(GenK.vn) - RIAV là gì, và RIAV hoạt động ra sao tại Việt Nam?
Trong năm 2013, người dùng nghe nhạc trực tuyến thường xuyên nhận được những thông tin xoay quanh việc thu phí bản quyền nhạc số. Chúng tôi khuyến khích các bạn nên trả tiền cho những ca khúc mình nghe để đảm bảo quyền lợi của nghệ sĩ và các đơn vị ghi âm. Tuy nhiên trong sự việc thu phí bản quyền nhạc số ở Việt Nam còn rất nhiều "điểm mờ", tại sao Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) tố cáo các trang nghe nhạc trực tuyến? Tại sao các trang nghe nhạc trực tuyến không đồng tình với cách làm của RIAV?
GenK đã từng có bài viết về vụ lùm xùm phí bản quyền nhạc số của RIAV và MV Corp, bạn đọc có thể tham khảo thêm tại đây.
Mới đây trên facebook cá nhân của mình, ông Nhan Thế Luân - CEO Công ty cổ phần NCT, đơn vị chủ quản website nhaccuatui.com đã đăng tải một tâm thư nói rõ những góc khuất trong cách làm việc của RIAV.
Chúng tôi xin được trích một số ý chính để độc giả hiểu rõ hơn về RIAV và cách thức hoạt động của RIAV. Đây là một bài viết dài của CEO NCT, tuy nhiên nó chứa đựng nhiều thông tin quan trọng và hữu ích mà ít người dùng biết tới.
RIAV là gì?
RIAV là viết tắt của Recording Industry Association Vietnam, dịch nôm na là “Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam”. Thực chất RIAV có bao nhiêu hội viên và số lượng bài hát thế nào?
Theo thông tin của 6/2012 thì số thành viên của RIAV là 25 và số bài hát là 40.454 bài.
Thực ra ban đầu Hiệp hội thành lập cũng đông đủ hội viên, mọi người cũng hy vọng có một cơ quan đứng ra đại diện bảo vệ quyền lợi cho các hãng ghi âm. Tuy nhiên, càng về sau các đơn vị đối tác của RIAV càng tách ra nhiều, thậm chí có lúc hãng ghi âm của chính người trong ban điều hành tách riêng ra trước. Nguyên nhân là vì đâu?
Ăn chia lợi nhuận không công bằng
Do sự điều hành yếu kém của bộ máy quản lý, hoạt động ăn chia doanh thu giữa RIAV và hãng ghi âm được dựa trên số lượng bài hát. Điều này có nghĩa nếu bạn có 1000 bài hát của những ca sỹ ít tên tuổi thì bạn vẫn có doanh thu cao hơn người nào sở hữu kho nhạc 100 bài của ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng.
Cách làm việc theo trường phái bao cấp này khiến đa số các thành viên bất mãn, trong đó chủ yếu là các hãng ghi âm có số lượng bài hát ít (vài chục, vài trăm...) nhưng chất lượng và nổi tiếng trên thị trường. Điều tất yếu là các đơn vị ghi âm trót ủy quyền cho RIAV phải lần lượt mà rời khỏi RIAV như Viết Tân, Music Faces, Music Box, Kim Lợi, Nhạc Xanh… Hiện nay, RIAV tuy mang tên là Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam nhưng thực chất chỉ đại diện cho những bản ghi xưa cũ mà họa hoằn lắm mới có người nghe.
Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam nhưng... không sở hữu bản ghi
Theo ý kiến mà ông Luân chia sẻ, có lẽ chỉ có ở Việt Nam, và cũng chỉ có RIAV là đơn vị phân phối bản ghi nhưng thực chất không có hệ thống lưu trữ bất cứ bản ghi nào. Cái họ có là cái danh Hiệp hội ghi âm, "anh em mua ủng hộ là chính".
Sau khi ký bản quyền với RIAV, tất cả những gì đối tác nhận được là một file excel danh sách các bài hát thuộc quản lý RIAV, ngoài ra không có gì thêm. Chính vì vậy cũng không ít lần những bài hát xuất hiện trong danh sách của RIAV mà chưa bao giờ xuất hiện trên thị trường, tức là ngoài cái tên bài hát thì hoàn toàn không có bản ghi hoặc chỉ là 1 file exel và vài đĩa CD chứa file mp3 (?!!)
Có thể vì sự quản lý dữ liệu vô cùng yếu kém này mà mỗi lần RIAV công bố con số các bài hát sở hữu đều không có sự đồng nhất, nếu không muốn nói là sai lệch rất nhiều.
Điều này khác hoàn toàn với những đối tác cung cấp khác. Khi có bản ghi mới họ đều gửi thông tin cũng như cập nhật sản phẩm mới vào kho lưu trữ của Nhạc Của Tui để người dùng luôn được thưởng thức các tác phẩm mới nhất.
Email thông báo cập nhật album mới của Universal - Một đối tác nhạc quốc tế của NCT.
Chuyện gì đã xảy ra với RIAV năm 2012-2013?
Cách đây 5 năm, NCT là đơn vị tiên phong trong vấn đề bảo vệ quyền tác giả và thực hiện ký hợp đồng với RIAV. Tuy nhiên "ở trong chăn mới biết chăn có rận".
Giữa năm 2012 & đầu năm 2013, tất các các đơn vị kinh doanh nhận được công văn của RIAV thông báo rằng RIAV đã chuyển cho MV Corp khai thác độc quyền các sản phẩm trước giờ RIAV bảo hộ.
Rất bất ngờ nhưng các đơn vị cũng ủng hộ vì MV Corp là đơn vị độc lập và thời điểm bấy giờ ấp ủ một chiến lược dài hạn để cùng nhau phát triển nền âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng buồn là chỉ sau vài tháng MV Corp phát hiện ra kho nhạc RIAV ko phải như họ nghĩ, họ đã bỏ ra tiền tỷ mua một thứ hữu danh vô thực. RIAV ko cung cấp được kho nhạc cho MV Corp khiến cho đơn vị này phải chạy vạy khắp nơi tìm kiếm các bài hát trên mạng dẫn đến chất lượng kém.
Và rồi chuyện gì đến cũng phải đến, MV Corp bỏ của chạy lấy người khiến cho RIAV liên tục chào mời bán kho nhạc cho các đơn vị khác như VNG, Viettel... và tất nhiên cả NCT cũng được chào mời để mua lại độc quyền kho nhạc này. Cuối cùng thì VNG mua độc quyền với giá nghe đồn là 5 - 5.5 tỷ/năm, so với giá MV Corp đã bỏ ra thì hình như đã giảm tầm 3 tỷ.
Sau tháng 7/2013, các đơn vị lại 1 lần nữa nhận công văn thông báo RIAV chuyển giao độc quyền khai thác kho nhạc cho công ty CP VNG.
"Chuyện một Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam, luôn tự xưng là đại diện bảo hộ quyền ghi âm của các hãng mà trong một năm chuyền tay kho nhạc của mình hết người này đến người khác thật khiến nhiều người nghi ngại."
Tuy nhiên các bên đã bắt đầu "ngán" RIAV và không hợp tác với VNG. Đến lúc này thì RIAV thực sự lo sợ vì nếu các đơn vị quyết định “nghỉ chơi” với kho RIAV thì khả năng rất cao là VNG cũng bỏ của chạy lấy người như MV Corp. Chính vì vậy, RIAV đã vội vàng ký công văn số 233 trước ngày các đơn vị chính thức thành lập liên minh SKY MUSIC.
Để giải quyết vấn đề này, Phó chủ tịch của RIAV đã trực tiếp liên hệ và hẹn gặp đại diện một số website nghe nhạc trực tuyến lớn như nhaccuatui, nhac.vui.vn, nhacso.net để trao đổi. RIAV cũng nài nỉ các bên cho qua chuyện này và hứa đứng vai trò trung gian để xúc tiến chuyện đàm phán cùng VNG.
Tại sao RIAV lại gửi công văn tới Nhaccuatui.com?
Chia sẻ vấn đề này, ông Luân cho biết nhaccuatui.com có 3 nguồn nhạc chính:
1- Nguồn cung cấp từ các đơn vị là công ty, tổ chức có quyền sở hữu hay khai thác các bài hát như: Sonymusic, Universal, VMG, MusicFaces, Saigonnight…Điều này có thể dễ dàng nhận thấy ở phần tên của đơn vị upload khi nghe 1 bài hát.
2- Nguồn từ các cá nhân, ca sĩ có ký hợp đồng độc quyền và tác quyền với NCT, được gom chung dưới tên nct_offical.
3- Nguồn từ người dùng upload lên bao gồm các bái tự user hát và user thích nghe…
"Khi cần phải kết thúc chuyện sử dụng một kho nhạc nào, nhaccuatui.com chỉ cần 30 giây để tiến hành chuyện đó vì chỉ cần search username của công ty/tổ chức thì tất cả danh sách ca khúc sẽ hiện ra.
Do RIAV ngoài cung cấp một danh sách bài hát trời ơi đất hỡi lúc thế này lúc thế khác mà hoàn toàn không có dữ liệu đi kèm nên chuyện dỡ bỏ nội dung gặp không ít khó khăn. Tất cả các bài hát mà RIAV tạm tự cho là của mình cho đến thời điểm này đều do người dùng tự chia sẻ và có một phần do công ty MV Corp trước đây cung cấp, có gần 5000 user upload với số lượng bài hát hàng chục ngàn bài (tính luôn cả trùng lắp).
Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng NCT và các đơn vị cũng rất tích cực trong chuyện thảo bỏ, sau hơn 1 tuần thì các đơn vị thấy cơ bản là hoàn thành. Để tránh sơ sót, NCT và các đơn vị cũng chủ động yêu cầu công ty VNG và RIAV dò lại, nếu có phát hiện vẫn còn thiếu sót thì báo, các bên sẽ xử lý ngay lập tức."
Tuy nhiên, "cách hành xử của RIAV thời gian qua làm cho người người cảm thấy RIAV đang đứng ra bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thì ít mà bảo vệ lợi ích nhóm bằng cách cố tình gây chuyện tạo sức ép bắt các công ty phải mua giá cao thì nhiều."
Ông cũng chia sẻ thêm "Tại NCT, chúng tôi luôn tôn trọng vấn đề bản quyền và trong khả năng của mình luôn cố gắng hoàn thiện vấn đề bản quyền này. Ba năm trước chúng tôi là đơn vị đầu tiên mua bản quyền nhạc quốc tế, và trước đó nữa cũng là một trong những đơn vị đầu tiên hợp tác cùng RIAV. Chi phí hàng năm của NCT dành cho quyền tác giả, các hãng đĩa lên đến đơn vị tỷ đồng trong khi kinh tế cũng còn rất nhiều khó khăn. Nếu các mức phí bản quyền hợp lý về giá cả, chúng tôi rất mong muốn mua để giúp cho người dùng sử dụng nghe nhạc chất lượng tốt hơn; nhưng với những đòi hỏi quá đáng..., chúng tôi kiên quyết không bao giờ nhượng bộ".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng