Chuyên gia chỉ ra bất cập của thành phố thẳng dài 170 km xuyên sa mạc, đề xuất đổi thiết kế thành "vòng tròn" vì các lý do này

    Anh Việt, Phụ Nữ Số 

    Nhiều chuyên gia về nghiên cứu đô thị đã chỉ ra lý do tại sao siêu dự án The Line không nên là hình mẫu cho các thành phố trong tương lai, khi dự án này chứa đầy bất cập.

    Vào tháng 10/2022, Arab Saudi đã chính thức tiến hành quá trình xây dựng dự án đầy tham vọng mang tên The Line - thành phố thẳng xuyên sa mạc, thuộc siêu dự án lớn mang tên NEOM, trị giá 500 tỷ USD.

    Nằm ở tỉnh Tabuk phía tây bắc của vương quốc nằm ở Trung Đông, điểm đáng chú ý nhất của The Line đến từ thiết kế của thành phố khi được xây dựng từ con số không trong sa mạc, trải dài thẳng từ Biển Đỏ về phía đông. Rộng 200 m và dài tới 170km, The Line bao gồm hai dãy nhà chọc trời khổng lồ, chạy song song không gián đoạn, với không gian sống ở giữa.

    Theo kế hoạch, đây cũng sẽ là thành phố đầu tiên trên thế giới được cung cấp năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng gió, năng lượng mặt trời và năng lượng hydro. Thành phố giữa sa mạc sẽ hoạt động dưới sự hỗ trợ điều hành của trí tuệ nhân tạo và được thiết kế để tồn tại hoà hợp với thiên nhiên. Thành phố cũng có đầy đủ tiện ích như công viên công cộng, khu vực cho người đi bộ, trường học, nơi làm việc. Do không có đường xá, người dùng cũng không dùng ô tô mà sử dụng các phương tiện công cộng để di chuyển.

    Chuyên gia chỉ ra bất cập của thành phố thẳng dài 170 km xuyên sa mạc, đề xuất đổi thiết kế thành "vòng tròn" vì các lý do này - Ảnh 1.

    The Line gồm 2 mặt ngoài được ốp hoàn toàn bằng gương, cùng chiều cao khoảng 500m, vượt qua tòa nhà Empire State (450 m) và tháp Eiffel (330 m). Ảnh: Internet

    Đáng nói, trong khi một số người coi đây là một thành phố ‘trong mơ’, nhiều chuyên gia về đô thị đã đặt dấu hỏi về tính khả thi của kế hoạch xây dựng The Line. Mới đây nhất, các nhà nghiên cứu từ tổ chức Complexity Science Hub hiện đã chỉ ra lý do tại sao The Line không nên là hình mẫu cho các thành phố trong tương lai, khi dự án này chứa đầy bất cập.

    Sáu mươi phút cho một chuyến đi

    The Line sẽ là nơi sinh sống của 9 triệu người - nhiều hơn bất kỳ thành phố nào khác ở Arab Saudi. Điều này có nghĩa, mật độ dân số là 265.000 người trên mỗi kilômét vuông - cao gấp mười lần so với Manhattan và dày đặc hơn bốn lần so với các quận nội thành của Manila, hiện được ước tính là đô thị có mật độ dân cư dày đặc nhất trên Trái đất. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều dấu hỏi về việc làm thế nào Arab Saudi có thể thu hút được một lượng lớn người tới sống ở đây.

    Tính di động của The Line, đặc biệt là ở thiết kế theo dạng hình thẳng đặc trưng của thành phố này, cũng là yếu tố được nhiều chuyên gia phân tích.

    “Đường thẳng là hình dạng kém hiệu quả nhất có thể của một thành phố. Có một lý do tại sao nhân loại có 50.000 thành phố, và tất cả chúng đều có hình tròn," chuyên gia Prieto-Curiel nhấn mạnh.

    Nếu chúng ta chọn ngẫu nhiên hai người trong The Line, họ cách nhau trung bình 57 km. Ở thành phố Johannesburg (Nam Phi), nơi có diện tích lớn gấp 50 lần, hai người ngẫu nhiên chỉ cách nhau 33 km. Giả sử khoảng cách đi bộ là một km, chỉ có 1,2% dân số của thành phố có thể đi bộ cùng nhau. Điều này cản trở khả năng di chuyển chủ động, dẫn tới việc mọi người sẽ phụ thuộc vào phương tiện giao thông công cộng.

    Xương sống của giao thông công cộng được quy hoạch là hệ thống đường sắt cao tốc. Tuy nhiên, hệ thống đường sắt cao tốc của The Line có thể sẽ không hoạt động hiệu quả.

    “Để mọi người có thể đi bộ đến một nhà ga, phải có ít nhất 86 nhà ga. Do đó, các chuyến tàu dành nhiều thời gian dừng tại các ga và sẽ không thể đạt được tốc độ di chuyển cao giữa hai ga bất kỳ”, nhà nghiên cứu Dániel Kondor của Complexity Science Hub giải thích.

    Chuyên gia chỉ ra bất cập của thành phố thẳng dài 170 km xuyên sa mạc, đề xuất đổi thiết kế thành "vòng tròn" vì các lý do này - Ảnh 2.

    Phối cảnh bên trong thành phố The Line, khi các tiện ích, nơi vui chơi, công viên, văn phòng nằm giữa 2 dãy nhà chọc trời. Ảnh: Internet

    Theo các nhà nghiên cứu, một chuyến đi dự kiến sẽ mất trung bình 60 phút. Khoảng thời gian này thậm chí sẽ lâu hơn với ít nhất 47% dân số của The Line. Ngay cả khi bổ sung thêm các đường tàu cao tốc, thời gian di chuyển của tàu vẫn khó có thể cải thiện thêm do hạn chế về thời gian trung chuyển. Kết quả là mọi người ở The Line vẫn tốn nhiều thời gian để di chuyển hơn so với dân cư của các thành phố lớn khác, đơn cử như Seoul (Hàn Quốc), nơi 25 triệu người di chuyển trong vòng chưa đầy 50 phút.

    Nghiên cứu cho thấy rằng mọi người muốn dành càng ít thời gian cho việc đi lại càng tốt, vì vậy giao thông vận tải hiệu quả đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công của các thành phố. Tuy nhiên, ở The Line, việc mất thời gian để di chuyển trong thành phố là điều người dân bắt buộc phải ‘chịu đựng’, khi hầu hết địa điểm làm việc, mua sắm, tiện nghi đều chỉ nằm tại đây (trong khi xung quanh là sa mạc).

    Các nhà nghiên cứu cũng phân tích về những lợi ích nếu thay đổi thiết kế của "The Line" (Đường thẳng) và biến nó thành "The Circle" (Vòng tròn). Với bán kính 3,3 km, khoảng cách giữa hai người bất kỳ sẽ chỉ là 2,9 km và 24% dân số sẽ có thể đi bộ cùng nhau. Hầu hết các phương tiện di chuyển đều có thể hoạt động (đi bộ, đi xe đạp hoặc tương tự), khiến hệ thống đường sắt cao tốc trở nên không cần thiết. Ngoài ra, The Circle sẽ có tính kết nối cao thậm chí với mật độ dân số thấp hơn, loại bỏ nhu cầu xây tòa nhà siêu cao.

    Tham khảo Phyx.org

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày