Chọn thiết bị hình ảnh cho phòng chiếu phim tại nhà

    PV,  

    Trong các hệ thống rạp chiếu phim tại nhà hiện đại ngày nay thì một chiếc tivi LCD màn hình rộng đã không còn đáp ứng đủ yêu cầu ngày càng cao của người dùng.

     Một rạp chiếu phim tại nhà thực tế đầu tư lắp đặt màn hình cố định, màn chiếu cong và dàn âm thanh kết hợp, cho hiệu quả cao như mong đợi - Ảnh: T.Trực

    Một rạp chiếu phim tại nhà thực tế đầu tư lắp đặt màn hình cố định, màn chiếu cong và dàn âm thanh kết hợp, cho hiệu quả cao như mong đợi - Ảnh: T.Trực

    Một căn phòng với một chiếc tivi và dàn âm thanh đã không còn được coi là một rạp chiếu phim tại nhà đúng nghĩa. Thay vào đó, một rạp chiếu phim tại nhà đúng nghĩa phải như một rạp hát thu nhỏ với chất lượng hình ảnh và âm thanh cao cấp. Xu hướng hiện nay, các loại máy chiếu hình ảnh độ nét cao (Full-HD) và màn chiếu cỡ lớn dần thay cho các loại tivi Plasma, OLED có giá rất đắt đỏ khi chọn kích cỡ lớn (từ 60-inch trở lên).

    Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc dễ dàng hơn trong việc lựa chọn và lắp đặt một hệ thống máy chiếu phim ưng ý cho rạp chiếu phim tại nhà của mình.

    Màn hình lớn bao nhiêu là đủ?

    Nói đến rạp chiếu phim, dù là rạp chuyên nghiệp hay tại nhà, màn ảnh rộng là yếu tố không thể thiếu. Một màn ảnh càng lớn thì độ hoành tráng của những thước phim càng cao. Tuy nhiên lớn bao nhiêu là đủ? Để trả lời câu hỏi này, tiêu chuẩn THX thuộc Hãng phim Lucas tư vấn người sử dụng có thể lấy khoảng cách từ chỗ ngồi đến màn hình chia cho 1,5 để có được chiều ngang phù hợp của màn hình "rạp tại nhà".

    Cụ thể, khi ngồi cách màn hình 3m, chiều ngang màn hình lý tưởng sẽ là 2m, tương đương với màn hình 100-inch. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Tường Minh, giám đốc Công ty Cơn Bão Số, "trên thực tế, tùy vào gu thưởng thức của mỗi người có thể lựa chọn màn hình lớn hoặc nhỏ hơn một chút so với tiêu chuẩn trên".

    Khi đã xác định được kích thước màn hình thích hợp với không gian của phòng chiếu nhà mình, người dùng nên dành một chút thời gian lựa chọn màn chiếu phim. Mặc dù đóng một vai trò rất quan trọng trong một hệ thống trình chiếu bằng máy chiếu, tuy nhiên màn chiếu thường nhận được sự quan tâm chưa đúng mức của người sử dụng. Vì thế người dùng có xu hướng đầu tư không tương xứng cho màn chiếu phim từ đó làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng trình chiếu.

     Xu hướng giải trí trên tivi màn hình 40 - 60-inch trước nay đang dần bị thay thế bởi màn chiếu tại nhà - Ảnh minh họa: Internet

    Xu hướng giải trí trên tivi màn hình 40 - 60-inch trước nay đang dần bị thay thế bởi màn chiếu tại nhà - Ảnh minh họa: Internet

    Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại màn chiếu khác nhau. Từ màn chiếu cuộn kéo tay, màn chiếu cuộn điện đến các loại màn khung cố định. Tuy nhiên để thưởng thức phim độ nét cao thì màn khung cố định là lựa chọn phù hợp nhất, do có thể đảm bảo được độ phẳng tuyệt đối của màn qua thời gian. Bên cạnh đó có khá nhiều màu sắc màn chiếu để lựa chọn như màn trắng, màn xám...

    Đối với nhu cầu sử dụng xem phim tại nhà, người dùng nên chọn màn trắng nếu căn phòng chiếu phim của mình kiểm soát tốt được ánh sáng. Nếu phòng bị lọt sáng, bạn nên đi cùng màn xám để tăng cường độ tương phản. Các loại màn có tông màu cao như màn bạc thường sẽ gây sai lệch về màu sắc và bị hiện tương "hot spot" (điểm chết) khi khu vực giữa màn hình quá sáng, trong khi khu vực xung quanh lại quá tối.

    Ngoài ra, một chiếc màn hình cong vốn thường được sử dụng trong các rạp chiếu phim chuyên nghiệp cũng là lựa chọn hay. Lợi điểm của màn hình cong là có góc nhìn rõ và rộng hơn. Bên cạnh đó, độ cong của màn hình giúp ánh sáng phản xạ tập trung về phía người xem nhiều hơn, do đó hình ảnh sáng hơn so với màn hình phẳng.

    Lựa chọn máy chiếu phim

    Thiết bị trung tâm và cũng quan trọng nhất chính là chiếc máy chiếu (projector). Khác với máy chiếu văn phòng, máy chiếu gia đình thường có tỉ lệ khung hình rộng (wide) 16:9 và được thiết kế dành riêng cho việc chiếu phim.

    "Khi quyết định lựa chọn một chiếc máy chiếu, bạn không nên quá dựa vào những thông số đưa ra bởi nhà sản xuất vì chúng thường có xu hướng được thổi phồng lên quá với thực tế. Tốt nhất bạn hãy tìm hiểm thông tin về máy qua ý kiến đánh giá của các chuyên gia, hay từ cộng đồng công nghệ và sau đó xem thử nghiệm (demo) máy trực tiếp tại các cửa hàng bán máy chiếu chuyên nghiệp" - anh Nguyễn Tường Minh từ Cơn Bão Số chia sẻ.

    Thông thường chúng ta có thể dễ dàng phân biệt máy chiếu tại nhà với các máy chiếu cho văn phòng. Máy chiếu văn phòng thường có độ sáng cao trên 3000 lumes do được dùng trong môi trường văn phòng sáng đèn. Tuy nhiên, độ tương phản của máy lại khá thấp, dưới 3000:1. Trong khi đó máy chiếu phim có độ sáng thấp hơn vì được dùng chủ yếu trong phòng tối, nhưng lại cho màu sắc rất trung thực và độ tương phản lên tới hàng chục ngàn.

    Với sự phát triển của công nghệ, chất lượng của máy chiếu phim tại nhà không ngừng được nâng cao, và bên cạnh đó giá thành đã được đẩy xuống ở mức thấp "dễ chịu" chưa từng có.

    Anh Tường Minh từ Cơn Bão Số cho biết: "Với mức đầu tư dưới 30 triệu đồng, bạn có thể xem xét các dòng máy đã khá nổi tiếng như Optoma HD25LV, BenQ W1070 hay ViewSonic 7820HD. Các dòng máy chiếu này đều có độ phân giải Full-HD và được trang bị tính năng chiếu 3D.

    Với mức đầu tư cao hơn 50 triệu đồng, bạn có thể cân nhắc các dòng máy cao cấp có thể kể đến như Epson TW8100, Optoma HD8300, BenQ W7000 hay Panasonic PT AE8000. Tất nhiên ở mức giá này thì chất lượng có thể làm hài lòng ngay cả những vị khán giả khó tính nhất".

    Máy chiếu xem được bao lâu?

    Một mối quan tâm khá lớn của người dùng máy chiếu là tuổi thọ của bóng đèn chiếu. Vấn đề này hiện đang được các hãng máy chiếu tập trung giải quyết, và tuổi thọ đèn đã được nâng lên đến trên 5.000 giờ chiếu. Điều này đồng nghĩa bạn có thể yên tâm thưởng thức hàng ngàn bộ phim trước khi phải tính đến việc thay bóng đèn cho máy. Giá bán của bóng đèn chính hãng hiện nay dao động từ 200-300 USD tùy theo hãng.

    Máy chiếu tại nhà đã có các model hỗ trợ phát phim 3D HD hoặc 2D Full-HD. Trong ảnh, người dùng trải nghiệm hình ảnh phim 3D qua các dòng máy chiếu tại nhà thương hiệu BenQ - Ảnh: T.Trực

    Máy chiếu tại nhà đã có các model hỗ trợ phát phim 3D HD hoặc 2D Full-HD. Trong ảnh, người dùng trải nghiệm hình ảnh phim 3D qua các dòng máy chiếu tại nhà thương hiệu BenQ - Ảnh: T.Trực

    Đối với thân máy, các hãng thường đưa ra thời gian bảo hành 2 năm, đặc biệt có thể lên tới 3 năm. Để có thể yên tâm sử dụng máy, lời khuyên được đưa ra với người sử dụng là nên lựa chọn những nhà cung cấp uy tín và có chế độ bảo hành hậu mãi tốt để mua máy.

    Dây cáp truyền dẫn hình ảnh

    Về các phụ kiện như dây tín hiện HDMI, do máy chiếu thường được đặt khá xa nguồn phát, bạn nên sử dụng dây HDMI có chất lượng tốt. Và tốt nhất là nên dùng 2 dây, 1 dây cho việc dự phòng hỏng hóc. Cũng không nên đầu tư quá nhiều tiền cho dây dẫn vì sự khác biệt thực tế về chất lượng giữa các loại dây HDMI là rất nhỏ.

    Cuối cùng, công việc lắp đặt. Không giống như một chiếc TV, máy chiếu và màn chiếu đòi hỏi việc lắp đặt khá phức tạp, bên cạnh đó việc cân chỉnh phù hợp với điều kiện trong phòng đóng góp vai trò rất quan trọng, quyết định rất nhiều đến chất lượng hình ảnh máy chiếu.

    Người dùng nên tìm hiểu kỹ thông tin cũng như hướng dẫn sử dụng của máy trước khi tiến hành lắp đặt, để có thể xác định chính xác vị trí đặt máy chiếu, độ cao màn chiếu… Để đảm bảo chất lượng hình ảnh rạp chiếu phim tại nhà cho kết quả tốt nhất sau mức chi phí đầu tư kha khá ban đầu, người dùng nên dành việc lắp đặt cho những đơn vị chuyên nghiệp.

    Kênh âm thanh: 5.1 hay 7.1?

    Hiện nay, đa số những receiver (bộ ampli) trên thị trường đều hỗ trợ 7.1, bao gồm 1 loa center (trung tâm), 2 loa front (trước), 2 loa surround (vòm) và 2 loa surround back (vòm ở phía sau) và 1 loa subwoofer (loa bass), thậm chí một số receiver cao cấp còn hỗ trợ 9.2 hay 11.2.

    Tuy nhiên, đối với nhu cầu sử dụng thông thường trong không gian của một rạp chiếu phim tại gia thì một hệ thống 5.1 được thiết lập chuẩn mực cũng đủ đáp ứng, bởi lẽ đa số các phim Full-HD hiện nay chỉ ở định dạng âm thanh 5.1.

    Chỉ nên cân nhắc sử dụng hệ thống 7.1 khi phòng chiếu của gia đình bạn rộng trên 30m2 và vị trí ngồi cách tường phía sau trên 1m. Chỉ khi đó thì 2 chiếc loa surround back mới có thể phát huy được hiệu quả.

    Chọn loa front: loa cột hay loa bookshelf?

    Lựa chọn loa lớn hay loa nhỏ phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng cũng như điều kiện phòng ốc của bạn. Điểm khác biệt chính giữa loa cột và loa bookshelf (loa nhỏ để kệ) là nằm ở khả năng thể hiện tiếng bass. Loa cột sẽ cho tiếng bass tốt hơn so với loa bookshelf vốn có kích thước nhỏ.

    Lưu ý: nếu bạn chỉ sử dụng hệ thống 5.1 thì có thể tận dụng thêm 2 kênh surround back của receiver để đánh bi-amp cho 2 loa front, khi đó công suất cung cấp cho 2 loa này sẽ được tăng gấp đôi. Mẹo nhỏ này có thể làm tăng đáng kể hiệu suất cũng như chất lượng trình diễn của cặp loa front.

    Theo anh Lương Minh Trí, giám đốc kỹ thuật Công ty Cơn Bão Số, nếu phòng chiếu phim nhỏ dưới 20m2 và nhu cầu chủ yếu là xem phim thì khách hàng nên chọn loa bookshelf làm loa front (trước). Khi đó tiếng bass của hệ thống sẽ do loa subwoofer đảm nhận. Nếu có một phòng nghe lớn hơn, có nhu cầu kết hợp giữa nghe nhạc và xem phim thì những cặp loa lớn sẽ có đất để thể hiện thế mạnh của mình.

    Vị trí đặt loa tạo hiệu quả cao nhất

    Việc bố trí loa trong phòng chiếu phim tại gia tương đối đơn giản. Cụ thể:

    - Loa center: loa center nên nằm ở vị trí giữa, phía trên hay phía dưới màn hình. Việc bố trí này giúp người xem cảm nhận được lời thoại như đang được phát ra từ các chính các nhân vật trên màn ảnh.

    - Loa front: bố trí 2 bên của màn hình. Loa front là loa có tính định hướng vì thế nên bố trí sao cho loa mid hay treble ở cùng độ cao của tai người nghe. Nếu bạn sử dụng loa cột thì nên tránh xa 2 góc phòng. Việc đặt loa front ở 2 góc phòng có thể làm triệt tiêu tiếng bass lẫn nhau giữa các loa front.

    - Loa surround: loa surround nên đặt trên tường 2 bên của vị trí nghe và cao hơn vị trí tai người nghe khoảng 0,8 -1,2m.

    - Loa subwoofer: Loa subwoofer có thể bố trí bất cứ vị trí nào trong phòng nghe. Nếu bạn thích nhiều tiếng bass thì có thể đặt loa gần góc phòng.

    Mô hình vị trí đặt các loa 5.1 kênh cơ bản để tạo hiệu ứng âm thanh tốt nhất - Ảnh: Internet

    Mô hình vị trí đặt các loa 5.1 kênh cơ bản để tạo hiệu ứng âm thanh tốt nhất - Ảnh: Internet

    Cách bố trí loa đứng trong không gian phòng chiếu phim tại gia - Ảnh minh họa: AAA-Electronics

    Cách bố trí loa đứng trong không gian phòng chiếu phim tại gia - Ảnh minh họa: AAA-Electronics

    Có cần thiết phải mua loa cùng một hãng?

    Đối với hệ thống âm thanh rạp hát tại gia (home cinema), việc đồng bộ về âm giữa loa center và loa front là rất quan trọng. Người dùng nên chọn loa center và loa front của cùng một hãng và trong cùng một series. Nhà sản xuất đã thiết kế đặc biệt nhằm tối ưu sự đồng bộ về âm sắc giữa các loa trong hệ thống và giúp phát huy tối đa hiệu ứng của phim.

    Đối với loa surround và loa subwoofer thì tính đồng bộ ít quan trọng hơn. Bạn có thể sử dụng loa của hãng khác hay tận dụng lại những loa sẵn có.

    * Về vấn đề liệu dùng 2 subwoofer có phải là ý tưởng hay, theo anh Lương Minh Trí, trừ khi phòng chiếu phim của bạn quá lớn và làm tiếng bass của subwoofer không thể bao trùm toàn bộ phòng chiếu phim, 1 subwoofer đã là đủ. Việc sử dụng 2 subwoofer là tương đối phức tạp và tốn kém. Thậm chí nếu bạn bố trí vị trí loa không đúng còn sẽ làm tiếng bass bị triệt tiêu lẫn nhau giữa 2 loa subwoofer.

    Các thông số thông dụng trên loa

    Khi đi xem loa, bạn sẽ nghe người bán nói về công suất, độ nhạy, Ohm,… Vậy chúng là gì và chúng có quan trọng không?

    Ohm (kí hiệu Ω): thông số quan trọng nhất mà bạn nên chú ý là Ohm. Đại đa số các loa xem phim trên thị trường là 8 Ohm. Những loa có thông số Ohm nhỏ như 4 hay 2 Ohm rất khó đánh và đòi hỏi receiver cao cấp. Nếu bạn không thật sự chắc chắn thì giải pháp an toàn là nên chọn những loa 8 Ohm nếu không muốn làm hỏng loa hay receiver trong quá trình sử dụng.

    Độ nhạy (kí hiệu db): loa có độ nhạy càng cao thì cần càng ít công suất để kêu to, hay theo cách nói của người bán là ăn ít volume. Trong khi loa có độ nhạy thấp thì thường cần nhiều công suất hơn. Độ nhạy không nói lên được là loa hay hay kém. Tùy thuộc vào receiver mà bạn đang sử dụng, bạn có thể chọn loa có độ nhạy cao nếu receiver của bạn có công suất nhỏ và ngược lại.

    Công suất loa: đa số người dùng đều quan tâm đến công suất loa, nhưng trên thực tế đây lại là thông số ít quan trọng nhất. Ví dụ nếu trên loa ghi 200W thì có nghĩa là công suất tối đa cấp cho loa là 200W. Nếu cung cấp quá công suất này thì loa sẽ có khả năng bị hỏng.

    Chọn công suất cho receiver (ampli)

    Thông thường người dùng hay chọn ampli hay receiver có công suất bằng hay cao hơn công suất loa. Tiêu chí này là không hoàn toàn đúng. Thông thường công suất mà các hãng ghi trên ampli hay receiver đều mang tính quảng cáo thương mại và vượt khá nhiều so với công suất thực tế.

    Để chọn công suất ampli cho phù hợp với loa, bạn nên chú ý hơn đến độ nhạy của loa. Đối với những loa có độ nhạy dưới 88db, bạn nên chọn những receiver có công suất trên 125W/kênh. Còn những loa có độ nhạy trên 88db thì khoảng 100W cũng đã là đủ.

    Dàn loa vòm sẽ đưa bạn vào trong nhịp sôi động của những bộ phim bom tấn - Ảnh: Blogspot

    Dàn loa vòm sẽ đưa bạn vào trong nhịp sôi động của những bộ phim bom tấn - Ảnh: Blogspot

    Khi nghe thử thiết bị, cần chú ý những điều gì?

    Đối với việc mua một hệ thống âm thanh hay hình ảnh, việc tìm hiểu kỹ lưỡng trước thông tin và các sản phẩm là rất cần thiết. Tuy nhiên giữa lý thuyết và thực tế vẫn còn một khoảng cách rất xa. Vì thế bạn hãy dành thêm thời gian để có thể nghe thử các hệ thống khác nhau và tìm ra một lựa chọn phù hợp nhất cho mình. Câu nói “Trăm nghe không bằng mắt thấy” có lẽ phải sửa thành “Trăm thấy (đọc) không bằng một nghe” trong trường hợp này.

    Trong quá trình nghe thử, bạn có thể yêu cầu người bán cho nghe một bài hát có nhiều tiếng bass, một bài thuộc dạng vocal để thể hiện tiếng hát hay âm trung, và một bài có các nhạc cụ thuộc bộ dây như đàn ghita, violon,…

    Phân bổ ngân sách cho các thiết bị âm thanh

    Nếu bạn cần tính toán một mức ngân sách để đầu tư cho mình một hệ thống âm thanh phòng chiếu phim, hãy dành khoảng 40% cho hệ thống loa, 40% cho receiver cùng đầu đọc HD và khoảng 20% cho dây dẫn. Không nên bỏ qua hệ thống dây dẫn vì chúng cũng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng của toàn hệ thống.

    Hãy lựa chọn những loại dây loa bằng đồng tốt và có đường kính dây đồng lớn. Còn với các dây digital như dây cáp quang hay HDMI thì không nên đầu tư quá nhiều tiền vì giữa chúng không có quá nhiều khác biệt.

    Chọn lựa thiết bị âm thanh như bộ receiver (ampli) và dàn loa để có hiệu ứng âm thanh tốt nhất cho rạp chiếu phim tại gia - Ảnh minh họa: ConBaoSo.com

    Chọn lựa thiết bị âm thanh như bộ receiver (ampli) và dàn loa để có hiệu ứng âm thanh tốt nhất cho rạp chiếu phim tại gia - Ảnh minh họa: ConBaoSo.com

    Chọn mặt gửi vàng

    Mua hệ thống âm thanh hình ảnh cho phòng chiếu phim là một khoản đầu tư lớn, vì thế bạn nên cân nhắc lựa chọn mua hàng tại những đơn vị có uy tín và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Ngoài việc đảm bảo về chất lượng nguồn gốc hàng hóa, các chính sách hỗ trợ sau bán hàng chính là "bùa hộ mệnh" của bạn trong trường hợp xảy ra sự cố.

    Theo: Thanh Trực/Tuoitre