CEO 9X Hàn Ngọc Tuấn Linh: "10 năm nữa công ty tôi sẽ đầu tư mạo hiểm cho startup muốn gây ảnh hưởng toàn cầu"
Trở thành Co-founder của Vietnam Silicon Valley (VSV) – dự án hỗ trợ startup của Bộ Khoa học và Công nghệ - từ năm 24 tuổi, Hàn Ngọc Tuấn Linh vừa được Tạp chí Forbes Asia vinh danh là một trong những gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất châu Á năm 2020.
- Cậu bé 12 tuổi và phát minh độc đáo giúp bác sĩ đeo khẩu trang không còn bị đau tai
- Hơn 90.000 đăng ký xin sản xuất máy thở của tập đoàn Mỹ, chỉ có Vingroup, Foxconn và một công ty Canada được chọn
- Giữa việc sa thải 12.000 người hoặc đóng cửa công ty, tôi liều mình chọn giải pháp không tưởng thứ 3 nhưng cứu sống tất cả: Bài học từ khủng hoảng năm 2008 của một CEO
- Chùm ảnh: Vũ Hán - thành phố triệu dân vừa thức dậy sau một giấc ngủ kéo dài 76 ngày do lệnh phong tỏa trong đại dịch Covid-19
VSV Capital hiện đang là quỹ đầu tư của hơn 70 dự án, với tổng giá trị tài sản khoảng 7 triệu USD, do Hàn Ngọc Tuấn Linh (SN 1990) là Co-founder kiêm CEO.
Anh nghĩ gì về danh hiệu top 30 under 30 của Forbes Asia mà mình vừa nhận được?
CEO Tuấn Linh: Đầu tháng 4, khi mọi người nhắn tin chúc mừng, tôi thấy rất bất ngờ vì không nghĩ mình sẽ lọt danh sách này. Với tôi, việc lọt vào top 30 Under 30 châu Á chỉ là một may mắn, vì tôi cũng đang làm công việc hàng ngày như tất cả mọi người. Có lẽ, vì công việc đó – đầu tư mạo hiểm – còn mới mẻ, chưa phát triển mạnh ở Việt Nam nên tôi được chú ý nhiều hơn.
Nếu hiện nay, đầu tư mạo hiểm vẫn chưa phát triển mạnh ở Việt Nam, thì vì sao, từ cách đây 6 năm, anh lại chọn con đường này?
CEO Tuấn Linh: Sau 2 năm làm việc ở một ngân hàng trong nước, tôi học hỏi được rất nhiều thứ và cảm thấy công việc quản lý dự án rất thú vị. Đúng lúc đó, Bộ Khoa học Công nghệ, kết hợp với công ty của gia đình tôi, thực hiện dự án tư vấn cho Chính phủ, về việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam.
Tôi quyết định bỏ việc ở ngân hàng để tham gia quản lý dự án đó. Trong thời gian này, tôi nhận ra, ở Việt Nam, rất khó tìm được những người thực sự hiểu về startup và sẵn sàng mạo hiểm đầu tư cho họ. Tôi nghĩ, mình không thể trông chờ mà phải tự làm trước, xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm, để cho những người khác nhìn thấy một tiền lệ. Năm 2014, công ty của chúng tôi chính thức chuyển thành công ty chuyên đi đầu tư cho startup, và tôi đóng vai trò quản lý quỹ đầu tư này.
Đến giờ sau 6 năm nhìn lại, anh thấy startup nào đã vượt lên, hiện vẫn là dự án xuất sắc mà mình đã đầu tư?
CEO Tuấn Linh: Tôi nghĩ là Lozi. Đây là dự án rất ấn tượng ngay trong năm đầu tiên, bởi 5 thành viên sáng lập Lozi đều sinh năm 1992. Vào năm 2014, họ đã bỏ học ĐH được 1 năm để làm việc chung với nhau, trước khi tìm tới VSV.
Ngày mà Trung (Nguyễn Hoàng Trung – Founder & CEO Lozi - PV) lên thuyết trình về công ty trước VSV, trang web của họ đã bị sập. Lúc đó, Trung quay sang hỏi cộng sự của mình: "Có phải vì chúng mình hết tiền thuê server?". Sau đó, mọi người rất ngạc nhiên khi biết lý do thực sự rằng, website của họ không truy cập được vì quá tải người dùng.
5 thanh niên với đôi bàn tay trắng, ngay đến tiền thuê server cũng không đủ, chỉ trong vòng 6 tháng, đã xây dựng được một trang web có lượng người dùng lớn đến vậy (khoảng 600.000 người/ tháng, thời điểm năm 2014), nên VSV quyết định đầu tư cho Lozi.
Tôi còn nhớ, ngày kết thúc khóa đào tạo giữa nhà đầu tư và startup (khoảng 6 tháng), VSV tổ chức ngày hội Demo Day đầu tiên ở hội trường của Bộ KHCN. Trung đã khiến bác Nguyễn Quân – Bộ trưởng Bộ KHCN lúc đó phải bất ngờ vì tính năng dựa theo thời gian trong ngày và "tiểu sử" của khách hàng, để đưa ra gợi ý món ăn, nhà hàng rất chính xác.
Ở dưới hội trường, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư lúc bấy giờ, bác Đặng Huy Đông cũng tỏ ra rất hào hứng. Sự thành công của Lozi và các startup khác là minh chứng cho đề án của Bộ KHCN bắt đầu thực hiện từ năm 2013 đến giữa năm 2014 đã cho ra những kết quả đầu tiên. Và kết quả thực tế trong xã hội là, VSV đã có thể giúp các startup phát triển, thu hút được nhà đầu tư.
Cũng từ đây, Bộ KHĐT đã hiểu nhiều hơn về startup cũng như các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam, từ đó, bắt tay với Bộ KHCN để nghiên cứu sâu hơn về khung pháp lý, giúp hỗ trợ startup và các quỹ đầu tư mạo hiểm ở trong nước.
Trong các dự án thành công của VSV, anh đóng vai trò như thế nào, vì nhiều người cũng đã biết, công ty này vốn do mẹ anh sáng lập?
CEO Tuấn Linh: Ở VSV, có một mảng là nghiên cứu và tư vấn cho Chính phủ, phần việc này do mẹ tôi đảm nhận.
Ban đầu, tôi tham gia VSV với vai trò quản lý các dự án tư vấn cho Chính phủ. Nhưng sau này, từ năm 2014 tới nay, khi VSV thành lập quỹ đầu tư thì tôi chịu trách nhiệm gọi vốn, lựa chọn startup để đầu tư, giữ vị trí TGĐ của công ty. Hiện nay, công việc của tôi và mẹ mình cũng rất độc lập.
Vậy anh nghĩ sao về biệt danh "cậu ấm nhà đại gia" và một vài nhận xét rằng, con đường anh đi sẽ bằng phẳng hơn mọi người nhờ sự trợ giúp từ cha mình – ông Hàn Ngọc Vũ (CEO của ngân hàng VIB)?
CEO Tuấn Linh: Tôi nghĩ những nhận xét như vậy rất khó tránh khỏi nên cũng không bận tâm nhiều.
Từ khi tôi còn nhỏ, bố tôi có lúc làm Chủ tịch HĐQT, khi lại làm TGĐ ngân hàng. Đứng từ bên ngoài nhìn vào, nhiều người cũng nói, vợ và con trai của Chủ tịch hoặc TGĐ ngân hàng sẽ có một cuộc sống rất dễ dàng nhờ mối quan hệ và nguồn lực tài chính mạnh mẽ từ bố tôi.
Thực tế, dù là Chủ tịch hay TGĐ của ngân hàng thì bản chất, cũng vẫn chỉ là người làm công ăn lương. Gia đình tôi có thể nói là khá giả hơn nhiều gia đình khác, nhưng nếu muốn thực hiện được nhiệm vụ lớn với nhà nước, giúp xây dựng một thị trường vốn đầu tư mạo hiểm và hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam, thì cho dù bố mẹ hay cá nhân tôi có tài giỏi cỡ nào cũng không làm được.
Điều đó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: năng lực những người thực hiện công việc, sự cố gắng của nhiều người, nhiều gia đình và nguồn lực, sự hỗ trợ của nhà nước...
Có bao giờ anh nghĩ, nếu không sinh ra ở gia đình có nền tảng tốt như vậy, liệu anh có thành công như bây giờ?
CEO Tuấn Linh: Trước đây tôi cũng hay tự hỏi như vậy. Nhưng sau này, tôi không nghĩ đến điều đó nữa. Tôi cho là, mỗi người sinh ra ở hoàn cảnh khác nhau, đều có những thuận lợi và khó khăn riêng. Điều kiện gia đình tốt không có nghĩa là mọi thứ đều thuận lợi.
Vậy cụ thể, với điều kiện gia đình mình, anh thấy bản thân có những thuận lợi, khó khăn gì?
CEO Tuấn Linh: Tôi nghĩ bố mẹ mình có cách giáo dục khá khác biệt, ít nhất là so với những gia đình bạn bè mà tôi quen biết. Từ năm tôi học Tiểu học, bố mẹ luôn nhắc lại một câu: "Bố mẹ đi làm, sẽ cố gắng làm tốt công việc của mình để sếp của bố mẹ, sẽ không gọi điện nói với con là bố mẹ không hoàn thành tốt công việc, làm ảnh hưởng tới con. Ngược lại, con đi học thì cũng cố gắng, để thầy cô giáo không gọi điện nói với bố mẹ, sự thể hiện của con ở trường không tốt, làm phiền và ảnh hưởng đến bố mẹ".
Từ khi đi học cho đến lúc tốt nghiệp đại học, tôi chưa bao giờ là học sinh giỏi hay xuất sắc nhất lớp. Nhưng bố mẹ tôi không bao giờ bị phiền lòng về điều đó và rất chú trọng dạy cho tôi những kỹ năng xử lý tình huống ngoài xã hội, qua va vấp thực tế của họ. Từ nhỏ tới lớn, tôi lớn lên với những câu chuyện của bố mẹ như vậy, nên có cảm giác, mình biết rất nhiều, về những tình huống đang xảy ra ngoài xã hội và cách xử lý nó.
Nhưng bố tôi cũng là người rất nghiêm túc, kỹ tính và chặt chẽ trong chuyện quản lý tiền bạc với con cái. Năm tôi 17 tuổi, đi du học thì ông sang Anh, ở cùng với tôi một tháng. Bố tôi tính toán tất cả chi phí (tiền học, thuê nhà, tự nấu ăn) và chỉ cho tôi 100 bảng chi tiêu các khoản khác.
Nếu tôi không tự nấu ăn để mang đến trường vào buổi trưa, tôi cũng chỉ có 100 bảng đó để ăn ở ngoài. Cách dạy đó đã khiến tôi học được việc quản lý tài chính cá nhân rất tốt và có thể sinh tồn trong điều kiện khó khăn hơn, giống như phần đông các bạn trẻ khác.
Còn mẹ anh thì sao, một người tư vấn cấp cao cho Chính phủ đã ảnh hưởng đến anh như thế nào?
CEO Tuấn Linh: Mẹ là người sẵn sàng mạo hiểm hơn so với bố. Bà thường khuyên tôi, muốn có cái gì thì phải chủ động giành lấy, hoặc cũng phải chấp nhận mạo hiểm, đánh đổi điều gì đó để có được.
Điều này nghe có vẻ rất lý thuyết và đôi khi, chúng ta vẫn gặp những tình huống mà chính mình cũng nghĩ là nó không khả thi, nhưng khi làm việc với mẹ, tôi hiểu rằng, những gì mình đã muốn làm thì đều có thể làm được. Điều cần lưu ý nhất là đừng làm điều gì, mà có thể để lại hậu quả không thể sửa chữa được.
Theo anh, đầu tư mạo hiểm có điểm gì thú vị?
CEO Tuấn Linh: Khi đầu tư mạo hiểm, tôi luôn hiểu rằng, tỷ lệ 1-2% công ty thành công đã là đáng mừng nhưng mỗi lẫn, một startup trong số 99% kia phải dừng lại, tôi đều suy nghĩ rất nhiều. Tôi thường tự hỏi, vì sao trước đây mình lại quyết định đầu tư cho công ty đó, tôi đã nhìn thấy tiềm năng gì từ họ, tôi có thể làm gì khác để giúp họ thành công?
Đầu tư mạo hiểm, tất nhiên rất mạo hiểm, nhưng nó cũng là cơ hội để nhà đầu tư học được nhiều thứ trong thời gian rất nhanh. Trước khi thành công đều là thất bại mà các công ty thất bại sẽ thất bại rất nhanh, trong khi muốn thành công, cần có 6-8 năm để nhìn thấy kết quả.
Đối với cá nhân tôi, khi chuyển từ làm ngân hàng, sang quản lý dự án, rồi đầu tư mạo hiểm thì trách nhiệm của tôi, càng lúc càng lớn hơn. Ở vị trí TGĐ VSV Capital, tôi là người phải ra quyết định, mà khả năng đưa ra quyết định sai càng lúc càng tăng lên vì sẽ luôn có nhiều rủi ro.
Quỹ đầu tư mạo hiểm gọi vốn từ các nhà đầu tư khác. Chuyện đem tiền của người khác đi đầu tư cũng rất áp lực. Nhưng tôi lại thấy đó là công việc rất thú vị. Tôi học được sự quyết đoán và cách nghĩ: không gì là không thể.
Anh nghĩ gì về con số 20% startup được đầu tư thành công của VSV?
CEO Tuấn Linh: Tôi nghĩ đó là một con số rất tốt, nếu so sánh với các nước khác. Vì ở nước ta, ngành đầu tư mạo hiểm vẫn chưa thực sự phát triển để có đủ số liệu so sánh.
Nhưng con số này, đúng ra có tiềm năng để tốt hơn rất nhiều, vì các startup ở Việt Nam đang rất thiệt thòi. Startup rất cần vốn, cho nên việc nó có thể phát triển được hay không, sẽ phụ thuộc nhiều vào thị trường đầu tư mạo hiểm ở nước đó phát triển hay không. Trong khi đó ở Việt Nam, chưa thực sự có thị trường đầu tư mạo hiểm.
Vậy anh kỳ vọng, trong vòng 10 năm nữa, VSV Capital sẽ đóng góp như thế nào cho thị trường đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam?
CEO Tuấn Linh: Tôi kỳ vọng, 10 năm nữa, VSV Capital sẽ trở thành tổ chức dành cho những người muốn xây dựng một doanh nghiệp mới có thể tạo ảnh hưởng lớn cho xã hội Việt Nam cũng như trên toàn cầu. Những người như thế, họ có thể tìm đến VSV Capital và gọi được vốn.
Nếu VSV Capital thành công thì sẽ tạo ra bằng chứng ở Việt Nam, đầu tư mạo hiểm sẽ trở thành nghề và đây sẽ là thị trường tiềm năng, mọi người có thể nhảy vào cùng làm, cùng tạo ra giá trị và trở nên giàu có.
Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng đứng trong top 10 của thế giới và chúng ta xứng đáng là thị trường đầu tư tiềm năng hơn nữa, không chỉ thu hút được nhiều nguồn vốn hơn mà còn có các quỹ đầu tư mạo hiểm nội địa phát triển, giúp nhiều startup thành công, đóng góp lớn cho xã hội.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng