Chỉ vì một loại ngôn ngữ lập trình cổ lỗ sĩ, hàng trăm nghìn người Mỹ phải chờ mòn mỏi mới nhận được trợ cấp thất nghiệp

    Nguyễn Hải,  

    Khoản trợ cấp thất nghiệp cho hàng trăm nghìn người Mỹ đang phải phụ thuộc vào khả năng xử lý của một ngôn ngữ lập trình đã trên 60 năm tuổi và không phải ai cũng biết nâng cấp nó.

    Đại dịch Covid-19 đang phơi bày sự yếu kém của các hệ thống máy tính già cỗi ngay trong trái tim của nền kinh tế Mỹ - không những thế, còn là việc thiếu hụt các chuyên gia để sửa chữa vấn đề này. Điều này đang làm chậm nỗ lực của chính phủ nhằm đưa hàng tỷ USD trong các gói kích thích kinh tế đến tay những người mới thất nghiệp.

    Trong khi gói kích thích kinh tế CARES trị giá 2.200 tỷ USD đã được thông qua vào cuối tháng Ba vừa qua, nhưng hàng trăm nghìn người mới thất nghiệp sẽ không thể nhận được tiền cho đến khi các cơ quan chính phủ cập nhật hệ thống công nghệ để kịp thời xử lý cơn lũ đơn xin thất nghiệp đang tràn về.

    Chỉ vì một loại ngôn ngữ lập trình cổ lỗ sĩ, hàng trăm nghìn người Mỹ phải chờ mòn mỏi mới nhận được trợ cấp thất nghiệp - Ảnh 1.

    Hàng dài người xếp hàng chờ xử lý yêu cầu trợ cấp thất nghiệp tại Las Vegas, Mỹ. Trong tháng Ba, đã có 3,3 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp.

    Đó là vì quá trình xử lý đơn xin trợ cấp thất nghiệp này đang được thực hiện trên một chiếc máy tính mainframe cổ lỗ sĩ với phần mềm được viết bằng một ngôn ngữ lập trình cũng cổ lỗ không kém, COBOL, đã có trên 60 năm tuổi đời. Vì vậy có những người ở bang Oklahoma sẽ phải đợi đến 2 tuần mới được xử lý đơn xin trợ cấp thất nghiệp của mình.

    "Đây là vấn đề lớn nhất trong việc triển khai chương trình CARES." Robin Roberson, giám đốc điều hành của Ủy ban An ninh Việc làm của Oklahoma cho biết. "Máy tính mainframe của chúng tôi đã có trên 30 năm tuổi đời. Nó rất khó lập trình và cũng không làm được nhiều thứ lắm. Các lập trình viên COBOL đang ngày càng khó tìm."

    Tình trạng tương tự cũng xảy đến với các bang khác. Phòng Lao động bang Connecticut đang nói mọi người hãy bình tĩnh trong khi họ hợp tác với các chuyên gia để cập nhật dòng code COBOL nhằm triển khai được các chương trình trợ cấp của chính phủ. Thống đốc bang New Jersey, Phil Murphy thậm chí còn phải kêu gọi những người biết về lập trình COBOL đứng ra giúp bang nâng cấp phần mềm cho những máy tính này.

    Tình trạng thiếu hụt nhân sự này là hậu quả từ nhiều năm nay, tổng hợp từ việc thiếu đào tạo, đội ngũ chuyên gia nhiều tuổi và thiếu các nhà tuyển dụng sẵn sàng trả lương cao cho một số ít người vẫn sẵn sàng làm việc.

    Chỉ vì một loại ngôn ngữ lập trình cổ lỗ sĩ, hàng trăm nghìn người Mỹ phải chờ mòn mỏi mới nhận được trợ cấp thất nghiệp - Ảnh 2.

    Máy tính mainframe trong những năm 1960.

    Quả thật, báo cáo của Gartner ước tính, độ tuổi trung bình của các lập trình viên COBOL thường trên 60. Không chỉ vậy, số lượng người lập trình về ngôn ngữ này cũng đang giảm dần theo năm tháng. Đến năm 2004, ước tính của Gartner cho thấy chỉ còn 2 triệu chuyên gia lập trình về ngôn ngữ này (trên tổng số 25 triệu nhà phát triển phần mềm) và con số đang giảm 5% sau mỗi năm.

    Chuyên gia lập trình COBOL - Hiếm có khó tìm

    Thông thường, khi nhu cầu đối với một ngôn ngữ lập trình nào đó vượt xa số lượng các lập trình viên, những khóa đào tạo ngắn hạn hay những trại lập trình boot camps sẽ có thể lấp đầy khoảng trống đó. Nhưng với COBOL thì khác.

    Là viết tắt của Common Business Oriented Language (ngôn ngữ hướng công việc), COBOL nổi lên từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước – trước cả khi khoa học máy tính được dạy tại các trường đại học. Không có sự hỗ trợ từ giới sư phạm, nhiều lập trình viên COBOL phải tự học về nó trong khi làm việc tại các cơ quan chính phủ.

    Đó là còn chưa kể đến việc ngôn ngữ này không được thiết kế dành cho internet, và cũng không dễ học. Dễ hiểu vì sao không có nhiều người hứng thú với việc theo đuổi một ngôn ngữ lập trình cũ kỹ đến như vậy.

    Chỉ vì một loại ngôn ngữ lập trình cổ lỗ sĩ, hàng trăm nghìn người Mỹ phải chờ mòn mỏi mới nhận được trợ cấp thất nghiệp - Ảnh 3.

    Trong khi có ít chuyên gia về ngôn ngữ lập trình này, ông Phil Teplitzky, CTO của HP Marin Group LLC, lại cho biết, vẫn có khoảng 240 tỷ dòng code đang được sử dụng mỗi ngày trên những hệ thống máy tính cũ kỹ tại các công ty, tổ chức. Hơn nữa, tuổi đời lâu như vậy càng khiến tài liệu hướng dẫn sử dụng của các cỗ máy này trở nên hiếm hoi, cũng như việc nâng cấp phần mềm của nó càng trở nên khó khăn hơn.

    Hơn nữa, cách lập trình COBOL cũng khiến nó rất khó cập nhật. Trong khi các ngôn ngữ lập trình hiện đại chia chương trình thành các phân đoạn nhỏ, mỗi phân đoạn có một mục đích cụ thể. Các chương trình COBOL lại thường gộp tất cả vào chung với nhau, khiến việc thay đổi code trong một bộ phận nào đó có thể phá hỏng hoặc vô hiệu hóa toàn bộ phần còn lại của chương trình.

    Thật may vẫn còn IBM, công ty sản xuất ra phần lớn các máy tính mainframe chạy bằng COBOL. Từ nhiều năm nay, công ty đã cố gắng giúp khách hàng tìm kiếm các chuyên gia về COBOL và thuyết phục những lập trình viên mới tìm hiểu về ngôn ngữ này. Tuần trước công ty đã thông báo về một khóa đào tạo mới nhằm hướng dẫn COBOL cho những người mới làm quen với nó.

    Dù các khóa học này có thể giúp cho các cơ quan chính phủ của nước Mỹ sống chung một thời gian nữa với ngôn ngữ lập trình cũ kỹ này, chúng sẽ khó có thể kịp tạo ra các chuyên gia để nâng cấp các hệ thống máy tính cổ lỗ hiện tại đang dùng nó. Điều này cũng có nghĩa là hàng trăm nghìn người mới thất nghiệp vì đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục phải chờ đợi hàng tuần, thậm chí lâu hơn nữa cho đến khi nhận được các khoản trợ cấp đáng quý của mình.

    Tham khảo Bloomberg


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày