Chân dung những cha đẻ Internet, có người được xem là hình mẫu Kiến trúc sư trong phim Ma trận

    Kim, Thể thao & Văn hóa 

    Bởi sự phức tạp của mình, mạng Internet là một dự án được nhiều người tham gia phát triển trong một quá trình lâu dài. Đó là lý do Internet không phải sản phẩm của một, hai bộ óc kỳ tài duy nhất.

    Lễ trao giải VinFuture 2022 chứng kiến những người cha của Internet đứng lên bục nhận giải thưởng trị giá 3 triệu USD. Rõ ràng, tầm quan trọng của Internet lớn đến mức 3 triệu USD có lẽ vẫn còn ít ỏi so với những ảnh hưởng của nó tới nhân loại.

    Internet là công cụ giúp con người đạt tới cấp độ kết nối hiệu quả chưa từng có, lập tức cách mạng hóa mọi lĩnh vực mang tính nền tảng của xã hội hiện đại. Internet phức tạp vô cùng, việc phát triển nó là cả một quá trình kéo dài nhiều năm, tổng hợp tinh hoa từ nhiều lĩnh vực, và đó là lý do Internet có nhiều “cha đẻ, mẹ đẻ” đến vậy.

    Trên bục nhận giải VinFuture 2022, năm cái tên nhận giải thưởng cao nhất là Giáo sư Timothy John Berners-Lee, Tiến sĩ Robert Elliot Kahn, Tiến sĩ Vinton Gray Cerf, Giáo sư David Neil Payne và Tiến sĩ Emmanuel Desurvire.

    Những cha đẻ của Internet và giao thức kết nối xứng đáng giành được giải thưởng khoa học danh giá - Ảnh 1.

    Lễ trao giải VinFuture diễn ra hồi tháng 12 là sự kiện vinh danh những chuyên gia khoa học lỗi lạc - Ảnh: Vingroup.

    Giáo sư David Neil Payne và Tiến sĩ Emmanuel Desurvire là những người phát minh ra bộ khuếch đại sợi quang pha tạp Erbium (EFDA), giúp việc dẫn truyền Internet với tốc độ ổn định trở nên khả thi trên phạm vi toàn cầu.  Có thể kể tới những thành tựu có đóng góp của ông như thiết kế sợi quang, bộ khuếch đại quang học, sợi chuyên dụng, bộ laser và khuếch đại công suất cao. 

    Ngài Timothy John Berners-Lee là nhà phát minh ra dịch vụ web đầu tiên mang tên World Wide Web (hay còn được gọi là Web - Mạng) vào năm 1989. Đồng thời ông cũng là nhà phát minh ra server mạng đầu tiên, trình duyệt trang đầu tiên và phương thức định dạng văn bản, hay một ngôn ngữ lập trình có tên HTML. Tuy nhiên, lịch sử của Internet lâu đời hơn ngôn ngữ lập trình này rất nhiều.

    Nhưng trong số những cái tên được vinh danh, chỉ có hai cá nhân vinh dự được mệnh danh là “cha đẻ của Internet”, đó là Tiến sĩ Robert Elliot Kahn và Tiến sĩ Vinton Gray Cerf. Trong bài viết nói về những người khai sinh ra Internet, chúng ta sẽ đưa trí tò mò hướng về hai nhân vật đã đặt những viên gạch nền móng đầu tiên.

    Tên của họ được khắc trên tấm bảng đồng đặt trước Tòa nhà Khoa học Máy tính Gates trực thuộc Đại học Stanford, tấm bảng với tựa đề “SỰ XUẤT HIỆN CỦA INTERNET”.

    Tiến sĩ Robert Elliot Kahn, vị kỹ sư và nhà khoa học máy tính người Mỹ

    Thường được gọi với cái tên thân mật Bob Kahn, vị Tiến sĩ nay đã 85 tuổi không thể tới dự sự kiện VinFuture 2022 vì lý do sức khỏe. Dù không hiện diện trên sân khấu, Bob Kahn vẫn được vinh danh với cương vị một trong những người cha của Internet. 

    Những cha đẻ của Internet và giao thức kết nối xứng đáng giành được giải thưởng khoa học danh giá - Ảnh 2.

    Tiến sĩ Robert Elliot Kahn, hay còn được biết đến dưới cái tên thân mật Bob Kahn - Ảnh: Veni Markovski.

    Năm 1972, Bob Kahn góp công chứng minh khả năng của ARPANET - mạng kết nối đầu tiên ứng dụng bộ giao thức TCP/IP. Sau này, cả hai công nghệ trở thành hai trụ cột dựng nên mạng Internet mà ta biết. Mùa thu năm 1972, tại Hội nghị Liên lạc Máy tính Quốc tế, Bob Kahn và cộng sự trình diễn khả năng của mạng ARPANET khi kết nối được 20 máy tính khác nhau, và đây được mô tả “là sự kiện lịch sử khiến người ta nhận ra rằng phương thức chuyển mạch gói [tức là nhóm dữ liệu thành gói và chuyển qua một mạng kết nối ảo] là một công nghệ thực thụ”.

    Khi làm việc tại dự án mạng vệ tinh gói SATNET, ông đóng góp những ý tưởng vào khái niệm mà sau này trở thành Giao thức Điều khiển Truyền tải (Transmission Control Protocol - TCP). Công nghệ này trở thành một phần tất yếu trong việc hình thành mạng kết nối mở, cho phép máy tính và mạng kết nối toàn cầu có thể liên lạc với nhau cho dù thiết bị dùng phần mềm, phần cứng gì. 

    Mùa xuân năm 1973, dự án có thêm sự tham gia của Vinton Gray Cerf, và hai nhân tài đã cùng nhau hoàn thiện phiên bản đầu tiên của TCP. 

    Tiến sĩ Vinton Gray Cerf, đại sứ công nghệ được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao giải hôm 20/12 vừa qua

    Năm 1974, trong một thỏa thuận giữa Đại học Stanford và Cơ quan Nghiên cứu Phòng thủ Tiên tiến DARPA, hai kỹ sư và tiến sĩ Bob Kahn và Vint Cerf cùng công bố phương thức liên lạc nội bộ bằng gói dữ liệu

    Những cha đẻ của Internet và giao thức kết nối xứng đáng giành được giải thưởng khoa học danh giá - Ảnh 3.

    Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các nhà khoa học đoạt giải thưởng danh giá nhất VinFuture 2022. Lần lượt từ trái sang phải, các nhà khoa học nhận giải là Timothy John Berners-Lee, Vinton Gray Cerf, Emmanuel Desurvire và Ngài David Neil Payne - Ảnh: Nguyễn Khánh.

    Fan của ba phần phim bom tấn Ma trận cho rằng Vint Cerf còn là một trong nhiều hình mẫu xây dựng nhân vật Kiến Trúc Sư -  The Architect, xuất hiện ở cuối phần hai - The Matrix Reloaded trong vai cha đẻ của Ma trận. Trong một màn độc thoại được biết đến rộng rãi do tính khó hiểu, Kiến Trúc Sư giải thích cho nhân vật chính Neo vai trò và gốc gác của mình cũng như của Kẻ Được Chọn.

    KIến trúc sư là một phần mềm được tạo ra bởi Máy, giúp hệ thống hữu tri hiểu hơn về con người. Bản chất của nó là một hệ thống kiến tạo và liên tục cập nhật phiên bản mới cho Ma trận - phần mềm con giúp Máy kiểm soát loài người - nguồn năng lượng điện sinh học dồi dào - một cách hiệu quả. 

    Theo thông tin từ trang web do fan vận hành Fandom, nhân vật The Architect còn có ngoại hình tương đồng với một số nhân vật nổi tiếng khác, và trong đó có thể kể đến danh hài độc thoại George Carlin, người từng xuất hiện trong bom tấn hài hước Scary Movie 3.

    Trích đoạn clip cố nghệ sĩ George Carlin, người vào vai Kiến Trúc Sư:

    Cụ Carlin "đao to búa lớn" các khái niệm để che giấu nỗi buồn của một phần mềm cô đơn, muốn giữ con người lại để “bầu bạn” - Nguồn: TM & Miramax Films (2003)

    Rời thế giới Ma Trận nhái để trở lại với chủ đề Internet. Với vai trò kiến tạo mạng kết nối đang được sử dụng để bạn đọc xem video trên, hai kỹ sư và tiến sĩ Bob Kahn và Vint Cerf đã được lưu danh trên tấm bảng đồng đặt tại Đại học Stanford tại California. Dưới đây là một phần những dòng chữ xuất hiện trên tấm bảng được treo năm 2005:

    "SỰ XUẤT HIỆN CỦA INTERNET

    CẤU TRÚC CỦA INTERNET VÀ THIẾT KẾ CỦA GIAO THỨC KẾT NỐI LÕI (SAU NÀY TRỞ THÀNH TCP/IP) ĐÃ ĐƯỢC NÊU RA BỞI VINTON G. CERF VÀ ROBERT E. KAHN TRONG NĂM 1973, TRONG KHI ĐÓ CERF ĐANG CÔNG TÁC TẠI PHÒNG THÍ NGHIỆM HỆ THỐNG ẢO CỦA STANFORD VÀ KHAN ĐANG CÔNG TÁC TẠI ARPA (SAU NÀY TRỞ THÀNH DARPA). MÙA HÈ NĂM 1976, CERF RỜI STANFORD ĐỂ ĐIỀU HÀNH CHƯƠNG TRÌNH VỚI KAHN TẠI ARPA.

    CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CỦA HỌ ĐƯỢC BIẾT TỚI RỘNG RÃI VÀO THÁNG CHÍN NĂM 1973 TẠI MỘT HỘI NGHỊ KẾT NỐI TẠI ANH QUỐC

    BẰNG SÁNG CHẾ MANG TÍNH CÁCH MẠNG CỦA HỌ ĐƯỢC CÔNG BỐ VÀO THÁNG NĂM NĂM 1974.

    …"

    Được xây dựng trên nền tảng lý thuyết thông tin - là nghiên cứu việc đo đạc, lưu trữ và sự liên kết của thông tin, giao thức TCP/IP được áp dụng bởi các nhà khoa học và kỹ sư trong xây dựng mạng kết nối toàn cầu. 

    Viết tắt từ Transmission Control Protocol (TCP, tạm dịch “Giao thức Điều khiển Truyền tải”) và Internet Protocol  (IP, tạm dịch “Giao thức Internet”), hai khái niệm nền tảng tạo nên TCP/IP, giao thức giúp các hệ thống trong cùng một mạng kết nối dễ dàng qua các kênh thông tin. Một trong những hệ thống sơ khai của tích hợp giao thức kết nối TCP/IP nhận trực tiếp vốn từ Bộ Quốc phòng thông qua cơ quan nghiên cứu DARPA. 

    Những cha đẻ của Internet và giao thức kết nối xứng đáng giành được giải thưởng khoa học danh giá - Ảnh 5.

    Các nhà nghiên cứu khoa học có mặt tại sự kiện trao giải của VinFuture 2022 - Ảnh: Nguyễn Khánh.

    Giải thưởng nhận bởi nhóm các nhà khoa học, với Bob Kahn, Vint Cerf và nhóm các nhà khoa học xuất chúng một lần nữa nêu bật tầm quan trọng của khoa học. Sự kiện VinFuture 2022 đề cao những công trình nghiên cứuđem đến sự khác biệt, trong cả lối suy nghĩ và văn hóa của nhân loại. 

    Bầu trời tri thức nay đã nằm gọn trong tay người có khả năng kết nối Internet, nhờ một giao thức truyền dữ liệu mang tính đột phá, có thể coi là thay đổi hướng phát triển của nhân loại. Tương lai là điều phải đến, và chúng ta tiếp tục trông đợi vào những điều tốt lành mà Internet, cũng như đa ngành khoa học có thể mang lại.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày