Châu Á “cứu rỗi” đại gia công nghệ Mỹ

    PV,  

    Nếu không có châu Á, rất khó để các hãng Internet của Mỹ phát triển. Xu hướng này cũng đang ảnh hưởng không nhỏ đến các hãng công nghệ lớn của Mỹ, từ Apple tới Microsoft.

    Báo cáo doanh thu và các quyết định chiến lược năm 2014 cho thấy thực tế của các công ty Internet Mỹ: nếu không có châu Á, lợi nhuận của họ sẽ giảm và chắc chắn bị các nhà đầu tư “ăn tươi nuốt sống”. Xu hướng này không chỉ đúng với số ít mà còn áp dụng với hàng loạt các hãng công nghệ lớn, từ Microsoft đến Apple.

    Bắt đầu từ Apple

    Trong báo cáo kinh doanh mới nhất, Thời báo Phố Wall lưu ý Trung Quốc và Nhật Bản là hai điểm sáng tăng trưởng lớn nhất của Apple. Việc Apple có được giao dịch với China Mobile – hãng viễn thông lớn nhất thế giới – cũng là tin tức tốt lành cho hãng sản xuất iPhone, iPad trong năm nay. Quý IV/2013, “táo khuyết” thu về tới 8,8 tỷ USD doanh thu từ Trung Quốc; không nghi ngờ gì khi nó còn tiếp diễn, bởi Trung Quốc là thị trường smartphone lớn nhất thế giới. Các thị trường châu Á đang cứu Apple trong dài hạn.

    Lenovo cứu thua Google bằng Motorola

    Google là đối thủ không đội trời chung của Apple trên thị trường di động. Vừa mới tuần trước, Lenovo của Trung Quốc thông báo mua lại Motorola của Google với giá 2,91 tỷ USD. Đây cũng chính là hãng đã mua lại mảng kinh doanh máy tính cá nhân của IBM năm 2005. Châu Á đang đi “lượm lặt” lại những tài sản không còn trở nên cần thiết trong chiến lược tổng thể của các công ty Mỹ. Google may mắn khi còn có người để mắt tới Motorola, với Google, đây là chiến lược tốt để giữ lại được bằng sáng chế từ Motorola. Về cơ bản, Lenovo đã cứu cả Google và IBM.

    Bóng của Tổng Giám đốc Apple (phải) và Chủ tịch nhà mạng China Mobile in trên màn hình chiếu sản phẩm của Apple hôm 17/1/2014. Ảnh: AP

    Bóng của Tổng Giám đốc Apple (phải) và Chủ tịch nhà mạng China Mobile in trên màn hình chiếu sản phẩm của Apple hôm 17/1/2014. Ảnh: AP

    Facebook tăng trưởng mạnh nhất tại châu Á

    Facebook hiện có hơn 368 triệu người dùng tại châu Á, đây là châu lục Facebook phổ biến nhất và cũng là khu vực tăng trưởng mạnh nhất. Dù đánh mất người dùng ngay tại quê nhà Mỹ, số lượng người dùng của Facebook tại châu Á lại đang bùng nổ. Điều đáng nói là Facebook gặt hái được thành công này ngay cả khi không có Trung Quốc đóng góp.

    Yahoo, Alibaba và Marissa Mayer

    Yahoo hiện có 20% cổ phần trong Alibaba, công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc. Thực tế, doanh thu quý vừa qua của Alibaba còn cao gấp đôi của Yahoo. Alibaba làm tăng giá trị và thu nhập cho Yahoo, cho phép Yahoo đủ tiền mua lại các mảnh đất Internet màu mỡ như tiểu blog Tumblr.

    Cuối cùng là Microsoft

    Hãng phần mềm lớn nhất thế giới vừa xướng tên Satya Nadella, người đứng đầu bộ phận đám mây và doanh nghiệp, làm Tổng Giám đốc mới. Ông sinh tại Hyderabad, Ấn Độ và đã có bằng Cử nhân Kỹ thuật điện tử và Truyền thông tại đây. Với vai trò “đầu tàu” tại Microsoft, có thể nói Nadella – một người con châu Á – đang nắm cả sinh mệnh của công ty Mỹ trong tay với các quyết định của mình.

    Châu Á gắn liền với tăng trưởng công nghệ Mỹ

    Trên đây chỉ là 5 trong số những tác động quan trọng nhất của châu Á lên các hãng công nghệ Mỹ gần đây. Đó là còn chưa kể tới thành phố sử dụng Twitter tích cực nhất là Jakarta và các kỹ sư sinh tại châu Á chiếm tới 21% lực lượng lao động của Thung lũng Silicon, hay Hugo Barra, cựu Phó Chủ tịch Android tại Google, vì sao lại chuyển sang Xiaomi, một trong những hãng smartphone dẫn đầu Trung Quốc hiện tại. Rõ ràng, châu Á đang dần chiếm lĩnh Thung lũng Silicon. Tuy nhiên, Thung lũng Silicon đã nhận ra thực tế này?

    Theo Du Lam
    Ictnews.vn

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày