Chuột chơi game SteelSeries Rival - Vua chiến trường FPS
(GenK.vn) -Steel Series Rival xứng đáng trở thành vị vua mới trong số các loại chuột dành cho game thủ chơi game bắn súng.
Được định vị từ lâu trong cộng đồng game thủ ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, SteelSeries được biết tới là một hãng sản xuất Gaming Gear hàng đầu với những mẫu sản phẩm chú trọng tới yếu tố hiệu quả sử dụng. Nói về chuột chơi game, SteelSeries nổi tiếng với những mẫu sản phẩm thô không màu mè nhưng cảm giác sử dụng thì lại vượt trội so với nhiều thương hiệu khác.
Không chỉ có thiết kế tốt phù hợp với sinh trắc học cơ thể của người, SteelSeries còn nổi tiếng từ trước với truyền thống chuột dành cho người thuận cả 2 tay. Nghĩa là có hình dạng gần như đối xứng đều 2 phía để sản phẩm của SteelSeries phù hợp nhất với tất cả mọi người.
Trong năm 2013, SteelSeries đã có một sự thay đổi tương đối lớn với điển hình là sự đầu tư một chút về mặt hình ảnh nhưng họ cũng không quên cải tiến chất lượng trải nghiệm trên mỗi sản phẩm và tất cả những thay đổi đó được hội tụ trong sản phẩm mới nhất SteelSeries Rival.
SteelSeries Rival là dòng chuột hiếm hoi mà SteelSeries tạo ra có thiết kế bất đối xứng và chỉ dành cho người thuận tay phải, một bước nhỏ nhằm phân hóa đối tượng game thủ mà trước giờ hãng này vẫn gói gọn vào làm 1.
Mở hộp
Vẫn giữ phong cách đóng gói sản phẩm quen thuộc, toàn bộ thông tin của Rival được SteelSeries in đầy đủ ở 4 mặt hộp và mặt trong của hộp dành cho những người quan tâm muốn nắm rõ tất cả sản phẩm họ sắp sở hữu.
Bên trong hộp ngoài chuột thì chỉ còn 1 tờ hướng dẫn mỏng và 1 thẻ Name Tag gắn ở đuôi chuột, thẻ này có thể thay thế tùy theo sở thích của người dùng. Theo như một số thông tin mà chúng tôi từng đưa trước đây thì SteelSeries sẽ có kế hoạch cung cấp dịch vụ tạo Name Tag này theo yêu cầu trong tương lai gần, khi mà Rival chứng minh được độ phủ của nó trong giới game thủ.
Đánh giá thiết kế
Hình thức không lôi cuốn vẫn là đặc điểm dễ thấy ở triết lý thiết kế sản phẩm của SteelSeries, Rival nhìn từ bên ngoài lúc chưa cắm vào máy tính khá thô, không có nhiều khối màu nổi bật giống như Sensei hay Kana, nhưng bù lại, hãng này lại tập trung đầu tư hơn về mặt tính năng và thực tế sử dụng của sản phẩm.
Điểm đầu tiên mà nhìn từ ngoài vào chúng ta có thể thấy ngay chính là lớp ngoài của Rival được phủ sơn chun chống bám mồ hôi và tăng ma sát khi tay bị ra mồ hôi so với loại mặt sơn bóng thông thường. Lớp phủ này khiến cho Rival khi lên ảnh bị thô hơn so với những sản phẩm phủ sơn bóng khác nhưng bù lại trải nghiệm khi sử dụng lại rất khác, cảm giác tương đối giống với huyền thoại DeathAdder. Tất nhiên sơn sần trên Rival không phải là hoàn hảo bởi trong thời gian sử dụng lâu dài, mồ hôi và bụi bẩn tích lại trên bề mặt của chuột khiến cho Rival rất khó lau chùi và nếu chùi hơi quá tay bằng các dung dịch tẩy rửa thì nguy cơ bong mất lớp phủ chống trượt là rất cao.
Thiết kế của SteelSeries Rival có trọng tâm được xô lệch sang phía bên phải phù hợp với trạng thái thư giãn nhất của cổ tay người khi đặt trên bàn đó là hơi nghiêng ra ngoài, trong trạng thái này, Rival sẽ nằm gọn và ôm sát với lòng bàn tay phải hơn.
Đặc biệt, Rival được trang bị 2 đèn led ở con lăn và ở vị trí logo với khả năng tùy biến màu sắc theo ý thích là điểm duy nhất trên SteelSeries Rival đánh vào yếu tố bắt mắt không hướng tới hiệu năng sử dụng, một trào lưu mà Razer phát động mà rất nhiều hãng buộc phải công nhận rằng những thứ bắt mắt thế này vẫn được game thủ chuộng hơn.
Hai bên hông của chuột là 2 miếng Cao su được thiết kế dưới dạng nhiều chấm nhỏ lồi lên khỏi bề mặt, những chấm nhỏ này sẽ tăng thêm diện tích tiếp xúc giữa ngón tay và tấm giữ, đồng thời lại được đặt ở vị trí các đầu ngón tay kẹp chuột nên mức độ bám và kiểm soát tốt chuột của game thủ cũng được tăng cao.
Nhờ vào 2 tấm tăng ma sát này mà kể cả những game thủ có bàn tay tương đối nhỏ khó có thể kiểm soát được những con chuột to như DA vẫn có thể điểm khiển một cách nhuần nhuyễn Rival. Đây có thể nói là điểm mạnh không nhỏ về thiết kế mà SteelSeries Rival có được.
Chất lượng nút bấm
Theo như một số tài liệu quảng cáo của SteelSeries thì 2 button chính trong chuột là nút chuột trái và phải được trang bị một loại Switch đặc biệt do SteelSeries tự nghiên cứu và sản xuất đặc biệt là cho độ bền lên tới 30 triệu Click, thực tế vẫn chưa thể kiểm chứng được độ bền của loại Switch này nhưng qua thực tế sử dụng thì Switch của SteelSeries tương đối nặng và độ nảy không cao một phần cũng do hành trình của nút bị giới hạn bởi vỏ chuột hơi thấp.
Vị trí 2 nút Back và Forward không thấp và nhạy như IE, khiến cho thao tác sử dụng 2 phím này trong game hơi phải với và dùng lực nhiều dễ khiến tâm ngắm trong các game bắn súng bị xê dịch khi cần dùng 2 nút này, nhưng nó lại làm giảm bớt được sự phiền toái vì bấm nhầm khi dùng các tác vụ khác ngoài game.
Con lăn của Rival cũng được bọc cao su có vân ngang khá sâu để tăng cảm giác cuộn nhưng về lâu dài đây sẽ là nơi phải vệ sinh rất kỹ vì bụi bẩn.
Đánh giá mặt dưới
Mặt dưới của chuột máy tính là nơi không nhìn thấy khi sử dụng nhưng nó là chỗ có những thành phần quyết định tới 60% chất lượng của một con chuột.
Đầu tiên là Feet chuột, feet của SteelSeries Rival được làm bằng nhựa Teflon quen thuộc trong hầu hết các chuột chơi game, đặc tính của loại nhựa này là có hệ số ma sát thuộc loại thấp nhất trong các loại nhựa nhưng lại có độ mềm dẻo và chống mài mòn cực cao vì thế mà hiện nay phần lớn chuột chơi game đều sử dụng loại này làm feet chuột.
Feet của Rival được thiết kế tương đối dày, khoảng cách giữa mặt chuột tới mặt của feet có thể lên tới 0,2 mm, diện tích của 4 tấm feet cũng tương đối to nên khó bị mài mòn hơn nếu chú ý chọn Mouse Pad chất lượng cao.
Thành phần thứ 2 và cũng là thành phần quan trọng nhất của chuột chơi game chính là sensor. Rút được kinh nghiệm từ những sản phẩm trước như Kinzu v1 từng bị vướng vào những lỗi không thể khắc phục đó là có gia tốc phần cứng, khiến cho độ chính xác của chuột trong những pha lia chuột đẳng cấp bị lệch khỏi vị trí dự tính nên chuột chỉ phù hợp với những game thủ nghiệp dư. Còn ở Rival, SteelSeries đã quay trở lại sử dụng cảm biến của Avago với quảng cáo là không có gia tốc bên trong phần cứng nên Rival tạo được những pha vẩy chuột đẳng cấp hơn hẳn so với Kinzu.
Cảm biến được sử dụng trên Rival là cảm biến quang học mặc dù chúng ta không nhìn thấy đèn led đỏ chói lòa như những loại chuột quang thấp cấp khác. bởi thay vì sử dụng led màu thông thường, SteelSeries đã thay bằng led hồng ngoại, phát ra một loại ánh sáng mà mắt người không thể nhìn thấy nhưng các cảm biến điện tử thì vẫn hoạt động tốt.
Việc SteelSeries vẫn tiếp tục sử dụng cảm biến quang thay vì laser cũng có một phần nguyên nhân đến từ lỗi không thể khắc phục được ở cảm biến laser khi nhấc chuột thẳng đứng khiến cho độ lift off của các loại chuột laser trên thị trường thường lên tới khoảng 10 đến 20 mm. Với SteelSeries Rival, độ lift off của chuột chỉ rơi vào khoảng 2 mm, gần như khó có thể tìm thấy trên thị trường một loại chuột nào có độ lift off thấp như Rival. Tầm quan trong của độ lift off đối với game thủ FPS có lẽ ai từng chơi cũng hiểu được điều này.
Đổi mới về phần mềm
Đối với Gaming Gear, phần mềm hỗ trợ được coi là cánh tay phải không thể thiếu nếu muốn đạt được hiệu quả cao nhất với đồ nghề của mình, bên trong các phần mềm loại này thường có thêm các tùy chỉnh cao cấp đối với thiết bị ví dụ như thiết lập phím, tùy chỉnh CPI chuột hay điều chỉnh mức độ Auto Correction của chuột v.v...
Với SteelSeries thì bộ phần mềm này có tên là SteelSeries Engine. Với Rival, thay vì sử dụng SteelSeries Engine 2 như các sản phẩm trước thì nó lại được ưu ái trở thành đứa con đầu lòng được sử dụng nền tảng phầm mềm SteelSeries Engine 3 mới toanh với những đặc điểm nổi bật có thể kể tới là nhẹ, đơn giản và hiệu quả hơn.
Nhẹ ở chỗ, thay vì chiếm dụng một lượng lớn RAM của máy như các phần mềm thế hệ trước thì phiên bản này hoạt động êm ái mà gần như không ảnh hưởng nhiều tới hệ thống, sắn sàng cho game thủ thiết lập cho phần mềm khởi động cùng Windows.
Đơn giản ở chỗ giao diện rườm rà cổ hủ đã được thiết kế lại hoàn toàn dễ nhìn hơn và dễ hiểu hơn rất nhiều.
Tiện lợi hơn ở chỗ SteelSeries Engine 3 cho phép người dùng quản lý và thay đổi chuột theo các Profile không hạn chế và dễ dàng chuyển đi chuyển lại giữa các Profile.
Tổng kết
Ưu điểm:
- Thiết kế ôm tay, cảm giác cầm chắc chắn nhờ 2 miếng cao su bên hông.
- Feet dày và to, làm bằng Teflon nên đảm bảo ma sát thấp và bảo vệ tốt cho mặt dưới chuột.
- Cảm biến quang học cao cấp khắc phục được phần lớn lỗi ở các sản phẩm đời trước.
- Lớp phủ cao su chống trượt tỏ ra có hiệu quả.
- Có đèn led điều chỉnh được màu theo ý muốn.
- Nút chỉnh CPI được kéo xa khỏi con lăn nên giảm tỉ lệ bấm nhầm.
- SteelSeries Engine 3 có nhiều cải tiến đáng giá.
Nhược điểm:
- Dễ bám bẩn và khó lau chùi.
- Cáp không bọc vải nên có thể ảnh hưởng tới độ bền của chuột trong tương lai.
- Nút chuột hơi nặng và không nảy.
Hiện tại SteelSeries Rival đang được bán tại Việt Nam với giá khoảng 1,2 triệu đồng. Đối với những game thủ FPS chuyên nghiệp thì Rival có thể coi là sự lựa chọn mới hoàn hảo cả về trải nghiệm lẫn chất lượng sản phẩm. Nếu như trong thời gian tới, SteelSeries Rival chứng minh được độ bền vượt trội trong suốt thời gian dài sử dụng thì chắc chắn Rival sẽ trở thành huyền thoại tiếp theo kế vị DeathAdder của Razer.
Cảm ơn Công ty TNHH tin học Mai Hoàng đã hỗ trợ chúng tôi thực hiện bài viết này.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng