Câu chuyện của Shark Nguyễn Ngọc Thủy và lời giải cho bài toán: Sinh viên có nên tạm dừng việc học để theo đuổi đam mê khởi nghiệp?
Một bộ phận lớn sinh viên ra trường than phiền không tìm được công việc yêu thích, hoặc nếu tìm được thì những kiến thức trên ghế nhà trường không giúp ích bao nhiêu. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu sinh viên có nên tạm dừng việc học để xác định đam mê thực sự, sau đó mới tiếp tục con đường học vấn để tránh lãng phí thời gian và tài chính?
Dù chỉ ngồi ở vị trí Guest Shark và cũng chưa chính thức xuất hiện trên sóng chương trình truyền hình Shark Tank, anh Nguyễn Ngọc Thuỷ, Chủ tịch Tập đoàn Egroup, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Anh ngữ Apax (Apax English) vẫn gây ấn tượng mạnh với các bạn sinh viên Hà Nội trong một buổi gặp gỡ vào cuối tuần trước.
So với các Shark khác, Shark Thủy là nhân vật duy nhất chưa tốt nghiệp đại học và chính thức rẽ sang con đường kinh doanh ngay từ năm nhất. Câu chuyện bắt đầu khi anh 17 tuổi, đang học lớp 11 trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Tây).
Ngày ấy, anh Thủy đã có tầm nhìn khá xa khi luôn đặt câu hỏi này cho bản thân hàng chục nghìn lần hoặc nhiều hơn: “Sau này nếu mình đi xin việc, ai sẽ là người tạo việc làm cho mình”. Và anh quyết định chính mình sẽ làm điều đó, sẽ tự tạo việc làm cho bản thân và cho hàng triệu người khác.
17 tuổi, Shark Thủy cùng hợp tác với một thầy giáo mở trung tâm luyện thi đại học khu vực Hà Đông. Trong suy nghĩ của mình, anh luôn xác định sẽ cố gắng để vừa học tốt, vừa làm tốt việc kinh doanh. Nhưng thực tế không như kỳ vọng.
Khi đang là sinh viên năm nhất đại học Mỏ - Địa chất, anh đã phải bảo lưu để tập trung hoàn toàn vào việc kinh doanh.
“Ngày ấy, với một gia đình ở nông thôn như nhà tôi, lại có tới 4 người con thì bố mẹ luôn luôn chỉ nuôi được một người. Nếu tôi đi học, các em tôi phải hy sinh. Do đó, tôi quyết định dừng việc học lại vài năm. Khi công việc kinh doanh ổn rồi, tôi sẽ quay lại học tiếp”, Shark Thủy trải lòng.
“Ngoài ra, kinh doanh cũng là niềm đam mê, khát vọng của tôi, và tôi không thể dừng lại được. Tôi luôn muốn xây dựng một tập đoàn lớn, có sản phẩm được hàng triệu khách hàng tin cậy và yêu thương, tạo ra hàng chục nghìn việc làm cho người khác”.
Shark Thuỷ (thứ 3 từ trái sang) trong chương trình giao lưu giữa các Shark với hơn 4.000 sinh viên Hà Nội vào cuối tuần trước.
Từ những bước đi ban đầu với trung tâm luyện thi đại học, thất bại với công ty cung cấp người giúp việc hay công ty buôn bán thiết bị máy tính, đến năm 2008, Shark Thủy thành lập công ty Egame, tiền thân của tập đoàn Egroup hiện nay. Qua gần 10 năm phát triển, Egroup đã xây dựng được một chuỗi công ty con, tập trung phát triển nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, giáo dục hay sức khoẻ.
Con đường kinh doanh càng tiến xa thì con đường quay về với trường lớp lại càng rút ngắn. Đến nay Shark Thủy vẫn chưa thể tiếp tục việc học và cầm trong tay tấm bằng đại học như trước đây anh từng suy nghĩ.
“Tuy nhiên đó chỉ là câu chuyện của riêng tôi và tôi không bao giờ hối tiếc về điều đó”.
Quay trở lại với vấn đề mang tính phổ quát hơn, sinh viên có nên tạm dừng học hành để tìm kiếm đam mê hay theo đuổi một mục tiêu đã định trước đó, Shark Thủy viện dẫn câu nói phổ biến về người phụ nữ Việt Nam: Giỏi việc nước, đảm việc nhà. Anh khuyên các bạn sinh viên, nếu có thể, nên giỏi cả việc học và việc kinh doanh.
“Học đại học là hình thức đào tạo chính quy, nếu có cơ hội học đại học thì rất tốt. Tuy nhiên việc học không nên dừng lại ở đó. Chúng ta phải học mỗi ngày, học cả đời. Không có người thành công nào thiếu kiến thức cả, không bao giờ có”.
Tại một số thời điểm trong cuộc đời, nếu chỉ được lựa chọn một trong hai thì các bạn sinh viên nên hỏi đi hỏi lại bản thân xem mình thật sự muốn gì, mình sẽ ưu tiên việc gì và tại sao lại quyết định như vậy.
“Các bạn hãy nhớ tất cả những lời khuyên chỉ mang tính chất tư vấn, những gì các Shark chia sẻ chỉ đúng với chúng tôi. Chỉ có bạn mới biết điều gì thật sự đúng với mình. Một khi đã quyết định, hãy chịu trách nhiệm tuyệt đối với điều đó và đừng bao giờ hối hận”, Shark Thủy kết luận.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng