Câu chuyện về Yosakoi: Điệu nhảy vực tinh thần Nhật Bản sau chiến tranh rồi trở nên nổi tiếng toàn thế giới
Với những người hâm mộ lễ hội hoa anh đào, Yosakoi là một phần không thể thiếu. Tuy nhiên, đằng sau ấy là cả một câu chuyện dài về "điệu nhảy của những nụ cười".
"Tosa no Kouchi No..." - Tại Kochi thuộc vùng Tosa.
Với những người yêu thích văn hóa Nhật Bản truyền thống và Yosakoi, chắc hẳn câu hát đó không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, với đại đa số mọi người, Yosakoi, Kochi hay Naruko vẫn còn là điều gì đó quá lạ lẫm.
Cách đây 64 năm, tại vùng Tosa, Nhật Bản (nay là Kochi), có một điệu nhảy đã ra đời, lan dần ra khắp cả nước rồi từ đó vang danh đến toàn thế giới: Yosakoi.
Câu chuyện về Yosakoi bắt nguồn từ hơn 60 năm về trước.
Điệu nhảy từ sau những tàn dư chiến tranh
Khởi nguồn từ thành phố Kochi, Nhật Bản (đến nay Kochi vẫn là một trong những địa phương tổ chức lễ hội Yosakoi lớn nhất Nhật Bản và cũng là nơi có lễ hội Yosakoi đầu tiên của Nhật), điệu nhảy yosakoi được coi là một biến thể của điệu múa Awa Odori - một điệu múa truyền thống mùa hè khởi nguồn từ tỉnh Tokushima. Trong ngôn ngữ địa phương của vùng Tosa, Yosakoi bắt nguồn từ khẩu ngữ "yosshakoi", có nghĩa là "Đêm nay mời bạn đến".
"Đêm nay mời bạn tới"
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đằng sau "điệu nhảy của những nụ cười" ấy là câu chuyện của một đất nước đầy khốn khó, suy thoái sau chiến tranh. Ra đời năm 1954 cũng là thời điểm vài năm sau khi chiến tranh thế giới thứ II kết thúc. Cả đất nước rơi vào khủng hoảng, đời sống tinh thần và vật chất khốn khó. Những người dân đã nghĩ ra cách sáng tạo nên một điệu múa vui tươi, thu hút đông đảo người tham gia với tinh thần của những nụ cười. Và không ai có thể ngờ rằng, điệu nhảy ấy đã thực sự tạo nên sức mạnh tinh thần. Từ Kochi, Yosakoi lan đến nhiều vùng trên cả nước Nhật Bản. Không phân biệt lứa tuổi, giới tính, người nhảy chuyên nghiệp hay nghiệp dư - tất cả cùng hòa trong điệu vũ đầy niềm vui và hạnh phúc.
Điệu nhảy không phân biệt tuổi tác, nam nữ.
Có phiên bản cho rằng, điệu múa Yosakoi với chiếc Naruko ban đầu dùng để... đuổi chim trên cánh đồng. Tuy nhiên, dù với nguồn gốc như nào, tinh thần của Yosakoi vẫn y nguyên sau bao nhiêu năm không đổi: Điệu nhảy của những nụ cười.
Những chiếc Naruko và áo happi
Với sự phát triển của Yosakoi, các đội diễn ngày càng chọn cho mình những trang phục ấn tượng, cắt may cầu kỳ, phù hợp với bài diễn cũng như tinh thần của đội. Tuy nhiên, vào thời gian đầu, trang phục của những người nhảy Yosakoi chủ yếu là Yukata và happi. Yukata thì đã khá phổ biến với những người yêu thích văn hóa Nhật Bản còn happi là một loại trang phục mà những người trông cửa hiệu, sạp hàng tại các lễ hội, khu buôn bán tại Nhật Bản hay mặc. Đằng sau mỗi chiếc áo thường có in hoa văn truyền thống của Nhật Bản như làn sóng, dãy núi, mây trời. Với các bài nhảy, vận động cần trang phục thoải mái thì happi là một lựa chọn được nhiều người yêu thích.
Tuy nhiên đến những năm gần đây, nhiều đội Yosakoi - đặc biệt là những đội đến từ các nước khác nhau trên thế giới thường lựa chọn cho mình những bộ trang phục mang hơi hướng truyền thống, vừa thể hiện được tinh thần Yosakoi nhưng cũng có nét riêng mới mẻ.
Trang phục Yosakoi được thiết kế với hơi hướng truyền thống được đánh giá cao.
Một trong những điều không thể thiếu khi nhảy Yosakoi là Naruko - vật dùng bằng gỗ, có cán cầm với 3 thanh gỗ nhỏ gắn ở trên để khi lắc sẽ kêu ra tiếng. Cũng như trang phục, những chiếc naruko mộc truyền thống với thân màu đỏ, 3 thành gỗ màu đen vàng, cũng dần dần được thay thế (dù vậy naruko mộc đơn giản vẫn được nhiều người ưa chuộng). Tùy vào bài nhảy hay các đội mà Naruko cũng được biến tấu: Cán cầm dài, chỉ có một mặt, khắc tên chữ, in hình họa tiết...
Ngoài Naruko, những người nhảy Yosakoi có thể sử dụng đèn lồng, quạt hay các dụng cụ khác.
Để kể hết các đạo cụ Yosakoi, chắc sẽ có rất nhiều những thứ được các đội nhảy sử dụng. Ngoài Naruko sẽ còn rất nhiều những vật dụng như đèn lồng, quạt, dải lụa hay các đội Yosakoi của Việt Nam cũng sử dụng những món đồ gần gũi như quạt ba tiêu, mặt nạ...
Âm nhạc và vũ đạo
Âm nhạc cũng là một yếu tố quan trọng để tạo nên nét đặc sắc riêng biệt của những màn trình diễn Yosakoi. Các bài Yosakoi thường có phần nhạc nền rất sôi động và mạnh mẽ, được các đội sáng tác dựa trên bài hát gốc có tên "Yosakoi Naruko Odori". Đây là bài hát kết hợp các yếu tố từ 3 bản nhạc khác mang tên "Yosakoi-bushi" (giai điệu Yosakoi), "Yocchore" (một bài hát thiếu nhi) và "Jinma-mo" (một bài dân ca tỉnh Kochi - có ý kiến cho rằng nó xuất phát từ tỉnh Hokkaido).
Yosakoi-bushi là một bài dân ca kể về câu chuyện tình yêu cảm động của chàng Junshin với cô con gái của ông chủ thợ hàn. Câu chuyện tình yêu của 2 người gắn với chiếc cầu Harimaya nối tiếng - cũng là một địa danh nổi tiếng xuất hiện trong lời ca của các bài nhảy Yosakoi.
Những vũ điệu Yosakoi sôi động luôn thu hút rất đông người tham gia.
Tosa no kouchi no Harimaya baashi de..."
Đi kèm với những lời hát, giai điệu là phần vũ đạo mang hơi hướng truyền thống kết hợp với hiện đại. Trong các bài Yosakoi thường có các động tác thể hiện những hoạt động thường ngày của người dân như đánh cá, quăng lưới... Tuy nhiên, khi Yosakoi đã vượt qua ngưỡng cửa Nhật Bản và lan ra toàn thế giới, người ta cũng thêm vào đó những lối nhảy sôi động, kết hợp các động tác hiện đại. Nhưng dù thay đổi thế nào, có những điều cốt lõi, cả về âm nhạc hay động tác mà Yosakoi sẽ không bao giờ thay đổi.
Từ Nhật Bản, Yosakoi đã lan dần ra toàn thế giới
Mỗi năm, cứ vào tầm tháng 8, những người hâm mộ Yosakoi trên khắp thế giới lại hướng mắt tới Nhật Bản và dõi theo những lễ hội Yosakoi lớn nhất trong năm. Từ sân khấu đến con đường diễu hành (một trong những nét độc đáo của nhảy Yosakoi là các màn vừa nhảy vừa diễu hành trên đường phố với các xe nhạc phía sau), đâu đâu cũng đông nghịt người xem.
Những tiết mục Yosakoi hết sức sôi động.
Yosakoi Matsuri ( Lễ hội Yosakoi) là một lễ hội ở thành phố Kochi, Nhật Bản và được coi là lễ hội Yosakoi "nguyên bản" khi chính tại nơi đây vào năm 1954, lễ hội Yosakoi đầu tiên được tổ chức. Nhiều người ví Kochi như "thánh địa" Yosakoi mà bất cứ người yêu thích Yosakoi nào cũng tìm đến. Số đội diễn cũng ngày càng lớn với mỗi đội có số thành viên tối đa 150 người. Ngoài Kochi, Hokkaido hay Tokyo cũng là nơi tổ chức các lễ hội Yosakoi vô cùng lớn.
Tại Việt Nam, những lễ hội Yosakoi cũng luôn thu hút rất đông người tham dự. (Ảnh: Phan Quốc Bảo)
Tuy nhiên không chỉ tại quê hương của Yosakoi, khắp nơi trên thế giới, những người hâm mộ Yosakoi cũng thành lập ra những câu lạc bộ, hội nhóm cho riêng mình. Tại thành phố Penang, Malaysia cũng tổ chức lễ hội hàng năm vào khoảng tháng ba. Các nước khác như Mỹ, Hà Lan, Pháp, Thụy Điển... cũng có nhiều các câu lạc bộ Yosakoi với hoạt động thu hút đông đảo người trẻ - đặc biệt là những người yêu thích văn hóa Nhật Bản.
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có niềm yêu thích với Yosakoi và văn hóa Nhật. Hơn 10 năm tổ chức các lễ hội văn hóa, nhiều đội Yosakoi cũng ra đời và phát triển ngày càng mạnh. Nhiều đội cũng đã có cơ hội được tới Nhật Bản biểu diễn và giành giải trong những cuộc thi Yosakoi.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng