Với mức độ tiêu thụ như hiện nay, một số game thủ Việt Nam cũng có thể chơi các tựa game A mà chẳng phải suy nghĩ gì. So với các bạn bè quốc tế, một số người thậm chí luôn được tiếp cận game sớm hơn (ví dụ như nhà báo). Đó là điều kiện khá khách quan để game thủ Việt "nhìn ra thế giới" và nhìn ra vị trí của mình.
Cứ như hiện tại, phần lớn người chơi không cần phải lựa chọn nhiều, hầu hết những gì họ "muốn" chơi đều đã được đưa đến tận tay: Call of Duty, Battlefield, Bioshock, Infamous... những đầu game lớn với chi phí đầu tư "nhẹ nhàng" cũng lên đến hàng chục triệu USD.
Mặc dù các trò chơi điện tử hiện nay khá giống nhau - nói thẳng ra là được thiết kế "dễ chơi, dễ làm quen" hơn trước khá nhiều. Hàng ngày các game thủ vẫn bỏ khá nhiều thời gian cho đam mê của mình, thậm chí thi thố với hàng triệu người bạn "đồng cảnh ngộ" khác. Ngành công nghiệp game chưa bao giờ có sự đồng nhất ở mức độ như hiện nay.
Cùng với sự mở rộng về quy mô, các "ông lớn" của làng game cuối cùng đã có thể thực sự nắm được phản hồi chính xác của cộng đồng, rồi bằng một cách nào đó, sử dụng và khai thác các ý kiến này. Điều kiện ổn định đó đã cho phép họ khống chế được sản phẩm của mình, quy hoạnh được khách hàng và có một cảm giác tốt hơn về "điểm rơi" của sản phẩm. Bởi vậy, khi phát hiện ra một đề tài hay, một "sở thích" của cộng đồng game thủ hoặc một nhóm game thủ tiềm năng nhất định, họ sẽ không ngừng khai thác chúng.
Không ai có thể trách một doanh nghiệp khi họ tiếp tục khai thác xu hướng thị trường thuận lợi. Nói một cách khác, không thể trách các nhà phát triển khi họ đi theo con đường bằng phẳng để tìm giải pháp cho những dự án cả trăm triệu USD. Game, ở tầm cỡ cao nhất mà ngành công nghiệp hiện tại có thể mang lại, luôn phải đạt được những chỉ tiêu nhất định.
Đó là lý do làm các tựa game ngày nay trở nên "giống nhau". Thật khó có thể bắt một bộ máy hơn 300 người được thuê bởi một ông chủ giàu khú khụ, ngày đêm làm việc để mang đến cho các bạn một ý tưởng mới. Không! Họ sẽ làm việc ngày đêm để mang đến cho các bạn một sản phẩm có thể bán được ít nhất một triệu bản! Và chúng ta, người chơi, có ít nhiều trách nhiệm trong xu hướng đó.
Giới chơi game trước đây chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong xã hội. Vì sao vậy? Vì lúc đó gaming cũng chỉ đóng một vai trò rất khiêm tốn trong cả ngành giải trí. Phần lớn trong số những người tiên phong đó đều tìm kiếm một cái gì đó không có sẵn trong mặt bằng sản phẩm hiện tại. Họ tìm kiếm, thử thách và nghiên cứu bản thân, khích lệ những người làm game và truyền cảm hứng đến một thế hệ sau đó. Nhờ vậy, chúng ta có được những tựa game thực sự đột phá trong giai đoạn 80-90. Chúng ra đời bởi vì người chơi thực sự đòi hỏi các trò chơi có sự sáng tạo nhất định ở phân khúc đó.
Quay trở lại với nền công nghiệp ngày nay. Có thể nói tình trạng chơi và tiêu thụ game hiện tại làm một số "người già" không thỏa mãn. Các tựa game A hiện nay, chúng đồng đều, chất lượng nhưng thực sự thiếu một dấu ấn. Tư duy và gánh nặng về lợi nhuận đã ăn sâu vào những tầng cao nhất của bộ máy làm game, các ý tưởng mạo hiểm bị đánh giá thấp... đó là những gì mà người chơi chúng ta đang tự chuốc lấy bởi sự dễ dãi của mình.
Có lẽ đã đến lúc người chơi nên chú ý nhiều hơn đến các sản phẩm có giá trị về mặt ý tưởng, với sự mới mẻ và những trải nghiệm mới. Trong đó, phải kể đến các tựa game indie. Mặc dù có thể hơi rẻ tiền, hoặc không đem lại những trải nghiệm mượt mà và phổ biến, chúng đóng góp rất nhiều trong việc nâng cao trình độ và mở mang cảm quan của người chơi game. Như đã nhắc tới ở trên, có một chênh lệch khá rõ giữa trình độ người chơi và chất lượng sản phẩm.
Các bạn có thể chưa ý thức được điều này, nhưng ngành công nghiệp trò chơi điện tử mở mang được như ngày nay là do ảnh hưởng của những người - cả trong nghề lẫn người chơi, đi trước. Nếu như tiếp tục chỉ tiêu thụ mà không có mở rộng như hiện nay, các trò chơi điện tử sẽ chẳng để lại dấu ấn gì cho giai đoạn sau cả. Đó là lý do giải thích tại sao, những siêu phẩm có giá trị biểu tượng như Mario ngày càng ít xuất hiện trong thế giới game.