TPO - TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam - cho rằng Hà Nội đang trong một cuộc khủng hoảng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đòi hỏi tất cả quyết liệt hơn nữa trong cuộc chiến chống “giặc ô nhiễm không khí”. Các bài học trên thế giới đã chứng minh càng để chậm thì vấn đề càng trầm trọng, giá phải trả càng cao.
- Nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm không khí ở Hà Nội nghiêm trọng nhất nhì thế giới?
- Bộ Y tế khuyên hạn chế hoạt động ngoài trời khi ô nhiễm không khí
- Hà Nội ô nhiễm không khí thứ 3 thế giới, "1 buổi sáng ở ngoài hít thở tương đương hút 2 bao thuốc"
- Vì sao Hà Nội ô nhiễm không khí kỷ lục?
- Bắc Ninh ‘xanh hoá’ làng nghề ô nhiễm môi trường
Phát biểu tại lễ phát động chiến dịch Vì Thủ đô trong xanh sáng 10/1, TS. Hoàng Dương Tùng chia sẻ người dân Hà Nội rất lo lắng với sức khỏe khi thấy chỉ số chất lượng không khí AQI luôn ở báo động đỏ, tím, thậm chí nâu trong nhiều giờ, nhiều ngày.
“Đối với khách du lịch cũng vậy, ai cũng cho rằng Hà Nội là một thành phố hấp dẫn với ẩm thực phong phú, người dân thân thiện, tuy nhiên điều khiến họ thấy đáng tiếc nhất là chất lượng không khí ở mức xấu”, TS Tùng nói.
Vị chuyên gia môi trường chia sẻ, ô nhiễm không khí tại Hà Nội chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM 2,5 - loại bụi có kích thước đường kính nhỏ hơn 1/30 sợi tóc, có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu, gây ra nhiều căn bệnh liên quan đến hô hấp, tim mạch.
Ông Tùng chia sẻ, một người hít vào và thở ra khoảng 22.000 lần một ngày, mỗi lần hít khoảng 500ml lượng khí, như vậy hằng ngày cần 10.000 lít không khí để thở. Bụi mịn PM2.5 với các chất độc hại luôn hiện hữu trong không khí, khi hít thở làm tăng nguy cơ đau tim và tỷ lệ đột quỵ.
Dẫn chứng từ những nghiên cứu đáng suy ngẫm, ông Tùng cho rằng, những con số bụi mịn PM2.5, khí NO2 liên tục vượt ngưỡng là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe hàng triệu người dân, đặc biệt là trẻ em, người già và những người mắc bệnh mãn tính.
“Tất cả chúng ta, không riêng gì ai không thể chần chừ được nữa, phải quyết tâm hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong cuộc chiến chống giặc ô nhiễm không khí. Các bài học trên thế giới đã chứng minh, càng để chậm thì vấn đề càng trầm trọng, giá phải trả càng cao, không chỉ là tài chính, mà còn là sức khỏe, thậm chí là tính mạng và tương lai của thế hệ sau”, ông Tùng nói.
Lý giải nguyên nhân ô nhiễm không khí của Hà Nội, vị chuyên gia cho biết, Hà Nội là một thành phố lớn với 12 quận nội thành, 18 huyện ngoại thành, có sự khác biệt về chất lượng không khí và các nguồn ô nhiễm giữa các quận nội thành và các huyện ngoại thành.
Tại các huyện ngoại thành, nguồn ô nhiễm là các cơ sở sản xuất công nghiệp, các làng tái chế, đốt rác đốt rơm rạ sau thu hoạch, các cơ sở chăn nuôi.
Tại các quận nội thành, nguồn ô nhiễm xuất phát từ xây dựng các công trình đô thị, sửa chữa hạ tầng đường xá vỉa hè, đốt rác, đặc biệt là phương tiện giao thông cá nhân chạy xăng dầu, với hơn 6 triệu xe máy, gần 800.000 ô tô động cơ đốt trong ngày đêm nhả khói.
Về giải pháp giảm ô nhiễm không khí, ông Tùng cho hay, trên thế giới đã có nhiều bài học hay để giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các phương tiện giao thông chạy nguyên liệu hóa thạch. Bắc Kinh là một ví dụ điển hình, chỉ trong thời gian ngắn, thành phố này đã chuyển đổi hơn toàn bộ hơn 10.000 xe buýt chạy dầu sang xe điện, yêu cầu sử dụng xe chạy điện cho tất cả các dịch vụ như bưu điện, giao hàng trong nội thành, các phương tiện thực hiện công tác vệ sinh môi trường.
Vị chuyên gia kêu gọi người dân chung tay bảo vệ môi trường không khí bằng những việc thường ngày như ưu tiên lựa chọn phương tiện di chuyển xanh, như xe buýt, xe máy, ô tô điện.
Về phía cơ quan quản lý, ông cho rằng, cần xem xét những chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi sang xe điện đã được các nước áp dụng thành công như hỗ trợ tài chính cho người dân chuyển đổi sang xe điện, miễn lệ phí trước bạ cho xe điện, tạo điều kiện về mặt bằng xây dựng trạm sạc.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội - chia sẻ, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường là 2 vấn đề thách thức lớn đặt ra với Thủ đô và được đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đặc biệt quan tâm chỉ đạo để tập trung xử lý.
Ông cho biết, UBND TP đã ban hành kế hoạch số 359 ngày 10/12/2024 về việc thực hiện phong trào thi đua Sáng Xanh Sạch Đẹp, Kế hoạch 366 ngày 13/12/2024 về nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường tại 4 quận nội đô, đặc biệt thành phố đang tập trung chỉ đạo việc triển khai chuyển đổi xanh với các phương tiện giao thông công cộng với mục tiêu đến trước 2035 toàn bộ 100% phương tiện xe buýt trên địa bàn thành phố sử dụng năng lượng sạch.
“Có thể nói cả hệ thống chính trị thành phố đã và đang vào cuộc với quyết tâm cao nhằm xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên thách thức này không thể chỉ giải quyết bằng nỗ lực của Chính quyền mà cần sự tham gia chung tay góp sức của toàn xã hội", ông Quyền nói.
Phó Chủ tịch TP. Hà Nội kêu gọi toàn thể cộng đồng Thủ đô từ mỗi người dân, doanh nghiệp cho tới các tổ chức đoàn thể hãy cùng ý thức và hành động bảo vệ môi trường sống của chúng ta. Những hành động thiết thực không chỉ quá lớn lao nhưng nếu được thực hiện đồng bộ sẽ mang lại tác động mạnh mẽ, có thể bắt đầu từ việc chuyển sang sử dụng xe điện hoặc các phương tiện giao thông công cộng điện hóa, không sử dụng bếp than, đốt rác ngoài trời, tăng cường trồng cây xanh, bảo vệ không gian xanh tại nơi mình sinh sống.
“Hãy cùng nhau quyết tâm hành động ngay từ ngày hôm nay vì mục tiêu cao cả đó để Hà Nội của chúng ta là thành phố sáng, xanh, sạch đẹp và thực sự là nơi đáng sống”, Phó Chủ tịch TP. Hà Nội nói.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng