Santiago Lopez, 19 tuổi, sống ở Argentina và Nathaniel Wakelam, 24 tuổi, sống ở Thái Lan đã trở thành triệu phú USD nhờ việc tấn công các hệ thống máy tính, một cách hợp pháp
Tin tặc, trong trí tưởng tượng của hầu hết mọi người là những nhân vật giống như trên TV hay chương trình truyền hình, hay ngồi đội mũ trùm kín đầu trong góc tối và gõ bàn phím điên cuồng để tấn công và chiếm dụng một "kho tiền bí mật" nào đó trên mạng Internet.
Nhưng không phải mọi tin tặc đều là tội phạm. Có một lực lượng gọi là "tin tặc mũ trắng", những người thường được các công ty gạ gẫm để tới tấn công vào hệ thống bảo mật của họ, nhằm phát hiện ra các lỗ hổng để sửa chữa. Và phần thưởng trả công cho việc này là tiền, rất nhiều tiền. Họ gọi đây là "tiền thưởng lỗi"
Các công ty càng lớn càng có khả năng trả khoản tiền khổng lồ cho việc phát hiện lỗi này. Apple gần đây đã cung cấp một khoản tiền thưởng trị giá 1 triệu USD cho bất kỳ ai có thể xâm nhập vào iPhone, bằng cách sử dụng một bản hack cụ thể.
Dưới đây là câu chuyện về hai tin tặc trẻ tuổi, đã trở thành triệu phú USD ở tuổi chưa tới 25, nhờ việc săn tiền thưởng này.
Tin tặc "mũ trắng" Santiago Lopez.
Santiago Lopez, 19 tuổi, hiện đang sống cùng bố mẹ tại Buenos Aires, Argentina. Vào tháng 2 năm nay, anh chính thức trở thành triệu phú USD nhờ các khoản tiền thưởng tìm lỗi, theo HackerOne, một nền tảng chuyên về tiền thưởng lỗi.
Lopez cho biết anh đã bắt đầu hack từ năm 15 tuổi và kiếm được tiền thưởng lỗi đầu tiên ở tuổi 16. Số tiền đó là 50 USD. Mãi cho đến khi anh ký hợp đồng với HackerOne, thanh niên này mới nhận ra mình có thể tạo dựng sự nghiệp từ công việc đặc biệt này.
"Tôi nhận ra rằng mình có thể kiếm được rất nhiều tiền thông qua việc hack máy tính, một cách... có đạo đức. Nền tảng đã mở ra cho tôi cánh cửa tiếp cận tới các tổ chức hàng đầu, những đơn vị sẵn sàng trả khoản tiền rất cao cho các lỗ hổng. Nhờ đó tôi có cơ hội kiếm được nhiều tiền và thực sự tạo dựng sự nghiệp từ việc săn tiền thưởng", anh nói.
Lopez chủ yếu kiếm tiền thông qua các nhiệm vụ mang tính thách thức cá nhân, thay vì các chương trình tiền thưởng lỗi công khai.
"Tôi thường dành khoảng sáu hoặc bảy giờ mỗi ngày để hack, vì vậy nó gần giống như một công việc toàn thời gian", anh nói. "Khi tìm thấy một lỗi, đó như là cảm giác tốt nhất trên thế giới".
Santiago đã tiết kiệm đủ tiền thưởng để mua cho mình hai chiếc ô tô (Peugeot RCZ và Mini Cooper) cùng một ngôi nhà trên bãi biển.
"Tôi sẽ luôn muốn hack vì thích sự thử thách, nhưng tôi muốn đến trường đại học hoặc cao đẳng vào một lúc nào đó và bắt đầu học tập. Sau đó, tôi muốn thành lập công ty riêng của mình trong lĩnh vực bảo mật", anh nói. "Hack sẽ luôn là một phần quan trọng trong cuộc sống của tôi".
Hacker Nathaniel Wakelam.
Còn Nathaniel Wakelam, sinh ra ở Úc, 24 tuổi. Anh là giám đốc an ninh thông tin tại một công ty tư vấn về bảo mật. Bạn bè thường gọi anh là Naffy và gần đây nhất thì anh chàng này đang định cư ở Thái Lan.
Giống như Lopez, Wakelam đã hack khi còn là một thiếu niên. Cụ thể là hack game, nhằm tạo cho mình lợi thế trước các đối thủ.
"Tôi đã tìm thấy các lỗ hổng trong trò chơi, cho phép tôi trở thành vô hình, nhân đôi vàng kiếm được hay di chuyển vào các khu vực bản đồ bị hạn chế", anh chia sẻ. Mặc dù không nói rõ tên của trò chơi, nhưng do đây là một game trực tuyến lớn, cùng với các thông tin về thời gian khiến cho nó có nhiều nét tương đồng với World of Warcraft.
"Sau đó tôi phát hiện ra rằng những gì tôi đang làm khá giống với rất nhiều vai trò trong lĩnh vực bảo mật", Naffy nói.
Khi trở thành sinh viên, anh đã đi làm thêm trong một trung tâm trực điện thoại với thời gian 5 tiếng mỗi ngày. Nhưng công việc khá vất vả và thu nhập cũng không cao.
"Sau khi làm ở đó một tháng, tôi nhận ra rằng công việc này không bền vững. Đồng thời, Yahoo vừa tạo ra chương trình tiền thưởng lỗi của họ. Tôi đã nhanh chóng kiếm được 60.000 USD tiền thưởng lỗi và quyết định biến nó trở thành việc làm toàn thời gian của mình", anh nói.
Hiện nay, Wakelam đang làm việc với các đối tác lớn như Riot Games, công ty phát triển game đứng sau trò chơi nổi tiếng Liên minh huyền thoại, hay nhà mạng Verizon.
Không giống như Santiago, lịch trình làm việc của Wakelam rất khác biệt. "Khi tôi không tìm thấy nhiều lỗi, tôi có thể chỉ phải làm việc 5 giờ mỗi tuần. Nhưng có khi lên tới 30-40 giờ mỗi tuần", anh cho biết.
Wakelam cũng cho biết anh không thể tưởng tượng ra một tương lai cho chính mình mà không liên quan tới hack. "Sau khi làm việc với tư cách là một nhà tư vấn và trong lĩnh vực tiền thưởng lỗi nhiều năm, gần đây tôi đã mở chi nhánh để bắt đầu một công ty tư vấn bảo mật máy tính có tên Gravity. Không thể thấy bản thân mình có thể làm bất cứ điều gì khác", anh nói.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng