Chuyên gia an toàn thông tin cảnh báo: Mật khẩu máy tính không hề an toàn – Người dùng cần làm ngay điều này trước khi quá muộn!
Chuyên gia an toàn thông tin Viên Trần cho biết, nhiều người vẫn lầm tưởng rằng mật khẩu máy tính là an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, có rất nhiều cách để vượt qua lớp bảo mật này và dữ liệu cá nhân có thể bị xâm phạm dễ dàng.
Mật khẩu máy tính có an toàn?
Để đảm bảo an toàn, việc đặt mật khẩu trên máy tính xách tay hay máy tính để bàn chạy Windows là cần thiết đối với mỗi người dùng. Bên cạnh đó, luôn đăng xuất hoặc khóa màn hình khi rời máy tính cũng là thói quen được khuyến cáo để tăng cường mức độ an toàn.
Tuy nhiên, không có biện pháp bảo mật nào là hoàn hảo. Mật khẩu máy tính không bảo vệ dữ liệu của bạn nếu thiết bị bị đánh cắp hoặc có kẻ chủ đích dùng các biện pháp tinh vi để xâm nhập. Mật khẩu Windows chỉ có thể coi là rào cản cơ bản, bảo vệ máy tính khỏi bị truy cập trái phép theo cách thông thường.
Theo các chuyên gia an toàn thông tin, mật khẩu máy tính có an toàn hay không phụ thuộc rất nhiều từ cách đặt mật khẩu của người dùng. Nếu mật khẩu quá ngắn hoặc quá dễ đoán, nguy cơ rủi ro cho máy tính là rất lớn.
Ngoài ra, một trong những thao tác mà người dùng ít để ý khác đó là không đặt giới hạn số lần nhập sai mật khẩu đăng nhập.
Thực tế, đây cũng là một tính năng hữu hiệu để phòng trừ trường hợp kẻ gian phần nào đó biết thông tin cá nhân người dùng và có ý định "mò mật khẩu" theo cách thủ công, hoặc thực hiện tấn công dò mật khẩu theo những cách phức tạp.
Trong tình huống kẻ gian chủ đích muốn phá mật khẩu để truy cập dữ liệu cá nhân người dùng, có rất nhiều cách để thực hiện và khi ấy mật khẩu Windows khá dễ bị vượt qua.
"Đối với hệ điều hành Windows, kẻ tấn công có thể sử dụng một số thủ thuật để reset mật khẩu ví dụ như sử dụng USB boot. Tinh vi hơn, kẻ gian có thể lừa người dùng cài một số loại mã độc ví dụ như keylogger ghi lại các thao tác nhập phím để lấy được mật khẩu", anh Viên Trần, kỹ sư an toàn thông tin từ công ty giải pháp phần mềm BF cho biết.
Tất nhiên, mật khẩu Windows không hoàn toàn vô dụng. Giống như ổ khóa trên cửa nhà, chúng giúp cho những kẻ tò mò không lại gần. Nếu ai đó ở nơi làm việc hoặc ở nhà của bạn muốn bật máy tính và tìm kiếm gì đó, mật khẩu sẽ cản đường họ.
Trong trường hợp kẻ trộm chỉ muốn máy tính xách tay của bạn để lấy linh kiện chứ không phải dữ liệu cá nhân, mật khẩu sẽ cản trở kẻ trộm kém hiểu biết, tò mò muốn truy cập vào dữ liệu này. Do đó, mật khẩu Windows vẫn nên được chú trọng ở mức tối đa.
Kỹ sư Viên Trần cho biết, để tăng cường tính bảo mật của mật khẩu, người dùng nên sử dụng mật khẩu mạnh, gồm ít nhất 8 ký tự, kết hợp giữa chữ cái, số và ký tự đặc biệt.
Hơn nữa, người dùng nên đảm bảo rằng mật khẩu của mình không dễ đoán, không có liên quan đến thông tin cá nhân như tên, ngày sinh hay số điện thoại và không được sử dụng lại trên nhiều tài khoản khác nhau.
Tăng cường bảo mật
Ngoài đặt mật khẩu cho máy tính, người dùng cũng cần có các biện pháp bảo vệ khác, tạo nên lớp bảo mật kín kẽ. Thực tế, có những cách thức rất đơn giản mà bất kỳ người dùng phổ thông nào cũng có thể thực hiện như cài phần mềm diệt virus, cập nhật hệ thống và phần mềm, sử dụng tính năng mã hóa…
"Cài đặt phần mềm diệt virus và bảo mật là một bước quan trọng để đảm bảo an toàn cho dữ liệu của người dùng. Điều này sẽ giúp bảo vệ máy tính của người dùng khỏi các mối đe dọa mạng và phần mềm độc hại", kỹ sư Viên cho biết.
"Ngoài ra, hãy đảm bảo hệ thống và phần mềm của bạn được cập nhật đầy đủ, thường xuyên, nhằm chống lại các lỗ hổng bảo mật đã biết".
Tính năng mã hóa cũng là cách giúp bảo vệ tài liệu quan trọng của người dùng. Với mã hóa dữ liệu, chỉ có người dùng có mật khẩu mới có quyền truy cập. Trên macOS, người dùng có thể sử dụng tính năng mã hóa được tích hợp sẵn trong FileVault hoặc bitlocker trên Windows.
Từ khi được Microsoft trình làng, việc giải mã Bitlocker dường như vẫn là bất khả thi. Chương trình bảo mật này giúp ngăn chặn người khác truy xuất hoặc trích xuất dữ liệu ngay cả khi bị đánh cắp ổ cứng hoặc cố tình trộm dữ liệu.
Nếu một tên trộm đánh cắp máy tính của bạn và khởi động vào một hệ điều hành khác hoặc tháo ổ cứng để đưa vào máy tính khác, mã hóa sẽ ngăn việc truy cập dữ liệu trên ổ cứng.
Nếu chỉ sử dụng máy tính cho giải trí, mạng xã hội Facebook và YouTube, có lẽ bạn không cần mã hóa ổ cứng của mình. Tuy nhiên, nếu có các tài liệu kinh doanh hoặc tài chính nhạy cảm, bạn sẽ muốn sử dụng mã hóa để bảo vệ dữ liệu trên thiết bị.
Ngoài BitLocker có sẵn và miễn phí trên Windows, người dùng có thể sử dụng giải pháp khác là TrueCrypt. Khi sử dụng phần mềm này, bạn sẽ phải nhập mật khẩu mã hóa mỗi khi máy tính khởi động.
Người dùng cũng có thể tùy chỉnh lưu trữ các tệp quan trọng trong một thư mục được mã hóa riêng, trong khi các tài liệu khác có thể công khai.
Để đảm bảo an toàn cho dữ liệu, sao lưu thường xuyên cũng là thói quen tốt để tránh mất mát dữ liệu trong trường hợp máy tính của người dùng bị hỏng hoặc bị mất. Người dùng có thể sử dụng các dịch vụ lưu trữ đám mây hoặc ổ cứng ngoài để thực hiện sao lưu.
Và một trong những cách thức hữu hiệu khác mà chuyên gia khuyên bạn đó là hãy chịu khó xóa dữ liệu cũ.
"Khi không sử dụng các tập tin hoặc thư mục nào đó nữa, hãy xóa chúng hoặc đưa chúng vào thùng rác và xóa thùng rác. Điều này giúp ngăn chặn các bên thứ ba truy cập vào dữ liệu cũ", kỹ sư Viên đưa ra lời khuyên.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng
Bên cạnh những nâng cấp về phần cứng, Galaxy S25 Ultra được Samsung chú trọng vào các tính năng Galaxy AI mới.
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra