Những bộ phim như "Ready Player One" hầu như chỉ dựa trên CGI để xây dựng thế giới ảo của mình, khiến các thủ pháp hiệu ứng truyền thống đang dần trở thành "đồ cổ" tại Hollywood. Thế nhưng điều này có thực sự là xấu hay không?
Ready Player One (Ready Player One: Đấu Trường Ảo) của Steven Spielberg có cốt truyện dựa trên nguyên tác tiểu thuyết của Ernest Cline với sự xuất hiện của những hiện tượng văn hóa đại chúng của thập niên 80, 90 càng làm người xem mê mệt. Chẳng hạn như chúng ta có thể gặp lại Freddy Krueger trong trận chiến ở hành tinh Doom, hay con búp bê Chucky đáng sợ được ném đi như một trái lựu đạn vô cùng độc đáo.
Những "Trứng phục sinh" ấy đều cần đến CGI. Dù là Krueger hay Chucky thì cũng đều được tạo ra bằng công nghệ, chứ không có diễn viên đóng như xưa kia.
CGI là từ viết tắt của Computer-Generated Imagery (công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính). Từ khi CGI xuất hiện, các đạo diễn tự do hơn trong việc biến những ý tưởng điên rồ nhất của mình trở thành hiện thực. Đồng thời, màn ảnh cũng trở nên "đau mắt" hơn với cả tấn hình ảnh quái vật, cháy nổ, thảm hoạ... đùng đùng. Phim nào cũng cố gắng trở nên ầm ĩ hơn, khủng khiếp hơn, kỳ vĩ hơn và... to hơn. Năm 2018 này đánh dấu cho một kỷ nguyên mới của ngành điện ảnh với sự lên ngôi của CGI. Có thể nói, các bom tấn với hàng đống kỹ xảo máy tính đang nuốt chửng màn ảnh rộng.
Cách đây vài năm, Mad Max: Fury Road của Geogre Miller đã từng làm mưa làm gió trên khắp các rạp chiếu thế giới. Bộ phim được dựng cảnh và quay vô cùng công phu, gần như không đụng đến CGI. Các đại cảnh trên sa mạc hầu hết được tự thực hiện với nhiều pha mạo hiểm đến thót tim, rồi cả những vụ cháy nổ cũng hoành tráng y như những gì chúng ta thấy trên màn ảnh. Và hiển nhiên, nó đã mang về đến 6 giải Oscar vào năm 2016. Tiếp đến, là các bom tấn như Mission Impossible: Rogue Nation (Nhiệm Vụ Bất Khả Thi 5: Quốc Gia Bí Ẩn) và Star Wars: The Force Awakens (Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao 7: Thần Lực Thức Tỉnh) cũng rất hạn chế sử dụng kỹ xảo. Do vậy, tờ The Verge đã gọi 2015 là "năm trở lại các hiệu ứng thực tế của Hollywood."
Moana và Finding Dory
Nhưng đó chỉ là một năm ngoại lệ. Top 20 bộ phim có doanh thu cao nhất năm 2016 như: phim hoạt hình (Finding Dory, Moana), các bộ phim siêu anh hùng (Captain America: Civil War, Batman v Superman: Dawn of Justice, Suicide Squad) và những phim thuần CGI (The Jungle Book, Warcraft) đều "nhung nhúc" kỹ xảo vi tính.
Tuy nhiên, CGI lại thường xuyên bị chỉ trích vì nó giả tạo. "Chỉ vì CGI cho phép bạn làm một cái gì đó, cho dù nâng cả thành phố lên không trung hay san bằng những tòa nhà chọc trời, không có nghĩa là bạn nên làm", Brian Lowry viết cho Variety sau công chiếu Avengers: Age of Ultron: "Bởi vì các bom tấn không thể làm hài lòng tất cả, luôn có một lượng khán giả đang mệt mỏi với những bộ phim này bởi chất lượng kém và 30 phút cuối cùng với tình trạng hỗn loạn không ngừng." Gốc rễ không nằm ở vấn đề về hiệu ứng: nó chỉ ra việc lạm dụng CGI có thể còn do lười nhác trong khâu biên kịch. Thật dễ dàng làm sao để sửa một lỗi logic bằng cách thổi tung nó bằng một vụ nổ.
Tóm tắt các phim của Michael Bay
Nếu bạn nhìn vào đoạn phim chưa được chỉnh sửa cảnh đâm xe và cảnh rượt đuổi trong Fury Road, bạn sẽ nhận ra vài điều. Thứ nhất, thậm chí những cảnh phim chưa qua chỉnh sửa của Fury Road vẫn ác liệt hơn so với cả loạt phim Fast & Furious.
Thứ hai, và điều này cũng chỉ ra vai trò của CGI trên màn ảnh, dù nó đáng kinh ngạc, nếu không được chỉnh sửa thích hợp nó chỉ trông giống như một bộ phim tổng hợp về những chiếc xế tải cực kỳ ngầu. Trong trường hợp Fury Road, CGI sử dụng một cách tinh tế, mang đến cho bộ phim một xúc cảm hậu tận thế mà những chiếc xe lái trên những con đường sỏi bình thường không đời nào so sánh được. CGI cũng có thể làm hồi sinh những nhân vật đã khuất bóng từ lâu trên màn ảnh như một sự tri ân, tưởng thưởng khiến người xem đẹp lòng khi được thấy thần tượng của mình một lần nữa trở lại (Rachel trong Blade Runner hay phiên bản hồi trẻ của công chúa Leia trong Star Wars).
Và đôi khi, các bộ phim như Ready Player One đòi hỏi cần các hiệu ứng đặc biệt: OASIS không thể tồn tại trong nếu thiếu nó. Bộ phim chứa đựng vẻ đẹp và giá trị của nền văn hóa đại chúng trong một đấu trường ảo; nó không giống như bất cứ điều gì được thấy trước đó. Điều mà Spielberg tạo ra trong Ready Player One đó là xây dựng được một thế giới hoàn chỉnh thứ hai lồng trong thế giới có sẵn trên màn ảnh.
Những hiệu ứng đặc biệt nếu được làm "có tâm" sẽ không làm mất đi trải nghiệm điện ảnh tốt, thậm chí chúng còn nâng cấp trải nghiệm cho người xem. Việc khán giả đón nhận các bộ phim bom tấn sử dụng nhiều CGI cho thấy những tác phẩm này phải có thứ gì đó bên cạnh hiệu ứng cháy nổ mới đủ khiến họ ngưỡng mộ, bằng không thì cũng như Warcraft hay Valerian and the City of a Thousand Planets mà thôi.
Black Panther có thể là bộ phim tuyệt vời nhất của Marvel Cinematic Universe - như một sử thi của Shakespeare đặt trong các phim của Marvel hiện nay. Bắt rễ từ văn hóa châu Phi, phong cách sống và nền tảng của Wakanda đã được thể hiện một cách tuyệt vời với sự trợ giúp của các hiệu ứng đặc biệt. Và đó là "cảnh giới" mà CGI ở Hollywood sẽ cố tiếp tục đạt được. Trong khi CGI ngày càng được sử dụng thường xuyên, chắc chắn những thủ pháp truyền thống sẽ vẫn tìm được chỗ đứng và không bị thay thế hoàn toàn trong ngành công nghiệp điện ảnh.
Cách người ta làm từng chuyển động nhỏ cho con rối trong "Isle of Dogs" (Đảo Chó) của đạo diễn Wes Anderson.
Vì lẽ đó, việc chứng kiến CGI tràn lan màn ảnh ngày nay không nhất thiết là một điều xấu, nhưng khán giả phải là những người khôn ngoan nhất. Đừng để hiệu ứng cháy nổ làm lóa mắt khi đánh giá giá trị của một tác phẩm, mà hãy nhìn nhận nó dưới nhiều góc độ trước khi đưa ra nhận định của mình. Tuy nhiên cũng đừng dễ dãi để buông câu "Xem cũng vui mắt" trước một bộ phim hời hợt (Transformers, coi chừng đấy!). CGI có thống trị màn ảnh hay không thì còn phải xem liệu nó có thống trị tư tưởng của khán giả trước đã.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng