Chính sách thuế của ông Trump đã có hiệu lực, giá laptop có thể tăng gần 50%, máy chơi game đắt hơn 40%?

    Anh Việt,  

    Trung Quốc, với vai trò là trung tâm sản xuất phần cứng lớn nhất thế giới, đang bị đánh thuế nhập khẩu ở mức 10%, con số có thể chưa quá nghiêm trọng nhưng đủ để tác động đến giá bán sản phẩm ngay lập tức

    Thị trường công nghệ Mỹ đang đứng trước một cơn địa chấn khi Tổng thống Donald Trump chính thức áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Mexico và Canada. Chính sách này không chỉ làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại mà còn đặt ngành công nghệ vào tình thế khó khăn, khi phần lớn linh kiện và thiết bị điện tử tiêu dùng tại Mỹ đều có nguồn gốc từ những quốc gia này.

    Chính sách thuế của ông Trump đã có hiệu lực, giá laptop có thể tăng gần 50%, máy chơi game đắt hơn 40%?- Ảnh 1.

    Trung Quốc, với vai trò là trung tâm sản xuất phần cứng lớn nhất thế giới, đang bị đánh thuế nhập khẩu ở mức 10%, con số có thể chưa quá nghiêm trọng nhưng đủ để tác động đến giá bán sản phẩm ngay lập tức. Những mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp bao gồm laptop, tablet, máy chơi game, smartphone và các linh kiện máy tính. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là viễn cảnh thuế suất có thể leo thang lên 60% như những gì ông Trump đã cam kết trong chiến dịch tranh cử. Nếu điều đó xảy ra, giá thành sản phẩm sẽ tăng vọt theo cấp số nhân, gây áp lực lớn lên cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.

    Theo dự báo của giới chuyên gia, nếu mức thuế cao nhất được áp dụng, giá laptop và tablet có thể tăng gần một nửa, trong khi máy chơi game có thể đắt hơn 40% và smartphone cũng sẽ đội giá ít nhất 26%. Những con số này không chỉ dừng lại ở mức dự đoán mà đã được cảnh báo bởi nhiều tổ chức công nghệ hàng đầu, bao gồm Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng (CTA).

    Các tập đoàn lớn như NVIDIA, AMD hay Microsoft đã có sự chuẩn bị từ trước cho kịch bản này. Với họ, việc điều chỉnh giá bán là điều tất yếu để duy trì lợi nhuận. Chính sách thuế mới vô tình trở thành một cái cớ hợp lý để các công ty tăng giá sản phẩm, ngay cả khi chi phí thực tế có thể chưa bị ảnh hưởng ngay lập tức. Người tiêu dùng, dù muốn hay không, vẫn sẽ là đối tượng chịu thiệt nhiều nhất khi các mặt hàng công nghệ dần trở nên xa xỉ hơn.

    Một số người cho rằng đây có thể chỉ là một giai đoạn tạm thời và tình hình sẽ sớm được kiểm soát khi hai bên ngồi lại đàm phán. Nhưng nếu chiến tranh thương mại thực sự bùng nổ, ngành công nghệ sẽ phải đối mặt với một kỷ nguyên mới, nơi giá thành sản phẩm bị đẩy lên cao và người tiêu dùng không còn nhiều lựa chọn. Nếu đang có ý định nâng cấp thiết bị, có lẽ đây là thời điểm thích hợp trước khi thị trường biến động mạnh hơn.

    Anh Việt

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ