CEO Luxstay: Khởi nghiệp năm 18 tuổi, bỏ thi đại học và tham vọng xây dựng startup biểu tượng của Việt Nam
Là CEO của Netlink và Luxstay, Chủ tịch của Metub Network nhưng Nguyễn Văn Dũng thừa nhận anh chưa từng học đại học.
Nguyễn Văn Dũng (Steven Nguyễn) không phải cái tên xa lạ trong cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Anh là người sáng lập và CEO của Luxstay - ứng dụng kết nối cho thuê nhà ngắn hạn (chung cư, biệt thự, homestay) vừa được đầu tư 3 triệu USD từ quỹ CyberAgent Ventures, Y1 Ventures và một số nhà đầu tư khác trong vòng gọi vốn Bridge. Ra đời năm 2016, đến nay Luxstay đã xây dựng được mạng lưới gần 10.000 chỗ ở trên khắp cả nước.
CEO sinh năm 1989 này cũng là người sáng lập và CEO công ty truyền thông trực tuyến Netlink; Chủ tịch Metub Network – mạng lưới Youtube MCN (đa kênh) lớn nhất Việt Nam.
Phóng viên Người đồng hành đã có cuộc trò chuyện với Nguyễn Văn Dũng để nghe anh chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp của mình.
- Năm nay 30 tuổi nhưng anh đã khởi nghiệp từ 2007. Điều gì thôi thúc anh kinh doanh sớm như vậy?
Tôi thành lập công ty đầu tiên (Netlink) năm 2007 sau khi học hết cấp 3. Trước đó tôi không nghĩ nhiều tới việc kinh doanh, chỉ muốn tập trung thời gian cho đam mê là tạo ra các sản phẩm trên internet và triển khai những điều mình muốn. Để thực hiện được điều đó tôi buộc phải nghĩ tới việc xây dựng đội ngũ và nghiên cứu về cấu trúc doanh nghiệp.
- Ở tuổi 18 khi bạn bè cùng trang lứa vừa bước chân vào giảng đường đại học, làm chủ một công ty có ảnh hưởng đến việc học của anh?
Tôi khởi nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông và đến bây giờ vẫn chưa từng học đại học.
- Quyết định không thi đại học của anh có nhận được sự ủng hộ của gia đình?
Bỏ thi đại học là quyết định khó khăn và là sự đấu tranh tư tưởng lớn đối với bản thân tôi, khi con đường sự nghiệp còn đang loay hoay chưa có gì thuận lợi. Gia đình và mọi người xung quanh phản đối kịch liệt khiến tôi gặp phải áp lực rất lớn ở thời điểm đó. Tuy nhiên chính sự phản đối cũng thúc đẩy tôi phải quyết tâm thành công nhiều hơn và là một bài học thử thách về tâm lý để tôi vượt qua những áp lực lớn hơn sau này.
- Ý tưởng thành lập Luxstay – nền tảng kết nối cho thuê homestay, căn hộ cao cấp và biệt thự nghỉ dưỡng đến với anh như thế nào?
Tôi có hơn 13 năm kinh doanh trong lĩnh vực truyền thông trực tuyến với những thành tích nhất định. Tuy nhiên tôi vẫn luôn khao khát làm được một điều gì đó to lớn và thử thách hơn nên quyết định tìm kiếm ý tưởng để tập trung triển khai.
Hai năm trước, anh Dzung Nguyễn – Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent (Shark Dũng) nói với tôi, "Thị trường internet Việt Nam ngoài VNG không có nhiều startup ‘unicorn’ (kỳ lân), xét cả về quy mô lẫn tiềm lực tài chính hay yếu tố con người. Việt Nam chưa có startup nào thành công mang tính chất biểu tượng của quốc gia trong khi Indonesia đã có Go-Jek, Traveloka hay Singapore, Malaysia đã có Sea, Grab...". Vì câu nói đó, cá nhân tôi vẫn luôn trăn trở và muốn làm một điều gì đó để lại dấu ấn. Động lực này thôi thúc tôi tìm kiếm và phát triển một dự án khởi nghiệp với mục tiêu phải trở thành số một thị trường.
Nguyễn Văn Dũng, CEO Luxstay. Ảnh: NVCC.
Nghĩ lại từ trước tới nay, tôi thấy những người giàu nhất Việt Nam đều liên quan tới bất động sản nhưng đó lại không phải nghề của tôi. Nhìn rộng ra một chút, Việt Nam đang có thế mạnh về du lịch. Chính phủ và các ban ngành cũng đang lựa chọn du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn cho các năm tiếp theo. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, mình cần làm một cái gì đó có cả bất động sản, lẫn du lịch.
Ngành bất động sản Việt Nam đang bùng nổ. Đó là các chung cư, biệt thự, nhà ở được mua để đầu tư và cho thuê. Nguồn tài nguyên này sẵn có và dồi dào hơn mô hình truyền thống là khách sạn, resort. Việt Nam chưa có một doanh nghiệp nào đủ lớn để dẫn dắt thị trường. Các hình thức cho thuê nhà, cho thuê homestay còn nhỏ lẻ và làm rời rạc. Và ý tưởng về một nền tảng kết nối “home-sharing” được ra đời, sau này đặt tên là Luxstay - với mục tiêu xây dựng một ngành công nghiệp mới, tiên phong và có cơ hội trở thành số một như đã đề ra.
- Năm 2017, Luxstay chỉ mất 30 phút để thuyết phục quỹ đầu tư Nhật Bản Genesia Ventures rót tiền. Còn lần gọi vốn mới nhất anh cần bao lâu để nhận được cái gật đầu của các nhà đầu tư?
Thực tế để có thể nhận được các vòng rót vốn sau này là cả một quá trình các nhà đầu tư tiếp xúc, theo dõi cũng như cập nhật hoạt động của công ty. Vì vậy, khi Luxstay chính thức huy động thì các nhà đầu tư cũng nhanh chóng phản hồi “yes hoặc no” tuỳ theo khẩu vị và đánh giá của họ về mô hình kinh doanh của startup.
- Theo anh, đâu là lý do khiến các nhà đầu tư hứng thú với Luxstay?
Đến nay, Luxstay đã có 3 vòng gọi vốn thành công với tổng số tiền huy động khoảng 6 triệu USD.
Bài toán của Luxstay muốn xây dựng một platform (nền tảng) là thách thức không dễ dàng. Không có quá nhiều nhà đầu tư "dám" đặt cược vào Luxstay cho dù số đông đánh giá thị trường mà công ty đang triển khai sẽ sớm bùng nổ.
Tôi nghĩ lý do Luxstay gọi vốn thành công một phần do chúng tôi may mắn được tiếp xúc và làm việc với những nhà đầu tư có tầm nhìn, tham vọng và niềm tin lớn trước những mô hình kinh doanh có khả năng tạo ra sự đột phá, tiềm năng thay đổi thói quen của xã hội. Thậm chí họ còn giúp tôi mở rộng tư duy, nghĩ lớn hơn, vững lòng tin hơn trong vận hành kinh doanh.
- Luxstay hoạt động tại Việt Nam nhưng vì sao anh quyết định đăng ký kinh doanh tại Singapore?
Hiện nay Luxstay được cấu trúc và đăng kí kinh doanh tại Singapore và Việt Nam. Mục tiêu ngay từ đầu của tôi là đưa Luxstay hoạt động tại nhiều quốc gia, không chỉ dừng lại ở một thị trường. Và nếu Luxstay thành công lớn, chắc chắn có thể tự hào là sản phẩm do con người Việt Nam xây dựng và phát triển.
- Luxstay được ví như “Uber của lĩnh vực lưu trú'”. Trên thực tế, Uber đã phải rút lui tại Đông Nam Á do cạnh tranh gay gắt. Còn startup của anh đang “đấu lại” các đối thủ bằng điều gì?
Thực tế lĩnh vực "home-sharing" đang phát triển nhanh, rất nhiều người đã tham gia kinh doanh trong thị trường này. Tuy nhiên chưa đủ nền tảng tập trung cho thị trường Việt Nam đặc biệt là việc kết nối xây dựng hệ sinh thái.
Tôi nghĩ rằng để có thể tạo ra một ngành công nghiệp mới hay một sự bùng nổ thực sự thì cần có người dẫn dắt thị trường, giúp thị trường phát triển bền vững là điều quan trọng.
Thời điểm hiện tại tôi chưa nghĩ nhiều tới cạnh tranh gay gắt, mà tập trung nhiều hơn vào việc làm sao giúp hàng nghìn - hàng vạn người kinh doanh, đặc biệt là các bạn trẻ tham gia vào thị trường này có thể kiếm tiền, mưu sinh hoặc coi là công việc chính nhờ vận hành trên nền tảng Luxstay.
Trong tương lai nếu có cạnh tranh gay gắt là do thị trường phát triển bùng nổ, tôi cũng hy vọng tốc độ phát triển, huy động nguồn lực tài nguyên của chúng tôi cũng đủ nhanh, đủ mạnh để dẫn dắt thị trường.
Mạng lưới của Luxstay hiện có gần 10.000 chỗ ở trên khắp cả nước. Ảnh: Luxstay.
- Anh có lo ngại nếu các công ty nước ngoài như Airbnb gia nhập thị trường Việt Nam?
Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa nghĩ Airbnb là đối thủ. Thậm chí tôi nghĩ Airbnb và Luxstay đang đồng hành kiến tạo nên một môi trường kinh doanh và lựa chọn lưu trú mới tại Việt Nam. Thị trường và đối tượng khách của Airbnb là những người nước ngoài tới Việt Nam, còn Luxstay đang tập trung hơn vào khách hàng trong nước. Đặc tính và thói quen của khách hàng cũng có nhiều điểm khác biệt.
Nếu coi đối thủ chính thì vẫn là ngành khách sạn truyền thống và các Hotel OTA. Cho dù “home-sharing” đang là xu hướng nhưng để có thể tạo nên thói quen của người tiêu dùng từ các dịch vụ truyền thống cần thời gian.
- Mục tiêu phát triển sắp tới của Luxstay là gì? Theo anh bao lâu nữa thì Luxstay có thể trở thành startup kỳ lân?
Ở Việt Nam đã có rất nhiều ngành được dẫn dắt bởi các công ty nước ngoài, thị phần được nắm giữ rất lớn và không có nhiều cơ hội cho startup được sinh ra tại Việt Nam. Tuy nhiên cũng có nhiều sản phẩm do người Việt tạo ra đang phát triển rất tốt như Now hay Zalo.... Tôi hy vọng rằng Luxstay có thể nắm giữ được thị phần trong mảng du lịch trực tuyến và đặc biệt là "home-sharing".
Tham vọng lớn hơn thì có thể thành công tại nhiều nước trong khu vực hay trở thành biểu tượng của Việt Nam trong các startup về công nghệ.
Hiện Luxstay đã có sản phẩm trải dài ở hầu hết các tỉnh thành, điểm du lịch tại Việt Nam. Sắp tới công ty sẽ phối hợp với các đối tác chiến lược để mở rộng sản phẩm cung cấp tại nhiều quốc gia trong khu vực như Nhật bản, Đài loan, Thái Lan và Hàn Quốc.
Tôi không nghĩ quá nhiều vào việc bao lâu trở thành “unicorn”, mà vốn dĩ nếu Luxstay phát triển tốt thì giá trị sẽ liên tục tăng trưởng. So với các ngành khác, tôi thấy các công ty internet tăng trưởng giá trị với tốc độ nhanh hơn, vì vậy nếu thuận lợi tôi nghĩ không quá lâu để có thể trở thành kỳ lân.
Cảm ơn anh!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng