Câu chuyện khó tin của trà sữa trân châu: Từ một cuộc thi chẳng có gì bỗng trở thành thức uống triệu người mê trên thế giới
Trà sữa trân châu ngày nay đã trở thành một phần tất yếu, gắn liền với đời sống của vô số bạn trẻ ngày nay. Và nếu bạn để ý, thì đây là một xu hướng cực kỳ phổ biến trên thế giới.
Khi uống ngụm trà sữa trân châu đầu tiên, Christopher Cheung mới 9 tuổi. Đó là một cốc trà sữa có vị xoài, kèm theo những viên bột cực kỳ dẻo do bà dì của anh pha cho vào bữa tối. Nhưng ở thời điểm đó, cậu bé Cheung không thấy có gì ấn tượng cả.
"Cốc nước ấy màu cam, và cũng là lần đầu tiên tôi thấy trân châu. Vị xoài có vẻ không thật, giống mấy viên kẹo hoa quả bình thường." - Cheung chia sẻ.
Bẵng đi gần 20 năm, chàng trai năm ấy trở thành một nhà báo 26 tuổi tại Vancouver (Canada), và là cũng là một fan cuồng trà sữa. Cheung đã thử gần như mọi cửa hàng trà sữa tại Canada, mỗi tuần uống ít nhất 1 cốc cỡ bự, và thậm chí vào ngày cưới của mình cũng uống.
Christopher Cheung và mối lương duyên trà sữa tại Vancouver
Cheung sinh ra tại Hong Kong (Trung Quốc), nhưng lớn lên tại Vancouver. Anh trải qua tuổi thơ với những buổi tụ tập cùng bạn bè tại các cửa hàng trà sữa sau giờ học. "Bạn bè của tôi hầu hết ở Bắc Mỹ, nhưng có nguồn gốc ở Đông Á. Với chúng tôi, trà sữa giống như một thứ gì đó kết nối chúng tôi với văn hóa châu Á vậy."
Nêu vậy để thấy rằng, làn sóng trà sữa đã đổ bộ và lan tỏa đi nhiều nơi trên thế giới. Trà sữa trở thành loại "đồ uống quốc dân" phổ biến tại châu Âu và châu Mỹ, mang theo bản sắc văn hóa của người Á Đông đi khắp thế giới.
Khởi nguồn của trà sữa trân châu - từ một cuộc thi vô thưởng vô phạt
Để định nghĩa một cách đơn giản nhất trà sữa trân châu chính là một thức uống được pha trộn giữa trà, sữa, siro (syrup) các vị, và thành phần không thể bỏ qua là các hạt trân châu làm từ bột năng.
Thức uống này ra đời từ thập niên 1980 tại Đài Loan (Trung Quốc), tại cửa hàng trà của Liu Han-chien (Lưu Hán Giới) ở Đài Trung. Mọi chuyện bắt nguồn từ khi ông Lưu muốn thay đổi cách uống trà truyền thống, bằng cách thử pha trà với sữa và nước đá, theo phong cách sữa lắc của phương Tây.
Liu Han-chien (Lưu Hán Giới) bên ly trà
"Nó giống như một cuộc cách mạng trong lịch sử uống trà của Trung Quốc, vì trước đó chẳng ai uống trà với đá cả. Mọi người đã nghĩ chúng tôi bị khùng... nhưng giới trẻ khi đó thì cực kỳ thích," - Angela Liu, con gái của Liu Han-chien chia sẻ. Sự sáng tạo ấy đã giúp Xuân Thủy Đường - cửa hàng bán trà của họ Lưu đạt doanh thu lớn nhất thị trường khi đó.
Trong tiếng Anh, trà sữa còn được gọi là "bubble tea" - do lớp bong bóng hình thành trên bề mặt trà trong quá trình pha chế. Nhưng cái tên "trà sữa trân châu" chỉ xuất hiện vào năm 1987, khi Liu Han-chien muốn có một thức uống mới. Ông mở ra một cuộc thi, cho các nhân viên trong cửa hàng thể hiện sức sáng tạo.
Ly trà sữa tại Xuân Thủy Đường
Người chiến thắng là Lin Hsiu-hui, quản lý cửa hàng. Cô rất thích ăn những viên bột năng nên đã đề xuất cho chúng vào trà sữa. "Lúc đầu cô ấy còn chẳng buồn đề xuất với bố tôi. Cô chỉ thử nó với vài khách hàng, và họ thích nó," - Angela Liu cho biết. "Cô bán thử trong vòng 1 tuần rồi mới nói với bố. Khách hàng thì cực kỳ thích."
Khi quyết định kinh doanh món uống mới, họ cần nghĩ ra một cái tên mới phù hợp hơn. Và mọi chuyện sau đó thì chắc bạn cũng đoán ra: trà sữa trân châu ra đời và trở thành hiện tượng toàn cầu ngày nay.
Trở thành thức uống "quốc dân" trên khắp thế giới
Từ Đài Loan, trà sữa trân châu bắt đầu lan tỏa đi trong châu Á, rồi dần dần xâm chiếm cả thế giới. Năm 2014, nó trở thành thức uống phổ biến nhất tại Bắc Mỹ, và sau đó là nhiều nước châu Âu khác.
Sự phổ biến của một loại thức uống cũng đồng nghĩa với sự cạnh tranh tăng lên. Thị trường trà sữa liên tục xuất hiện những cái tên mới, kéo theo một lượng lớn hương vị mới được sáng tạo. Từ trà oolong, giờ chúng ta có trà nhài, trà khoai môn, trà xoài, thậm chí là trà bơ. Phần topping giờ cũng không chỉ có trân châu mà còn có cả lô hội, pudding, hạt chia...
Theo Christopher Cheung, có thể nói trà sữa trân châu là một hiện tượng với mức độ lan tỏa ngày một tăng. Tại Bắc Mỹ, những cửa hàng trà sữa nhượng quyền do các doanh nhân trẻ sở hữu đang là xu hướng khó bỏ qua. Như Boba Guys - một cửa hàng trà sữa tại San Francisco do Andrew Chau và Bin Chen sáng lập. Cả hai mới 36 tuổi, mà Boba Guys đã là chuỗi trà sữa lớn nhất nước Mỹ rồi.
Andrew Chau và Bin Chen - những người sáng lập ra Boba Guys
Nói về Boba Guys, 2 anh chàng Chau và Chen là nhân tố quan trọng khiến trà sữa phổ biến hơn ở Mỹ. Bởi lẽ, cửa hàng đầu tiên họ mở ra không phải ở khu phố Tàu (Chinatown), mà nhắm thẳng đến quận Mission với đối tượng khách hàng là người bản địa.
"Chúng tôi làm thế là có chủ đích. Tôi biết là nếu có thể thành công tại đây, chúng tôi sẽ thu hút được một nguồn khách hàng lớn hơn thế." - Chen chia sẻ.
Từ những cốc trà sữa truyền thống, bộ đôi bắt đầu thêm thắt những hương vị lạ hơn, trở thành những người đi đầu về trà sữa sáng tạo tại Mỹ.
"Tôi có thể chắc chắn rằng chúng tôi chính là những người đầu tiên nghĩ ra latte trà xanh dâu, mà giờ hàng nào cũng đang bắt chước đó," - Chen chia sẻ một cách đầy tự hào.
Phương tiện kết nối giữa các nền văn hóa
Theo Chau và Chen, sự phổ biến của trà sữa trân châu chính là bằng chứng cho thấy một sự hòa trộn văn hóa đang xảy ra trên thế giới, và tại Mỹ nói riêng.
"Ẩm thực là một trong những thứ dễ dàng được chia sẻ với nhiều nền văn hóa, là thứ tuyệt vời nhất để kết nối mọi người với nhau," - Chau cho biết.
"Là những người nhập cư, chúng tôi chưa từng cảm thấy mình hoàn toàn là một người Mỹ, hay người châu Á. Nhưng với Boba Guys, chúng tôi cảm thấy mình như một cầu nối văn hóa giữa 2 thế giới vậy. Ẩm thực không có biên giới."
Sự phổ biến của trà sữa trân châu tại các quốc gia phát triển cũng có nhiều nguyên nhân. Theo Krishnendu Ray - một giáo sư ẩm thực tại ĐH University đã thực hiện một nghiên cứu về trà sữa, và có một vài kết luận như sau.
Đầu tiên, ông cho rằng trà sữa dễ dàng trở nên nổi tiếng vì nó đem lại vẻ quen thuộc, cùng sự kết hợp xuất sắc giữa sữa, trà, đường và trân châu. Thứ 2, giá bán của trà sữa là tương đối rẻ, đủ để ai cũng có thể thử. Và cuối cùng là sự khác biệt trong quá trình "chào sân" của trà sữa đến khách hàng, so với các loại ẩm thực khác.
"Lợi điểm lớn nhất của trà sữa là nó hướng đến cả tầng lớp trung lưu, cộng đồng những người có trình độ. Vậy nên nó nhận được sự tôn trọng nhất định khi mới xuất hiện, và gây ảnh hưởng đến cách người ta cảm nhận chúng." - Ray cho biết.
"Món ăn, thức uống được định vị ở đẳng cấp càng cao, càng dễ khiến nó lan tỏa dễ dàng. Giống như ẩm thực Pháp, phim Mỹ, tiểu thuyết của Anh, và giờ là trà sữa trân châu của Đài Loan, Trung Quốc."
Cũng theo Ray, xu hướng trà sữa sẽ còn bám trụ rất lâu sau nữa tại Mỹ. Giống như cách ẩm thực Ý từng du nhập vào Mỹ hồi cuối thế kỷ 19.
"Khi đó, những chủ đề liên quan đến ẩm thực Ý là nó tệ như thế nào, cay như thế nào, và nó bắt con người ta phải uống rượu. Mà rượu thời đó lại là biểu tượng cho cái xấu, nên ẩm thực Ý bị coi rẻ tại các thành phố của Mỹ," - Ray cho biết.
Nhưng đến thập niên 1980, các nhà hàng sang trọng của Ý bỗng xuất hiện và tạo thành một xu hướng lan nhanh đến chóng mặt, cho thấy việc định vị tầng lớp có vai trò quan trọng như thế nào. Và lần này ông tin rằng trà sữa cũng sẽ như vậy, đồng thời ẩm thực Trung Quốc tại Mỹ cũng sẽ được "thơm lây".
"Tôi nghĩ đồ ăn Trung Quốc sẽ dần trở nên phổ biến, giống pizza vậy. Trà sữa trân châu sẽ vượt ra khỏi phạm vi Trung Quốc, trở thành một phần của nền văn hóa toàn cầu.
Tham khảo: SMCP
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng