Chú thợ hồ 62 tuổi có thân hình lực sĩ ở Sài Gòn: "Đi coi phim Mỹ thấy diễn viên sao đẹp quá, to con quá, chú mê!"
Người đàn ông làm thợ hồ, hàng ngày vẫn bưng xi măng, trộn vữa, sơn sửa, xây nhà rồi ngẫu nhiên biết đến môn thể thao gọi là thể hình cách đây tròn 10 năm, cũng là bắt đầu thời điểm bị nó “bắt vía” rồi dồn hết ý chí và đam mê để trở thành một “kiến càng”.
Người đàn ông này là diễn viên điện ảnh chuyên đóng vai lực sĩ? Vận động viên thể hình chuyên nghiệp? Hay vận động viên quyền Anh? Nếu không có mái tóc bạc trắng, bạn đoán ông bao nhiêu tuổi?
-Chú đi tập về, ngang qua chỗ chợ Bến Thành người ta ăn nhậu đông đúc lắm, là không biết bao nhiêu người dòm theo đó con. Có lần có cô Tây đang cầm đôi đũa gắp mì lên mà sựng tay lại cứ vậy cái gắp mì để y nguyên ngay miệng mà cái đầu ngoái lại cả nửa vòng nhìn theo chú. Lần khác một đám Tây còn chặn xe chú lại rờ rờ tay với ngực chú xong giơ ngón cái lên “good good”. Với nói nhỏ chớ, tập cái này bận đồ dễ đẹp lắm. Chừng này tuổi mà vậy cũng tự hào lắm chớ - chú Võ Văn Vân khoe.
Phòng tập tự chế từ đồ ve chai
Trên cái gác gỗ vách tôn ở tầng thứ 3 của ngôi nhà nằm đầu con hẻm nhỏ bên rạch Ụ Cây quận 8 (TP HCM) là một phòng tập thể hình riêng, có lẽ thuộc vào hàng đặc biệt. Trên tấm vách đối diện cầu thang là 5 thanh sắt ngắn dài đủ cỡ buộc ngay ngắn, dùng để móc tạ. Chéo góc giữa hai tấm vách là thanh xà để đu người, tập tay, tập bụng. Phía tấm vách đối diện ngay tầm mắt có miếng bìa carton nhỏ, viết bằng thứ chữ rất ngay ngắn nắn nót ghi công thức của bài tập bụng. Áp tường, một khung sắt chắc chắn hai tầng sơn nhiều màu với những sợi dây phấp phới, nơi chủ nhân của nó gác các thanh gỗ dài để tập bụng, ngực, tay. Bên trên để đủ thứ dụng cụ nho nhỏ lạ mắt. Trên sàn, một chiếc ghế tập dài. Quanh góc căn gác: vài chục bộ tạ sắt đủ các cân nặng. Ở vị trí dễ thấy treo tấm ảnh một người đàn ông nước ngoài-có lẽ là diễn viên hay ngôi sao thể hình quốc tế nào đó đang khoe bộ ngực vồng căng, chiếc bụng sáu múi săn chắc, bắp tay cuồn cuộn.
Và dĩ nhiên, không thể thiếu vài tấm gương to, để người tập vừa tập vừa ngắm cơ thể mình và động tác.
Tất cả các thiết bị đủ để tập mọi bài tập thể hình đó gói gọn trong phạm vi 5m2, thế giới thiên đường của một tay chơi thể hình nghiệp dư. Toàn bộ dụng cụ đều là đồ chú tự chế suốt hơn một năm, lượm lặt từ khắp các vựa ve chai mang về đặt thợ hàn theo ý mình.
Nhưng thế vẫn chưa đủ đặc biệt.
Đây là điều đặc biệt thứ nhì: chú làm thợ hồ, hàng ngày vẫn bưng xi măng, trộn vữa, sơn sửa, xây nhà. Chú chỉ biết đến có một môn thể thao gọi là thể hình cách đây tròn 10 năm, cũng là bắt đầu thời điểm bị nó “bắt vía” rồi dồn hết ý chí và đam mê để trở thành một “kiến càng”.
Còn điều đặc biệt nhất: chú chỉ bắt đầu tập luyện năm 52 tuổi. Năm nay, chú tròn 62.
-Làm hồ nặng lắm con. Trời nắng như vầy giang cả ngày ngoài nắng, tới trưa nghỉ chút ăn miếng cơm cũng không vô đâu. Hết ngày về chỉ có muốn nằm ra thôi. Nhưng chú thì cứ đi làm về là chú đi tập. Hầu như không bỏ ngày nào. 10 năm nay đều đặn như vậy đó.
Tấm hình người diễn viên trên phòng tập riêng của chú Vân là thần tượng của chú, từ hồi chú học lớp 7. Có điều chú không còn nhớ tên người diễn viên ấy nữa.
- Đi coi phim Mỹ thấy diễn viên sao đẹp quá, to con quá, chú mê. Chú ước gì mình cũng được đẹp như vậy. Nhưng thích thì thích chớ đâu có biết nó là môn gì, làm sao để được vậy. Nhà chú nghèo, tám đứa em, nên chú học hết 12 thì đi bộ đội. Vô lính là chú đi đá banh nghen, chú làm thủ môn giỏi lắm, đi đá khắp nơi cho quân đội, nhờ vậy mới phụ cha mẹ nuôi được đám em đó.
Xong rồi giải ngũ, lấy vợ, chạy xe ôm mười mấy năm, phụ hồ kiếm sống. Chú vẫn chẳng biết thể hình là gì.
Cho tới cái ngày chú gặp Toàn, lúc Toàn kêu thợ vô sửa cái nhà này để mở phòng tập thể hình. Sửa xong, tới ngày 07/3/ 2009 - chú nhớ cái ngày này suốt đời nha con - lúc đó khoảng 5h tới 6h sáng, phòng tập khai trương, chú đi thẳng vô đăng ký. Rồi tập luôn cho tới bây giờ.
Hai giờ đêm còn tập
Những bức ảnh người đàn ông tóc bạc nhưng tay, vai cuồn cuộn trong phòng tập lan tỏa khắp nơi.
Chú Vân nổi tiếng chỉ sau một bức ảnh-chú cười nói. “Cũng vui lắm. Đi tới đâu cũng có người nhận ra chú. Có bữa về quê đứng chờ phà cũng có người tới xin chụp hình. Có bữa chú với Toàn ngồi ăn gần phòng tập, thấy bàn bên cạnh cứ nhìn nhìn hoài, mình nghĩ không biết có chuyện gì. Ai dè lát sau người ta qua xin chú với Toàn cho chụp chung tấm hình, vì thấy trên tivi rồi giờ mới gặp ngoài đời, nhìn người thấy đẹp quá. Còn ngay phòng tập này nè, giờ có những người lớn tuổi hơn chú nữa. Họ nói trước giờ không nghĩ lớn tuổi rồi còn tập để có cơ bắp đẹp như vậy, giờ thấy tấm gương của chú nên quyết tâm tập lại.
-Có nhiều bữa 2 giờ đêm rồi cô còn nghe tiếng lụp cụp lạc cạc dưới nhà. Cô ngó xuống thấy chú còn tập tạ. Cô rầy “Bộ ông khùng rồi hả”-Cô Nguyễn Thị Tám, vợ chú Vân cười kể-Mà nói vậy thôi, chớ thấy chú tập xong khỏe mạnh, không bị bệnh của người già đâu, nên cô cũng không có cản.
-Tại cô hổng biết đó. Lúc đó hổng phải chú tập mà chú nghiên cứu. Thấy mình tập hoài mà sao cơ không to ra, nên phải nghiên cứu tập như thế nào, vừa tập vừa quan sát cái cơ đó-Chú Vân cười giải thích.
Chung thủy với phòng tập đầu tiên, hàng ngày đi làm về chú Vân chạy xe tiếp 15 km từ quận 8 sang quận 2.
- Mùa mưa có khi nước ngập tới bụng, chú cắn cái bóp (ví) ở miệng vầy nè, rồi cứ chạy xe tèn tèn đi, vậy rồi cũng tới. Có bữa còn hai chục ngàn trong túi, nghĩ đủ rồi, ai dè xe bể bánh, phải dắt cả cây số. Tập xong mới mượn tiền anh em sửa chạy về. Có bữa đi làm về rêm hết mình mẩy, nghĩ chạy xe tiếp 15 cây số đi tập cũng ngán nhưng chú vẫn cứ đi. Không tập nó khó chịu còn hơn mình bị cảm hay sốt lận.
Những múi cơ “trời cho”
Để có thể hình chuẩn, lên cơ đẹp và giữ khối cơ được rõ nét, người tập thể hình thường phải giữ chế độ ăn nhiều năng lượng, nhưng khá kham khổ về khẩu vị.
Lực sĩ “đời đầu” Lý Đức (7 lần vô địch châu Á hạng cân 80 kg) từng chia sẻ bữa ăn trước khi đi thi khiến nhiều người rùng mình: 300 g thịt bò, 1 kg thịt gà, 20 lòng trắng trứng gà (thỉnh thoảng có lòng đỏ), 1 kg táo, 2 kg chuối, uống từ 1 đến 2 lít sữa tươi kèm bơ, sữa chua từ 80 đến 100 g. Gần hơn, lực sĩ Phạm Văn Mách (8 lần vô địch châu Á, 5 lần vô địch thế giới hạng 55 kg, cao 1,55m) mỗi ngày 7 bữa, riêng 4 bữa chính đã tổng cộng 0,6 kg ức gà, 1 kg thịt bò, 10 lòng trắng trứng gà (ăn kèm phở vào buổi sáng), cơm, cá, uống 250 g bột protein cùng hoa quả và rau.
Người tập nghiệp dư ít nhất cũng phải có chế độ ăn nhiều đạm gấp mấy lần người khác, đồng thời uống thêm bột đạm để giảm lượng mỡ, tăng cơ và và bồi đắp sức lực sau những giờ tập nặng quần quật.
Chú Vân thì không. Vợ chú làm nghề giúp việc nhà, đều việc thì cả tháng lãnh được 2,4 triệu đồng. Còn chú, ra tết như tháng này chưa ai sửa sang xây cất thì hầu như ngồi không. Căn nhà mua lại từ bên vợ rộng chưa tới 8 m2, dựng lên thêm hai tầng gác gỗ, mỗi tầng chỉ làm được một công năng. Chú Vân làm gì có tiền mua bột đạm, thực phẩm chức năng hay vitamin tổng hợp. Đến bữa ăn uống hàng ngày cũng đạm bạc.
“Nên tôi cũng khá bất ngờ, không biết giải thích trường hợp này như thế nào, nhưng cơ bắp của chú Vân như được trời cho vậy. Cơ bắp của chú rất đẹp, rất “khô” (tức tỷ lệ mỡ trong cơ thể thấp, nhìn bên ngoài thấy làn da mỏng, nổi rõ cả các búi cơ nhỏ và các thớ cơ) và sắc nét. Đây là điều quan trọng nhất trong thể hình, chứ không phải cứ “to” là đẹp. Chú Vân hoàn toàn có thể trở thành vận động viên chuyên nghiệp, đi thi đấu”-Phạm Khánh Toàn, chủ phòng tập thể hình cùng tên ở đường số 2, phường Bình An, quận 2, cũng là huấn luyện viên của chú Vân suốt 10 năm nay nhận xét.
Câu chuyện của Toàn. Cuộc gặp của hai người đàn ông ý chí thép
Giống như chú Vân, Toàn cũng là một người đàn ông có ý chí thép và khởi đầu không khác gì chú.
Năm 17 tuổi, gia đình lâm cảnh khó khăn đến kiệt quệ, Toàn theo cha mẹ từ Pleiku (Gia Lai) xuống Sài Gòn. Cả nhà ở thuê trong căn phòng trọ nhỏ xíu. “Tôi nằm trên gác, dưới cái mái tôn. Mỗi khi ngủ dậy thấy mồ hôi tuôn ra in rõ cả hình người nằm trên chiếu”-Toàn nhớ lại.
Vốn chơi bóng giỏi từ bé, Toàn có niềm say mê với thể thao. Sau khi làm đủ thứ công việc lao động thời vụ để kiếm sống, nhờ siêng năng và chịu khó, Toàn được giao phụ giúp công việc linh tinh cho một phòng tập thể hình nhỏ ở quận Tân Bình và được tập miễn phí. Cơ hội của Toàn bắt đầu từ đây.
“Nhìn người ta tập đẹp quá, tôi thích và bắt đầu nghĩ chỉ trở thành huấn luyện viên chuyên nghiệp mới có thể thay đổi được cuộc sống cho gia đình mình. Lúc đó người ốm nhom, vô tập mắc cỡ lắm vì sợ người ta thấy cơ thể xấu của mình. Nhưng tập được một tháng tôi lên được 2,7 kg; tôi nhớ con số này cho tới bây giờ... À vậy là khi tập, cơ thể mình có thay đổi. Tôi bắt đầu tập như một thằng điên, sáng 3 tiếng, chiều 3 tiếng, cởi áo ra tập, ai nhìn ai chê mặc kệ. Không có tiền mua thịt bò thịt gà ăn cho lên cơ thì tìm loại thay thế: đậu hũ, cá, lòng trắng trứng gà… Chuối người ta bán loại ngon 3.000 đ/kg, mình phải mua loại hơi bị dập dập 2.000 đ/kg mà ăn.
Một năm sau, tôi lên 27 kg. Đi thi đoạt ngay Huy chương vàng giải Trẻ TP HCM năm 2.000”.
Ba năm sau, vào 2003, gom góp từ mấy chục người bạn, mỗi người cho mượn một vài triệu, Toàn mở phòng tập riêng đầu tiên ở tuổi 24. Tám năm sau, mở phòng tập thứ hai. Ngoài thi đấu chuyên nghiệp, Toàn còn thỉnh thoảng làm người mẫu ảnh cho tạp chí.
21 năm tập luyện, bây giờ nhìn chàng trai cao 1, 79 m, nặng 83 kg này, đố ai nghĩ Toàn 41 tuổi.
Chú Vân cũng y chang.
“Đi làm xây dựng người ta kê cái dàn giáo ở đâu là chú Vân tới đu lên đu xuống tập vậy đó. Tối về nhà thì hít đất. Nhưng tới một bữa chú Vân nằm võng trong nhà, còn cô pha ly cà phê để trên cái bàn cách mấy bước vầy nè. Vậy mà chú Vân nhìn tới thì không thấy cái ly cà phê đâu hết. Té ra tại cái bụng mình độn lên nó cản tầm nhìn, trời ơi, bụng bự dữ lắm. Chú Vân nghĩ chết chết, hổng được rồi, hóa ra mình nghĩ đu xà với hít đất là đủ rồi mà cái bụng đâu có xuống. Mình phải đi tập thôi chớ như vầy bịnh chết.
Hồi trước lúc cô chưa bị tai biến thỉnh thoảng lại xỉu trong nhà, suốt chín năm trời ngày nào chú Vân cũng đi tập, không bỏ bữa nào. Chủ nhật phòng tập nghỉ thì chú điện thoại Toàn mở cửa để chú tập. Vô phòng tập là không nói chuyện với ai, không nghĩ về cái gì khác. Tới nỗi chú phải ráng làm cái phòng tập ở nhà để lúc nào cũng được tập.”-lực sĩ 62 tuổi kể.
“Cũng là thể thao, nhưng đá banh là trò chơi linh hoạt, vui vẻ, được cổ vũ. Còn thể hình rất nhàm chán và nặng nề. Ngày nào cũng chỉ mình mình đối diện với tạ và tạ, hôm nào khỏe còn thấy vui, hôm nào mệt thấy tạ phát ngán. Lượng người đăng ký tập mới nhiều lắm, nhưng số người theo đuổi được chưa đến phân nửa. Có những người đến đóng tiền đúng một ngày, tập xong là biến mất. Muốn có kết quả trong môn này, phải tìm cho ra động lực khiến mình tập. Và phải nghiêm túc, đam mê, có ý chí, tập trung trong khi tập và tôn trọng nó”-lực sĩ 41 tuổi kể.
Hai người đàn ông có cùng xuất thân gian khó, được khuyến khích bởi những động lực khác nhau nhưng cùng một nghị lực sắt đá và sự tôn trọng cao độ với lựa chọn của mình, tình cờ gặp nhau rồi thành thâm tình. Khi gia đình chú Vân gặp khó khăn, Toàn và những anh em trong phòng tập mỗi người một ít chung tay giúp đỡ. Từ lâu, quan hệ giữa họ không còn chỉ là huấn luyện viên-chủ phòng tập với khách, hay giữa những người tập với nhau, mà đã thành tình nghĩa.
Cái tình ấy khiến chú Vân bật khóc ngay trên sân khấu cuộc thi Mãi mãi thanh xuân HTV7 tổ chức, khi Toàn và các anh em trong phòng tập bất ngờ xuất hiện và cùng Ban tổ chức trao cho chú cúp vàng “Quý ông cơ bắp” của cuộc thi.
Mãi mãi thanh xuân và thâm trọng nghĩa tình, cho dù tuổi tác bao nhiêu, cho dù hoàn cảnh thế nào. Những lực sĩ vượt khó bằng nghị lực và ý chí sắt thép đã kể cho chúng ta nghe hơn cả một câu chuyện về những bắp thịt.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng