Cho ChatGPT thử viết kịch bản, nhà làm phim nhận ra lý do tại sao công cụ này vẫn phải phát triển lâu dài

    Bảo Nam, thethaovanhoa.vn 

    Đừng mong đợi nó sẽ sớm mang đến cho bạn những điều kỳ diệu trong lĩnh vực điện ảnh hoặc văn học, một nhà làm phim nhận định.

    Trong vài năm qua, không có công cụ AI nào thu hút được nhiều sự chú ý mạnh mẽ như ChatGPT. Chương trình do OpenAI phát triển hiện là tâm điểm ở mọi nơi trên mạng internet. Tất cả mọi người đã phải ngạc nhiên trước mức độ phức tạp trong các câu trả lời cùng khả năng tương tác “ảo diệu” đến từ một chatbot AI.

    Nhưng giống như mọi chatbot trước đó, ChatGPT cũng thu thập các dữ liệu từ internet. Và điều đó đi kèm với nguy cơ cung cấp thông tin sai lầm, thiên vị hoặc thậm chí độc hại. Đó cũng là lý do mà Stack Overflow, một trang web hỏi đáp dành cho các lập trình viên chuyên nghiệp, đã cấm nó với lý do "tỷ lệ sai cao".

    Tuy nhiên, một điểm khác biệt chính ở đây là mô hình học tập này đã được các chuyên gia đứng sau nó đào tạo trên cơ sở từng phản hồi, điều này cho phép mô hình có khả năng học hỏi khi nó tự phát triển tập dữ liệu của mình. Điểm vượt trội của ChatGPT - hay nói chính xác hơn là điểm gây sốc - là ở sự trôi chảy của các cuộc hội thoại. Nó không chỉ trả lời các câu hỏi với mức độ có sự nghiên cứu và sự nhạy cảm về ngôn ngữ, mà dường như không có giới hạn nào về sự đa dạng của chủ đề.

    Nó cũng làm tốt công việc tránh tạo ra bất kỳ cuộc thảo luận gây tranh cãi nào, bằng cách đưa ra những dòng tuyên bố từ chối trách nhiệm rõ ràng. Bạn sẽ khó có thể bắt chatbot AI này chọn một trong hai mệnh đề so sánh tương đương. Nó cũng tập trung xoay quanh việc bình luận về các vấn đề hiện tại vì dữ liệu đào tạo chỉ có từ năm 2021.

    Đặc biệt, khả năng gợi ý các từ và thêm chúng một cách có ý nghĩa vào chuỗi câu là thứ cho phép ChatGPT tạo ra các đoạn văn trên các đoạn thông tin có liên quan. Nhưng nhìn một cách trực diện, bạn sẽ nhận ra sự thiên vị trong các câu trả lời vẫn còn rất nhiều, đặc biệt là khi nói đến các lĩnh vực nghệ thuật và sáng tạo.

    Cho ChatGPT thử viết kịch bản, nhà làm phim nhận ra lý do tại sao công cụ này vẫn phải phát triển lâu dài - Ảnh 1.

    Khả năng trò chuyện trôi chảy của ChatGPT là một trong những ưu điểm lớn nhất của nó.

    Để kiểm tra “khí phách” và “tính chính trực” của ChatGPT, nhà làm phim Mohd Fahmeed đến từ Ấn Độ đã thực hiện các nghiên cứu về tác động của các công cụ hỗ trợ AI trong ngành. Ông thậm chí đã thực hiện một bộ phim ngắn gần như hoàn toàn được thực hiện bằng các công cụ đó.

    Fahmeed - tác giả của nhiều bộ phim ngắn đã được đoạt giải - cho biết ông đã kinh ngạc và cả khó chịu bởi ChatGPT. Lý do chính cho điều đó chính là sự thiên vị hiển hiện khi trò chuyện với chatbot AI này về các nội dung từ yếu tố văn học, văn hóa tới bản sắc địa lý và cả ẩm thực.

    "Tôi đã hỏi nó về những ý tưởng truyện ngắn, và liên tục nhận được câu trả lời hết đoạn này đến đoạn khác với những từ ngữ vô hồn”, ông cho biết. “Nó không hề giống với văn hóa, ngôn ngữ và con người mà tôi biết."

    Ví dụ, khi yêu cầu “viết một câu chuyện ngắn lãng mạn về hai người xa lạ gặp nhau trong một thành phố và yêu nhau", câu trả lời từ ChatGPT luôn có những cái tên như John, Mark và Sofia. Bối cảnh câu chuyện sẽ nhất quán ở một thành phố như Paris và Florence.

    "Tất cả những cái tên và địa điểm này đều xa lạ với tôi, nhưng tôi lại được cung cấp những bối cảnh xa xôi này như thể chúng chính là chân lý phổ quát để viết truyện và làm phim", Fahmeed nói. "Tôi sống ở một đất nước hơn 1,3 tỷ dân, nơi chúng tôi có gần 700 triệu người nói tiếng Hindi và gần một tỷ người theo đạo Hindu. Tuy nhiên, không nhân vật nào của tôi có vẻ Ấn Độ hay thậm chí là người châu Á. Điện ảnh không thể một chiều theo cách đó."

    Để chắc chắn hơn, ông đã sử dụng những cái tên đặc trưng và thông tin liên quan của Ấn Độ trong yêu cầu, nhưng câu chuyện ngắn hoặc kịch bản do ChatGPT tạo ra vẫn lấy cảm hứng rất nhiều từ những câu chuyện ngụ ngôn về phim và chương trình truyền hình phương Tây.

    Cho ChatGPT thử viết kịch bản, nhà làm phim nhận ra lý do tại sao công cụ này vẫn phải phát triển lâu dài - Ảnh 2.

    ChatGPT có một thế giới quan sai lệch sâu sắc.

    Nhưng đó chưa phải là tất cả. Để đa dạng hóa các lựa chọn, Fahmeed cùng Nadeem Sarwar, biên tập viên của SlashGear, đã cùng ngồi với nhau để yêu cầu ChatGPT viết dàn ý của một bộ phim tài liệu về 5 “chiến binh” vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới. Và kịch bản họ nhận được luôn có 3 người đứng đầu là Napoléon Bonaparte, Julius Caesar và Thành Cát Tư Hãn. Vị hoàng đế Mông Cổ luôn là cái tên duy nhất không bắt nguồn từ Tây bán cầu.

    Còn khi được yêu cầu tưởng tượng ra một chương trình truyền hình có nội dung khám phá về thói quen ăn sáng của trẻ em, câu trả lời của ChatGPT không có một món ăn nào không phải của Mỹ hay châu Âu. Ngũ cốc luôn đứng đầu.

    “Cả đời tôi chưa bao giờ ăn ngũ cốc vào bữa sáng”, Fahmeed nói.

    "Tôi không cảm thấy có mối liên hệ nào với bất kỳ ý tưởng nghệ thuật nào được gợi ra bởi chương trình kỳ diệu này", nhà làm phim này chia sẻ. "Tôi thực sự lo lắng về việc thiếu bản sắc và tính đại diện trong những câu trả lời này. Đây chắc chắn không phải là nơi tốt để lấy cảm hứng sáng tạo, đặc biệt là đối với những bộ óc trẻ."

    Nhưng không phải sự thiếu đa dạng, mà cảm giác xa lạ đến từ các phản hồi của ChatGPT mới là điều đáng lo ngại.

    Xét cho cùng, lĩnh vực AI không xa lạ gì với sự thiên vị, bởi điều đó chủ yếu có thể là do loại dữ liệu được đưa vào để đào tạo nó. Thêm vào đó, bạn không thể mong đợi một AI mang tới những câu trả lời có sắc thái nghệ thuật, thứ mà bạn có thể nghe thấy giữa một nhóm các nhà làm phim hoặc thậm chí là nhóm sinh viên trò chuyện trong quán cà phê.

    Tại sao điều này đang xảy ra? Điều này đã được giải đáp trong một báo cáo nghiên cứu về InstructGPT, một mô hình anh em với ChatGPT. Đó chính là kết quả của các nỗ lực làm giảm sự ảnh hưởng có hại từ các nhóm ít được đại diện, khiến cho các mô hình này bị giảm khả năng mô hình hóa văn bản. Đây cũng chính là mối tương quan đầy định kiến trong đào tạo dữ liệu.

    Cho ChatGPT thử viết kịch bản, nhà làm phim nhận ra lý do tại sao công cụ này vẫn phải phát triển lâu dài - Ảnh 3.

    Sẽ cần thêm thời gian để ChatGPT có thể xứng với cái danh "trí tuệ nhân tạo" của mình.

    ChatGPT dường như cũng “mất điểm” trong một số lĩnh vực đáng báo động khác. Khi tổng hợp lại hơn 30 truy vấn bao gồm kịch bản phim tài liệu, thơ, truyện ngắn và cảnh đối thoại giữa các nhân vật tưởng tượng, cả Fahmeed cùng Nadeem đều nhận ra toàn bộ các nhân vật đều có các “phản ứng tình cảm” với cả người đồng giới hoặc khác giới.

    Điều kỳ lạ này chủ yếu là do quan hệ đồng giới được chấp nhận rộng rãi ở phương Tây và có rất nhiều tài liệu, từ phim ảnh, chương trình truyền hình, tới thơ và truyện, đều xoay quanh các mối quan hệ như vậy. Nhưng ngược lại, những khái niệm này tương đối xa lạ, thậm chí bị cấm ở một số nước phương Đông.

    Khi Fahmeed nhờ một vài sinh viên khoa điện ảnh từ trường cũ thử tương tác với ChatGPT, một trong số họ đã đưa ra câu hỏi: "Tại sao ChatGPT lại nghĩ rằng một người đàn ông chỉ có thể yêu một người phụ nữ và họ phải gặp nhau ở Venice hoặc Paris để xây đắp nên câu chuyện tình của mình?".

    "ChatGPT vẫn tốt, miễn là bạn xem nó như một điều kỳ diệu. Chỉ cần đừng mong đợi nó sẽ sớm mang đến cho bạn những điều kỳ diệu trong lĩnh vực điện ảnh hoặc văn học", nhà làm phim Fahmeed nhận định. "Ngoài ra, đừng hy vọng vào chiều sâu cảm xúc, sự đa dạng hoặc sắc thái từ nó."

    Tham khảo SlashGear

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày