CEO Thegioididong: Không ai có thể làm khó TGDĐ phát triển

    PV,  

    Trong sự kiện ra mắt hai nhà đầu tư mới (Cty CDH Electric Bee Limited và ông Robert A.Willett, với tỉ lệ cổ phần nắm giữ là 20,41%) tại TPHCM chiều ngày 27.5.2013, Chủ tịch Cty CP đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ) Nguyễn Đức Tài dứt khoát: “Không ai có thể làm khó được TGDĐ trong quá trình phát triển…”

     "Cựu CEO của Best Buy International - cổ đông mới của TGDĐ.

    "Cựu CEO của Best Buy International - cổ đông mới của TGDĐ.

    Xin bàn trước về nhà đầu tư mới. Robert A.Willett, cựu CEO của Best Buy International (một Cty con của tập đoàn bán lẻ Best Buy Operations), và cũng từng là Phó chủ tịch của tập đoàn này. Gần đây Willett được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT độc lập trong TGDĐ. Trong họp báo, ông từ chối cho biết chính xác tỉ lệ cổ phần tại TGDĐ.

    Tuy nhiên theo một nguồn tin, thì CDH chiếm 19,88% cổ phần tại TGDĐ, như vậy có thể suy ra Willett nắm giữ là 0,53%. Theo ông Nguyễn Đức Tài: “Ông Willett muốn đầu tư hàng triệu USD vào TGDĐ. Tuy nhiên, chúng tôi không đặt nặng vấn đề đầu tư của ông về khía cạnh tài chính, mà là những đóng góp kinh nghiệm, sự hiểu biết để xây dựng chiến lược kinh doanh cho TGDĐ”.

    Năm 2012, giá trị doanh nghiệp của TGDĐ đạt 50 triệu USD, song đến hết tháng 4.2013 đã nhanh chóng tăng lên 100 triệu USD, tương đương 2.000 tỉ đồng. Rõ ràng một số đánh giá đã có lí khi cho rằng, sự tham gia đầu tư hoặc giữ vai trò tư vấn chiến lược của các tổ chức và nhân vật tầm cỡ như Willett sẽ góp phần nâng cao uy tín, giá trị thương hiệu, qua đó góp phần gia tăng giá trị doanh nghiệp của TGDĐ.

    “Không ai có thể làm khó được TGDĐ…”.

    Chiến lược phát triển của TGDĐ trong thời gian tới gồm bốn điểm nhấn: Phát triển mạnh mẽ bán hàng online; tạo đột phá về văn hoá phục vụ; tối ưu hoá hệ thống điện máy và mở chuỗi kinh doanh những sản phẩm khác từ năm 2014-2015 trở đi. “Khi TGDĐ chưa đạt được giá trị doanh nghiệp 10.000 tỉ đồng thì chúng tôi chưa hoàn thành sứ mệnh”, ông Tài cho biết.

    Có nghi ngờ rằng: Liệu TGDĐ có quá mạo hiểu khi trong bối cảnh thị trường điện máy sụt giảm mạnh (năm 2012 giảm gần 20% so với năm 2011, năm 2013 dự kiến sẽ giảm 10% so với 2012) mà TGDĐ vẫn có kế hoạch mở rộng trong năm 2014?

    Nhưng ông Tài vẫn kiên quyết: “Hiện giờ chúng tôi chưa xác định cụ thể sẽ mở thêm bao nhiêu siêu thị Dienmay.com. Song chắc chắn một điều rằng, khi chúng tôi đã mở thì sẽ như vũ bão”.

    Từ năm 2010 đến nay, một số hệ thống bán lẻ hàng công nghệ đã mở rộng chuỗi với tốc độ chóng mặt. TGDĐ từ dưới 100 siêu thị, đến nay đã có 218 siêu thị trên khắp 63 tỉnh thành, trong đó có 12 siêu thị Dienmay.com.

    “Hệ thống siêu thị điện máy bao nhiêu năm rồi cứ “tàn tàn cù lủ” chứ có ai chịu mở rộng mấy đâu. Khi chúng tôi mở chuỗi thì ngay lập tức đã tạo nên sức bật máu lửa khiến các bên chạy đua”. Nhận định này của ông Tài không phải không có lí.

    Nên nhớ rằng, từ 2010 trở về trước, Nguyễn Kim (NK) chỉ có 3 trung tâm điện máy. Thế nhưng từ 2010-2012, tương ứng với khoảng thời gian Dienmay.com ra đời và mở rộng, thì NK đã mở tới 17 trung tâm. NK hiện có 21 trung tâm, xếp sau là Điện máy Chợ Lớn với 20 trung tâm.

    Song theo nghiên cứu của Euromonitor, cuộc tranh đua ngôi vị số 1 bán lẻ hàng công nghệ đến năm 2015, là sàn đấu của NK và TGDĐ.

    NK không nhiều hơn TGDĐ về số siêu thị nhưng doanh số thì hơn khá xa. Năm 2012, TGDĐ đạt tổng doanh thu 7.375 tỉ đồng. Trong khi trong năm tài khóa 2011 NK cũng đã đạt doanh thu xấp xỉ (hơn 350 triệu USD). NK vẫn đang đứng đầu ngành về doanh thu, còn TGDĐ thì dẫn đầu về số siêu thị.

    Thế nhưng cả hai đều có “gót chân Achilles”: NK chen chân sang lĩnh vực hàng kĩ thuật số thất bại, với sự đóng cửa chuỗi siêu thị Thế Giới Số 24G. Trong khi đó, Dienmay.com gặp khó khăn trong suốt năm 2012 vì thị trường suy giảm.

    Có dư luận cho rằng NK hay “lấy thịt đè người”. Tuy nhiên theo lý giải của ông Tài, năm 2010 khi TGDĐ bắt đầu bước chân sang điện máy, thì ở ngành hàng này chưa có tên tuổi nào chiếm quá 5% tổng doanh số thị trường.

    Được biết, tổng doanh thu ngành điện máy năm 2012 đạt khoảng 89.000 tỉ đồng. Năm tài khóa 2012 NK đạt khoảng 9.000 tỉ đồng doanh thu, chiếm khoảng 10% thị phần. Với sức mạnh này NK có thể đè bẹp các nhà bán lẻ nhỏ song liệu có “làm khó” được TGDĐ?

    Trở lại với lời phát biểu của ông Nguyễn Đức Tài, người có thiện cảm sẽ nghĩ rằng đây là thái độ tự tin mạnh mẽ. Nhưng các đối thủ, biết đâu lại xem nó như lời thách thức. Nhưng dù bị xem là thế đi nữa, thì dựa theo thực tế, TGDĐ có đủ tư cách để thách thức!

    Theo Thế Lâm
    Lao động

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày