Chân dung founder ‘3 giỏi’ của T-Farm Phạm Anh Tuấn, startup được Shark Hưng gọi là thiên tài có thể 'biến chì thành vàng': Giỏi quản lý, giỏi ‘đốt tiền’ và giỏi tùy biến
Chiếc máy trồng cây hoàn toàn tự động có tên T-Farm mà Phạm Anh Tuấn mang lên trưng bày trên chương trình Shark Tank là thành quả mà anh và tập thể 30 kỹ sư đã nghiên cứu ròng rã trong gần 3 năm. Và ngoài T-Farm tự động 100%, Treant Protector còn có rất nhiều dòng sản phẩm khác đủ mọi giá tiền - chức năng.
- Cách Shark Hưng và sao Việt nổi tiếng chọn iPhone 11 Pro Max
- Bỏ Silicon Valley, kéo cả đồng sáng lập Snapchat về Việt Nam khởi nghiệp xe máy điện, startup bị “dàn cá mập” vùi dập không thương tiếc, cuối cùng nhận được 60.000 USD vì Shark Hưng đang hợp tác với bạn thân Elon Musk
- Xiaomi ra mắt sạc dự phòng Black Shark: Dung lượng 10000mAh, sạc nhanh hai chiều 18W, giá 390.000 đồng
- Gọi vốn 5 triệu USD để xây dựng công ty tầm cỡ Facebook, Amazon nhưng lại "nói không sách, mách không chứng", CEO LASS Group bị các Shark đồng loạt từ chối vì không đáng tin
- Startup 2 lần vô địch PUBG gọi vốn trên Shark Tank Việt Nam, nhắm thị trường eSports 365 triệu USD: Nửa dàn cá mập chê vì "cực ghét chơi game", lo ngại cho thể chất và tinh thần của cả cộng đồng giới trẻ
Treant Protector và chiếc máy VNWALLS GARDEN đã lọt vào vòng chung kết 12 startup của cuộc thi Lexus Design Award 2018 ở Ý.
Có thể nói, tác động sau màn gọi vốn trên Shark Tank với Phạm Anh Tuấn và Treant Protector có tốt có xấu. Mặt tốt là cái tên Treant Protector và các sản phẩm của công ty được nhiều người biết đến nhiều hơn, mặt xấu là có không ít lời dèm pha từ fan của các Shark sau khi anh nói rằng ‘muốn giáo dục khách hàng" cũng như có màn tranh luận tương đối gay gắt với Shark Linh.
Thế nên, lúc vừa mới gặp chúng tôi trông anh khá ngại ngùng, có thể bởi di chứng của lần ‘vạ miệng’ trên Shark Tank. Tuy nhiên, khi câu chuyện càng dài hơn và càng đi sâu vào sự ra đời của T-Farm, các dòng sản phẩm khác của Treant Protector và thị trường rau khí cạnh ở Việt Nam cùng thế giới, anh đã dần cởi mở hơn, sau đó còn chuyển qua giai đoạn ‘nói mãi không hết chuyện!’.
Dù không chấp nhận đầu tư cho Treant Protector cũng như không quên “cà khịa” vài câu với startup này, song Shark Hưng cũng đã mở lời khen ngợi ý tưởng của Anh Tuấn cùng ekip của mình là ‘thiên tài’. Mà như người ta thường nói, ‘chữ tài liền với chữ tai một vần’, những người rất giỏi thường lập dị, luôn tự cho mình là đúng và khá bảo thủ. Nhưng qua tiếp xúc với Phạm Anh Tuấn, chúng tôi cảm thấy anh là trường hợp ngoại lệ, khi vừa giỏi quản lý vừa giỏi tùy biến và vừa giỏi cả ‘đốt’ tiền nữa.
Khí canh là phương pháp canh tác công nghiệp mà phần rễ của cây hoàn toàn lơ lửng trong không khí, chứ không đắm trong nước khi thủy canh. Do lơ lửng trong không khí, nên khi chất dinh dưỡng phun tưới qua rễ, nếu thừa sẽ rơi xuống phía dưới – rễ sẽ hấp thụ dưỡng chất vừa đủ và không có dư lượng thừa. Nếu phun ra hạt sương với kích thước nhỏ, rễ còn thẩm thấu tốt hơn, giảm lượng dinh dưỡng phun tưới.
Chất dinh dưỡng chính là những chất hóa học được ‘bón’ cho cây với liều lượng cho phép và trong ngưỡng anh toàn với con người, theo các nghiên cứu khoa học. Nếu khách hàng dùng theo đúng chỉ dẫn và lập trình trên máy, chúng ta sẽ có rau – quả sạch như ở siêu thị.
Sự ra đời của T- Farm không phải để thay thế rau ăn hàng ngày của người dùng mà nó như một giá trị cộng thêm cho gia đình; giải quyết những nhu cầu tức thời, ví dụ như cần rau gia vị để ăn mì tôm nhưng chưa kịp mua, trồng hoa hoặc dược liệu quý, thêm mảng xanh cho các văn phòng cao tầng hoặc căn hộ khép kín/chung cư.
Giỏi quản lý
Như đã chia sẻ trên nhiều mặt báo, ý định dấn thân vào lĩnh vực trồng cây khí canh của Phạm Anh Tuấn nảy sinh sau khi anh trải qua một tai nạn nghiêm trọng nguy hiểm tới tính mạng cách đây vài năm. Tuy nhiên, với một người trong ngành công nghệ thông tin nhưng lại có nghề tay trái là buôn bán bất động sản như Tuấn, nếu đã quyết định làm gì thì phải làm điều đó tốt nhất có thể.
Thế nên, anh không chỉ muốn sản xuất một cái máy có thể hỗ trợ con người trồng cây bằng phương pháp khí canh trong nhà, mà cái máy đó còn phải hoàn toàn tự động, không cần sự can thiệp của con người vẫn có thể tự vận hành được. Đặc biệt, mục đích cao nhất mà anh hướng tới, không phải chỉ trồng được nhiều loại cây, mà chỉ chuyên trồng giống đặc sản và chất lượng cho ra phải ngang bằng trồng ở địa phương có đặc sản đó. Nôm na là trồng rau gia vị theo kiểu công nghiệp nhưng vẫn cho ra chất lượng theo kiểu truyền thống.
T-Farm hợp tác với dự án Palm Heights để cung cấp mảng xanh cho các chung cư cao cấp.
Ý tưởng cơ bản có thể gói gọn trong 6 dòng, nhưng để thực hiện được ý tưởng đó, Tuấn cùng các ekip của mình đã mất hơn 2 năm nghiên cứu và thử nghiệm mới cho ra thành phẩm cuối cùng đúng ý của anh.
Đầu tiên, để có thể làm ra một cái máy ‘thần kỳ’ như thế, cần sự tích hợp kiến thức của các chuyên gia trong 5 ngành sau: điện tử để làm mạch – công nghệ thông tin để xây dựng hệ điều hành – cơ khí để chế tạo máy – nông nghiệp lo chuyện trồng trọt – sinh học lo chuyện giống và dinh dưỡng, phân bón.
"Ngay từ đầu tôi đã xác định mình sẽ là người điều phối dự án và sẽ đi thuê chuyên gia cả ở 5 mảng. Nhưng kể cả thế, thì tôi vẫn phải biết được những kiến thức cơ bản về những mảng miếng đó thì mới có thể quản lý – điều phối tốt các chuyên gia. Thế nên, việc đầu tiên của tôi chính là lao đầu vào học các kiến thức cần thiết trong 5 mảng kể trên, sau đó mới đi thuê chuyên gia", Phạm Anh Tuấn kể.
Một sản phẩm của thương hiệu T-Farm.
Thứ hai, thuê chuyên gia cũng là một câu chuyện đầy thách thức, vì không phải cứ có tiền là sẽ dễ dàng thuê được người như ý. Người giỏi trong các lĩnh vực kể trên tại Việt Nam không hiếm, nhưng rành về khí canh và có cùng chí hướng với Tuấn thì lại không nhiều. Trong những ngày đầu, đúng là anh phải "đãi cát tìm vàng". Tuy nhiên, cũng có điều thuận lợi là, hễ thuê được 1 chuyên gia phù hợp, họ sẽ giới thiệu thêm nhiều người như mình.
Nhưng, vấn đề cũng xuất phát từ đó, hễ một người nghĩ việc là cả đồng đội mà anh ta kéo vào dự án cũng nghỉ theo. Theo đó, cứ người mới vào là dự án của Anh Tuấn phải bắt đầu lại từ đầu. Cùng thời gian, anh đã khôn hơn, đề nghị các chuyên gia chép nhật ký hằng ngày, ai làm gì và làm như thế nào đều phải ghi chép trên hệ thống. Nhờ thế, ở giai đoạn sau này dự án đã chạy nhanh hơn, người mới vào sẽ phát triển tiếp trên cái nền của người cũ.
"Thế nên, phải sau gần 3 năm và xài gần 30 kỹ sư – có thời điểm các kỹ sư ra vào hết sức nhộn nhịp, thì T-Farm mới nên hình nên dạng. Có thể nói, T-Farm là công sức của một tập thể những nhà kỹ sư hàng đầu Việt Nam chứ không phải của riêng tôi, tôi chỉ là người đưa ra ý tưởng và tập hợp họ lại để thực hiện ý tưởng đó. Tất nhiên, quản lý rất nhiều con người tài năng đó hợp tác nhịp nhàng cùng nhau không phải là điều dễ dàng, nhưng tôi đã làm được", Anh Tuấn tự hào chia sẻ.
Giỏi ‘đốt tiền"
Ngoài giỏi quản lý, thì về khoản ‘đốt tiền’, so với các startup khác, anh cũng giỏi chẳng kém. Theo chia sẻ của Anh Tuấn, thì trong hơn vài năm qua, anh đã tiêu hết 13 tỷ của nhà đầu tư ‘thiên thần’ và 1 tỷ của bản thân. Hai mảng khiến anh tiêu tốn tiền nhiều nhất chính là nhân sự và linh kiện để sản xuất sản phẩm thông minh.
Như đã nói ở trên, để sản xuất ra được sản phẩm xuất chúng - có 2 bằng sáng chế tại Mỹ, anh phải thuê những chuyên gia đầu ngành. Cứ không kể số lượng bao nhiêu người, chúng ta chỉ cần tính tròn, 1 kỹ sư tầm khá thì lương mỗi năm cũng phải khoảng 250 triệu, 2 năm tức 500 triệu và chúng ta cần phải nhân 5 lên. Nếu tính sơ, thì lương chuyên gia mà Anh Tuấn phải trả trong 2 năm qua phải xấp xỉ 2,5 tỷ. Nhấn mạnh lại thêm 1 lần nữa, đây là chúng tôi chỉ tính mức lương chuyên gia khá, chứ không phải đầu ngành.
Chiếc tủ trị giá 850 triệu đồng của T-Farm.
Linh kiện để sản xuất các máy móc thông minh cũng ngốn của Treant Protector không kém gì lương nhân sự. Hầu hết linh kiện chính mà doanh nghiệp này sử dụng để thử nghiệm và cả sản xuất sau này đều phải nhập từ nước ngoài – chủ yếu là châu Âu. Không phải Trung Quốc cái gì cũng tệ, họ vẫn có hàng tốt và thật ra là Anh Tuấn đã thử nhập một vài lô linh kiện từ nhà cung cấp Trung Quốc, song anh phát hiện ra là chất lượng không đồng đều, họ có trộn lẫn đồ xấu vào đồ tốt.
Thêm nữa, có những linh kiện Trung Quốc hoặc Việt Nam chưa thể sản xuất được, trừ châu Âu. Mà như chúng ta đều biết, không có cái gì từ châu Âu là không đắt cả, chưa kể doanh nghiệp này còn nhập với số lượng ít. Chỉ vào 2 cái tủ T-Farm dùng để tham gia 2 cuộc thi về Startup khác nhau, Anh Tuấn giới thiệu: ‘Chế tạo tủ máy này tốn 100 triệu đồng, còn phiên bản máy giả lập khí hậu dùng để đi thi Lexus Design Award 2018 ở Ý hết 850 triệu’.
Theo anh, cái máy T-Farm mà anh giới triệu trên Shark Tank bán giá 25 triệu là anh chẳng lời bao nhiêu, chủ yếu bán để khuyến khích mọi người làm quen với việc trồng cây bằng khí canh và thúc đẩy thị trường của ngành này lớn nhanh hơn. Và đó cũng là mục đích quan trọng nhất của anh khi khá thích nhận trả lời phỏng vấn báo đài: khiến mọi người biết đến Treant Protector nhiều hơn – đặc biệt là các doanh nghiệp cùng ngành, khi các doanh nghiệp cùng ngành thường xuyên giao lưu học hỏi sẽ giúp thị trường có nhiều sản phẩm tốt.
Giỏi tùy biến
Sau khi tìm hiểu các sản phẩm của Treant Protector, chúng tôi chợt nhận ra rằng, T-Farm trị giá 25 triệu chỉ là ‘bề nổi của tảng băng’. Ngoài máy T-Farm đó, startup này có rất nhiều sản phẩm khác nhau, phục vụ cho đủ mọi phân khúc khách hàng. Khách hàng cần gì là Treant Protector có cái đó.
T-Farm có cả những dòng sản phẩm đơn giản như thế này.
"Trong quá trình nghiên cứu T-Farm, chúng tôi chợt nhận ra là mình đang sáng tạo ra một công nghệ hoàn toàn mới trong ngành khí canh – giả lập khí hậu. Cụ thể: để khiến rau xà lách trồng bằng máy T-Farm có thể có vị nguyên bản của xà lách Đà Lạt, T-Farm phải phân tích môi trường có nhiệt độ - độ ẩm – ánh sáng ở đó, rồi sau đó giả lập một môi trường giống như vậy trong máy.
Hướng tới sau này, chúng tôi sẽ cài sensor ở Đà Lạt, để khi bất cứ yếu tố nào chúng ta vừa kể trên biến động, thì lập tức yếu tố đó trong môi trường giả lập của T-Farm cũng biến động theo.
Rồi khi chúng tôi mang công nghệ giả lập khí hậu đó sang gọi vốn tại Dubai, nhà đầu tư đã từ chối, vì họ cho rằng: công nghệ đó quá mới, nên họ không biết nó có giá trị kinh tế hay không khi ứng dụng vào hiện thực. Thế nên, tôi nghĩ có lẽ là mình đang đi quá nhanh so với thị trường; và mình cần tìm hiểu xem thị trường muốn gì hơn là điều mình nghĩ là thị trường cần", founder trẻ tuổi nhớ lại.
Vậy là sau khi về Việt Nam, Treant Protector đã chuyển hướng sản xuất, kể cả làm mô hình đơn giản nhất có thể, miễn sao khách hàng cần. Thêm nữa anh cũng ngộ ra một điều nữa, là có không ít khách hàng muốn tự tay chăm sóc cây cối chứ không muốn phó thác 100% vào máy móc. Thay vì đi từ sản xuất máy tự động một phần rồi mới đến toàn bộ, thì Treant Protector đi con đường ngược lại.
Ngoài rất linh hoạt trong việc bán sản phẩm, anh còn như thế trong gọi vốn. Thay vì gọi vốn cho doanh nghiệp, thì Anh Tuấn lại đi gọi vốn cho từng sản phẩm - công nghệ của Treant Protector, lý do mà anh đưa ra cho các huy động vốn hơi khác biệt này là ‘do mỗi sản phẩm – công nghệ chỉ phù hợp với một vài thị trường’.
Thời điểm hiện tại, ở thị trường Việt Nam, dường như với Treant Protector, cái máy T-Farm tự động 100% hay công nghệ giả lập khí hậu chỉ dùng để làm thương hiệu, còn thứ nuôi sống startup này chính từ những mô hình trồng cây khí canh khá thô sơ, có giá từ vài triệu đồng đến trên 10 triệu đồng. Cuối buổi nói chuyện với chúng tôi, Anh Tuấn khoe là đang làm hệ thống cảnh quan cho một quán cà phê quy mô lớn tại Hà Nội!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng