CEO Cốc Cốc: Thành công được đo bằng những 'người dùng hạnh phúc'!
(Tổ Quốc) - Thừa nhận việc vượt qua Google là vô cùng khó khăn, CEO Cốc Cốc vẫn khẳng định, công ty có con đường riêng để phát triển sản phẩm của mình, với tầm nhìn năm 2025 sẽ đạt 50 triệu người dùng, tương đương 50% dân số Việt Nam.
- Chiếc xe điện siêu nhỏ nhẹ là tương lai giao thông đô thị: Giúp vượt tắc đường bằng công nghệ có một không hai, trẻ 14 tuổi có thể lái mà không cần bằng
- Sự phi thường của TMĐT: Tại sao giao hàng từ Trung Quốc về Việt Nam chỉ mất vài ngày, nhưng phí ship 10.000 đồng - rẻ hơn cả nội thành?
- Apple nói rằng iMessage dành cho Android sẽ "kìm hãm chúng tôi trong việc đổi mới"
- Mặt tối của những hệ thống siêu máy tính
Tại sao ngay từ ban đầu, Cốc Cốc lại muốn phát triển một công cụ tìm kiếm ở Việt Nam trong khi Google đã làm tốt việc này?
Thời điểm Cốc Cốc ra mắt năm 2010, Google làm chưa tốt về công cụ tìm kiếm bằng tiếng Việt.
Khi đó, Google chưa quan tâm tới thị trường Việt Nam lắm và đó chính là cơ hội để làm ra sản phẩm tốt hơn. Cốc Cốc tập trung phát triển hai sản phẩm chính cho người dùng Internet Việt là công cụ tìm kiếm và trình duyệt.
Mục tiêu của Cốc Cốc đơn giản là làm tốt hơn những lựa chọn đang có.
Thời điểm bắt đầu đó, những điều gì Cốc Cốc có thể làm cho người dùng Việt Nam mà Google chưa làm hoặc vì một lý do nào đó lại không muốn làm?
Nếu nói đến chưa làm, thì trước đây họ không tập trung vào phát triển công cụ tìm kiếm hoặc có một trình duyệt riêng cho người Việt, gần đây họ tập trung đầu tư nhiều hơn rồi.
Về các tính năng họ không muốn làm, thì là chặn quảng cáo, và download (tải xuống). Google không chặn quảng cáo vì họ có cả một hệ sinh thái kiếm tiền bằng quảng cáo... và Google cũng không bao giờ làm tính năng download, ví dụ như từ Youtube, mặc dù không ai cấm cả.
Ngoài Cốc Cốc cũng có một số công ty hỗ trợ người dùng các tính năng này, nhưng thế mạnh của Cốc Cốc là đóng gói tất cả trong một sản phẩm trình duyệt của mình. Như vậy thì tiện lợi hơn nhiều, và chúng tôi lại miễn phí.
Cốc Cốc từng chia sẻ: 'Cốc Cốc không kỳ vọng thay đổi ngành hay thay đổi thế giới mà đơn giản chỉ tìm mọi cách giúp người dùng bớt bị spam, tìm được địa chỉ mua sắm có uy tín dễ dàng, thậm chí chỉ giúp tiết kiệm được chi phí 1.000-2.000 đồng thôi… chính là mục tiêu của bọn mình'. Nhưng nếu vậy thì có gặp phải vấn đề xung đột lợi ích với doanh thu quảng cáo hay không?
Không xung đột với doanh thu quảng cáo. Những kết quả tìm kiếm trên sản phẩm của Cốc Cốc như công cụ tìm kiếm là kết quả tự nhiên (organic search) và không thể bị tác động bởi bên thứ ba. Những kết quả có quảng cáo sẽ được chú thích rõ.
Và cũng cần hiểu là quảng cáo cũng có thể có giá trị cho người dùng, quan trọng là làm tốt khâu kết nối thôi.
Chúng tôi cũng đo chất lượng quảng cáo. Không phải quảng cáo nào được truy cập nhiều nhất sẽ thắng. Nếu người cùng click vào quảng cáo, và ở lại trang web thì tức là quảng cáo hiệu quả, nếu họ quay lại trang tìm kiếm ngay thì quảng cáo đó vô giá trị.
Cốc Cốc luôn đặt lợi ích và trải nghiệm duyệt web của người dùng lên đầu. Câu chuyện tiết kiệm dù chỉ 1.000 - 2.000 đồng được đưa ra để thấy rằng, dù là nhu cầu nhỏ nhất của người Việt, Cốc Cốc cũng tập trung đáp ứng.
Việc Google quan tâm nhiều hơn đến thị trường Việt Nam có phải là thách thức với Cốc Cốc?
Tôi nghĩ nó cũng như "con gà quả trứng" thôi. Khi có Cốc Cốc cạnh tranh, Google sẽ quan tâm hơn tới thị trường Việt Nam. Rõ ràng, Google đang thống trị cả thế giới Internet, bỗng nhiên lại có Cốc Cốc ở Việt Nam, cũng có thị phần tương đối lớn, thì họ sẽ quan tâm và đầu tư nhiều hơn.
Trước hết, đâu đó, tôi nghĩ là Cốc Cốc đã thúc đẩy Google quan tâm hơn tới thị trường Việt Nam, bỏ công đầu tư hơn giúp các sản phẩm và dịch vụ dành cho người Việt sẽ được tốt hơn.
Thứ hai, chắc chắn khi họ đầu tư vào thị trường Việt Nam hơn, thì thị trường sẽ cạnh tranh hơn và thách thức với Cốc Cốc cũng lớn hơn.
Vượt qua những các ông lớn công nghệ của Mỹ gần như là chuyện không tưởng, không chỉ với các công ty Việt Nam mà thậm chí với các công ty ở nhiều nước phát triển hơn cũng khó. Tất nhiên vẫn có số ít làm được ví dụ như các công ty Trung Quốc, nhưng đổi lại thì chính phủ họ phải kiểm soát rất chặt với các OTT. Còn với môi trường như Việt Nam, phải chăng là Cốc Cốc có thể lựa chọn 'chung sống' với OTT và hài lòng với vị trí số 2?
Quan điểm của tôi là có sự cạnh tranh, đối trọng chắc chắn là tốt hơn. Không nên chỉ có một mình Google. Có sự cạnh tranh về sản phẩm, thì cuối cùng người dùng sẽ có sản phẩm và dịch vụ tốt hơn, và có thêm sự lựa chọn.
Còn chuyện có vượt qua được họ không, thì tất nhiên chúng tôi cũng muốn vượt rồi.
Nhưng thực tế, nếu nhìn vào các thị trường có công cụ tìm kiếm và trình duyệt nội địa, trừ Trung Quốc vì họ cấm Google, thì ở Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Hoa Kỳ… số 1 và số 2 có thể song hành, không vấn đề gì, thậm chí một số thị trường còn có số 3 nữa, nhưng số 3 thì hơi khó khăn chút.
Ở Việt Nam, Cốc Cốc hiện đang là số 2, chắc chắn là cơ hội phát triển vẫn còn rất lớn, có là số 2 thì vẫn sống rất là khỏe (cười). Trước mắt là vậy, chắc sẽ khó để vượt Google, nhưng chúng tôi vẫn có con đường riêng để phát triển sản phẩm của mình.
Vậy cuộc chơi này không phải winner takes all (người chiến thắng sẽ có tất cả)?
Thường thì winner takes all sẽ chỉ xuất hiện trong mô hình kinh doanh có network effect (hiệu ứng mạng lưới), ví dụ như social network (mạng xã hội), vì giá trị của các mô hình này cũng đến từ chính người dùng. Mạng xã hội có tốt đến mấy mà không có ai dùng thì cũng không có giá trị.
Công cụ tìm kiếm hay trình duyệt thì không có hiệu ứng đó, việc thu hút người dùng hoàn toàn dựa vào sản phẩm. Thế nên giai đoạn 2013 Cốc Cốc mới tăng trưởng mạnh như thế, vì thời điểm đó sản phẩm của Google chưa tốt. Giờ họ làm tốt hơn thì Cốc Cốc cũng khó tăng trưởng hơn.
Cốc Cốc có kỳ vọng ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội mới không?
Chúng tôi thấy thị trường Việt Nam là đủ lớn, vì dân số trẻ và khá cởi mở với công nghệ mới, và thành công ở Việt Nam là đủ khó rồi.
Danh hiệu "nền tảng số phục vụ người dân" mà Bộ Thông tin Truyền thông vừa trao có ý nghĩa thế nào đối với Cốc Cốc?
Tôi nghĩ là rất có ý nghĩa đấy.
Về Cốc Cốc, tôi thấy văn hóa ở đây rất hay, là dám làm, vừa làm vừa học. Khi mới startup, Cốc Cốc chọn làm trình duyệt và công cụ tìm kiếm riêng cho Việt Nam, cũng hơi điên đấy (cười). Nhưng họ dám làm và làm được thật. Một điểm nữa tôi thấy được khi phỏng vấn các bạn, lúc mới về đây, là các bạn thực sự rất tự hào có mong muốn đóng góp cho người dùng Internet Việt Nam.
Sứ mệnh của Cốc Cốc là làm cho người Việt hạnh phúc hơn bằng cách hỗ trợ họ tận dụng tối đa thế giới kỹ thuật số.
Nền tảng số phục vụ người dân cũng là một sự ghi nhận. Vì để nhận được danh hiệu đó phải có sản phẩm tốt, có quy mô, tất nhiên là phải rất Việt Nam và phải đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn và có khả năng tăng quy mô để phục vụ nhiều người dùng hơn.
Tại sao lại là hạnh phúc hơn, mà không phải là một mục tiêu nào đó dễ đo lường hơn?
Trước khi tôi về Cốc Cốc, tức là cách đây khoảng hơn 3 năm thôi, Cốc Cốc còn chưa có sứ mệnh, hay tầm nhìn, hay giá trị cốt lõi cụ thể. Thực ra cũng không hẳn là không có, nhưng không bao giờ viết xuống.
Tôi đã phỏng vấn từng người, để cố gắng hiểu họ, thống nhất và viết ra được văn hóa đó ra. Trong khi phỏng vấn, một bạn kỹ sư làm sản phẩm mobile có nói với tôi ý tưởng là, trong tương lai, có thể có thước đo hạnh phúc trên điện thoại, sử dụng tính năng nhận diện khuôn mặt, nghe cũng hơi mơ mộng ấy.
Nếu như hiện tại, chúng tôi đang đo daily active users, thì bạn ấy bảo tương lai muốn đo daily happy users. Chuyện là vậy (cười). Chúng tôi cũng muốn có daily happy users, thành công được đo bằng những người dùng hạnh phúc.
Cũng đúng, trước khi có Cốc Cốc thì mọi người chủ yếu dùng Google, và happy hay không thì cũng vẫn phải dùng (cười).
Giờ không happy với bên này thì dùng bên kia thôi.
Cốc Cốc có gì đặc biệt mà anh lại nhiều lần nói rằng không có nhiều công ty như Cốc Cốc?
Thứ nhất, trên thế giới chỉ có 10 thị trường có trình duyệt của doanh nghiệp nội địa, Việt Nam - với Cốc Cốc - là một trong số đó.
Thứ hai, để thành công, quan trọng nhất là con người, và tôi thấy ở Cốc Cốc nhiều người giỏi.
Đội kỹ sư giỏi, vì xây dựng được một công cụ tìm kiếm có thể cạnh tranh với Google cực kỳ khó. Người dùng đang dùng Chrome, Safari… và phải thuyết phục họ đừng dùng nữa, dùng Cốc Cốc đi. Vô cùng khó (cười lớn).
Có một chuyện là chúng tôi cũng mất khá nhiều nhân sự cho các công ty công nghệ khác rồi (cười), mất đi nước ngoài cũng nhiều, các bạn sang Google, Facebook hay Amazon, Shopee cũng có. Việt Nam cũng có nhiều doanh nghiệp trả cao lắm.
Đội ngũ sale cũng giỏi, bạn cứ hình dung đơn giản, là chúng tôi đang cạnh tranh với Google, Facebook là hiểu. Big Tech có dữ liệu người dùng và đặt mục tiêu rất chuẩn. Bán cho Cốc Cốc khó nhưng các bạn sale ở đây vẫn có cách của họ.
Tôi thấy đó là những điểm hay nhất của Cốc Cốc. Họ giỏi, và có tư duy dám làm, làm được. Lúc tôi mới về đây, các bạn còn tự làm hết, cả bảo hiểm xã hội cũng tự làm. Sau này tôi nói tập trung vào cái gì cốt lõi thôi, chứ không phải cái gì cũng nên tự làm (cười).
Kỳ vọng về lượng người dùng của Cốc Cốc trong những năm tới thế nào?
Tầm nhìn của Cốc Cốc đến năm 2025 là 50 triệu người dùng.
Tương đương 50% dân số, có tham vọng quá không?
Cơ hội tăng trưởng người dùng của Cốc Cốc phần lớn sẽ đến từ mobile, vì thị phần mobile của Cốc Cốc còn rất nhỏ, mà thị trường Việt Nam là mobile first rồi.
Trên máy tính của Microsoft, người ta có thể không dùng trình duyệt của Microsoft. Nhưng trên điện thoại, trình duyệt mặc định như Chrome (đối với điện thoại sử dụng hệ điều hành Android) hay Safari (đối với điện thoại sử dụng hệ điều hành IOS) cũng khá ổn, nên khó hơn. Nhưng cũng phải tìm cách thôi (cười).
Một cách là hợp tác với các đơn vị sản xuất smartphone, nhưng hiện tại không có cửa (cười), vì Google hay Apple họ có chính sách để khóa hết rồi, bản thân Google cũng trả số tiền rất lớn cho Apple để trình duyệt của họ có mặt trên iPhone.
Cách thứ hai, cũng là xu hướng trên thế giới, là các chính phủ có chính sách để hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, cạnh tranh phải cân bằng, mở cửa.
Ví dụ ở Nga, Yandex đã hợp tác với Samsung để trình duyệt tìm kiếm mặc định không phải là Google, mà là Yandex. Hay ở châu Âu có cơ chế để người dùng được chọn trình duyệt và công cụ tìm kiếm. Tất nhiên ở châu Âu thì người ta vẫn chọn Google, vì làm gì có ai khác để chọn. Nhưng nếu ở Việt Nam có cơ chế này thì sẽ khác. Như ở Nga, trước khi Chính phủ Nga có cơ chế lựa chọn trình duyệt và công cụ tìm kiếm thì thị phần Yandex chưa tới 20%, sau khi có thì thị phần của họ lên tới hơn 50% trên mobile. Tôi nghĩ lâu dài chúng ta cũng nên có cơ chế này, nên có sự cạnh tranh, lựa chọn.
Tự do số có thực sự có ý nghĩa hay không?
Tôi nghĩ là có. Tự do số, với người dùng, được hiểu là khi người dùng họ có sự lựa chọn, họ có sự so sánh thì sẽ tốt hơn.
Nếu mà bạn chỉ có một công cụ tìm kiếm, và người dùng thì tin rằng các kết quả trả trong công cụ tìm kiếm hầu như là đúng, thì thật ra cũng nên nâng cao nhận thức, đặc biệt là cho các cháu, là trên mạng không phải cái gì cũng đúng đâu (cười). Công cụ tìm kiếm thì có thể còn tạm ổn nhưng việc tin vào mọi thứ trên mạng xã hội thì cũng khá là nguy hiểm đúng không?
Nếu chỉ có một công cụ tìm kiếm thì đâu có cái gì để so sánh. Có cái thứ hai để so sánh là quan trọng để người ta biết được cái gì là đúng, điều này cực kỳ quan trọng về mặt thông tin.
Còn với Chính phủ, khi có cạnh tranh thì họ mới có cơ sở để đưa ra các chính sách, để khuyến khích doanh nghiệp làm tốt và xử phạt nếu như doanh nghiệp không tuân thủ quy định.
Cảm ơn anh!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng