Hiện tại, Ericsson đã bắt đầu thử nghiệm và triển khai các dự án IoT tại Việt Nam với 2 khu vực chính là Đà Nẵng và TP. HCM.
Chiều nay (24/03/2016), Ericsson Việt Nam đã tổ chức một cuộc gặp thân mật giữa đại diện công ty và các đại diện báo giới. Về phía Ericsson, cuộc hội ngộ lần này có sự góp mặt của ông Jan Wassenius, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, cùng ông Anders Larsson, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật của Ericsson Việt Nam.
Chia sẻ trong buổi gặp mặt lần này, đại diện Ericsson chủ yếu nói về xu hướng công nghệ đang hiện hữu trên toàn cầu, cũng như các công nghệ mới sắp có mặt tại nước ta. Có 3 lĩnh vực được Ericsson nhấn mạnh, lần lượt là: công nghệ truyền dẫn 5G, xu hướng Internet of Things (IoT) và công nghệ điện toán đám mây.
Ông Jan Wassenius, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam.
Xu hướng nào sẽ lên ngôi tại Việt Nam?
Đại diện Ericsson Việt Nam cho biết, hiện tại, rất nhiều nước đã thử nghiệm và triển khai thành công mạng di động 5G. Công nghệ này có các ưu điểm như băng thông lớn hơn, tốc độ kết nối không dây cao hơn, mức độ tiêu tốn pin thấp hơn. Nhưng riêng với thị trường Việt Nam, 5G vẫn còn rất xa xỉ.
Ông Jan Wassenius, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam khẳng định: "Nhiều người bạn hỏi tôi, khi nào 5G về tới Việt Nam. Tôi chỉ biết nói rằng, có thể 3 năm, 4 năm hoặc sớm nhất là 5 năm nữa. Nhìn chung, 5G còn lâu mới về tới Việt Nam, nhưng xu hướng IoT là ngay hôm nay".
Tới đây, ông Jan Wassenius cho biết, hiện tại Ericsson đang rất chú trọng tới xu hướng Internet of Things tại Việt Nam. Ông đánh giá, nước ta là một thị trường hết sức tiềm năng cho xu hướng công nghệ này. Tất nhiên, trong lĩnh vực Internet of Things tại Việt Nam, Ericsson cũng hoàn toàn là một đại diện mới.
Khi được hỏi: tại Việt Nam, Ericsson đánh giá đâu là những cái tên nổi bật trong lĩnh vực Internet of Things? Đại diện này cho rằng, Việt Nam hiện vẫn chưa có một cái tên nổi bật hoạt động về IoT. Tất nhiên, có thể những doanh nghiệp này đã và đang hoạt động, nhưng chưa đủ lớn và có tầm ảnh hưởng.
Ông Anders Larsson, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật của Ericsson Việt Nam.
IoT nghe có vẻ xa vời, nhưng lại đang hiện hữu ngay tại Việt Nam
Để dễ hình dung về xu hướng Internet of Things, đại diện Ericsson đã đưa ra những ví dụ khá cụ thể. Đầu tiên là IoT trong lĩnh vực giao thông, giúp tài xế tránh được những tai nạn không đáng có, nhận được các cảnh báo cần thiết khi đang lái xe. Xa hơn có thể là công nghệ xe tự lái đang khá thịnh hành tại các nước phát triển.
Hoặc các thành phố thông minh (Smart City), nơi mà các chính phủ có thể dễ dàng kiểm soát mật độ giao thông, tận dụng các camera an ninh để phát hiện các tình huống nguy hiểm, sớm đưa ra những thông tin cảnh báo cho người dân. Riêng về Smart City, Ericsson dự kiến sẽ sớm triển khai mô hình này tại nước ta.
Hiện tại, nói riêng về thị trường Việt Nam, Ericsson cho biết, họ đã triển khai ít nhất 2 dự án tại Đà Nẵng và TP. HCM. Tuy nhiên, 2 dự án này đều thuộc về các đơn vị là công ty tư nhân kí kết hợp đồng với Ericsson. Quy mô của các dự án cũng mới chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm, chưa đi vào chính thức.
Còn nếu áp dụng tại thị trường nước ta, đại diện Ericsson cho rằng, công nghệ điện toán đám mây (Cloud) mới là lĩnh vực tiềm năng nhất. Do công nghệ điện toán đám mây luôn có tính kế thừa và có thể sử dụng được lại, từ đó, tiết kiệm được chi phí đầu tư, không gây tốn kém, lãng phí.
Hiện tại, Ericsson đã bắt đầu thử nghiệm và triển khai các dự án IoT tại Việt Nam với 2 khu vực chính là Đà Nẵng và TP. HCM.
Các nhà mạng Việt Nam vẫn còn khá rụt rè
Tiềm năng và lợi ích của xu hướng Internet of Things là rất lớn. Nhưng tại Việt Nam, các nhà mạng trong nước vẫn còn khá rụt rè với xu hướng này. Đại diện Ericsson cho rằng, hầu hết các hoạt động của công ty này tại Việt Nam vẫn chỉ là tư vấn cho các nhà mạng, hơn là giúp họ triển khai các giải pháp.
Nhưng nhìn chung, sự rụt rè của các nhà mạng là điều dễ hiểu. Ngay như bản thân Ericsson, công ty này cũng không hề đơn thương độc mã tại thị trường IoT. Hiện tại, Ericsson đang liên kết cùng các đơn vị như Cisco, Intel hay Motorola trong cuộc đua IoT phía trước.
Dự kiến, tới năm 2018, Ericsson và Cisco sẽ hợp tác để cùng nhau đạt 1 tỷ USD doanh thu trên toàn cầu. Riêng tại thị trường Việt Nam, CEO Jan Wassenius cho rằng, chỉ khi các nhà mạng trong nước thực sự muốn bắt tay vào xu hướng IoT, khi đó người dùng Việt mới được hưởng lợi.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng