Chủ tịch Google biết bạn có thể mất việc vì AI nhưng ông hoàn toàn chấp nhận chuyện đó
Trước chiến thắng đầy thuyết phục của AlphaGo trước kỳ thủ hạng nhì thế giới Lee Sedol, cũng như những lo ngại về việc AI sẽ có thể khiến nhiều người mất việc, ông Eric Schmidt - chủ tịch điều hành Google (nay là Alphabet) - vẫn tỏ ra hết sức tin tưởng về một tương lai tươi sáng mà công nghệ này đem lại.
Cách đây một tháng, khi được hỏi về trận đấu sắp diễn ra với AlphaGo, kỳ thủ Lee Sedol hoàn toàn tự tin rằng anh sẽ chiến thắng tuyệt đối với tỉ số 5-0, hoặc tệ nhất là 4-1.
Đặt trong bối cảnh lúc bấy giờ, khi thuật toán chơi cờ vây của AlphaGo mới chỉ có chưa đầy một năm kinh nghiệm cùng trình độ được tin rằng chỉ ở mức tam đẳng - nếu như đem so sánh với quãng thời gian nỗ lực 20 năm ròng để Lee Sedol đạt được trình độ cửu đẳng hạng nhì thế giới - thì sự tự tin của kỳ thủ này hoàn toàn có cơ sở. Lúc đó, ai cũng nghĩ rằng, AlphaGo đang "múa rìu qua mắt thợ", và máy tính còn lâu mới đánh cờ vây thắng được con người.
Ấy vậy mà, trái với dự đoán của tất cả, AlphaGo đã giành thắng lợi chung cuộc một cách đầy thuyết phục với tỉ số 4-1. Kết quả này phần nào cho thấy rằng, chúng ta đã đánh giá quá thấp tốc độ phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt là khi, AlphaGo có thể đạt tới mức tam đẳng chỉ trong một thời gian ngắn - trong khi chính Lee Sedol cũng phải mất tới 4 năm để thăng hạng từ nhất đẳng lên tam đẳng chuyên nghiệp.
Trận đấu cờ vây "lịch sử" giữa AI và một trong những kỳ thủ giỏi nhất thế giới
Một trong số ít những người không đánh giá thấp sức mạnh của trí tuệ nhân tạo là ông Eric Schmidt - chủ tịch điều hành Alphabet (từng được biết đến với cái tên Google) - và tư tưởng này có vẻ đang là hướng đi đúng đắn giúp tập đoàn này có thể đáp ứng được mọi nhu cầu của con người một cách thông minh nhất trong tương lai.
Trả lời tạp chí The Telegraph trong trận đấu cờ vây của AlphaGo tại Hàn Quốc, ông Schmidt cho biết:
"Tôi không thể định lượng được mức đầu tư của chúng tôi cho công nghệ AI, nhưng chắc chắn rằng, trong tương lai, AI sẽ xuất hiện trong mọi mặt của cuộc sống... Công nghệ này bắt đầu chỉ với khoảng trăm người tham gia nghiên cứu, giờ con số đó đã lên tới hàng nghìn. Đó là cả một sự đầu tư to lớn về mặt nhân lực... Những người nghiên cứu AI không hề sa vào ngõ cụt, trái lại, họ đang gớp phần xây dựng nên những thứ có thể chạm tới cuộc sống của hàng triệu, triệu người."
Trên thực tế, AI đã, đang và sẽ tiếp tục nâng cao trải nghiệm tương tác của người dùng đối với các dịch vụ của Google, và biến chúng thành một phần ngày càng hấp dẫn đối với cuộc sống chúng ta.
"Rõ ràng là khi AI trở nên ngày càng phổ biến hơn, thì những người đang làm các công việc mang tính chất lặp đi lặp lại sẽ đối mặt với nguy cơ mất việc cao hơn cả... Tôi rất hiểu những luận điểm trái chiều về mặt kinh tế của vấn đề này, tuy nhiên công nghệ này sẽ có ích cho tất cả mọi người trên thế giới - từ người giàu cho đến kẻ nghèo, dù IQ có cao hay thấp đi chăng nữa. Bản thân AI sẽ giúp cho mọi người trở nên thông minh hơn - vậy nên đây là điều tất yếu phải làm."
Bản thân AI sẽ giúp cho mọi người trở nên thông minh hơn - vậy nên phát triển AI là điều tất yếu phải làm
Khi nhìn vào bức tranh toàn cảnh, mặc dù Google vẫn chưa khiến ai "mất mất công ăn việc làm" - như cái cách mà Amazon đã làm đối với ngành công nghiệp xuất bản - nhưng những nỗ lực của tập đoàn này trong việc phát triển AI phần nào cho thấy hướng đi tương tự.
DeepMind - "cha đẻ" của thuật toán AlphaGo - nay đã trở thành một phần của Google, đang bắt tay vào thực hiện một dự án chăm sóc sức khỏe để đưa AI vào hỗ trợ các nhà khoa học, trong việc chữa trị những căn bệnh nan y nhất.
Thế nhưng, những công việc mang tính thường nhật, lặp đi lặp lại sẽ ra sao khi AI thay thế con người? Điều này hoàn toàn có thể diễn ra trong tương lai, nhất là khi máy tính đã có thể đánh bại con người trong một trò chơi tương đối phức tạp như cờ vây. Và khi điều đó thực sự diễn ra, chúng ta sẽ sinh sống trong một xã hội kỹ thuật số toàn cầu như thế nào? Những câu hỏi này, hiện tại vẫn còn đang bị bỏ ngỏ.
Demis Hassabis - "cha đẻ" của DeepMind và thuật toán AlphaGo
Demis Hassabis, sáng lập viên của DeepMind, vẫn đang là tiếng nói hàng đầu trong việc đảm bảo sự an toàn của công nghệ AI đối với xã hội loài người. Đồng thời, ông đã ký vào một lá thư ngỏ, cam kết rằng sẽ không sử dụng công nghệ này vào các mục đích quân sự.
Thế nhưng, đây chỉ là một trong số một vài viễn cảnh đáng sợ có thể xảy ra khi con người phát triển AI. Nếu như trong tương lai, rất nhiều người sẽ mất đi việc làm vì bị trí tuệ nhân tạo thay thế, thì các tập đoàn, chính phủ, cũng như người dân sẽ phải cùng ngồi lại bàn xem, thay đổi nền kinh tế như thế nào là hợp lý trước bối cảnh này.
Theo như Schmidt, ông hiểu rất rõ những "luận điểm kinh tế" xung quanh các nguy cơ về vấn đề việc làm mà AI đem lại, vậy ông sẽ định đối đầu với những luận điểm này như thế nào trong tương lai?
Tham khảo Thenextweb
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng