Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: "Những đứa trẻ ngoan ngoãn biết nghe lời sau này sẽ không làm nên chuyện"

    PV,  

    "Nếu coi Việt Nam là một gia đình và Startup là những đứa con, thì bố mẹ phải tôn trọng con cái, khuyến khích con có tư duy sáng tạo", ông Bình chia sẻ

    Trao đổi bên lề hội thảo Công bố báo cáo phát triển thế giới 2016: Lợi ích số, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình cho rằng ông đã nghĩ một cách hết sức bài bản về việc làm thế nào để Việt Nam thực sự trở thành một quốc gia khởi nghiệp .

    Để làm được điều này, ông Trương Gia Bình cho rằng Việt Nam cần làm được 3 việc.

    Đầu tiên, nếu coi Việt Nam là một gia đình và Startup là những đứa con, thì bố mẹ phải tôn trọng con cái, khuyến khích con có tư duy sáng tạo.

    “Chuyện rất đơn giản như con viết tay trái, mọi người viết tay phải. Dù nó chả giống ai trong nhà, nhưng hãy nói: Con viết tay trái hay lắm!”

    “Hãy nói: Con sẽ làm được những điều rất tuyệt vời khi con tạo sự khác biệt. Hãy làm bánh theo kiểu con thích, cắt tóc theo kiểu con muốn. Những đứa trẻ ngoan ngoãn biết nghe lời sau này sẽ không làm nên chuyện!”, ông Bình lấy ví dụ.

    Thứ hai, hãy tăng cường việc đưa vào nhà trường những câu chuyện như Michael Dell bán tẩy cho bọn trẻ. Hãy đưa vào những nội dung như Thế nào là khởi nghiệp? Sáng tạo? Thế nào là Doanh nhân? Về Âm nhạc đã sản sinh những con người này?..., tức một kiến thức về những con người vĩ đại trên thế gian bằng Startup . Tất cả điều này nhà trường cần dạy trẻ con từ bé.

    Hãy chia lớp thành 3 nhóm để chế tạo tàu chạy bằng xà phòng chẳng hạn, rồi thi xem nhóm nào chạy nhanh hơn. Hãy dạy chúng cạnh tranh bằng chính hành động và sản phẩm!

    Đến đại học, dứt khoát phải có Incubators (Vườn ươm – những chương trình hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp) để hỗ trợ các em.

    Thứ ba, về tài chính, phải có các nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm…, tức có cả hệ sinh thái khởi nghiệp . Sinh viên phải biết chúng còn thiếu cái gì? Ai giải bài toán cho chúng? Ai chia sẻ với chúng kinh nghiệm?

    Hãy mở cửa cho quỹ đầu tư nước ngoài, đem tất cả kiến thức hiện đại nhất về phát triển Startup. Ở Israel có hình thức đầu tư Yozma, tức các quỹ đầu tư mạo hiểm do Nhà nước lập ra và đầu tư một khoản tiền để cổ vũ cho khối đầu tư tư nhân tham gia.

    “Ở Israel có khoảng 20 quỹ như vậy và quy mô khoảng 400 triệu USD. Khi được lợi, Nhà nước cho các công ty tư nhân hưởng lợi chính, họ chỉ thu lại vốn và lãi suất theo định mức ngân hàng. Còn lúc thất bại thì họ chấp nhận. Tức, Nhà nước cũng phải mạo hiểm cùng các bạn trẻ”, ông Bình khuyến nghị.

    Nguyên Bảo/CafeBiz/Theo Trí Thức Trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày