Các nhà mạng muốn Ủy ban châu Âu ra điều khoản quản lý dịch vụ OTT.
Theo đánh giá của các nhà phân tích, ngành công nghiệp viễn thông Châu Âu hiện nay đang đứng ở “ngã ba đường”: nên ứng dụng công nghệ hiện đại 4G như nước Mỹ, hay tiếp tục tìm cách quản lý và áp đặt các biện pháp mới lên các dịch vụ gọi điện, nhắn tin miễn phí OTT (Over-the-top) như Skype hay WhatsApp.
Sở dĩ có nhận định này vì theo quan sát, tại sự kiện Đại hội thế giới di động (MWC) ở Barcelona vừa qua, nhiều người đã rất ngạc nhiên khi hầu như không ai truy cập các dịch vụ Internet di động 4G. Vì sao Barcelona, một thành phố lớn thứ 2 ở Tây Ban Nha và đăng cai tổ chức sự kiện lớn của ngành công nghiệp di động mà lại thiếu 4G? Trong bài diễn văn tại MWC, CEO Vittorio Colao của Vodafone, cho biết châu Âu chỉ chiếm có 6% các kết nối 4G LTE của thế giới. Còn CEO César Alierta của Telefónica thì cho biết chỉ 17% thuê bao di động châu Âu có smartphone. Các nhà mạng châu Âu cũng thừa nhận họ đang tụt hậu về việc triển khai công nghệ 4G và tỷ lệ thâm nhập 4G so với thế giới vì những chính sách quản lý giá rất chặt chẽ đối với nhà mạng nhưng lại hầu như chưa có chính sách nào để điều tiết các dịch vụ OTT. Vì thế các nhà mạng châu Âu cho rằng, nói một cách dễ hiểu thì chính phủ không khuyến khích các khoản đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng như 4G.
Theo các nhà phân tích, dựa trên lịch sử ngành công nghiệp viễn thông, việc quản lý theo hướng kìm kẹp các dịch vụ OTT (hay những công nghệ mới) thực sự rất khó. Tuy nhiên, các nhà mạng châu Âu lại sẵn sàng tiếp nhận các chính sách quản lý mới và xem đó như một phương tiện để cải thiện tình hình kinh doanh của họ và tạo ra một “mối quan hệ cân bằng” với những công ty cung cấp dịch vụ OTT.
Doanh thu giảm sút càng ủng hộ sự lựa chọn “chống đối OTT” của họ hơn. Trong quý 4/2012, doanh thu hàng năm tại châu Âu của Vodafone giảm trung bình 7,6%. Còn doanh thu của Telefonica giảm 6,5%, doanh thu của nhà mạng Deutsche Telekom giảm 4% và của Orange giảm 5,7% tại Pháp và giảm 1,7% trên tổng doanh thu toàn cầu.
Các nhà mạng đã đổ lỗi cho chính sách quản lý giá và sự cạnh tranh của các dịch vụ OTT “tự do”, chưa được kiểm soát đã gây ra sự sụt giảm trên. Tại châu Âu, các nhà mạng tính cước phí gọi nội mạng, trong nước tương đối thấp, vì họ chủ yếu dựa vào nguồn doanh thu các cuộc gọi ngoại mạng và phí chuyển vùng. Mô hình kinh doanh này vẫn rất ổn định cho đến năm 2009, khi Uỷ ban châu Âu (EC) quyết định quản lý phí chuyển vùng và phí gọi ngoại mạng.
Chính sách quản lý của EC có thể đã khiến các loại phí chuyển vùng và gọi ngoại mạng giảm, nhưng họ cũng không khuyến khích triển khai 4G tại châu Âu. Cách quản lý giá đã hạn chế doanh thu của nhà mạng nếu họ đầu tư vào cơ sở hạ tầng 4G, nhưng lại không ảnh hưởng đến các nhà cung cấp dịch vụ OTT – những hãng có mô hình kinh doanh có thể tận dụng bất kỳ khoản đầu tư hạ tầng nào mà nhà mạng bỏ tiền ra. Rene Obermann, CEO của Deutsche Telekom, đã miêu tả lợi ích của chính sách quản lý bất đối xứng của EC với các dịch vụ OTT là: “You invest – We take the profit” (tạm dịch: Người này đầu tư – người kia hưởng lợi). Nói cụ thể hơn, thì chính sách quản lý của EC khiến doanh thu nhà mạng sụt giảm, nên phần nào khiến họ không nhiệt tình đầu tư vào mạng lưới 4G. Hơn nữa, vì không quản lý các dịch vụ OTT, nên nếu nhà mạng bỏ tiền ra đầu tư vào 4G, OTT cũng hưởng lợi theo mà lại không bị mất đồng nào.
Trong nhiều năm liền các nhà mạng châu Âu đã kêu gọi EC ngừng quản lý giá. Năm ngoái, sau khi EC mở rộng các chính sách quản lý giá, các nhà mạng châu Âu đã “tìm ra chân lý mới”, đó là: nếu họ không thể thuyết phục thành công chính phủ giải phóng họ khỏi những áp đặt mức giá, tại sao lại không thay đổi sân chơi bằng cách theo đuổi những chính sách quản lý tương tự với các dịch vụ OTT?
Theo đó, các nhà mạng thúc giục EC phải áp dụng những chính sách không phân biệt đối xử với nhà mạng, và phải có biện pháp quản lý OTT, vì cách quản lý thả lỏng của EC đối với các công ty OTT là “về lâu về dài sẽ gây bất ổn”.
Hiện tại, Uỷ ban châu Âu vẫn chưa có chính sách rõ ràng với các nhà cung cấp dịch vụ OTT. Trong khi đó, như đã nói, các nhà mạng châu Âu vẫn thúc giục và yêu cầu EC “không thiên vị” các nhà cung cấp dịch vụ OTT, và cần phải có biện pháp quản lý các dịch vụ này. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích độc lập, thị trường tự do là cách tốt nhất để các nhà mạng châu Âu phát triển và các chính phủ châu Âu đạt được mục tiêu 4G. Song câu hỏi đặt ra là, liệu các nhà mạng châu Âu có sống sót được đến khi EC nhận ra điều đó.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng