Giúp 2 đứa trẻ miễn nhiễm HIV là một thiện ý, nhưng điều đó đã khiến chiếc hộp Pandora bị mở ra.
Theo các thông tin được ghi nhận cho tới thời điểm này, có vẻ như các nhà khoa học Trung Quốc đã thực sự chỉnh sửa gen cho một loạt các phôi thai, từ đó sinh ra 2 bé gái "được thiết kế" đầu tiên trong lịch sử.
Vì các phôi thai đã được can thiệp để loại bỏ một gen ký hiệu là CCR5, hai đứa trẻ sinh ra được cho là sẽ miễn nhiễm với virus HIV. He Jiankui, nhà khoa học đã tạo ra các phôi thai này, nói rằng ông "tự hào" về công trình của mình và không có gì phải xin lỗi.
Một số ít nhà khoa học như George Church đến từ Đại học Harvard tại Mỹ cũng ca ngợi "thiện ý" của He Jiankui, dựa trên thực tế rằng ông này muốn chỉnh sửa gen để giúp những đứa trẻ có khả năng kháng bệnh.
Vậy, vì lý do gì mà hơn 100 nhà khoa học Trung Quốc lại lên án công trình của đồng nghiệp, gọi nó là "điên rồ" và nguy hiểm? Cộng đồng khoa học thế giới cũng kịch liệt phản đối hành động của He Jiankui, khiến cho chính phủ Trung Quốc phải đình chỉ và điều tra nghiên cứu của ông, một nghiên cứu "chui" có dấu hiệu phạm pháp.
Hóa ra, câu chuyện về những đứa trẻ biến đổi gen đang trở nên đúng như câu ngạn ngữ của người phương Tây: "Mọi con đường dẫn đến địa ngục đều được lát bằng những thiện ý tốt".
John Evans là một giáo sư xã hội học tại Đại học California San Diego, Hoa Kỳ. Ông là người đã theo dõi quá trình phát triển của kỹ thuật chỉnh sửa gen người, đi đôi với nó là những cuộc tranh luận không ngừng nghỉ trong lĩnh vực này suốt 20 năm qua.
Thế nhưng, chính giáo sư Evans cũng bị sốc bởi những phát triển gần đây trong lĩnh vực khoa học chỉnh sửa gen người, đặc biệt là nghiên cứu lần này của các nhà khoa học Trung Quốc.
"Trong suốt 20 năm, tôi đã tập trung nghiên cứu của mình vào những cuộc tranh luận về chỉnh sửa gen người và các công nghệ sinh học khác. Tôi đã theo dõi những cuộc tranh luận từ khi chúng mới chớm nở, nhưng cũng bị sốc bởi tốc độ phát triển trong thời gian gần đây", giáo sư Evans viết trên trang The Conversation.
Nhà khoa học người Trung Quốc He Jiankui tuyên bố đã chỉnh sửa phôi cho 7 cặp vợ chồng, trong khi họ cố gắng thực hiện các thủ tục thụ tinh nhân tạo để có con ở Trung Quốc. Các cặp vợ chồng này đều có người chồng dương tính với HIV còn người vợ thì không.
Cho nên, ý định tốt đẹp của He Jiankui là vô hiệu hóa một gen mã hóa protein cho phép virus HIV xâm nhập vào tế bào. Những đứa trẻ được cho là sẽ hưởng lợi từ chỉnh sửa này, với khả năng miễn nhiễm HIV.
Một trong 7 người phụ nữ đã nuôi dưỡng thành công 2 phôi thai, và sinh ra cặp bé gái song sinh Lulu và Nana. Trong lần xuất hiện mới nhất tại Hội nghị Thượng Đỉnh quốc tế lần thứ 2 về Chỉnh sửa gen người ở Hồng Kông hôm thứ Tư, He Jiankui tiết lộ vẫn còn một đứa bé "được thiết kế" nữa sắp chào đời.
Mặc dù vậy, chi tiết của nghiên cứu này vẫn được giữ bí mật, rất khó để xác định tuyên bố của He Jiankui là thật hay giả. Công trình mà ông đề cập chưa được xuất bản trên bất kỳ tạp chí khoa học được bình duyệt nào. Cha mẹ của cặp song sinh từ chối trả lời truyền thông, và không ai có thể thử nghiệm DNA của Lulu và Nana để xác minh gen của 2 cô bé đã được chỉnh sửa.
Tạm kết thúc lời tường thuật cho những ai đã bỏ sót tin tức chấn động nhất thế giới tuần này, "điều quan trọng bây giờ là chúng ta đang có những nhà khoa học muốn cố gắng tạo ra những con người được siêu hóa, những người có thể truyền lại tính trạng của họ cho con cái mình", giáo sư Evans cho biết.
"Một khi bạn có thể làm điều này với một gen, một ngày nào đó bạn sẽ có thể làm điều đó với bất kỳ gen nào – chẳng hạn như những gen liên quan đến khả năng học tập". Chỉnh sửa gen người vì thế được ví như chiếc hộp Pandora đầy ký bí, nhưng nếu mở nó ra, con người sẽ khiến những điều bất hạnh tràn ngập khắp thế gian.
Ngày hôm nay, He Jiankui biện minh rằng mình tự hào về nghiên cứu ấy và không có gì phải hối lỗi. Ông đã giúp cho 2 đứa trẻ có khả năng kháng được một căn bệnh nguy hiểm của loài người.
Nhưng nếu chọn đứng về phía những người ủng hộ và ca ngợi nghiên cứu của He Jiankui, liệu bạn có thể đưa ra được cơ chế, hoặc các nguyên tắc và quy định nào để chắc chắn việc chỉnh sửa gen của con người trong tương lai sẽ chỉ nhằm mục đích có lợi hay không?
Làm thế nào để chắc chắn, khi chúng ta lát đường bằng những thiện ý tốt, nó sẽ không dẫn đến một địa ngục cho cả nhân loại?
Việc tạo ra những giống loài "được cải tiến" từ lâu đã là ước mơ của những người theo thuyết ưu sinh. Trường phái cũ của thuyết ưu sinh giả định rằng những đặc điểm vượt trội của con người được tìm thấy trong các chủng tộc và dân tộc đặc biệt, đặc biệt ở Anh còn là trong cả các lớp xã hội.
Logic này lên đến đỉnh điểm vào thời Đức Quốc xã, khi những người Đức cho rằng họ là nhóm dân tộc thượng đẳng, có ưu thế về mặt di truyền so với những dân tộc khác. Bởi vậy, để có được một loài người tốt hơn, những người "thấp cấp" như Do Thái nên bị tiêu diệt và xóa sổ.
Thuyết ưu sinh theo trường phái cũ này đã dẫn tới cuộc đại diệt chủng Holocaust, trong đó, Đức Quốc xã đã giết chết 6 triệu người Do Thái và hơn 5 triệu người thuộc các dân tộc khác.
"Sự mặc khải của Holocaust sau đó đã kết án những kẻ theo thuyết ưu sinh cổ điển, nhưng một cuộc cải cách đã ngay lập tức nảy sinh trong thập niên 1950. Một thuyết ưu sinh mới ra đời cho rằng "những đặc điểm vượt trội" có thể được tìm thấy trong tất cả các nhóm sắc tộc", giáo sư Evans cho biết.
Tất cả những gì cần thiết để xây dựng một giống loài tốt đẹp hơn là khuyến khích những cá thể cao cấp trong từng nhóm sắc tộc sinh ra nhiều trẻ em hơn, ngược lại, ngăn cản những người mang trên mình đặc điểm thấp kém sinh sản. Chỉ có điều, không dễ gì mà những người theo thuyết ưu sinh cải cách có thể làm được điều đó.
"Nhưng vào đầu những năm 1950, Francis Crick và James Watson đã khám phá ra cấu trúc hóa học của DNA, gợi ý rằng các gen của con người có thể được cải thiện thông qua việc chỉnh sửa hóa học tế bào sinh sản của chúng ta", giáo sư Evans cho biết.
Ý tưởng đã được nhà sinh vật học nổi tiếng Robert Sinsheimer hết sức hưởng ứng. Ông viết trong một tài liệu năm 1969 rằng: sự phát triển của các công nghệ di truyền mới sớm muộn sẽ dẫn đến sự ra đời của "một sinh vật mới".
Trong khi thuyết ưu sinh cổ điển muốn lựa chọn những cá thể phù hợp để sinh sản và tiêu tiêu diệt những cá thể không thích hợp, theo Sinsheimer, "thuyết ưu sinh kiểu mới về mặt nguyên tắc sẽ cho phép chuyển đổi tất cả những gì không thích hợp đến mức độ di truyền cao nhất ... bởi chúng ta có tiềm năng tạo ra được các gen mới và những phẩm chất mới mà chưa ai từng dám mơ ước đến".
Sự phát triển của các công nghệ chỉnh sửa gen đã đi từ ý tưởng cho đến hiện thực chỉ vài năm gần đây. Kéo theo đó là các tranh luận đạo đức ngày càng gay gắt, ám chỉ ngầm đến một "con dốc trơn trượt".
"Ở đỉnh dốc là một hành động chỉnh sửa gen được coi là có đạo đức và không thể chối cãi - một bước mà hầu hết mọi người sẵn sàng thực hiện - chẳng hạn như chỉnh sửa gen để chữa bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm ở trẻ sơ sinh", giáo sư Evans viết.
"Tuy nhiên, đối mặt với một con dốc trơn trượt, rất khó để nói rằng việc thay đổi các đặc điểm khác không dẫn đến hậu quả chết người. Một khi bạn tìm ra cách thay đổi một gen, bạn có thể thay đổi bất kỳ gen nào, bất kể chức năng nào của nó".
Nếu chúng ta chỉnh sửa gen để chữa được bệnh hồng cầu hình liềm, tại sao làm điều đó để chữa bệnh điếc, hoặc bệnh tim khởi phát muộn, hoặc đem trí tuệ đến cho những đứa trẻ thiểu năng, rồi khiến cả những đứa trẻ bình thường thông minh hơn?
Trên một con dốc trơn trượt, chỉ cần bước vào một điểm khởi đầu, nó sẽ dẫn đến một chuỗi các sự kiện liên quan, rồi mọi chuyện tuột dốc không phanh đến đáy vực. Một ví dụ là sự sa lầy của nước Mỹ khi quyết định bước vào cuộc chiến tranh Việt Nam, và sau này là Syria.
Đối với chỉnh sửa gen người, "ở dưới cùng của con dốc đó là một thế giới đen tối mà không ai muốn tiến tới. Điều này thường được mô tả là một xã hội mà ở đó, toàn bộ di truyền của thế hệ sau sẽ chịu sự kiểm soát của thế hệ trước, nơi mà cả cuộc đời và cơ hội của một con người được quy định bởi những người đã sinh ra trước họ", giáo sư Evans cho biết.
Nếu bạn muốn có hình dung tốt hơn về đáy vực này, hãy xem một bộ phim được thực hiện từ những năm cuối của thập niên 90: Gattaca.
Tới đây, bạn có thể tưởng tượng nghiên cứu của He Jiankui và sự ra đời của 2 bé gái biến đổi gen là đỉnh dốc. Nhưng không, mọi chuyện còn tồi tệ hơn thế, chúng ta đã đang đứng trên máng trượt của con dốc trơn.
Loài người đã tiến lên đỉnh của con dốc trơn trượt từ năm 1970, "khi các nhà khoa học chấp thuận liệu pháp gen soma – một phương pháp can thiệp gen để điều trị các bệnh di truyền, nhưng đảm bảo cho các thay đổi này không truyền sang thế hệ con cái", giáo sư Evans cho biết.
Chỉnh sửa gen soma nghĩa là chỉ duy nhất một cá thể bệnh nhân được chữa lành, và mang gen chỉnh sửa cho tới hết cuộc đời. Anh ta hoặc cô ta sẽ không di truyền các chỉnh sửa này sang con cái, vì thế không tiêm thêm các gen mới vào bể gen của loài người, giữ cho nó đi đúng hướng và đúng vận tốc tiến hóa tự nhiên.
Các nhà khoa học ở thập niên 70 đã tự tin bước lên con dốc, bởi tin rằng mình đã tạo ra được bức tường chắc ngăn cho nhân loại khỏi bị trơn trượt. Bản thân việc chỉnh sửa gen soma vẫn còn nhiều tranh luận – nhưng các nhà khoa học chắc chắn nó sẽ nằm trọn trong khuôn khổ.
Nó sẽ không di truyền các gen mới sang thế hệ con cháu, vì vậy không làm thay đổi loài người như các nhà tiên tri mong đợi từ lâu.
Hơn nữa, một nguyên tắc đạo đức khác đã được thiết lập phía sau bức tường đầu tiên và chắc chắn này, đó là các nhà khoa học chỉ được phép chỉnh sửa gen để chữa bệnh, chẳng hạn như bệnh hồng cầu hình liềm, mà không được sử dụng nó để "cải thiện" con người.
Hàng loạt các cuộc hội thảo, các cuộc gặp gỡ của các nhà di truyền học hàng đầu thế giới đã thống nhất các nguyên tắc đạo đức, để tự xây nên những bức tường tránh cho loài người khỏi trượt ngã.
Nhưng hành động gần đây của các nhà khoa học Trung Quốc đã nhảy qua tất cả các bức tường ấy. Nó là công trình vô tiền khoáng hậu trong lĩnh vực chỉnh sửa gen người.
Khi các nhà di truyền học tại Mỹ, Châu Âu và toàn thế giới chỉ dám bước đến giới hạn chỉnh sửa phôi người sau đó tiêu hủy ngay lập tức, He Jiankui và nhóm nghiên cứu của ông đã chỉnh sửa phôi và đưa nó vào bụng những bà mẹ để tạo ra những đứa trẻ "được thiết kế" đầu tiên.
Cặp sinh đôi Lunu và Nana thực sự đã được "cải thiện" có chủ đích, nếu đúng theo lời He Jiankui, hai cô bé có khả năng miễn nhiễm với HIV, điều mà toàn bộ nhân loại không ai làm được.
He Jiankui nói rằng mình sẽ theo dõi 2 cô bé cho đến năm 18 tuổi. Và ai mà biết được, hai cô bé này có sinh con đẻ cái và truyền được các gen chỉnh sửa sang thế hệ sau hay không?
Sau thời điểm này, cuộc tranh luận về chỉnh sửa gen người đã không còn giống như những năm trước đây nữa, chúng ta đã không thể đưa ra lý lẽ nào về điểm dừng của các công nghệ này.
Những người ủng hộ nghiên cứu chỉnh sửa gen của He Jiankui đã không thể chỉ ra một bức tường nào ở phía trước, để trấn an nhân loại rằng hành động của nhà khoa học Trung Quốc sẽ không dẫn chúng ta trượt nhanh xuống vực thẳm.
Nhiều nhà khoa học thận trọng hơn một chút thì nghĩ rằng họ có thể cho phép những nghiên cứu như của He Jiankui, bằng cách xây dựng một bức tường ngăn cách con dốc ra làm 2 phần: một phần dốc thoải cho phép chỉnh sửa gen để chữa "bệnh", một phần dốc đứng phía sau là nơi chúng ta phải dừng lại.
Tuy nhiên, làm thế nào người ta xác định được đâu là một "bệnh". Đó vẫn là một câu hỏi không có lời giải. Một báo cáo gần đây của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ kết luận rằng tìm ra sự khác biệt giữa bệnh tật và tăng cường con người là vô vọng.
Hệ thống y tế ngày nay cho phép những hoạt động nhập nhằng, có thiên hướng tăng cường cơ thể diễn ra trong nó. Một ví dụ điển hình và phổ biến là phẫu thuật thẩm mỹ.
Vậy điều gì sẽ đảm bảo những ranh giới rõ ràng cho con dốc chỉnh sửa gen, nếu chúng ta cho phép các nghiên cứu như của He Jiankui được tiến hành? Sự thật là chúng ta đã bước lên con dốc, đang trượt xuống và He Jiankui phá bỏ mọi bức tường mà những con người trước đó đã thiết lập.
Tất cả những người ủng hộ nghiên cứu của nhà khoa học Trung Quốc, nói nó tốt cho những đứa bé nên hoàn toàn đúng với đạo đức, họ đều không chỉ ra được một bức tường nào phía trước giúp chúng ta đứng lại trước khi trượt xuống vực thẳm.
"Xã hội sẽ quyết định phải làm gì tiếp theo", He Jiankui nói. Đó chỉ là một sự đùn đẩy và né tránh trách nhiệm. Chính He Jiankui đã phá vỡ những bức tường mà chẳng xây dựng lên một bức tường nào mới, cả George Church của Đại học Harvard cũng vậy.
Cho nên, để tham gia vào một cuộc tranh luận có trách nhiệm, bạn không thể chỉ nêu quan điểm của mình về hành động của He Jiankui. Tất cả chúng ta còn phải kêu gọi và xây dựng lên một bức tường mới, đồng thời, đảm bảo bức tường này sẽ đứng vững trong tương lai.
Tham khảo Theconversation
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng