Chính phủ Trung Quốc ra lệnh cho các cơ quan nhà nước loại bỏ toàn bộ công nghệ nước ngoài trong 3 năm
Mục tiêu của chương trình là thay thế toàn bộ phần mềm và thiết bị máy tính nước ngoài trong các cơ quan nhà nước Trung Quốc vào năm 2022.
Theo một báo cáo mới của tạp chí Financial Times, chính phủ Trung Quốc mới đây đã chỉ thị cho các cơ quan nhà nước và các tổ chức quần chúng trong vòng 3 năm phải loại bỏ toàn bộ thiết bị máy tính và phần mềm nước ngoài.
Động thái này là một phần trong nỗ lực lớn của Trung Quốc nhằm giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và tăng cường khả năng tự chủ của công nghiệp trong nước. Trích dẫn nguồn từ ước tính của hãng China Securities, báo cáo này cho biết, mục tiêu của chiến lược này sẽ là thay thế được 30% công nghệ nước ngoài vào năm tới, 50% công nghệ nước ngoài vào năm 2021 và 20% còn lại vào năm 2022.
Chính vì vậy, chương trình này còn được đặt biệt danh là "3-5-2".
Trong nhiều năm nay, chính phủ của ông Tập Cận Bình vẫn nỗ lực nhằm thay thế công nghệ từ nước ngoài, đặc biệt là từ Mỹ. Từ 5 năm trước, báo cáo của Bloomberg News đã cho biết rằng, Bắc Kinh đang nhắm đến việc loại bỏ hầu hết công nghệ nước ngoài trong các ngân hàng, quân đội, các cơ quan chính phủ và các công ty nhà nước vào năm 2020.
Hiện tại, các chính sách quyết liệt của tổng thống Donald Trump nhắm vào Trung Quốc và các công ty công nghệ hàng đầu nước này càng củng cố thêm tính cấp bách của nỗ lực trên. Chính quyền của ông Trump đã cấm các công ty Mỹ làm ăn với hãng Huawei Technologies và đưa thêm nhiều công ty Trung Quốc khác vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ.
Cho đến nay, nỗ lực của Bắc Kinh vẫn gặp nhiều trở ngại khi ngành công nghiệp nội địa của họ vẫn chưa cho thấy khả năng có thể bắt kịp công nghệ nước ngoài trong những lĩnh vực nhất định.
Trong khi Trung Quốc có hãng sản xuất máy tính Lenovo với các sản phẩm máy tính và laptop, thậm chí còn có hệ điều hành tự phát triển Kylin OS, nhưng tình hình vẫn không khả quan hơn là bao. Các chip xử lý của Intel, GPU của Nvidia và ổ cứng của Samsung vẫn là những bộ phận quan trọng mà Trung Quốc chưa tự sản xuất được, còn Kylin OS có quá ít nhà phát triển tham gia phát triển hệ sinh thái.
Cho dù vậy, việc hàng loạt công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc đang phải lao đao chống đỡ với những lệnh trừng phạt của chính phủ Mỹ đang buộc chính phủ Trung Quốc phải thúc đẩy chiến lược này mạnh mẽ hơn cho dù sẽ gặp rất nhiều trở ngại phía trước.
Tham khảo Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng