Câu chuyện về ‘Ghost boy’ - cậu bé ma mắc kẹt trong chính cơ thể mình suốt 12 năm trời cùng hành trình miệt mài tìm lại sự sống
Suốt 12 năm sống thực vật là 12 năm Martin Pistorius bị "giam cầm" trong chính cơ thể của mình, người ngoài nhìn vào cứ nghĩ anh không còn ý thức, sống chỉ để chờ chết nhưng đâu ai biết anh vẫn ở đó, vẫn lay lắt trong tuyệt vọng chờ đợi một ngày hồi sinh.
- Lạ lùng: Một cậu bé Ấn Độ có hơn 500 chiếc răng trong khoang miệng
- Thuốc lá điện tử phát nổ trong miệng khiến cậu bé 17 tuổi bay mất răng cửa, rạn đôi xương hàm
- Cậu bé không tiêm phòng thủy đậu kiện sở y tế địa phương vì cấm mình đi học, cuối cùng phải nghỉ học vì mắc thủy đậu
- Cậu bé Mỹ trốn nhà đi tiêm chủng phát biểu trước Thượng viện Hoa Kỳ về vắc-xin: "Đừng lên Facebook để tìm hiểu thông tin"
- Không được tiêm vắc-xin, cậu bé 6 tuổi mắc uốn ván nằm viện hết 19 tỷ
Trên mạng từng xuất hiện trào lưu chơi khăm trong đó nhóm bạn hoặc gia đình giả vờ "yểm thần chú" tàng hình lên người được đem ra trêu đùa, sau đó, họ sẽ tiếp tục "diễn sâu" coi như người kia đã biến mất hoàn toàn, không ai có thể nhìn thấy nữa. Nhiều nạn nhân khi chứng kiến phản ứng của người thân đã khóc thét lên vì tin sái cổ rằng mình thực sự đã vô hình trước mặt mọi người. Cảm giác khi ấy thật sợ hãi và tuyệt vọng.
Cứ ngỡ việc này chỉ tồn tại trong các màn chơi khăm mà thôi, vậy nhưng trên thực tế đã từng có cậu bé phải trải qua cảm giác kinh khủng ấy, sống với nó suốt 12 năm cuộc đời trước khi được giải thoát khỏi đau khổ. Đó là câu chuyện thật của "Ghost Boy" - Cậu bé Ma tên là Martin Pistorius.
12 năm sống cảnh địa ngục của Cậu bé Ma
Martin Pistorius cùng gia đình trước khi biến cố ập đến.
Sinh năm 1975 tại Nam Phi, cậu bé Martin Pistorius cũng có một tuổi thơ như bao bạn bè đồng trang lứa khác cho tới khi bi kịch xảy ra vào năm cậu lên 12 tuổi. Một ngày nọ đầu năm 1988, Pistorius xin phép giáo viên về nhà sớm vì cảm thấy trong người không khỏe, cậu bị đau họng. Thế nhưng tình hình ngày một xấu đi khi cậu bé bỏ ăn, ngủ li bì và không còn nói chuyện, giao tiếp với mọi người nữa. Dần dần, Pistorius mất khả năng kiểm soát cơ thể, không thể đi lại, trí nhớ suy giảm, mất ý thức lẫn hành động.
Lúc đó, cậu được điều trị theo phác đồ của bệnh viêm màng não thế nhưng ngay đến cả các bác sĩ cũng không chắc về căn bệnh bí ẩn này. "Họ bảo chúng tôi nên đưa thằng bé về nhà và chăm sóc nó đến khi nó ra đi", bố của Martin kể lại giây phút mà ông và cả gia đình như bị ném thẳng xuống đáy vực sâu khi nghe thông tin từ bác sĩ.
Pistorius nhớ lại lúc ấy, cậu không thể giao tiếp hay phản ứng với bất kì thứ gì, chức năng não sau biến cố ấy, chỉ bằng một đứa trẻ 3 tháng tuổi và cần có người chăm sóc cho đến lúc qua đời. Và bằng tình yêu thương vô bờ bến, bố mẹ cậu bé vẫn yêu thương chăm lo cho con từng ngày với hi vọng một ngày nào đó cậu sẽ quay trở về. Thời gian cứ thế trôi qua, ngày ngày bố mẹ dậy từ sớm để lo vệ sinh cho Pistorius, rồi đưa con đến trung tâm chăm sóc đặc biệt, tối đến bố mẹ sẽ tắm rửa, cho cậu con ăn và đưa đi ngủ.
Pistorius dù có nằm trên giường bệnh nhưng vẫn biết rằng Nelson Mandela trở thành tổng thống Nam Phi năm 1994 và Công nương Diana qua đời năm 1997.
Cuộc sống ấy cứ tiếp diễn được vài năm sau thì Martin Pistorius dần hồi phục ý thức, nhưng vẫn không thể nói hay biểu hiện được điều gì với người thân. Anh đã cố di chuyển cơ thể nhưng vô ích, cảm tưởng lại lúc ấy, anh thấy bản thân như chẳng tồn tại: "Trong nhiều năm, tôi như một bóng ma. Tôi có thể nghe và nhìn thấy mọi thứ, song nó giống như tôi không hề hiện diện ở đó. Tôi vô hình", anh chia sẻ với NBC News.
"Đó là quãng đời cực hình. Điều duy nhất tôi có là sự bất lực. Dù là sống nhưng tất cả mọi mặt đều được điều khiển và quyết định bởi người khác. Từ việc đi đâu, ăn gì, ngồi hay nằm xuống theo tư thế nào, tôi cũng phải nhờ người khác.
Bị mắc kẹt trong chính cơ thể của mình, nỗi sợ lớn nhất của tôi là cô đơn, nghe nó mới buồn cười làm sao. Nhưng dù có rất nhiều người ở bên cạnh quan tâm tôi, tôi vẫn cảm thấy đơn độc. Tôi cũng đã quen với việc sống trong tâm trí mình. Hàng ngàn cuộc trò chuyện giữa tôi và những người xung quanh đều diễn ra trong đầu tôi. Tôi tưởng tượng ra mình đang làm nhiều thứ". Martin Pistorius nghẹn ngào chia sẻ, anh làm thế để quên đi thực tại cô đơn, quên đi nỗi đau đang dày vò không chỉ bản thân anh mà còn như lưỡi dao sắc lạnh, cứa từng đường rỉ máu vào trái tim của bố mẹ.
Martin và cha, ông Rodney Pistorius trong quá trình chiến đấu với căn bệnh.
Bản thân là một người chẳng rõ sống chết, số phận chưa biết thế nào nhưng đấy không phải là điều khiến Pistorius lo lắng nhất, thực ra gia đình mới là thứ làm anh nghĩ ngợi vì họ đã quá vất vả vì anh rồi. Có một đêm, sau khi bố mẹ cãi nhau, mẹ anh quay sang nói rằng muốn tôi chết đi, bà cần một sự cứu trợ. Lúc đó, chẳng ai biết là Martin vẫn nghe thấy, nhận thức được sự cùng quẫn của người mẹ đau khổ không biết làm gì để cứu con. Anh đau đớn nhưng không giận mẹ, "Nó làm tan nát trái tim tôi. Nhưng lúc ấy, trải qua mọi cảm xúc, tôi vẫn cảm nhận được tình yêu và lòng trắc ẩn dành cho mẹ. Mẹ luôn tự trách bản thân vì đã không thể chăm sóc tôi tốt hơn. Điều khó khăn nhất với tôi là không thể nói với bà là 'Không mẹ ơi, mẹ đã làm mọi điều tuyệt vời nhất cho con rồi'. Rất nhiều lần tôi đã khóc thầm".
Trong suốt 12 năm sống lay lắt vô hình, "Cậu bé ma" không chỉ phải chịu đựng nỗi cô đơn, sự lo lắng tuyệt vọng cùng thất vọng về bản thân mà còn phải sống với những đớn đau trong trung tâm chăm sóc. Cơn ác mộng kinh hoàng đấy thường bắt đầu khi bố đưa Martin đến trung tâm để có người chăm sóc vào mỗi sáng, tại đây, anh bị đối xử rất tệ, bị quát tháo, bị tát, bị đánh và thậm chí là tấn công tình dục. Niềm hạnh phúc chỉ đến khi bố xuất hiện, đón anh vào 5 giờ chiều mỗi ngày hay mẹ đến thăm sau khi bà kết thúc ca làm lúc 2 giờ.
Mẹ Pistorius vì quá đau khổ nên đã từng nói anh nên chết đi nhưng không hề hay biết anh cũng nghe thấy.
Hành trình làm lại cuộc đời sau biến cố
Cho đến năm 2001, cuộc sống mới thực sự mở ra cho anh một cơ hội, lúc này, Pistorius mới thực sự "tỉnh giấc". Virna van der Walt, một nhân viên mới tại trung tâm được chỉ định chăm sóc cho Martin, cô bắt đầu ngồi và nói chuyện với anh. Qua quá trình tiếp xúc, cô nhận ra những cử động nhỏ của anh chàng, giờ đây đã là một người trưởng thành. Virna đã thuyết phục mọi người đưa Martin đến trung tâm phục hồi giao tiếp Đại học Pretoria để chữa trị, đây là lần đầu tiên anh chàng có thể chứng minh cho mọi người thấy rằng mình hiểu được mọi thứ đang diễn ra xung quanh. "Cô ấy là chất xúc tác thay đổi mọi thứ. Nếu không phải cô ấy, chắc tôi sẽ chết hoặc bị lãng quên trong trung tâm chăm sóc nào đó", Pistorius nói. Nhiều năm sau trong một cuộc phỏng vấn với đài NBC News, khi nhắc đến Virna, anh lặng đi một hồi lâu. Với anh, Virna là người đã thay đổi số phận của anh, nếu không có cô ấy, chắc chắn là Martin đã bị lãng quên từ lâu.
Ngay sau đó, mẹ Pistorius đã quyết định bỏ ngang công việc để ở bên cạnh con trai hỗ trợ con cải thiện khả năng giao tiếp, làm quen với chương trình máy tính vì anh không thể nói được nữa. "Tôi không thể quên được khoảnh khắc mẹ hỏi muốn ăn gì và tôi đáp lại là muốn ăn mì Ý. Bà đã thực sự làm món đó cho tôi. Tôi biết điều đó chẳng có gì đặc biệt nhưng với tôi thì lại vô cùng tuyệt vời", anh chàng hạnh phúc nhắc lại.
Không ai có thể ngờ Martin lại có thể vượt qua và hồi phục kì diệu đến như thế.
Martin cũng phải học lại từ đầu tất cả mọi thứ, từ việc đọc cho đến giao tiếp với người khác. Chẳng lâu sau đó, anh đã có thể đi xe lăn, học lái ô tô và thậm chí là ghi danh vào một trường đại học nghiên cứu về khoa học máy tính. Giờ đây, anh đã có thể chuyện trò bằng cách viết câu trả lời trên máy tính và sử dụng một phần mềm để phát âm từ những gì đã viết. Song chàng trai ấy vẫn lo lắng, sợ hãi trước cô đơn: "Trong tôi luôn có một tình yêu nồng cháy nhưng lại không có ai để trao gửi".
Rồi chuyện gì đến cũng phải đến, dịp đầu năm mới năm 2008, anh gặp gỡ Enter Joanna, một cô gái trẻ xinh đẹp quen biết với em gái anh. Joanna kể về Pistorius đầy hào hứng: "Anh ấy có một nụ cười thật đẹp và tôi thấy cũng rất hấp dẫn. Có vẻ anh là một người tốt". Anh chàng cũng có một cảm xúc rất đặc biệt dành cho cô gái, nói rất thích ở cạnh cô ấy. Sau một thời gian hẹn hò, cặp đôi đi đến hôn nhân vào tháng 6 năm 2009 và sống ở Anh.
Dù đã quyết định không sinh con vì nhận được cảnh báo từ bác sĩ nhưng đến mùa xuân năm ngoái, cả hai đều ngỡ ngàng khi nhận ra Joanna đã có bầu. "Khi kết quả là có, chúng tôi không thể tin được. Vợ chồng tôi đã mua que thử mới, tất cả đều khả quan. Chúng tôi đều sốc và phấn khởi!!! Chúng tôi không thể tin được mình lại may mắn đến thế", Pistorius viết trong một email. Giờ đây, gia đình nhỏ ấy không chỉ còn 2 người mà đã là 3, thiên thần nhỏ nhìn rất giống Martin, chắc chắn cậu bé sẽ tự hào lắm khi nghe câu chuyện của ba.
Cứ ngỡ trên đời này sẽ chẳng có tia hi vọng nào cho một bóng ma vô hình như anh nhưng sau cùng, mọi thứ cũng an bài, Pistorius đã thực sự được làm chủ cuộc sống của mình, không còn vô hình nữa. Năm 2013, anh xuất bản cuốn hồi ký về cuộc đời mình mang tên “Ghost Boy: My Escape From a Life Locked Inside My Own Body”, tái hiện cuộc hành trình 12 năm trời chiến đấu để thoát ra khỏi cơ thể mình.
Cuốn hồi ký về cuộc đời, anh viết cho bản thân và cho tất cả mọi người.
Giờ đây nhìn lại, cậu bé 12 tuổi ngày nào đã trở thành một người đàn ông trưởng thành, từ đối mặt với cái chết trong tuyệt vọng cho đến sống tự do, hạnh phúc, Pistorius nhận ra điều quan trọng nhất trong cuộc sống là gia đình, người thân và tình yêu.
"Cuộc sống xoay vần rất nhanh, sẽ thật là tốt nếu biết trân trọng những gì bạn có trong khoảnh khắc ấy. Hãy đối xử với mọi người bằng lòng tốt, phẩm giá, bằng lòng trắc ẩn và cả sự tôn trọng - dù cho bạn nghĩ rằng họ có hiểu điều đó hay không. Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh tinh thần, sự quan trọng của tình yêu và niềm tin và đừng bao giờ từ bỏ mơ ước".
(Theo Today, Dailymail)
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng