Cha đẻ của game bom tấn hot nhất hiện nay - PlayerUnknown's Battlegrounds: từ kẻ lông bông trở thành triệu phú

    Kuroe,  

    Ít người biết rằng, chỉ 3 năm trước đây thôi, cha đẻ của tựa game nổi đình nổi đám PlayerUnknown's Battlegrounds vẫn chỉ là một kẻ lông bông sống bằng tiền trợ cấp từ cơ quan phúc lợi xã hội tại quê nhà.

    3 năm trước, Brendan Greene chỉ là một gã đàn ông vẫn còn đang "lêu lổng" tại quê nhà Kildare, Ireland. Trong mắt những người lao động sống xung quanh, ông chỉ là một tên ăn bám sống tiền trợ cấp của chính phủ, đang suốt ngày lãng phí thời gian vào việc tạo ra những tựa game miễn phí vô bổ.

    "Họ suốt ngày nói với tôi rằng, hãy kiếm công ăn việc làm tử tế, nếu không sẽ chẳng ai thèm chứa tôi đâu. Thế nhưng tôi cứ mặc kệ họ vậy thôi." Greene kể lại.

    Nếu như Greene không bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu xung quanh mình ngày ấy, có lẽ ông đã không bao giờ có thể trở thành "cha đẻ" của một tựa game nổi tiếng toàn cầu như bây giờ. Những ý tưởng của thời "lông bông" ấy đã giúp cho Brendan Greene tạo ra PlayerUnknown's Battlegrounds (PUBG) - hiện tượng của làng game PC với 13 triệu bản được bán ra chỉ sau hơn nửa năm kể từ ngày ra mắt. Xét về số lượng người chơi, PUBG đã vượt qua cả Dota 2 - kẻ đã từng thống trị bảng xếp hạng của Steam trong suốt một khoảng thời gian dài. Những ông lớn trong ngành công nghiệp game như Sony hay Tencent cũng đang ra sức liên hệ với Greene để giành quyển đưa PUBG lên console và điện thoại di động.

    "Những ngày này tôi cảm thấy như mình đang trở thành tâm điểm của cả thế giới," - ông Greene, năm nay 41 tuổi, chia sẻ.

    Brendan Greene, cha đẻ của tựa game đình đám PUBG
    Brendan Greene, cha đẻ của tựa game đình đám PUBG

    PUBG là tựa game do Brendan Greene hợp tác với hãng phát triển game Hàn Quốc Bluehole tạo nên. Nếu như các bạn chưa biết, thì PUBG có thể ví như phiên bản trò chơi điện tử của bộ phim nổi tiếng "The Hunger Games", nơi mà 100 người chơi chiến đấu với nhau cho đến khi chỉ còn lại duy nhất một người sống sót.

    Sau thành công vang dội của PUBG, thì Bluehole cũng nhanh chóng phất lên như diều gặp gió, với giá trị của hãng nay đã lên tới 4,6 tỉ USD - tăng gấp 5 lần chỉ trong khoảng thời gian 3 tháng ngắn ngủi. Người sáng lập hãng, ông Chang Byung-gyu cũng nhờ vậy mà gần như trở thành tỉ phú, khi năm giữ 20% cổ phiếu của công ty.

    Theo lời ông Chang thì Bluehole đã đàm phán với các ông lớn khác trong ngành công nghiệp game để đưa PUBG đến với nhiều người chơi hơn nữa. Microsoft sẽ phát hành PUBG trên hệ máy Xbox vào cuối năm nay, và Sony cũng đang dự tính sẽ phát hành một phiên bản PUBG cho hệ máy PlayStation.

    Ở thời điểm hiện tại, việc một tựa game vô danh bất ngờ "bùng nổ" và để lại tiếng vang lớn là điều vô cùng hiếm gặp, bởi lẽ ngành công nghiệp trò chơi điện tử bây giờ gần như đã trở thành sân chơi riêng của những ông lớn thành danh. Tựa game gần đây nhất bất ngờ tạo được tiếng vang giống PUBG hiện tại là Minecraft, mà đó cũng là câu chuyện từ năm 2009 - tức 8 năm trước đây rồi.

    Chúng ta hãy tạm dừng câu chuyện ở đây để nhìn lại một chút về cuộc đời đầy sóng gió của Greene. Ông kết hôn với một phụ nữ Brazil và chuyển tới đó sinh sống sau khi bước qua tuổi 30. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này đổ vỡ, và Greene do không có tiền mua vé máy bay nên đành phải lưu lạc ở nơi xứ người trong một khoảng thời gian dài. Nhờ được đào tạo về chụp ảnh và thiết kế đồ họa, ông mới có thể kiếm sống ở Sao Paulo từ việc thiết kế web và chụp ảnh đám cưới.

    Trong quãng thời gian khó khăn này, trò chơi điện tử trở thành cách để Greene giải trí mỗi khi buồn chán. Sau khi chán chơi game, ông quyết định chuyển sang mod game (sửa đổi mã nguồn gốc để tạo thành một phiên bản mới của một trò chơi sẵn có). Bằng vốn kiến thức lập trình cơ bản của mình, ông đã tạo ra một bản mod của tựa game Arma 2, theo ý tưởng từ bộ phim Nhật "Battle Royale": hàng loạt người chơi chiến đấu với nhau để trở thành người sống sót cuối cùng trên một hòn đảo hoang.

    Ý tưởng này nhanh chóng được cộng đồng người chơi ủng hộ, và bản mod thu hút hàng nghìn người chơi tham gia mỗi tuần. Để tránh tạo ra xung đột với nhà phát triển của Arma 2, Greene quyết định sẽ để bản mod này hoàn toàn miễn phí và tự dùng tiền túi của mình để duy trì server online. Ông vẫn tiếp tục phát triển bản mod này ngay cả khi trở về quê nhà Ireland, cho đến khi Sony quyết định biến ý tưởng này trở thành tựa game H1Z1 vào năm 2014.

    "Lúc đó, tôi rất vui vì đã có thể tới văn phòng phúc lợi xã hội và nói, 'Này, giờ thì tôi không phải sống bằng tiền của các người nữa rồi nhé'," Greene chia sẻ.

     Môi trường làm việc tại Bluehole

    Môi trường làm việc tại Bluehole

    Cũng trong khoảng thời gian này, nhà điều hành sản xuất của Bluehole, ông Kim Chang-han nảy ra ý định làm một tựa game sinh tồn và quyết định tìm đến Greene. Ý tưởng lớn gặp nhau, Greene quyết định cùng với Bluehold làm một tựa game sinh tồn mới hoàn toàn, và thế là 2017, phiên bản Early Access (tạm hiểu là bản game chưa hoàn thiện) của PUBG được phân phối với giá 30 USD trên Steam. Do là bản Early Access nên tựa game tồn tại rất nhiều lỗi, cũng như không tối ưu được tài nguyên máy tính, tuy nhiên kể cả vậy thì PUBG vẫn trở thành tựa game được bán chạy nhất trên Steam vào thời điểm đó.

    "Mỗi lần chơi game là một lần trải nghiệm mới hoàn toàn. Mỗi lần bạn tham gia vào cuộc chơi này là một lần bạn đấu trí với rất nhiều người chơi khác, để có thể trở thành kẻ sống sót cuối cùng." John Teasdale, một người chơi PUBG có tiếng trên kênh stream Twitch chia sẻ.

    Đương nhiên sự nối tiếng nhất thời của PUBG sẽ không thể đảm bảo rằng tựa game này sẽ tiếp tục thành công trong tương lai. Ngành công nghiệp game đã từng chứng kiến rất nhiều trường hợp mà một tựa game bị lãng quên nhanh chóng như cái cách mà nó từng nổi tiếng vậy. Hơn nữa, Bluehole không hề có kinh nghiệm trong việc quản lý một tựa game lớn ở tầm của PUBG, và từ đó đến nay đã có rất nhiều vấn đề xảy ra mà hãng không thể giải quyết triệt để được. Điển hình nhất có lẽ là vấn đề hack và gian lận tràn lan trong tựa game này ở thời điểm hiện tại.

    Ông Chang Byung-gyu, sáng lập viên của hãng Bluehole
    Ông Chang Byung-gyu, sáng lập viên của hãng Bluehole

    Bên cạnh đó, một vấn đề lớn khác là sự xuất hiện của những tựa game ăn theo, bắt chước, v...v... Rõ ràng là mảng game sinh tồn là một miếng bánh béo bở mà các nhà phát triển game lớn khó lòng bỏ qua được. Fortnite của Epic Games là một tựa game khác đang có ý đồ cạnh tranh trực tiếp với PUBG, hay ông lớn Ubisoft cũng đang có ý muốn theo đuổi thể loại game này trong tương lai.

    Còn riêng cá nhận Greene, ông vẫn đang tạm bỏ qua những vấn đề về cạnh tranh để dồn hết tâm trí cho việc hoàn thiện PUBG vào cuối năm nay, để có thể tung ra phiên bản game chính thức cho những người hâm mộ. Có vẻ như Greene sẽ còn gắn bó với Bluehole trong một khoảng thời gian dài nữa, và sáng lập viên của Bluehole, ông Chang Byung-gyu cũng ngỏ ý muốn cung cấp cổ phần của công ty cho Greene nhằm đảm bảo mối quan hệ hai bên.

    "Khi nói về Greene, tôi sẽ gọi ông ấy là người trở thành triệu phú chỉ sau một đêm," ông Chang Byung-gyu nói thêm.

    Tham khảo Bloomberg

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày