến khi nào chỉ còn lại 50 thành viên. Thời khắc đáng buồn này đến vào năm 2007, khi câu lạc bộ "chuột lang" tuyên bố giải tán - dù vẫn còn khoảng 100 cựu binh còn sống nhưng đại đa số không còn gặp nhau được vì lý do sức khỏe.
Tuy nhiên, truyền thống "chuột lang" không mất đi. Vào năm 2017, cộng đồng "đã đi vào lịch sử" này trở thành hình mẫu cho câu lạc bộ CASEVAC, (viết tắt của Casualty Evacuation – "sơ tán nạn nhân") - một nhóm các binh sĩ Anh từng chiến đấu và bị thương ở Iraq và Afghanistan chuyên hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau.
Những "chú chuột lang" cuối cùng trong Câu lạc bộ đứng cạnh nhau tại đài tưởng niệm bác sĩ McIndoe và các bệnh nhân của ông. Ảnh chụp năm 2015.
Vào năm 2014, một đài tưởng niệm dành riêng cho bác sĩ McIndoe và "những chú chuột lang" của ông đã được khánh thành trên một trong những con phố của East Grinstead. Tác phẩm điêu khắc này mô tả một phi công trong bộ quân phục của Lực lượng Không quân Hoàng gia đang ngồi, cố giấu đi khuôn mặt và đôi bàn tay bị bỏng. Đằng sau người lính là vị bác sĩ đang đặt tay lên vai anh một cách nhẹ nhàng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng