CEO LG dùng búa đập nát màn hình LCD của hãng để chứng minh quyết tâm thay đổi
Dự đoán sai về nhu cầu màn hình LCD cũng như gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ về giá từ các đối thủ Trung Quốc, LG Display đang chật vật tìm lối ra với màn hình OLED.
Giám đốc điều hành của LG Display, ông Han Sang-beom, đã quyết tâm truyền đi một thông điệp mạnh mẽ khi xuất hiện trước 1.000 nhân viên trong nhà máy sản xuất màn hình chính của hãng vào mùa xuân năm ngoái.
Với cặp kính bảo hộ, và một chiếc búa trong tay, ông đập nát một chiếc màn hình tinh thể lỏng LCD cho đến từng mảnh vụn cuối cùng.
Hành động này tượng trưng cho một điều: các tấm nền LCD, sản phẩm trụ cột của công ty trong nhiều năm qua, đang bị quẳng vào thùng rác của ngành công nghiệp. Tương lai của công ty sẽ phụ thuộc vào một công nghệ mới hơn, diode hữu cơ tự phát sáng hay OLED.
Một quan chức của công ty có mặt tại đó cho biết. "Tôi chưa bao giờ thấy ông ấy làm như vậy. Hành động của ông ấy cho thấy một quyết tâm sắt đá để vượt qua cuộc khủng hoảng này."
Cuộc khủng hoảng chiến lược của LG Display
Tình trạng bi đát của LG Display hiện tại có một nguyên nhân do họ tự gây nên. Chưa đến một năm trước, những lợi ích và các khoản tiền thưởng vẫn được công ty rót xuống khi lợi nhuận gia tăng, nhờ vào vị trí dẫn đầu của công ty trong màn hình LCD cho TV, màn hình máy tính và smartphone.
Nhưng LG Display đã không nhìn ra xu thế của thị trường: các đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc đang vươn lên rất mạnh mẽ và đến đầu năm nay, giá màn hình LCD đã sụt giảm mạnh mẽ. Khoản lợi nhuận mạnh mẽ của năm 2017 chuyển thành khoản lỗ lớn trong năm 2018 – và công ty bất ngờ thông báo vào tháng Sáu rằng, họ sẽ phải cắt giảm 2,7 tỷ USD tiền vốn dành cho chi tiêu mà họ đã lên kế hoạch đến năm 2020.
Công ty không tiết lộ tổng mức chi tiêu của họ hay các mức trước đây, nhưng theo dữ liệu của Eikon (công cụ cung cấp thông tin tài chính của Reuters), họ đã dành khoảng 6 tỷ USD cho các chi tiêu về vốn trong năm 2017.
Khó khăn của công ty là một minh chứng rõ ràng cho thấy các rủi ro gắn liền với những mảng kinh doanh cạnh tranh khốc liệt luôn đòi hỏi các khoản vốn đầu tư khổng lồ.
"Dường như LG Display đã đi một nước cờ sai nghiêm trọng cho mảng kinh doanh LCD của mình, do không xác định chính xác thời gian chuyển hướng khi chứng kiến sự trỗi dậy nhanh chóng của các đối thủ Trung Quốc." Lee Won-Sik, nhà phân tích tại Shinyoung Securities cho biết.
Một quan chức giấu tên của LG Display thừa nhận rằng: "Từ năm ngoái, chúng tôi biết rằng giá LCD sẽ đi xuống, nhưng chúng tôi không dự kiến nó sẽ rơi xuống nhanh và sâu như vậy. Các khách hàng đang yêu cầu giảm giá, nhưng chúng tôi đã không hành động kịp cho đến khi quá muộn."
Giá LCD đang rơi tự do
LG Display đang có một chuỗi lợi nhuận mạnh mẽ kéo dài 5 năm liên tục từ khi ông Han nắm quyền năm 2012, nhờ vào các đơn hàng màn hình LCD từ Apple Inc, và nhu cầu mạnh mẽ của cả điện thoại và màn hình TV từ LG Electronics, vốn sở hữu hơn 1/3 công ty sản xuất màn hình này.
LG Display cũng đã bắt đầu đầu tư vào màn OLED, công nghệ màn hình không đòi hỏi đèn nền và có thể truyền tải màu sắc tự nhiên hơn so với màn hình LCD. Các màn hình OLED cũng tiêu thụ ít năng lượng hơn và có thể uống cong hoặc thậm chí gập lại.
Chỉ còn 1 trong 3 mẫu iPhone mới trong năm nay sử dụng LCD, 2 model cao cấp hơn đều dùng màn OLED
Nhưng công nghệ này cũng rất đắt đỏ, và đại đa số thu nhập của LG Display đang đến từ doanh thu với màn hình LCD. Cho đến lần cắt giảm gần đây, họ đang có 8 dây chuyền sản xuất màn hình LCD ở Hàn Quốc và các một dây chuyền khác ở Trung Quốc.
Trong khi LCD Display đang gặp rắc rối, các công ty Trung Quốc, dẫn đầu là BOE Technology Group Co LTd, đang rót các khoản tiền khổng lồ vào việc sản xuất màn hình LCD.
Theo dữ liệu của nhà theo dõi thị trường HIS Markit, vào tháng Một 2017, BOE đã trở thành nhà cung cấp số một về màn hình LCD lớn hơn 9 inch, chiếm 22,3% lượng hàng xuất xưởng so với 21,6% của LG Display. Đây là lần đầu tiên một nhà sản xuất màn hình Trung Quốc giành được vị trí đứng đầu này.
Vào đầu năm 2018, giá nhiều loại màn hình LCD tiếp tục rơi tự do. Ví dụ, theo HIS Markit, vào tháng Tám vừa qua, giá cho tấm nền màn hình TV 50 inch đã sụt giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hãng đối thủ đến từ Hàn Quốc của LG Display, bộ phần màn hình của Samsung Electronics đã bắt đầu rút lui khỏi LCD từ năm ngoái, đóng cửa các dây chuyền sản xuất LCD cũ ở Hàn Quốc từ năm 2010. Hiện tại công ty chỉ còn hai dây chuyền sản xuất LCD ở Hàn Quốc và một ở Trung Quốc.
Giá cổ phiếu của LG Display tụt dốc mạnh từ mức đỉnh đầu tháng 8 đến nay.
Nhưng LG Display đã sa chân quá sâu vào công nghệ này và giờ đang cắt giảm mạnh mẽ công suất màn hình LCD của mình. Họ đã đóng cửa 3 dây chuyền sản xuất LCD vào năm ngoái và từ bỏ kế hoạch xây dựng một dây chuyền mới.
Vào tháng Tư vừa qua, theo nguồn tin của Reuters, công ty cũng cho biết đã triển khai một "hệ thống quản trị khẩn cấp," với các nhân viên được yêu cầu sử dụng các chuyến bay rẻ hơn và cắt giảm các bữa ăn tại tập đoàn. Dòng tiền mặt đã trở thành vấn đề đáng quan tâm: theo dữ liệu của Eikon, nó đã bị âm 838,2 tỷ Won (khoảng 743,93 triệu USD) trong quý hai vừa qua, và là quý thứ ba liên tiếp dòng tiền bị âm.
Mặc dù, ba nguồn tin của Reuter cho biết, công ty không có kế hoạch cắt giảm do lo ngại đánh mất các tài năng vào tay Trung Quốc, nhưng một số nhân viên tỏ ra nản lòng vì bị cắt giảm phúc lợi.
"Các giám đốc điều hành đang cố vực dậy tinh thần của mọi người, khi nói với chúng tôi rằng các báo cáo trên truyền thông về một chương trình cắt giảm tự nguyện là sai sự thật." Một nguồn tin thân cận với sự việc cho biết.
OLED liệu có phải quân bài thay đổi cuộc chơi?
LG Display giờ đang đặt cược vào màn hình OLED, khi cho biết họ có thể huy động đến 17,6 tỷ USD để đầu tư vào màn hình OLED trong ba năm tới. Họ kỳ vọng công nghệ mới này có thể chiếm đến 40% doanh thu vào năm 2020, so với mức chỉ 10% trong hiện tại.
Các nhà phân tích cho rằng, khi OLED trở nên ngày càng thịnh hành, vận may của LG Display có thể đảo chiều.
TV màn hình OLED của LG Electronics.
Các tấm nền của LG Display đã giúp công ty chị em của nó, LG Electronics, dẫn đầu trong lĩnh vực TV cao cấp. Một số nhà phân tích tin rằng LG Display đang chịu áp lực cung cấp những tấm nền đó với mức giá rẻ, gây tổn thất cho lợi nhuận dù công ty từ chối xác nhận trường hợp này.
Nhưng những lời hứa hẹn từ thị trường OLED có thể rất khắc nghiệt. Samsung đã đầu tư vào công nghệ này từ 2005. BOE cũng đang tiến vào OLED. Theo Ross Young, giám đốc nghiên cứu nhà cung cấp của hãng Display Supply Chain Consultants, cho biết LG Display có một quy trình tốn kém dành cho các TV OLED bền bỉ, nhưng không có lựa chọn thay thế nào khác.
"Cách tiếp cận hiện tại của LG Display là giải pháp tốt nhất cho thị trường." Young cho biết.
Son Young-IN, phó chủ tịch về PR của LG Display, cho biết trong một tuyên bố rằng công ty là nhà sản xuất duy nhất cho các màn hình OLED kích thước lớn và có "trình độ kỹ thuật không sánh nổi" về OLED. "Tiềm năng và triển vọng trước mắt là rất hứa hẹn." Anh cho biết.
LG Display cho biết, bộ phận OLED của họ sẽ mang về lợi nhuận trong quý ba. Họ cũng kỳ vọng giá màn hình LCD sẽ ổn định trở lại, cho phép họ kiếm thêm lợi nhuận từ công nghệ cũ này cho đến khi công nghệ mới hoàn toàn trưởng thành.
"Nếu xem OLED là câu trả lời và giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay, không gì khác chúng tôi có thể làm ngoại trừ việc thắt lưng buộc bụng và đẩy mạnh màn hình OLED." Một quan chức công ty cho biết.
Tham khảo Reuters
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng