CEO VinFast nói về việc "nhỡ sóng" niêm yết sàn Mỹ khi xe điện đang nóng và cú giải cứu tỷ đô của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng

    Trọng Hiếu, markettimes.vn 

    Những tiêu chuẩn rất cao về pháp lý của thị trường tài chính Mỹ khiến công ty này không thể kịp làm BCTC kiểm toán đáp ứng đúng yêu cầu để có thể niêm yết lúc cổ phiếu xe điện đang rất được ưa chuộng trên thị trường tài chính quốc tế.

    CEO VinFast nói về việc "nhỡ sóng" niêm yết sàn Mỹ khi xe điện đang nóng và cú giải cứu tỷ đô của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng - Ảnh 1.

    "Đó là một ngày đầu năm 2021. Khi vô tình nhìn thấy vốn hóa của các doanh nghiệp xe điện trên thế giới, tôi tự hỏi tại sao lại cao thế?Ngày 15/1/2021, Tesla có vốn hóa khoảng hơn 800 tỷ USD, NIO lên đến hơn 100 tỷ USD..."- Bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng giám đốc toàn cầu của VinFast kể lại trong buổi gặp gỡ báo chí.

    Ngay sau khi nhìn thấy mức vốn hóa đó, bà Thủy nói chuyện với ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup: "VinFast hãy niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ".

    Đó là những manh nha đầu tiên về ý tưởng niêm yết VinFast.

    Bà Thủy cũng nghĩ rằng nếu lúc đó, VinFast niêm yết thông qua SPAC có thể sẽ rất nhanh vì ngành xe điện đang rất "nóng" trên thế giới. Tuy nhiên, công ty đã không kịp nắm được sóng của thị trường. Những tiêu chuẩn rất cao về pháp lý của thị trường tài chính Mỹ khiến công ty này không thể kịp làm BCTC kiểm toán đáp ứng đúng yêu cầu.

    Mãi đến tháng 5/2021, VinFast mới có thể hoàn thành BCTC theo đúng chuẩn mực kế toán tại Mỹ. Nhưng từ tháng 4 thị trường SPAC đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Công ty đã tính đến phương án IPO theo cách truyền thống song thị trường chứng khoán lại bắt đầu gặp khó khăn.

    "Tìm thấy Black Spade cũng là một cái duyên" - Bà Thủy nói.

    CEO VinFast cho biết việc hãng xe điện của Việt Nam được hỗ trợ tài chính từ Vingroup và Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đã giúp công ty gỡ bỏ được áp lực huy động vốn. Vào cuối tháng 4/2023, ông Phạm Nhật Vượng tài trợ 1 tỷ USD, Vingroup tài trợ 500 triệu USD cho VinFast, đồng thời cho VinFast vay một tỷ USD thời hạn tối đa 5 năm.

    Đại diện Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng nói, xây dựng thương hiệu quốc gia có khả năng cạnh tranh ở tầm quốc tế là một hành trình đặc biệt khó khăn, thách thức, thậm chí đòi hỏi hy sinh lợi ích trước mắt. Hiểu rõ điều này, ông Vượng hiến tặng một phần tài sản cá nhân nhằm tiếp sức cho VinFast trong giai đoạn tăng tốc bản lề, ghi dấu Việt Nam trên thị trường xe điện thế giới. 

    CEO VinFast nói về việc "nhỡ sóng" niêm yết sàn Mỹ khi xe điện đang nóng và cú giải cứu tỷ đô của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng - Ảnh 2.

    Do đó, thay vì đặt mục tiêu huy động vốn như ban đầu, ban lãnh đạo công ty quyết tâm đưa VinFast trở thành công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.

    "Mặc dù không huy động được vài tỷ USD như mong muốn ban đầu nhưng việc không phải chịu áp lực huy động rất nhiều tiền trong thời điểm thị trường IPO khó khăn và gặp được Black Spade đã đưa chúng tôi tới quyết định thực hiện thương vụ sáp nhập để đưa VinFast lên sàn chứng khoán Mỹ", CEO VinFast chia sẻ.

    "Bên ngoài nhìn vào thì nghĩ rằng việc chúng tôi niêm yết là một việc dễ dàng nhưng thực sự đó là một sự nỗ lực rất lớn của toàn bộ các nhân viên và lãnh đạo của VinFast", bà Thủy chia sẻ.

    Cuối cùng, bà Lê Thị Thu Thủy khẳng định việc niêm yết VinFast tại Mỹ không thể là một chiến lược marketing bởi "chẳng ai làm marketing với chi phí lớn như thế". Đây đó còn là sứ mệnh mang thương hiệu Việt ra quốc tế.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày