Cậu trai 16 tuổi lừa cả Phố Wall: Đưa công ty giặt thảm lên sàn chứng khoán, thổi giá trị tới 200 triệu USD, tài sản thanh lý khi phá sản chỉ đáng 62.000 USD
Công ty chưa bao giờ làm ăn có lãi, nhưng với những mánh khóe của mình, Minkow đã qua mắt cơ quan kiểm định, đưa ZZZZ Best lên sàn chứng khoán Mỹ.
Năm 1985, Daniel Akst, cựu phóng viên của Thời báo Los Angeles và Tạp chí Phố Wall đã kỳ công viết một bài báo kể lại câu chuyện đáng ngưỡng mộ của doanh nhân tuổi trẻ tài cao Barry Minkow và công ty giặt thảm ZZZZ BEST của anh ta. Các phương tiện truyền thông đều không tiếc lời ca ngợi, tôn vinh tinh thần, khát vọng của chàng thiếu niên tuổi teen. Đầu những năm 1980, ZZZZ Best trở thành hiện tượng kinh doanh kỳ diệu, còn Minkow được mệnh danh là "Wonder boy" và thậm chí là "anh hùng Phố Wall".
Hai năm sau, Daniel Akst và cả Phố Wall chấn động, thẫn thờ nhận ra mình đã bị lừa. Điều gì đã xảy ra?
Barry Minkow.
16 tuổi khởi sự với công ty giặt thảm
Minkow sinh năm 1966, lớn lên trong một khu phố trung lưu tại Reseda, Califonia. Ngay từ nhỏ, cậu đã được mẹ cho tiếp xúc với ngành giặt thảm và biết được rằng đây là thị trường có rất ít rào cản gia nhập, không cần giấy phép, không cần học nghề và chỉ đòi hỏi lượng vốn nhỏ để khởi nghiệp
16 tuổi, cậu thiếu niên bắt đầu kinh doanh với việc thành lập công ty giặt thảm ZZZZ BEST, trong nhà để xe của cha mẹ. Tuy nhiên, lúc đó, Minkow mới nhận ra kiếm tiền từ giặt thảm khó khăn đến thế nào, từ khiếu nại của khách hàng đến cả sự cạnh tranh gay gắt.
Công ty làm ăn chưa bao giờ sinh lãi. Minkow bắt đầu đi kiếm vốn bằng mọi cách có thể. Điều kiện càng khó khăn hơn khi các ngân hàng địa phương đều từ chối cho vay bất kỳ khoản vốn lưu động nào do cậu còn quá trẻ.
Dấn thân vào con đường lừa đảo
Ban đầu, Minkow vay bà ngoại 2.000 USD, sau đó là trộm vòng ngọc trai. Vốn như thế đương nhiên chưa đủ. Cậu lên kế hoạch lừa đảo, bắt đầu với thẻ tín dụng giả mạo, gian lận bảo hiểm, viết séc "khống".
Năm 1985, Minkow mở một tài khoản "merchant account", cho phép công ty chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng. Từ đó, bất cứ khi nào cần tiền, anh ta sẽ thêm các khoản phí không có thật vào tài khoản thẻ tín dụng của khách hàng và nhận tiền mặt sẵn sàng từ ngân hàng. Nếu một khách hàng phàn nàn, Minkow đổ lỗi cho các nhân viên làm thuê, trả tiền bồi thường rồi lại tiếp tục lừa đảo.
Chưa dừng lại ở đó, sự tháo vát và khả năng kết nối đã giúp cậu thuyết phục nhiều người dấn thân vào vụ lừa đảo này. Minkow thành lập một công ty "Dịch vụ thẩm định" giả mạo với mục đích xác minh các giao dịch kinh doanh của ZZZZ Best và để cho người bạn Thomas Padgett làm chủ sở hữu và nhà điều hành.
Hắn cũng thuyết phục được ngân hàng rằng mình đã giành được hợp đồng lớn từ những công ty bảo hiểm để khôi phục các tòa nhà bị hư hại do hỏa hoạn. Padgett chính là người xác nhận, giả mạo tất cả các tài liệu và hợp đồng. Hoạt động khôi phục lại các hợp đồng từ công ty bảo hiểm đã mở rộng đến mức có lúc chiếm đến 90% doanh thu hằng nằm của công ty.
Kỳ tích Phố Wall
Minkow tiếp tục tham vọng đưa ZZZZ Best lên sàn chứng khoán nhưng khâu kiểm toán lại tiếp tục gây trở ngại. Một kiểm toán viên của Ernst & Whinney đã khăng khăng muốn xem hồ sơ hợp đồng phục hồi thành công nhất của công ty nhưng ban đầu hắn đã bỏ qua yêu cầu này, tuyên bố đó là tài liệu bí mật. Sau đó, anh ta cử Padgett thuê một tòa nhà và sửa chữa nó để trông giống như một công trình được khôi phục bởi ZZZZ Best. Minkow và Padgett một lần nữa thành công trót lọt, nhận được bản xác nhận "sạch sẽ" về sức khỏe tài chính cho công ty.
Từ năm 1984 đến 1987, thu nhập ròng của ZZZZ Best đã tăng từ dưới 200.000 USD lên hơn 5 triệu USD trên doanh thu 50 triệu USD. Điều này có được là do Minkow luôn duy trì hồ sơ tài chính gian lận được tô điểm bởi những đơn hàng và tài khoản giả mạo, thu hút và gây ấn tượng với nhà đầu tư Phố Wall cũng như các nhà phân tích chứng khoán.
Vào tháng 12 năm 1986, ZZZZ Best chính thức ra mắt Phố Wall. Đến tháng 3 năm sau, giá trị công ty của Minkow chạm mức 64 triệu USD, và một tháng sau tiếp tục tăng lên 110 triệu USD. Lúc đỉnh điểm, giá trị vốn hóa công ty đạt đến 200 triệu USD.
Và dễ hiểu, Minkow có một cuộc sống xa hoa với khối tài sản khổng lồ. Truyền thông, báo đài liên tục đưa tin, coi anh là hình tượng mẫu mực cho một lớp trẻ biết khát vọng và làm giàu.
Lòi đuôi cáo
Trong thời kỳ cổ phiếu tăng giá, phóng viên Daniel Akst, người từng đặt cho Minkow biệt danh mỹ miều "Wonder boy", bắt đầu nghe tin về gian lận thẻ tín dụng. Vào ngày 22 tháng 5 năm 1987, ông viết một bài báo mang tiêu đề "Behind 'Whiz Kid' Is a Trail of False Credit-Card Billings.'' (tạm dịch: "Đằng sau 'Whiz Kid' là dấu vết của hóa đơn thẻ tín dụng sai lệch."). Ngay hôm sau, cổ phiếu ZZZZ Best mất 28% giá trị.
Bài báo lật tẩy mánh khóe của Minkow.
Các nhà điểu tra chứng khoán bắt đầu vào cuộc. Người ta nhận ra những con số bất hợp lý đối với một một doanh nghiệp có kích thước nhỏ như ZZZZ Best và ngành kinh doanh giặt thảm. Chi phí, doanh thu từ hoạt động cải tạo các công trình cũng bị cáo buộc tương tự.
Thay vì làm việc nhằm khôi phục lợi nhuận, Minkow lên kế hoạch tinh vi để lừa đảo, đồng thời khiến khoản nợ của công ty ngày càng tăng. Đợt chào bán công khai lần đầu (IPO) thu được 13 triệu USD từ các nhà đầu tư nhưng chỉ được sử dụng để trả những người cho vay trước đó và phục vụ lối sống xa hoa của doanh nhân trẻ, tương tự như mô hình lừa đảo khét tiếng Charles Ponzi nhiều năm về trước.
Minkow cũng chi hàng triệu USD phục vụ cho hoạt động gian lận, tạo ra các khoản phải thu giả mạo và sau đó được sắp xếp để chúng trông như những giao dịch bình thường.
Vì sao vụt tắt!
Đến khi vụ lừa đảo được làm sáng tỏ, công ty ngay lập tức phá sản. Từ mức vốn hóa thị trường 200 triệu USD, ZZZZ Best thanh lý tài sản chỉ với giá 62.000 USD. Trong khi đó, các nhà đầu tư mất hơn 100 triệu USD.Tháng 12 năm 1988, Minkow bị kết án với 57 tội danh lừa đảo và bị kết án 25 năm tù.
Vụ lừa đảo của Barry Minkow là một trong những vụ bê bối lớn nhất Phố Wall.
Vụ bê bối của ZZZ Best đã khiến Quốc hội phải xem xét lại mê cung các quy tắc quy định báo cáo tài chính, từng được coi là nền tảng của hệ thống giám sát doanh nghiệp Hoa Kỳ. Nó cũng trở thành bài học nhớ đời cho những nhà đầu tư và các cơ quan kiểm toán về lòng tham, sự tin tưởng cũng như đạo đức trong kinh doanh.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng