Chuyện của công ty fintech đứng sau 100.000 tỷ giao dịch thanh hóa đơn mỗi năm qua hệ thống 40 ngân hàng, Grab, Thế giới di động
Nếu cách đây 10 năm, hàng tháng sẽ có một nhân viên điện lực hoặc nước sạch đến từng nhà dân gõ cửa để thu tiền hàng tháng, thì ở thời điểm hiện tại chỉ cần một cú chạm trên di động, người dân có thể thanh toán chi phí điện nước trong 2 giây.
Đầu tháng 4, Ban quản lý Vinhomes gửi thư cho các cư dân về việc tạm ngừng thực hiện thu trực tiếp các khoản phí dịch vụ tại quầy lễ tân các tòa nhà. Cư dân có thể sử dụng các hình thức thanh toán trực tuyến thông qua ví điện tử VinID, Internet Banking hoặc tại các điểm giao dịch của ngân hàng.
Trên hệ thống của VinID, hay các ví điện tử khác hiện nay như ZaloPay, Moca của Grab, hệ thống internet banking của các ngân hàng đều có dịch vụ thanh toán tiền điện, nước. Nếu cách đây 10 năm, hàng tháng sẽ có một nhân viên điện lực hoặc nước sạch đến từng nhà dân gõ cửa để thu tiền hàng tháng, thì ở thời điểm hiện tại chỉ cần một cú chạm trên di động, người dân có thể thanh toán chi phí điện nước trong 2 giây.
Khởi nguồn từ cổng thanh toán của một trò chơi điện tử trực tuyến
Trong một cuộc phỏng vấn qua Zoom, ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Trực tuyến Cộng đồng Việt (VietUnion) đã chia sẻ về sự ra đời của Payoo, nền tảng đứng sau các giao dịch thanh toán hóa đơn thông qua Grab (Moca), VinID, các cửa hàng Thế giới di động, FPTShop, Vinmart… với tổng giá trị giao dịch đạt 100.000 tỷ đồng/năm.
Ông Ngô Trung Lĩnh (giữa)
Xuất phát điểm từ những năm 2007-2008, bắt đầu từ cổng thanh toán chơi game, nhóm phụ trách vận hành kỹ thuật tại Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn (SaigonTel), đã quan sát và nhận thấy nhu cầu giao dịch điện tử không dừng ở các giao dịch game online mà cả thị trường thanh toán thời điểm đó rất sơ khai. Từ xuất phát điểm đó, VietUnion ra đời, lấy thương hiệu Payoo, bắt đầu phát triển công cụ thanh toán trực tuyến cho thương mại điện tử.
Tuy nhiên, một khoảng thời gian rất lâu thương mại điện tử Việt Nam mới thành hình và phát triển như hôm nay. Để tồn tại và phát triển được, Payoo quan sát việc thanh toán hóa đơn tại Việt Nam còn khá thô sơ. Thời điểm trước, nhân viên thu tiền điện nước đến từng nhà thu tiền vào giờ hành chính, số tiền được thông báo quá các tờ hóa đơn, nhưng hiện nay các gia đình trẻ rất khó có người ở nhà để thanh toán các hóa đơn này. Do đó từ năm 2011 -2012 công ty tập trung vào việc xây dựng nền tảng để hỗ trợ việc thực hiện thanh toán hóa đơn, sau khi được cổ đông Nhật Bản là NTT Data, một ông lớn trong lĩnh vực thanh toán hóa đơn của Nhật Bản vào rót vốn.
"Chúng tôi đã chủ động kết nối trực tiếp đến hệ thống điện tử của các đối tác điện nước. Thời điểm 2012-2013, để tiếp cận các công ty nhà nước rất khó khăn vì hạ tầng kỹ thuật của họ khá thô sơ, do đó chúng tôi hỗ trợ họ tạo kênh kết nối điện tử, qua kênh đó khách hàng có thể thanh toán và thấy được tiền nợ của mình trực tuyến. Để tạo niềm tin với người dân ở những ngày đầu, chúng tôi làm việc trực tiếp với các cơ sở điện lực để đặt thông tin trên website, quầy thông tin về việc Payoo là đối tác được phép của điện nước thanh toán hóa đơn. Song song đó, chúng tôi kết nối với các ngân hàng, khách hàng đến ngân hàng giao dịch có các dịch vụ cộng thêm thì họ sẽ dần quen thuộc.
Các cô đi siêu thị thấy quầy thanh toán, các đối tác liên kết đều là các đối tác tên tuổi trên thị trường và có lòng tin cao như Vingroup, FPT shop, Thế giới di động, Pico, Media Mart, Family Mart.. mọi người thấy khá quen thuộc thì thông qua đó xây dựng được niềm tin, khách hàng thấy tin cậy hơn. Khách hàng cuối cùng thấy phương thức thanh toán mới phù hợp hơn với cách trước đây", ông Lĩnh chia sẻ về những ngày đi xây viên gạch đầu tiên.
Payoo = Pay Online Offline
Payoo phát âm là "Pay-You", mang thông điệp "thanh toán cho bạn", viết tắt của Pay Online và Offline. Nghĩa là không chỉ bao gồm thanh toán trực tuyến trên internet mà bao gồm cả các quầy giao dịch ở các cửa hàng tiện lợi.
Hơn 350 nhà cung cấp dịch vụ kết nối hệ thống thanh toán với nền tảng của Payoo
Số liệu của Payoo cho biết nền tảng này hiện đã liên kết được với 40 ngân hàng, hơn 300 doanh nghiệp và kết nối với gần 12.000 điểm hỗ trợ thanh toán trên toàn quốc. Khách hàng có thể dễ dàng thanh toán được hóa đơn mọi lúc, mọi nơi qua các ví điện tử như Zalo Pay, VinID, SenPay, Moca (Grab); hệ thống cửa hàng tiện lợi, cửa hàng điện máy, cửa hàng công nghệ, siêu thị…, như Thế giới Di động, FPT Shop, VinMart, VinMart , Circle K, FamilyMart, B’s mart, Ministop, Phamarcity… hoặc thanh toán tại quầy giao dịch của ngân hàng, thanh toán online trên website, qua ứng dụng của ngân hàng hoặc Payoo.
Ông Lĩnh chia sẻ, "Payoo muốn trở thành người trợ giúp các đối tác để cùng xây dựng một kênh thanh toán hữu ích cho Việt Nam. Không có kênh nào là tốt nhất, cho dù phục vụ 3-5% đối tượng khách hàng thì mình cũng sẽ tìm giải pháp để phục vụ. Làm thế nào vùng nông thôn, các cửa hàng nhỏ lẻ cũng có thể tiếp cận được với các công cụ mới".
Việc tiếp cận cả online và offline để có thể phủ khắp được tất cả thành phần khách hàng, từ người trẻ có thể tiếp cận công nghệ, thanh toán học phí, bảo hiểm, internet, đến những bà nội trợ có thói quen đi chợ có thể ra các cửa hàng tiện lợi hay siêu thị như Vinmart, Lotte, Aeon, …để thanh toán tiền điện nước. Và đó là những khoản thanh toán thường xuyên, nên sẽ góp phần tạo khách hàng quen thuộc cho các chuỗi cửa hàng tiện lợi.
Sau 12 năm hoạt động, nền tảng của Payoo có thể xử lý thanh toán cho hơn 350 loại hóa đơn dịch vụ như điện, nước, điện thoại, truyền hình, internet, tài chính, bảo hiểm…, với tổng giá trị xử lý giao dịch qua Payoo khoảng 100.000 tỷ VND/năm (tương đương khoảng hơn 4 tỷ USD). Tốc độ tăng trưởng tổng giá trị xử lý trên mỗi giao dịch của nền tảng này đạt 50% mỗi năm trong suốt 5 năm qua. Hiện công ty này đang phục vụ 20 triệu người dân Việt Nam.
Tuy nhiên khi nói về Payoo, Tổng giám đốc Ngô Trung Lĩnh lại khá khiêm tốn và cho rằng "Payoo xem mình là một người xây dựng nền tảng để giúp các đối tác của mình tạo ra dịch vụ hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn. Là cánh tay nối dài của hệ thống ngân hàng, và là người đứng sau thúc đẩy các đối tác thành công. Khi các đối tác phát triển thì mình cũng phát triển. Chúng tôi muốn dịch vụ thanh toán mua sắm trực tuyến của Việt Nam tương đương với các nước phát triển".
Tại sao các đối tác Grab, VinID, hệ thống ngân hàng cần hạ tầng của Payoo?
Trả lời câu hỏi của người viết, ông Ngô Trung Lĩnh chia sẻ, trong suốt 9 năm qua Payoo đã kết nối được với hơn 350 nhà cung cấp dịch vụ, và con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Với các hệ thống ngân hàng hay các cửa hàng tiện lợi, ví điện tử, thay vì họ phải đi kết nối với từng đối tác một, và có thể phải mất 4-5 năm để làm như những gì Payoo đang làm, thì nếu hợp tác chỉ tốn 3-4 tuần. "Các đối tác dành nguồn lực để phát triển dịch vụ lõi của mình thì sẽ tốt hơn".
Payoo cũng cung cấp hạ tầng về máy móc, trang thiết bị điện tử cho các đối tác để có thể chấp nhận được mọi thanh toán. Thông qua một kết nối, ngân hàng có thể tiếp cận tới 12.000 cửa hàng trên toàn quốc. Với các đơn vị giao hàng cơ động, các cửa hàng có thể trang bị các máy POS di động nhỏ có thể quẹt tại chỗ bằng thẻ hay QR.
Cú hích chuyển đổi số
Dịch Covid-19 lần này xảy đến đã tạo ra một cú hích cho các doanh nghiệp chuyển đổi số và thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Với Payoo, đó là cơ hội.
Một đơn vị trong lĩnh vực giáo dục trước đây lưỡng lự trong việc học trực tuyến thì nay vì dịch Covid-19, họ yêu cầu cung cấp dịch vụ trực tuyến và phụ huynh đóng học phí qua online. "Chuyển đổi số diễn biến nhanh hơn rất nhiều", ông Lĩnh bình luận.
Trong vài năm qua sau khi tạo được kết nối thanh toán hóa đơn mang tính định kỳ hàng tháng Payoo đã phục vụ khoảng 20 triệu khách hàng thường xuyên. Công ty này đã phát triển nhiều phương tiện hỗ trợ chấp nhận thanh toán hiện đại phù hợp với sự phát triển của lĩnh vực tài chính công nghệ, như thanh toán bằng mã QR, cho phép khách hàng lựa chọn thanh toán nhiều lần thay vì thanh toán 1 lần (trả góp)…
Dư địa phát triển còn rất nhiều
Ông Ngô Trung Lĩnh chia sẻ, tính sẵn sàng tiếp cận cái mới của người Việt Nam rất cao, điều này thể hiện thông qua số người có điện thoại di động và kết nối internet khắp nơi. Tuy nhiên trong lĩnh vực tài chính ngân hàng vẫn còn một khoảng cách rất lớn trong việc tiếp cận đến tài chính công nghệ, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa. Số lượng người có tài khoản ngân hàng vẫn thấp. Gần đây Chính phủ đã đẩy mạnh hành lang pháp lý cho phép các doanh nghiệp trong lĩnh vực fintech phát triển.
"Các công ty fintech còn nhiều sân chơi để phát triển, chúng ta chỉ có khoảng 300.000 máy POS trong khi số cửa hàng nhỏ lẻ ở Việt Nam phải đến 2 triệu cửa hàng, bên cạnh đó mạng xã hội phát triển khiến các giao dịch giữa cá nhân và cá nhân mua bán online tăng mạnh, do đó không gian còn rất rộng. Tương lai sắp tới, các tập đoàn công nghệ lớn đang mở rộng dần các mảng dịch vụ mới thì các công ty fintech có nhiều cơ hội phát triển cùng", ông Lĩnh kết luận.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng