Chết đói hoặc nhiễm bệnh: COVID-19 đẩy nhiều người lao động nghèo ở Bangladesh đến lựa chọn "đường cùng"

    Xuân Hoài-Hồng Anh, Theo Tri thức trẻ 

    Một triệu lao động trong ngành may mặc ở Bangladesh đã bị mất việc làm, kể từ khi các cửa hàng ở Châu Âu buộc phải đóng cửa vì COVID-19. Giờ đây họ muốn khởi động lại sản xuất.

    Giữa cuộc khủng hoảng COVID-19 , nhiều người lao động ở Bangladesh chỉ có một sự lựa chọn: giữa nguy cơ chết đói và nguy cơ nhiễm bệnh, theo bài viết được đăng tải trên báo der Spiegel (Đức).

    Lần đầu tiên Salma Akhter, 24 tuổi, biết đến virus corona là khi cô đang làm việc ở trong nhà máy dệt may. Cô ngồi bên máy may trên tầng hai và đang may dây khóa kéo vào quần: "Mọi người phải rửa tay bằng xà phòng", cô nhắc lại lời chỉ đạo của cấp trên qua loa phóng thanh: "Một loại virus từ Trung Quốc đã 'xâm nhập' vào Bangladesh ".

     Chết đói hoặc nhiễm bệnh: COVID-19 đẩy nhiều người lao động nghèo ở Bangladesh đến lựa chọn đường cùng - Ảnh 1.

    Không lâu sau đó, các công nhân nhà máy dệt may nơi Akhter làm việc liên tục nhận được những cảnh báo. Họ được yêu cầu đeo khẩu trang ngay cả khi ở trong nhà máy. Đầu giờ làm việc, Akhter và các đồng nghiệp đều được phun thuốc khử trùng. Nhưng mãi đến ngày 26/3, Akhter mới thực sự chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch: nhà máy nơi cô làm việc phải đóng cửa. Vài tuần sau cô nhận được tin thông báo bị sa thải qua tin nhắn điện thoại.

    Cô ngồi trên giường trong căn hộ hai buồng; một cái khẩu trang hoa treo bên cạnh khăn trùm đầu. Cô hầu như không có tiền tiết kiệm. Cô tự hỏi "Mình phải làm sao để tiếp tục sống sót đây? Mình còn phải trả tiền thuê nhà, tiền ăn".

    Các đại gia ngành dệt may như C&A và Zara hủy hợp đồng tiền tỷ

    Akhter sinh sống ở Gazipur, một thành phố công nghiệp có hơn một triệu dân sinh sống. Thành phố này có hàng trăm nhà máy dệt may. Hàng chục nghìn lao động tại thành phố này may cho cả thế giới, trong đó có cả khách hàng Đức – với giá tiền không thể có ở bất cứ nơi nào tại châu Âu.

    Trong nhiều năm qua, Bangladesh đã được trải nghiệm dạng thức đơn giản nhất của toàn cầu hóa: các nước giàu nhận được hàng hóa với giá rẻ; đổi lại, người dân ở các nước nghèo sẽ có thu nhập. Nhưng từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát thì điều đó đã thay đổi.

    Nhiều dãy phố buôn bán sầm uất ở châu Âu trở nên vắng vẻ, đìu hiu trong nhiều tuần liền. Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều cửa hàng quần áo vẫn phải đóng cửa hoặc chỉ được phép cho một số lượng hạn chế khách hàng vào cửa hàng.

    Doanh thu của ngành hàng này đang ngày càng sụt giảm, khả năng phải sa thải lao động gần như đã chắc chắn, nhiều trường hợp đã "đầu hàng" trước những áp lực kinh tế: Riêng ở Bangladesh các doanh nghiệp nước ngoài trong mấy tuần qua đã hủy hoặc đình chỉ các hợp đồng giá trị lên đến 3 tỷ Euro. Trong số đó bao gồm các doanh nghiệp ngành may mặc cỡ lớn như Primark, C&A và doanh nghiệp Inditex của Tây Ban Nha, chủ quản của thương hiệu Zara. Akhter may đường viền và giây khóa kéo cho doanh nghiệp Tây Ban Nha này.

    Và trong tương lai, cả các doanh nghiệp làm ăn lâu dài với các nhà cung cấp cũng sẽ buộc phải hạn chế nhập khẩu từ nước ngoài. Các nước hiện đang nới lỏng lệnh phong tỏa, nhu cầu tiêu dùng cũng đang dần hồi phục. Tuy nhiên, kể cả những người đã được phép mua sắm trong lúc này có khi cũng không có khả năng mua sắm nhiều. Các doanh nghiệp Đức buộc phải sắp xếp 10 triệu lao động phải làm việc theo chế độ giảm thời gian. Trong vòng 7 tuần qua, đã có 33 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp.

     Chết đói hoặc nhiễm bệnh: COVID-19 đẩy nhiều người lao động nghèo ở Bangladesh đến lựa chọn đường cùng - Ảnh 2.

    Các nữ công nhân may mặc ở Bangladesh. Ảnh: Fabeha Monir/ DER SPIEGEL

    Lương tháng của Akhter: Chưa đến 105 Euro

    Tuy nhiên, bộ phận dễ tổn thương nhất trong chuỗi cung ứng – đó là những nữ công nhân như Akhter – mới là những người phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất: Trong vài tuần qua, đã có khoảng 1 triệu trong tổng số 4 triệu lao động trong ngành dệt may bị thất nghiệp. Hàng trăm nghìn lao động ngành dệt may ở Kambodscha, Myanmar và Ấn Độ cũng cùng chung số phận.

    Đối với Alexander Kohnstamm, người đứng đầu quỹ Fair Wear Foundation, thì cuộc khủng hoảng đã làm bộc lộ một vấn đề cơ bản của ngành dệt may toàn cầu: "Nhiều người trong ngành này chấp nhận mô hình kinh doanh dựa vào số lượng lớn sản phẩm và lợi nhuận nhỏ. Giờ đây ngành này thiếu dự trữ để có thể vượt qua khủng hoảng."

    Điều này đang diễn ra với các chuỗi cung ứng may mặc cỡ lớn ở châu Âu cũng như với chủ các nhà máy ở Bangladesh. Nhưng người làm công ăn lương là những người lĩnh đòn đau nhất. Những người lao động này – khác với người lao động ở Đức – không thể dựa vào tiền tiết kiệm, cũng không thể dựa vào nhà nước của họ.

    Ông Khondaker Golam Moazzem, Giám đốc khoa học Trung tâm đối thoại chính sách (Centre for Policy Dialogue) ở Dhaka cũng có nhận xét tương tự: "Đại đa số công nhân ngành dệt may hiện có khó khăn rất lớn về tài chính. Họ phải trông cậy vào gói cứu trợ thực phẩm của chính phủ."

    Akhter là một ví dụ như vậy. Giữa tháng 4 vừa qua, cô công nhân này đã nhận được tháng lương cuối cùng trả bằng tiền mặt; 9800 Taka, tương đương gần 105 Euro. Khoản tiền này tương đương mức lương tối thiểu, nhưng cũng chỉ đủ để cô trả tiền thuê nhà và tiền ăn. Cô không có khoản tiền tiết kiệm nào khác: "Chúng tôi chẳng còn tiền để mua xà phòng để bảo vệ bản thân khi ở nhà", cô nói. Giá một bánh xà phòng ở Bangladesh là 40 Taka, hơn 1/3 khoản lương ít ỏi Akhter nhận được.

    Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức đã kêu gọi các doanh nghiệp "chia sẻ trách nhiệm của mình với người lao động tại các nhà máy cung ứng sản phẩm phụ trợ và toàn bộ chuỗi cung ứng trong cả thời kỳ khủng hoảng". Một số doanh nghiệp như Otto và Tchibo đã tiết lộ sẽ tham gia Quỹ hỗ trợ dệt may của chính phủ Liên bang Đức, theo lời một người phát ngôn.

    Mục tích của Quỹ này là giúp các nhà máy chuyển sang sản xuất khẩu trang. Ngoài ra, chính phủ Bangladesh cũng đang hỗ trợ người lao động bằng Quỹ hỗ trợ quốc gia, nhằm tiếp tục trả lương cho người lao động trong ngành dệt may. Chính phủ của Thủ tướng Sheikh Hasina ngay từ cuối tháng 3 đã dành gần 590 triệu USD tiền hỗ trợ của nhà nước để chủ các doanh nghiệp tiếp tục chi trả lương cho người lao động. Tuy nhiên, kết quả không như mong muốn: theo một cuộc điều tra của BRAC đại học ở Dhaka thì gần một nửa số lao động không được nhận lương trong nửa đầu tháng 4.

     Chết đói hoặc nhiễm bệnh: COVID-19 đẩy nhiều người lao động nghèo ở Bangladesh đến lựa chọn đường cùng - Ảnh 3.

    Với kinh nghiệm và tay nghề thành thạo như Salma Akhter, thì tìm một công việc mới không phải là điều khó khăn, cô nói. "Nhưng trong bối cảnh hiện nay, liệu có chỗ nào tuyển người không đây?" - Akhter nói. Ảnh: Fabeha Monir/ DER SPIEGEL

    Người thì đói, bệnh thì tăng

    Trước đây ngành dệt may Bangladesh cũng đã từng trải qua đau thương. Cách đây đúng gần 7 năm, tòa nhà Rana Plaza bị sập, khiến hơn một nghìn người chết, trong đó phần lớn là các lao động ngành may mặc.

    Nhưng các nhà máy này cũng đem lại sự thịnh vượng mới cho Bangladesh. Nhiều tiến bộ xã hội ở Bangladesh đã nảy sinh từ ngành công nghiệp dệt may, trong ngành này phụ nữ là lực lượng lao động chủ yếu và cũng nhờ đó mà họ ngày càng có thêm nhiều tiếng nói hơn: ngày nay phụ nữ ở Bangladesh cũng lao động tương tự như đàn ông. Trong 40 năm qua tỷ lệ sinh giảm từ 6 trẻ/gia đình xuống còn gần 2 trẻ/gia đình, trong khi tuổi thọ bình quân của người dân nước này tăng từ 53 lên 72 tuổi.

    Bangladesh là một trong số ít các nước đang phát triển nơi số trẻ em gái được đến trường đông hơn nam giới. "Bà mẹ đơn thân và chị em nội trợ cũng tìm được việc làm trong ngành công nghiệp dệt may. Việc làm đã thay đổi cuộc sống của chúng tôi", Akhter nói. "Nếu các nhà máy đóng cửa, thì tất cả chị em làm việc ở đây sẽ bị chết đói."

    Sau Trung Quốc, Bangladesh là nước có ngành công nghiệp dệt may lớn thứ hai thế giới. Gần đây, ngành may mặc đạt doanh thu 40 tỷ USD, chiếm 84% tổng sản lượng xuất khẩu của cả nước và 13 % tổng sản phẩm quốc nội (GDP), và đây cũng là động lực của nền kinh tế Bangladesh.

    Những năm gần đây kinh tế Bangladesh tăng trưởng đạt 8%; nhưng theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), năm nay tăng trưởng của Bangladesh sẽ giảm xuống chỉ còn 2%. Lo sợ trước đại dịch Covid-19, Bangladesh đã quyết định thực hiện cách ly triệt để, điều này càng khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn: Nạn đói và thất nghiệp gia tăng; những bệnh tật vốn dễ điều trị nay càng được thể gia tăng.

    Nhà kinh tế Moazzem cho rằng, "ngành công nghiệp dệt may có thể phục hồi trong vòng 6 tháng đến 1 năm". Trong đợt khủng hoảng tài chính, mọi chuyện cũng diễn ra như vậy. Khi đó, nhu cầu về hàng may mặc giá rẻ đã tăng nhanh chỉ sau một thời gian ngắn – và Bangladesh chính là là quốc gia có nhiều điều kiện thuận lợi để xúc tiến điều này.

    Muốn đạt được điều đó, Bangladesh phải thực hiện được điều mà họ đã từng làm trước đây: tiếp tục sản xuất trở lại. Để ngăn chặn sự lây lan của virus corona, tất cả các nhà máy buộc phải đóng cửa tạm thời. Cho dù nhu cầu về may mặc lúc này thấp, nhưng các chủ nhà máy cho rằng họ không thể tiếp tục đóng cửa nhà máy như vậy. Các nhà sản xuất hàng dệt may ở Việt nam và Trung Quốc - những nơi được cho là đã vượt qua ngưỡng tồi tệ nhất của đại dịch - đang thu hút khách hàng trở lại.

    Các doanh nghiệp Bangladesh lo ngại về tình trạng mà ông Kohnstamm gọi là "gánh xiếc rong": các tập đoàn chuyển hợp đồng gia công sản phẩm của họ từ nước này sang nước khác, thường là chuyển từ nơi có giá rẻ đến nơi có giá rẻ hơn.

     Chết đói hoặc nhiễm bệnh: COVID-19 đẩy nhiều người lao động nghèo ở Bangladesh đến lựa chọn đường cùng - Ảnh 4.

    Các nữ công nhân may mặc ở Bangladesh. Ảnh: Fabeha Monir/ DER SPIEGEL

    "Thế tiến thoái tàn bạo"

    Nhà nước Bangladesh kêu gọi khoảng trên 4.000 nhà máy trong nước sớm khởi động sản xuất. Hiệp hội các nhà Xuất khẩu và Sản xuất hàng May mặc Bangladesh (BGMEA) đã ban hành các hướng dẫn nhằm bảo đảm sự an toàn của người lao động trong quá trình sản xuất trước đại dịch COVID-19: Người lao động phải tuân thủ, thực hiện đúng quy định về giãn cách, đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay. Vấn đề là ở chỗ, theo ông Kohnstamm: "Liệu các công nhân có thực hiện đúng các chỉ dẫn này hay không?"

    Các doanh nghiệp đang chịu áp lực lớn về tài chính có thể quyết định liệu họ có thể thực hiện các biện pháp an toàn này, hay không muốn thực hiện điều đó. Họ không có gì phải lo lắng nhiều: sẽ không có ai đến giám sát họ, bởi những người này đang bị cấm đến các nhà máy. Chính quyền lo ngại về nguy cơ những thanh tra nhà máy có thể nhiễm bệnh và lây nhiễm chéo trong cộng đồng trong quá trình đi kiểm tra tại các nhà máy.

    Bà Rubana Huq, chủ tịch BGMEA đã gọi tình trạng này là "thế tiến thoái tàn bạo": Tiếp tục đóng cửa nhà máy đồng nghĩa với việc người lao động sẽ phải chịu đói. Mở cửa nhà máy thì họ phải đối mặt với nguy cơ tử vong do dịch bệnh. Vài tuần gần đây số người bị lây nhiễm virus corona ở Bangladesh tăng nhanh, đặc biệt là tại các khu ổ chuột xung quanh các nhà máy.

    Mặc dù vậy, những người lao động như Akhter sợ trong tương lai không có việc làm hơn là sợ virus. Trong khi đó, khu nhà tập thể mà Akhter cùng 8 gia đình khác đang chung sống là nơi virus rất dễ phát tán.

    Akhter và khoảng 30 người khác dùng chung hai phòng bếp và hai nhà vệ sinh. Trong sân là chỗ phơi phóng quần áo của mọi người. Cô gái 24 tuổi này làm việc từ khi 16 tuổi trong ngành dệt may. Thực ra với kinh nghiệm và tay nghề thành thạo như cô thì tìm việc ở một chỗ mới không có gì khó, Akhter nói - "Nhưng trong bối cảnh hiện nay, liệu có nơi nào tuyển người không đây?"

    Hiện tại, các nhà máy tại Bangladesh đã rục rịch mở cửa trở lại, Akhter nói cô sẽ lại thử tìm việc xem sao.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày