Brazil có vẻ như không còn muốn Internet trở thành tay gián điệp cho người Mỹ.
Những tin tức ầm ĩ gần đây về các hoạt động theo dõi của cơ quan an ninh quốc gia (NSA) Hoa Kỳ có vẻ như đã khiến giới chức Brazil khá là nóng mặt. Các nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn nhất châu Mỹ Latin hiển nhiên không thể nào nuốt trôi được việc các cơ quan tình báo của Mỹ đang thoải mái nghe trộm điện thoại hay đọc được email, thư từ của mình. Đỉnh điểm của sự bức xúc này thậm chí đã khiến Brazil bắt đầu cân nhắc đến việc tách rời hoàn toàn khỏi hệ thống Internet của Mỹ.
Hiển nhiên việc này không hề đơn giản, nhất là khi rất nhiều các dịch vụ nội dung của thế giới Internet bắt nguồn từ Mỹ. Nhưng các nhà lãnh đạo Brazil nghiêm túc tới mức hiện nay đã có hẳn một kế hoạch cụ thể được vạch ra. Đây cũng là một trong những trường hợp hiếm hoi trong đó chính quyền thực sự can thiệp mạnh tay vào hệ thống Internet của một đất nước. Tổng thống Dilma Rousseff, người mới hủy chuyến thăm gần đây của mình tới Washington để phản đối các hành động của NSA đã đích thân chỉ ra các bước đi cần thiết cho kế hoạch này:
- Buộc các công ty như Google hay Facebook xây dựng hệ thống máy chủ trong nội địa Brazil để phục vụ người dùng nước này và nằm dưới sự kiểm soát của luật pháp Brazil.
- Xây dựng thêm các điểm trung chuyển để đưa các luồng dữ liệu chính của quốc gia đi vòng tránh khỏi các địa phận có nguy cơ bị lấy trộm thông tin như Mỹ.
- Xây dựng một hệ thống email – thư điện tử riêng của quốc gia dựa trên nền tảng dịch vụ bưu chính sẵn có, nhằm thay thế các dịch vụ như Gmail, Yahoo Mail…
- Lắp đặt mới hệ thống cáp biển nối trực tiếp với châu Âu để tránh lệ thuộc vào các điểm trung chuyển tại Bắc Mỹ.
Bà Rousseff cũng yêu cầu các nhân viên báo cáo chi tiết về những thông tin mà giới tình báo của Mỹ đã thu thập được về Brazil. Dù rằng ý tưởng tự tạo ra một mạng Internet độc lập nghe có vẻ quá cực đoan, nhưng với những gì đã được hé lộ gần đây về các hoạt động của NSA, phản ứng của bà Rousseff cũng không phải là quá khó hiểu. Một số ý kiến cho rằng các hướng đi nêu trên cực kỳ khó thực hiện, nếu không nói là bất khả thi, nhưng cũng cần lưu ý rằng Brazil là nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ. Và quan trọng hơn là Brazil chỉ xếp sau Mỹ về số lượng kênh liên lạc bị NSA giám sát – theo như một số bài viết từ tạp chỉ The Guardian. Con số cụ thể không được nêu rõ, nhưng thực tế rằng các gián điệp của Mỹ đang “để ý” một nước đồng minh kỹ hơn cả Trung Quốc hay Iran hiển nhiên đủ để khiến các lãnh đạo Brazil nóng mặt.
Để giải thích cho con số trớ trêu này, cựu giám đốc của cả CIA và NSA – tướng Micheal Hayden – đã có lời giải thích hết sức ngắn gọn trên The New Yorker: “Brazil là nơi mọi đường cáp từ bờ kia Đại Tây Dương cập bến.” Quả thực, những ai đã có dịp nhìn qua bản đồ cáp biển của thế giới đều có thể nhanh chóng nhận ra rằng Brazil – hay cụ thể hơn là Fortaleza là một trong những điểm quan trọng nhất của đa số tuyến kết nối liên lục địa. Lợi thế này sẽ khiến kế hoạch tách mạng Internet ra khỏi sự lệ thuộc vào Mỹ của chính quyền Brazil trở nên dễ dàng hơn, hay sẽ khiến mọi chuyện trở nên phức tạp hơn trên bàn đàm phát, chỉ có thời gian mới có thể trả lời. Dù sao thì trong thời điểm hiện tại chúng ta vẫn có thể chắc chắn một điều: bất kể các rào cản kỹ thuật có lớn đến đâu, tổng thống Rousseff cho biết sẽ không đời nào rút lại kế hoạch của mình.
Tham khảo:gizmodo, bbc
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng