Chiếc camera độc đáo có thể biến những bộ kính VR thành AR một cách dễ dàng

    Z-Lion,  

    Với khả năng cảm nhận và tái hiện môi trường thực tế xuất sắc, camera ZED Mini của StereoLabs sẽ đưa công nghệ AR đến gần với người dùng hơn bao giờ hết.

    *Bài viết của David Jagneux trên VentureBeat

    Khi lần đầu tiên sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR), chắc hẳn một trong những điều đầu tiên mà ai trong chúng ta cũng đã làm là vươn tay ra và cố gắng chạm vào thế giới kỹ thuật số mà chúng ta đang nhìn thấy. Các loại kính VR hiện nay như Oculus Rift, HTC Vive, Samsung Gear cùng nhiều thiết bị khác không thể theo dõi chuyển động tay của bạn, vì thế họ luôn cung cấp một bộ điều khiển ngoại vi đi kèm. Thế nhưng, theo phản xạ tự nhiên trong tiềm thức, đôi tay của chúng ta vẫn cứ hành động như vậy. Thế giới ảo mà VR tạo ra chân thật đến nỗi chúng ta chỉ muốn chạm được vào nó.

     Camera ZED Mini được gắn trên bộ kính VR Oculus để mang lại trải nghiệm AR cho người dùng.

    Camera ZED Mini được gắn trên bộ kính VR Oculus để mang lại trải nghiệm AR cho người dùng.

    Và giờ đây, chiếc máy ảnh ZED Mini với công nghệ thực tế tăng cường (AR) cao cấp đã sẵn sàng giúp bạn hiện thực hóa mong ước đó. Tuy nhiên, thiết bị này hiện được thiết kế chủ yếu cho các lập trình viên thử nghiệm, còn phiên bản hoàn chỉnh dành cho người dùng phổ thông vẫn còn đang trong quá trình phát triển.

    Bằng cách gắn ZED Mini vào phía trước những bộ kính VR như Oculus Rift hay HTC Vive, các thiết bị này sẽ lập tức đưa bạn đến với thế giới AR và tăng cường mức độ thực tế của môi trường xung quanh bạn.

    Một số khả năng ấn tượng mà ZED Mini có thể thực hiện được ở thời điểm hiện tại.

    Công nghệ tích hợp trong ZED Mini cực kỳ tân tiến và ấn tượng. Cụ thể, đội ngũ tại StereoLabs đã thiết kế sản phẩm camera của họ với khả năng mô phỏng lại cách mà hai cầu mắt của người dùng nhìn nhận thế giới xung quanh. Bằng cách tận dụng cả hai thấu kính phía trước camera, nó có thể thu lại và hiển thị những đoạn video 3D theo thời gian thực trên màn hình của bộ kính VR, tạo cảm giác chân thật như thể chúng ta đang tận mắt chứng kiến cảnh vật xung quanh chứ không phải thông qua một thiết bị điện tử nào cả. Bên cạnh đó, ZED Mini còn sở hữu góc nhìn rộng lên đến 110 độ, lớn hơn rất nhiều so với đại đa số các loại thiết bị AR khác mà chúng tôi từng thử nghiệm như Microsoft HoloLens (35 độ)

    Và nhờ sử dụng một camera ngoại vi gắn bên ngoài để theo dõi khung cảnh bên trong, bạn có thể tự do vận động, từ đi dạo nhẹ nhàng xung quanh cho đến chạy nhảy, bò trườn hay bất cứ điều gì bạn muốn mà không cần bận tâm đến việc liệu các cảm biến có theo kịp bạn hay không.

    ZED Mini sở hữu khả năng quét và tái hiện môi trường xung quanh một cách xuất sắc.

    Vài tuần trước, tôi đã có cơ hội tự mình trải nghiệm ZED Mini tại San Francisco. Và thành thật mà nói, tôi cảm thấy cực kỳ ấn tượng. Giống như mọi khi, tôi lại đeo lên chiếc Oculus Rift quen thuộc. Nhưng lần này, thay vì nhìn thấy giao diện Oculus Home, tôi như có thể nhìn xuyên qua bộ kính VR vào trông thấy thế giới thực xung quanh mình nhờ camera ZED Mini.

    Mặc dù có vẫn còn tồn tại độ trễ khi tôi chuyển động và quan sát các hướng khác nhau nhưng nó thực sự không đáng kể, gần như bạn sẽ không thể nhận ra khi đích thân trải nghiệm. Tôi đã lập tức quên đi vấn đề đó chỉ sau vài phút sử dụng.

     ZED Mini mang cả Hệ mặt trời vào... phòng của bạn.

    ZED Mini mang cả Hệ mặt trời vào... phòng của bạn.

    Tôi đã thử sử dụng ba bản thử nghiệm khác nhau. Bản đầu tiên (chính là ảnh GIF phía trên) mô phỏng lại Hệ mặt trời của chúng ta. StereoLabs đã cung cấp cho tôi tay cầm điều khiển PlayStation Navigation cùng một số hướng dẫn nút bấm chỉ lệnh cơ bản. Nhờ đó, tôi có thể thay đổi kích cỡ của các hành tinh, di chuyển cả hệ thống xung quanh mình và thậm chí là đi lại quanh phòng để trải nghiệm nó.

    Điểm đáng chú ý nhất trong phiên bản này là độ chân thật của ánh sáng. Ví dụ, nếu tôi đưa tay lại gần “mặt trời”, tôi sẽ thấy ánh nắng chiếu trên đôi tay mình và lập tức tự tưởng tượng là không khí đang nóng dần lên (dù sự thực không phải như vậy). Bên cạnh đó, cảm biến 3D của ZED Mini chính xác đến nỗi tôi có thể di chuyển bàn tay của mình xung quanh các hành tinh một cách dễ dàng. Mặc dù có chút “giật lag” khi tôi chuyển động nhanh hơn nhưng nhìn chung, thiết bị này hoạt động ổn định hơn tôi tưởng.

     Trải nghiệm những tựa game đặc sắc ngay trên đường phố thông qua ZED Mini.

    Trải nghiệm những tựa game đặc sắc ngay trên đường phố thông qua ZED Mini.

    Hai bản thử nghiệm còn lại là tựa game bắn súng 3D Face Raiders do Nintendo phát hành. Trong đó, đối thủ của tôi - những con robot biết bay, sẽ liên tục xuất hiện và “nã đạn” vào tôi, nhưng tôi hoàn toàn có thể dùng tay của mình để đỡ đòn hoặc đơn giản hơn là né chúng. Ví dụ, nhờ khả năng nhận diện đồ vật trong môi trường thực tế của ZED Mini, tôi có thể trốn sau một bức tường hay chiếc ghế sofa trong phòng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bản thân. Và khi đã phát ngán với việc trốn chạy, tôi cũng có thể lao ra tấn công chúng bằng chùm tia laser của riêng mình.

    Trong bản thử nghiệm cuối cùng (cũng là với Face Raiders), thay vì bắn nhau như lần trước, đội quân robot sẽ tìm cách lao vào… đầu tôi. Không còn súng laser trong tay, tôi lại được StereoLabs trang bị một thanh kiếm ánh sáng như trong StarWars vậy (thực chất chỉ là đồ chơi thôi). Thế nhưng dưới góc nhìn mà ZED Mini cung cấp, thanh kiếm của tôi bắt đầu phát sáng và tỏa ra sức mạnh phi thường. Khi đối thủ đến gần, tôi chỉ cần vung kiếm lên là chúng sẽ bị đánh bật trở lại, đập vào tường trước khi nổ tung thành hàng trăm mảnh. Điều này đã cho thấy khả năng nhận diện và tương thích với đồ vật trong môi trường thực tế của ZED Mini xuất sắc đến thế nào.

    Tự mình tham gia "chiến đấu" một cách dễ dàng và vô cùng chân thực.

    Trong suốt ba quá trình thử nghiệm trên, thiết bị của StereoLabs hoạt động cực kỳ ổn định, không hề bị mất tín hiệu hay cần phải khởi động lại. Nó thậm chí còn nhận diện được những người khác có mặt trong phòng (và tất nhiên tôi có thể sử dụng họ làm lá chắn cho mình trong trò Face Raiders rồi).

    Tuy nhiên, chất lượng hiển thị vẫn là một vấn đề mà ZED Mini cần phải cải thiện trong tương lai. Dù hình ảnh mà chiếc camera này cung cấp tốt hơn đa số các thiết bị AR khác nhưng nếu so với các thấu kính VR hay hình ảnh thực tế thì nó vẫn còn thua xa. Ví dụ như tôi vẫn có thể thấy viền đen lờ mờ bao quanh đồ vật trong quá trình trải nghiệm.

    Nhìn chung, ZED Mini là một công cụ ấn tượng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa công nghệ AR đến gần hơn với người dùng, đặc biệt là với những người đã và đang sử dụng VR. Bất chấp sự xuất hiện của hàng loạt đối thủ khác, chiếc camera này là sản phẩm duy nhất có thể tận dụng phần cứng ở thời hiện tại. Ví dụ, Intel Alloy là một thiết bị có mục đích sử dụng tương tự như ZED Mini nhưng tính năng nhận diện tay người dùng lại hoạt động bất thường, tạo ra hiệu ứng bóng mờ kỳ lạ. Trong khi đó, HoloLens lại có mức giá quá cao và cũng mới chỉ phát hành phiên bản dành cho các lập trình viên.

     ZED Mini là thiết bị duy nhất hoạt động ổn định và tận dụng được sức mạnh phần cứng hiện nay.

    ZED Mini là thiết bị duy nhất hoạt động ổn định và tận dụng được sức mạnh phần cứng hiện nay.

    Các bạn có thể đặt mua ZED Mini với mức giá 449 USD (10.2 triệu đồng) tại đây. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, hãy lưu ý rằng sản phẩm hiện tại không phải là phiên bản hoàn chỉnh dành cho người tiêu dùng mà chỉ dành riêng cho bộ phận lập trình viên mà thôi.

    Theo VentureBeat

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày