Cầu vồng sẽ xuất hiện nhiều hơn, nhưng đó lại là bằng chứng Trái đất đang nóng dần lên
(Tổ Quốc) - Một tác dụng phụ hơi thi vị của sự nóng lên toàn cầu, bên cạnh những rủi ro như mực nước biển dâng cao, sự tuyệt chủng của các loài và việc giảm năng suất cây trồng.
Khi mặt trời chiếu vào một giọt nước gần tròn giữa không trung, ánh sáng bị khúc xạ và phản xạ. Trên bầu trời sẽ hình thành một quang phổ nhiều màu sắc có hình vòm, từ vòng ngoài vào vòng trong sẽ lần lượt có các màu mà mắt thường dễ nhận thấy là đỏ, cam, vàng , lục, lam, chàm và tím. Đây chính là cầu vồng.
Nguyên lý nghe có vẻ đơn giản, nhưng điều kiện để hình thành cầu vồng một cách đầy đủ thì không đơn giản chút nào. Trước tiên chúng ta cần một trận mưa lớn, nhưng không phải mưa giông nhiều mây mà là một cơn mưa rào dễ chịu.
Thứ hai, chúng ta cần những hạt mưa, với giọt càng lớn càng tốt. Bởi vì những hạt mưa nhỏ hơn sẽ liên tục khúc xạ ánh sáng mặt trời, và sau khi các sóng ánh sáng phát ra giao thoa với nhau, độ sáng của cầu vồng sẽ yếu đi rất nhiều, thậm chí không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Cuối cùng, phải có ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào bầu khí quyển sau cơn mưa và ở góc 42° so với mắt người xem. Tức là thường vào sáng sớm hoặc đầu giờ chiều ở hầu hết các nơi trên thế giới.
Chỉ bằng cách đáp ứng đủ ba điều kiện này, bạn mới có thể tận hưởng hình ảnh cầu vồng tuyệt đẹp trên bầu trời.
Là một hiện tượng quang học khí quyển với điều kiện hình thành không quá cao, cầu vồng thường xuất hiện ngẫu nhiên, không dễ để nhìn thấy. Đây cũng là lý do những người yêu cầu vồng thường phải bỏ công để săn tìm chúng khắp mọi nơi. Nhiều hội nhóm, tổ chức có thể phải lập các kế hoạch cụ thể và chi tiết, vượt núi băng sông để săn tìm và ghi lại hình ảnh của cầu vồng.
Tuy nhiên, có một nơi cực kỳ dễ nhìn thấy cầu vồng trên thế giới. Đó là quần đảo Hawaii ở Mỹ. Đến quần đảo này bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy cầu vồng. Trong đó, nổi bật là đảo Kauai, một hòn đảo nhiều mưa và có núi Waialeale, một trong những nơi ẩm ướt nhất trái đất. Đó là lý do cầu vồng xuất hiện thường xuyên ở nơi đây hơn những địa điểm khác trên thế giới.
Nhưng đối với Kimberly Carlson, giáo sư khoa học môi trường tại Đại học New York, thì việc thường xuyên nhìn thấy cầu vồng rực rỡ ở quê nhà tại Hawaii lại khiến cô lo lắng. Bởi cô luôn băn khoăn rằng liệu chúng ta có tiếp tục nhìn thấy những cầu vồng tuyệt đẹp này trong tương lai không?
Vì vậy, nữ khoa học gia này đã tập hợp một nhóm đồng nghiệp cũng quan tâm đến cầu vồng như mình và bắt đầu nghiên cứu về cầu vồng trong tương lai.
Đầu tiên, họ tìm kiếm 120.000 bức ảnh được đánh dấu là "cầu vồng" trên khắp thế giới trong 16 năm từ 2004 đến 2019 trên trang web chia sẻ ảnh Flickr. Sau đó, họ sàng lọc ra 7.094 bức ảnh cầu vồng hiển thị trong bầu khí quyển có liên quan đến lượng mưa.
Sau đó, họ đối chiếu bản đồ phân bố cầu vồng với các mô hình dự đoán khí hậu đã được thiết lập để xem liệu các điều kiện có phù hợp với cầu vồng tại thời điểm chụp ảnh hay không. Các dự đoán của mô hình cho thấy sự phù hợp chặt chẽ với các quan sát bằng hình ảnh, có nghĩa là mô hình đó có thể được sử dụng để dự đoán cầu vồng trong tương lai.
Vào tháng 11 vừa qua, Carlson và các đồng nghiệp đã công bố kết quả dự đoán trên tạp chí khoa học môi trường. Kết luận của báo cáo đầy bất ngờ: Càng nhiều cầu vồng sẽ xuất hiện khi Trái đất càng nóng lên.
Theo quan sát, số ngày cầu vồng xuất hiện hàng năm thấp nhất ở vùng cực và vùng sa mạc ít mưa, cao nhất ở vùng nhiệt đới ven biển và cận nhiệt đới có lượng mưa lớn. Nhưng khi lượng khí thải nhà kính tăng lên, trong tương lai có thể sẽ ít mây hơn và mưa nhiều hơn, dẫn đến số ngày thấy cầu vồng trung bình tăng lên.
Ngày nay, số ngày trung bình cầu vồng xuất hiện trên đất liền mỗi năm là 117 ± 71 ngày, theo dự đoán của mô hình. Và đến năm 2100, số ngày cầu vồng xuất hiện trung bình trên toàn cầu sẽ tăng 4 tới 5 ngày trên cơ sở này.
Nhìn qua thì có vẻ như mức trung bình toàn cầu đã không tăng nhiều, nhưng phần lớn sự gia tăng thời tiết để có thể xuất hiện cầu vồng lại tập trung ở các vùng vĩ độ cao. Ở những vùng có độ cao lớn như dãy Himalaya, thậm chí có thể tăng thêm 30-50 ngày có cầu vồng.
Có nhiều ngày xuất hiện cầu vồng hơn, nhưng điều này không có nghĩa là mọi người trên khắp thế giới sẽ có nhiều cơ hội nhìn thấy cầu vồng hơn. Các khu vực của Địa Trung Hải, miền nam châu Phi và thậm chí cả Nam Mỹ nhiệt đới sẽ trở nên khô hạn hơn trong tương lai.
Giáo sư Carlson cho biết: “Những nơi này có thể mất hầu hết các ngày có cầu vồng vào năm 2100.”
Mọi người thường hay nói hãy luôn kiên nhẫn chờ đợi cầu vồng sau cơn mưa, với hàm ý hình ảnh cầu vồng là một biểu tượng đẹp đẽ. Tuy nhiên, trong các nền văn hóa và truyền thuyết cổ xưa, cầu vồng thường không phải là một điềm báo tích cực.
Trong thần thoại Hy Lạp cổ đại, Iris, nữ thần cầu vồng, luôn mang đến tin tức về chiến tranh và xung đột. Trong các cộng đồng thổ dân ở Úc, cầu vồng vừa là người tạo ra vừa là kẻ hủy diệt mọi thứ.
Trong văn hóa dân gian của người Karen ở Đông Nam Á, cầu vồng là một con quỷ ăn thịt trẻ em. Trong một số nền văn hóa ở Trung và Nam Mỹ, cầu vồng là một thế lực tà ác có thể gây hại.
Ở Babylonia cổ đại, nhiều tai họa thường xảy ra trước những lần xuất hiện cầu vồng ấn tượng, càng củng cố vai trò của chúng như một điềm báo nguy hiểm.
Ngày nay, hình ảnh cầu vồng bảy màu đẹp đẽ dường như còn có thể báo trước một cuộc khủng hoảng khí hậu lớn hơn. Trong những ngày nóng hơn sắp tới, Bắc Cực sẽ thấy nhiều cầu vồng hơn do nhiều nước sẽ rơi từ trên trời xuống dưới dạng tuyết và có thể nhỏ xuống thành mưa. Còn số ngày có cầu vồng ở rừng nhiệt đới Amazon có thể sẽ giảm đi do lượng mưa vốn chiếm ưu thế trong rừng nhiệt đới sẽ dần biến mất, khi hạn hán trở nên phổ biến hơn. Biến đổi khí hậu toàn cầu không chỉ ảnh hưởng đến cầu vồng mà còn ảnh hưởng đến tất cả những ai nhìn thấy chúng.
Sẽ vẫn rất may mắn khi nhìn thấy nhiều cầu vồng hơn và cầu vồng vẫn sẽ xuất hiện sau một trận mưa lớn. Nhưng lần tới, khi nhìn lên cầu vồng, bạn hãy thử cố gắng nhìn thấu tín hiệu nguy hiểm đằng sau những dải màu tuyệt đẹp trên bầu trời kia.
Tham khảo NatGeo, iFeng
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng