(GenK.vn) - Hai cựu CEO Bill Gates và Steve Ballmer có lẽ sẽ bị hạn chế quyền lực để giúp CEO mới Satya Nadella “rộng tay” hơn trong những cải cách và chiến lược mới của Microsoft.
Cặp bài trùng Steve Ballmer - Bill Gates những năm 1980
Cụ thể, Bill Gates, nhà sáng lập và là CEO đầu tiên của Microsoft sẽ từ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị để chuyển qua vai trò là Cố vấn về công nghệ cho CEO Satya Nadella. Trước đó, ông Gates tuy làm Chủ tịch HĐQT nhưng lại ít khi tham gia vào “chính sự” tại Microsoft. Chức vụ Chủ tịch HĐQT hiện tại sẽ do ông John Thompson, người từng giữ chức Giám đốc độc lập (lead director – vị giám đốc liên lạc giữa HĐQT và CEO để hòa giải các mâu thuẫn hoặc giúp các bên hiểu nhau hơn).
Một điều khiến giới công nghệ xôn xao là Bill Gates gần như mất vai trò điều hành hay can thiệp vào các quyết định tại Microsoft, nơi ông là người sáng lập và là cổ đông cá nhân lớn nhất. Điều này phù hợp với một số thông tin trước đây cho biết các ứng cử viên ngại nhận chiếc ghế CEO Microsoft chủ yếu là do lo lắng về vai trò quá lớn của hai cựu CEO Bill Gates và Steve Ballmer.
Tỉ phú Gates hiện là cổ đông cá nhân lớn nhất với khoảng 4,4% cổ phần của Microsoft. Hãng được định giá vào khoảng 277 tỷ USD.
Hồi tháng 10 năm trước, ba nhà đầu tư nắm khoảng 5% cổ phần của Microsoft từng lên tiếng đòi Bill Gates phải từ chức vì cho rằng vai trò của ông ở vị trí chủ tịch công ty đã cản trở các chiến lược mới và hạn chế quyền lực của một CEO trong việc mang đến thay đổi cho hãng.
Nhưng từ năm 2008 Bill Gates đã tuyên bố giảm bớt làm việc cho Microsoft và chủ yếu để dành thời gian cho quỹ từ thiện trị giá 38 tỉ USD Bill & Melinda Gates Foundation.
Về phía Steve Ballmer, một số ứng cử viên của chức CEO Microsoft cho biết họ rất “ngại” ông này. Hiện ông Ballmer chưa giữ vai trò gì cụ thể sau khi từ chức CEO.
Nhưng trước khi rời ghế, ông Ballmer đã đưa ra nhiều quyết định khiến CEO mới của Microsoft sẽ phải tốn nhiều suy nghĩ. Đỉnh điểm là quyết định mua lại bộ phận sản xuất smartphone của Nokia và sắp xếp lại bộ máy của công ty. CEO mới Nadella sẽ phải lựa chọn “dọn dẹp” lại quyết định này và làm phật ý Ballmer cũng như HĐQT, những người ngầm ủng hộ những quyết sách trên của cựu CEO. Nếu không, ông Nadella sẽ phải tìm cách sống chung với những quyết định trên.
Tại sao CEO mới lại sợ chức chủ tịch HĐQT “hờ” của Bill Gates, khi ông này hoạt động mờ nhạt ở Microsoft? Thực tế là Bill Gates và Steve Ballmer có quan hệ hết sức sâu sắc. Ông Ballmer từng là giám đốc kinh doanh đầu tiên của Microsoft từ những năm 1980, dưới sự tuyển chọn của Bill Gates. Ông Ballmer từng phụ trách rất nhiều bộ phận khi Bill Gates làm CEO công ty từ 1980 tới 2000. Năm 1998, ông Ballmer là Chủ tịch HĐQT còn Gates là CEO, 2 năm sau, vị trí của 2 người đảo ngược.
Với một mối quan hệ khăng khít như thế, khi ông Ballmer làm CEO, Gates không cần ra mặt cũng có thể có những tác động mạnh tới quyết định của vị CEO này. Nhưng khi một CEO mới lên thay thì có thể Gates sẽ dùng quyền lực thực sự để gia tăng áp lực với CEO.
Vì thế, giải pháp đưa Gates lên chức vụ cố vấn là một cách hạn chế quyền lực thực sự của ông nhưng vẫn giữ ông có ảnh hưởng nhất định tới CEO Nadella.
Còn Ballmer, rất có thể ông này sẽ nhận một chức vụ kiểu như của Bill Gates và có ít thực quyền. Và chính ông này cũng từng thừa nhận khi từ chức rằng đôi khi ông cảm thấy mình là trở ngại cho sự phát triển của Microsoft, nhất là ở mảng di động.
Tuy CEO mới Satya Nadella không phải là một quyết định nhằm “thay máu” của Microsoft. Nhưng sau khi đưa ông này lên, HĐQT cũng đã có những động thái sắp xếp các nhân sự khác để giúp ông này có nhiều quyền lực hơn và có thể cải cách công ty tốt hơn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng