CEO LukLak Design: Thi 3 lần mới đỗ kiến trúc, tâm niệm hiểu được con người thì sẽ biến được ngôi nhà thành tổ ấm
KTS phải tạo được không gian sống khiến gia chủ thoải mái và được là chính mình. Có như thế ngôi nhà mới có thể “có hồn” và trở thành tổ ấm.
KTS Phạm Anh (Phạm Tuấn Anh) là cái tên được nhiều người biết đến qua những công trình xa hoa và ấn tượng cho giới thượng lưu. Cứ tưởng CEO LukLak Design chỉ gắn liền với những công trình công cấp thì đầu năm 2023, người ta thấy Phạm Anh tham gia Là Nhà, đảm nhận cải tạo công trình nhà ở cho một cặp vợ chồng trẻ với chi phí chỉ 300 triệu đồng.
Tuy nhiên, những ai đã biết về Phạm Anh từ trước sẽ chẳng hề ngạc nhiên trước quyết định này khi sự phóng khoáng, liều, lì và tính nghệ sĩ vốn sẵn có trong máu chàng kiến trúc sư.
Hành trình kiên trì đến lì lợm để trở thành kiến trúc sư
Hành trình trở thành KTS của Phạm Tuấn Anh không phải con đường bằng phẳng khi phải thi 3 lần mới đỗ được vào ngôi trường mơ ước và theo đuổi ngành kiến trúc. Ôn thi 3 năm nhưng Phạm Anh không nản, sự khó khăn dường như càng khiến chàng trai trẻ khi đó có thêm động lực và quyết tâm phải đỗ.
Nói về con đường học hành vất vả của mình, CEO 8X thật thà “Khi đăng ký thi, mình nghĩ nó dễ, mình vẽ đẹp lắm rồi, nhưng thi rồi mới biết mình nhiều người vẽ đẹp hơn. Hơn nữa thi rồi mới biết, mình còn cần ôn đúng thầy nữa mới dễ đỗ”.
Cứ như thế, việc kiên trì và tìm đúng thầy để học hỏi đã trở thành hai tôn chỉ mà Phạm Anh theo đuổi suốt quá trình làm nghề. Cũng nhờ thế, Phạm Anh được thực tập, làm việc trong nhưng văn phòng của các KTS nổi tiếng như KTS Hồ Thiệu Trị. Đặc biệt, sự lì lợm của Tuấn Anh còn giúp anh được trở thành thực tập sinh có lương tại văn phòng KTS Võ Trọng Nghĩa, nơi trước đó chưa từng nhận thực tập sinh.
“Hồi đấy văn phòng của anh Võ Trọng Nghĩa không hề đăng tuyển thì nhập sinh nhưng vì hâm mộ những công trình được giải kiến trúc của anh ấy nên mình tìm được địa chỉ liên lạc của công ty để chủ động gửi hồ sơ” . Hồ sơ không được hồi đáp, Tuấn Anh trực tiếp gọi điện đến công ty để hỏi. Khi được phía nhân sự trả lời công ty không có chế độ tuyển cộng tác viên hay thực tập sinh, Tuấn Anh không ngần ngại xin một cơ hội được phỏng vấn thử.
Mình nói với chị nhân sự rằng “Em mong muốn được đến được văn phòng phỏng vấn một lần. Em chỉ cần phỏng vấn thôi, còn không tuyển cũng không sao vì em rất muốn đến để xem môi trường ở đây như thế nào” . Cuộc điện thoại kết thúc, Tuấn Anh tiếp tục gửi mail đến công ty.
Sự kiên trì của Tuấn Anh không chỉ mở ra cho anh cơ hội được phỏng vấn mà còn đem đến cho chàng sinh viên trở cơ hội trở thành thực tập sinh tại đây. Cứ như thế, Tuấn Anh gắn bó với văn phòng của KTS Võ Trọng Nghĩa tới 2,5 năm. “Dù chỉ là thực tập sinh nhưng lúc đó mình cảm thấy như trúng cả tỷ bạc” , chàng CEO nói về cảm xúc của mình khi đó.
Ở thời điểm hiện tại, sau khi được đào tạo trong những môi trường đa dạng, khắt khe của KTS Võ Trọng Nghĩa, KTS Hồ Thiệu Trị… Phạm Tuấn Anh đã “ra riêng” được 14 năm với 2 lần khởi nghiệp, một lần chung với bạn, một lần độc lập hoàn toàn với LukLak Design.
Để biến nhà thành tổ ấm, KTS phải thực sự coi khách là bạn, là người đồng hành
Sau 5 năm thành lập, LukLak Design đã là cái tên có chỗ đứng trong phân khúc nhà biệt thự nhưng điều đó không có nghĩa Phạm Anh chỉ chọn những công trình cao cấp. Với vị founder trẻ, nhà to hay nhà nhỏ không quan trọng, quan trọng là chủ đầu tư - người đồng hành của mình thế nào. Đây cũng là lý do Phạm Anh chọn đồng hành với Là Nhà. Khi gặp và nói chuyện với Tùng Shark, vì cùng lifestyle, cùng gu nên Phạm Anh và Tùng Shark đã thực sự trở thành những người đồng hành lý tưởng để biến ngôi nhà của Tùng thành tổ ấm cho hai vợ chồng.
“Là Nhà hay không phải vì nó là chương trình thực tế giúp cho mọi người hiểu hơn về ngành kiến trúc mà nó mang đến ý nghĩa nhân văn, tính xã hội. Mọi người xem chương trình không hẳn vì nhà đẹp mà vì cảm xúc, câu chuyện của gia chủ và kiến trúc sư”.
Cũng giống như với công trình của Tùng Shark tại Là Nhà, Phạm Anh luôn tiếp xúc và tìm hiểu kĩ về câu chuyện của khách hàng trước khi bắt tay vào công trình. Nguyên tắc của người kiến trúc sư này là trước khi ký hợp đồng phải gặp chủ nhà ít nhất 2 lần. Lần đầu gặp mặt để biết nhau, lần thứ hai có thể là ngồi quán cafe để nói chuyện như hai người bạn về mọi lĩnh vực, sở thích trong cuộc sống.
“Không phải chủ nhà nào cũng định hình được phong cách, mong muốn. Hơn nữa nhiều gia chủ vì không có chuyên môn kiến trúc nên chỉ có qua cách nói chuyện thân tình, kiến trúc sư mới hiểu được gu gia chủ cũng như tâm tư, “nỗi đau” về nhà cửa họ khi muốn xây, sửa nhà mà đưa ra giải pháp phù hợp. Đồng thời có thật hiểu và đứng từ góc nhìn của gia chủ, coi chủ nhà là người đồng hành thì mới tạo ra được không gian sống khiến gia chủ thực sự thoải mái và được là chính mình. Có như thế ngôi nhà mới có thể “có hồn” và trở thành tổ ấm được”.
Khi nói chuyện với chủ nhà, mình ít khi nói chuyện về công việc, dự án mà nói chuyện về các trải nghiệm của đời sống. Khi lắng nghe, mình hiểu câu chuyện hàng ngày họ sống như thế nào, lối sống ra sao, chơi thế nào, làm việc ra sao, đi những đâu thì mới đưa ra được câu trả lời cho ngôi nhà của họ.
Hiểu được mong muốn của gia chủ là một chuyện, nhưng hành trình xây tổ ấm dưới cương vị của kiến trúc sư còn một khâu khác, khó khăn không kém đó chính là “kê bằng chỗ lệch” của các thành viên trong gia đình hay chính xác hơn là dung hòa được sở thích của mọi thành viên, thậm chí mọi thế hệ cùng chung sống.
Với Phạm Anh, lúc này kiến trúc sư phải đóng vai trò như một bác sĩ để bắt và chữa bệnh bằng cách dung hòa cá tính của các thành viên sao cho các cá tính không bị lấn át nhau. Đôi khi “thuốc” chỉ là giải pháp về tinh thần, khi người ta thoải mái rồi thì họ sẽ dễ dàng đưa ra lựa chọn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng