Châu Âu tăng tốc công nghệ hydro hóa lỏng

    Hồng Quang - Đoàn Hà (PV Đài THVN thường trú tại châu Âu), Theo VTV 

    VTV.vn - Các nước châu Âu đang tăng tốc phát triển công nghệ sản xuất hydro hóa lỏng và mở rộng sử dụng hydro thay thế nhiên liệu hóa thạch.

    Tại châu Âu, phát triển năng lượng sạch nay không còn chỉ đơn thuần vì mục tiêu bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu mà đang trở thành một phần trong chính sách duy trì chủ quyền quốc gia.

    Chiến sự nổ ra, khí đốt trở thành yếu tố chính trị khi Nga dọa không bán, châu Âu dọa không mua. Các nước châu Âu vật lộn tìm nguồn năng lượng mới thay thế. Hydro nổi lên như một giải pháp lý tưởng vì không lệ thuộc nhập khẩu, không tạo ra khí thải, có thể dùng cho mọi loại động cơ, kể cả động cơ máy bay.

    Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói: "Một dạng công nghệ mới đang hình thành. Công nghệ đó không chỉ tốt cho khí hậu, môi trường và cho sự thịnh vượng của đất nước chúng ta với tư cách là một quốc gia công nghiệp, mà còn cải thiện chính sách năng lượng độc lập tự chủ của chúng ta".

    Việc thử nghiệm tàu hỏa chạy hydro do Pháp nghiên cứu nhưng chạy thử tại Đức cho thấy ưu điểm của động cơ hydro. Theo đó, động cơ chạy êm, chỉ thải ra hơi nước. Hãng Airbus cũng có dự án 3 mẫu máy bay dùng nhiên liệu hydro hóa lỏng, dự kiến chuyến bay đầu tiên sẽ được thực hiện vào năm 2035.

    Châu Âu tăng tốc công nghệ hydro hóa lỏng - Ảnh 1.

    (Ảnh: H2Accelerate)

    Ông Michel Brioude, Giám đốc Kỹ thuật động cơ máy bay Safran, Pháp, cho biết: "Hydro hóa lỏng sẽ được bơm vào thùng nhiên liệu của máy bay, có nghĩa là chúng tôi sẽ phải chế tạo cho được thiết bị chứa nhiên liệu siêu lạnh, hệ thống bơm hydro siêu lạnh mà không đông đá, phải chế tạo được đường ống và vòng đệm chịu được siêu lạnh, rất nhiều chi tiết".

    Song song với đó là một cuộc chạy đua xây dựng hạ tầng lưu giữ, phân phối, vận chuyển, an toàn cháy nổ, sử dụng hydro hóa lỏng trong mọi ngành vận tải và công nghiệp, kể cả trong lò cao luyện thép. Ngày 9/12/2022, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã khởi công đường ống dẫn hydro hóa lỏng xuyên 3 nước, bước đầu tiên của một mạng lưới kết nối 28 quốc gia thành viên.

    Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tuyên bố: "Dự án đường ống hydro xuyên Địa Trung hải sẽ vận hành vào cuối thập kỷ này và có thể vận chuyển 10% lượng hydro hóa lỏng mà Liên minh châu Âu tiêu thụ ở thời điểm 2030, khoảng 2 triệu tấn mỗi năm. Chi phí ước tính cho dự án đường ống khoảng 2,5 tỷ Euro".

    Còn có vô số thách thức, trong đó mấu chốt là tăng quy mô sản xuất hydro nhờ sức gió, ánh nắng, thủy triều và nguyên tử, những nguồn năng lượng sạch mà Liên minh châu Âu có thể chủ động hoàn toàn. Hydro được kỳ vọng sẽ giúp Liên minh châu Âu đi đầu trên con đường tìm tòi, phát triển các dạng năng lượng xanh cho tương lai.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày